Vụ 100 bánh cocain trong lô thép phế liệu: Ai chịu trách nhiệm?

Kim Yến - 16:21, 03/08/2018

TheLEADERNgày 1/8, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã khởi tố điều tra vụ án vận chuyển trái phép 100 bánh cocain được giấu bên trong container thép phế liệu nhập về Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải.

Do tàu vận chuyển hàng cập nhiều cảng trên thế giới trong 2 tháng trước khi đến Việt Nam nên cơ quan điều tra sẽ phải phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm ma túy (C47 - Bộ Công an) và cảnh sát quốc tế để làm rõ.

Trước đó, ngày 24/7, tại khu vực Tân cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng chức năng gồm Cục hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra tàu Mark Shenzhen, phát hiện 4 bao tải màu đen. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa 100 bánh cocain trọng lượng 119 kg trong một container thép phế liệu, trị giá khoảng 700-800 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Công ty Pomina 2, bên mua lô thép phế liệu trên, đã khẳng định không nhập hàng cấm và đang tích cực phối hợp với chủ hàng cùng các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề.

Bước đầu kiểm tra cho thấy số niêm phong thực tế không đúng với chứng từ nhận hàng và vận đơn mà chủ hàng cung cấp cho Công ty Thép Pomina 2.

Vụ 100 bánh cocain trong lô thép phế liệu: Ai chịu trách nhiệm?
Ảnh: VTV

Được biết, tàu Mark Shenzhen, Quốc tịch Liberia có 26 thuyền viên, do ông Vernygora, quốc tịch Ukraine, làm thuyền trưởng, hành trình từ Trinidad & Tobago qua Panama đi Trung Quốc và đến Việt Nam cập cảng Tân cảng Cái Mép - Thị Vải vào lúc 8h ngày 24/7 để trả hàng sau đó xuất cảnh đi Singapore.

Container có chứa cocain này được xác định nằm trong lô hàng trong 17 container chứa thép phế liệu của Công ty Thép Pomina mua từ Công ty Stamcorp International Pte Ltd có trụ sở tại Singapore để làm nguyên liệu sản xuất.

Quá trình kiểm tra cho thấy số niêm phong thực tế trên container là ML-CO 0063200 không đúng với chứng từ nhận hàng bao gồm thông báo hàng đến của hãng tàu Maersk Line, packing list và vận đơn mà chủ hàng cung cấp cho Công ty Thép Pomina 2.

Vai trò của của các công ty môi giới Stamcorp và Prima Steel

Theo số liệu hải quan, trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn thép phế liệu, cả năm 2017 là 4,4 triệu tấn.

Điều đáng lưu ý là các doanh nghiệp thép Việt Nam không nhập khẩu trực tiếp thép phế liệu, mà đều thông qua các công ty kinh doanh phế liệu như Stamcorp International Pte Ltd (Stamcorp) và công ty môi giới như Prima Steel & Metals Co (Prima Steel).

Hiện nay, mỗi năm Prima Steel cung cấp cho Pomina 250 – 300 ngàn tấn phế liệu. Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên The LEADER, bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Prima Steel & Metals cho biết: Phía Stamcorp sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra Việt Nam và quốc tế. Tâm lý của họ cũng như Pomina, rất bức xúc vì sự cố này lớn quá, đối thủ sẽ tung tin sai lệch làm ảnh hưởng đến uy tín của họ.

“Đích thân vị Chủ tịch và Phó chủ tịch Stamcorp đã gọi điện cho tôi để trao đổi về sự việc này. Với vai trò đại diện của Prima Steel, tôi cũng chủ động cùng nhân viên Pomina để gặp gỡ cơ quan điều tra, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan chức năng”, bà Vân Anh nói.

Cả Prima Steel và Stamcorp đều là các đối tác lâu dài của Pomina nhiều năm qua. Trong đó, Stamcorp là nhà mua hàng có văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia. Thị trường chính của họ là Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Năm ngoái Công ty có doanh thu trên 400 triệu USD, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm.

“Công ty này duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Pomina cũng như nhiều nhà sản xuất thép hàng đầu trên toàn thế giới trong nhiều năm nay. Ở Việt Nam, Stamcorp đã cung cấp thép phế cho Pomina từ năm 2009-2011 ngoài ra họ cũng là nhà cung cấp cho Hòa Phát và các nhà máy thép ở Đà Nẵng”, bà Vân Anh nói thêm.

Đại diện của Prima Steel cũng cho biết, với lô hàng lần này, vai trò Stamcorp chỉ là mua và bán lại, chứ không đứng ra xếp hàng. Người mua thực sự là công ty Raj Recyclers LTD. Đưa hàng lên tàu làm hải quan cũng là Raj Recyclers LTD.

Cũng theo bà Vân Anh, trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng container thông qua nhiều cảng hiện nay, hải quan trong các khâu trung chuyển không kiểm tra, chỉ kiểm từ đầu vào đầu tiên và đầu cuối.

“Đây là khe hở để xuất hiện tình trạng gửi hàng bất hợp pháp. Tàu thông qua nhiều cảng thì ai kiểm soát? Và trách nhiệm của hải quan các nước tàu cập bến là ở đâu?”, bà Vân Anh nhận định.

Ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch HĐQT Pomina chia sẻ: Khi sự cố xảy ra nếu không xác định sớm chắc chắn ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Đó là lý do khi nhận được tin này, chúng tôi đã sớm ra thông báo.

“Chúng tôi biết chắc chắn không phải thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Mong muốn duy nhất của chúng tôi là làm sao nhanh chóng có kết quả về những việc này, để không ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp”, Chủ tịch của Pomina nói với phóng viên.

Khi xảy ra sự cố, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu rất ủng hộ và tạo điều kiện cho Pomina sản xuất và nhập hàng. Tình hình kinh doanh của Pomina năm ngoái rất khả quan với lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi. Cụ thể Công ty đạt doanh thu hơn 11 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận gần 700 tỷ đồng. Sau sự cố, giá cổ phiếu của Pomina giảm nhẹ, nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi trở lại.

“Chắc các nhà đầu tư cũng hiểu, nhưng chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng phải làm nhanh, làm rõ. Pomina chỉ là người mua và nhận hàng, Stamcorp mới là nhà cung cấp phế liệu nên họ mới hiểu hành trình nguồn hàng của họ”, ông Chiểu nói.

Được biết, trị giá lô hàng của Pomina mua khoảng 3 tỷ, nhỏ hơn rất nhiều so với trị giá khối lượng cocain lên đến 800 tỷ.