'Xe buýt nhanh BRT Hà Nội đang hoạt động rất hiệu quả'

Minh Anh - 16:51, 26/06/2018

TheLEADERĐó là khẳng định của ông Ngô Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của tuyến xe buýt nhanh BRT.

'Xe buýt nhanh BRT Hà Nội đang hoạt động rất hiệu quả'
BRT Hà Nội

Tại hội nghị giao ban thông tin báo chí của Thành uỷ Hà Nội chiều 26/6, trước câu hỏi về hiệu quả của tuyến xe buýt BRT, ông Ngô Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội cho biết, hiện tuyến xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội đang hoạt động rất hiệu quả, đảm bảo được chủ trương vận chuyển hành khách công cộng đã đề ra.

Theo ông Tuấn, tuyến xe buýt BRT được thực hiện từ năm 2017, đến thời điểm hiện tại, có những thời điểm tuyến xe buýt không đông người, tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, rất đông người, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thủ đô. 

Đến thời điểm này, tuyến xe buýt BRT được đánh giá là hiệu quả, phục vụ người dân rất tốt. Nhiều người dân cho biết họ rất hài lòng với việc phục vụ lịch sự, xe chạy chuẩn giờ của tuyến buýt BRT, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cũng cho rằng, hiện chỉ có một tuyến buýt BRT, sắp tới thành phố sẽ nghiên cứu thêm 2 - 3 tuyến nữa để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, một thực tế hiện nay là tỷ lệ cán bộ, công nhân viên đi xe buýt đi làm chiếm tỷ lệ rất thấp, tuy nhiên, duy nhất tuyến BRT tỷ lệ người đi làm chiếm 50%.

Thực tế, tuyến xe buýt này không chỉ xe đẹp, văn minh hơn, mà cốt lõi của xe buýt là thời gian chuyến đi nhanh hơn 20 - 25% tuyến thông thường. Điều này đã khiến nhiều hành khách bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt, ông Nhật cho hay.

Tuy nhiên, trước đó, trao đổi với TheLEADER, nhiều chuyên gia lại nhìn nhận, dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội hoạt động không hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và lãng phí cả không gian. Theo các chuyên gia, dự án BRT Hà Nội chưa đáp ứng kỳ vọng và mục tiêu khi đặt ra. Mặc dù hiệu quả chỉ cao hơn 20% so với xe buýt thường, nhưng xe buýt nhanh lại chiếm 1/3 diện tích đường của thành phố vốn đã chật hẹp. 

Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt 5/2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án được khởi công năm 2013 với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và đến tận tháng 12/2016 mới được đưa vào khai thác.

Tuyến BRT nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội này chạy theo lộ trình Bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7km, có 21 nhà chờ và 2 điểm đầu cuối hoạt động trong làn đường dành riêng, toàn tuyến có 26 xe BRT hoạt động. 

Công tác xử lý vi phạm các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT của lực lượng chức năng đang gặp phải phản ứng từ người dân, nhất là khi diện tích mặt đường trên tuyến Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ quá hẹp.

Tuy nhiên, nếu cho xe buýt thường đi vào làn đường “ưu tiên” này thì sẽ gây ra sự xung đột về giao thông, bởi xe buýt nhanh được thiết kế cửa bên trái, đón trả khách ở giữa đường.

Một báo cáo kết quả vận hành BRT Yên Nghĩa - Kim Mã sau 8 tháng hoạt động của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, lượng hành khách bình quân trên tuyến BRT này chỉ khoảng 13.000 hành khách/ngày, thấp hơn nhiều lần so với trung bình của thế giới. 

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, dự án BRT Hà Nội không đạt hiệu quả cao, lý do bởi việc khảo sát đánh giá không chính xác. Số liệu sau 8 tháng đầu tiên đi vào hoạt động là chưa đạt yêu cầu với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, thậm chí càng làm tuyến đường thêm ùn tắc.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, dự án BRT hoạt động không hiệu quả, không tương xứng với mức đầu tư. Tại Hà Nội các dự án giao thông đang rất dàn trải, càng dàn trải càng lắm dự án và càng nhiều phí, dẫn đến cuối cùng làm gì cũng dở dang, đằng sau đó là lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực...

Nhận xét trên báo chí, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, dự án BRT là một dự án lãng phí, với hơn 1.000 tỷ đồng Hà Nội có thể làm mới hơn 10 tuyến Bus thường và mua được nhiều xe mới thay thế dàn xe hiện nay.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai các dự án BRT tiếp theo, bởi kinh phí để thí điểm tuyến BRT số 01 vừa qua của thành phố đã tiêu tốn đến hơn 1.000 tỷ đồng. 

Được biết, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển 8 tuyến xe buýt nhanh, mặc dù chưa “chốt” từng tuyến cụ thể, nhưng định hướng sẽ triển khai loại hình vận tải này vào những hành lang có đông người đi, ví dụ như những tuyến có đường sắt trên cao. 

Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội chưa có đề xuất chính thức với Sở Giao thông vận tải và UBND thành phố về việc xây dựng thêm tuyến xe buýt nhanh số 02 từ Kim Mã đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc.