Y tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử?

An Chi - 21:20, 30/11/2017

TheLEADERTheo lãnh đạo nhiều cơ sở y tế tư nhân cho rằng, việc chưa có sự công bằng giữa y tế tư nhân và y tế công đang gây những khó khăn rất lớn cho hoạt động của các cơ sở này.

Y tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử?
Bệnh viên Thu Cúc

Sau hơn 20 năm Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (ngày 21/8/1997), các cơ sở y tế tư nhân đã ghi nhận những bước phát triển nhất định. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng bỏ vốn hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện, phòng khám.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực y tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong việc triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật khiến hệ thống y tế ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “ Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp kết hợp với Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã chỉ ra một số hạn chế trong việc tạo lập môi trường công bằng, bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế tư nhân.

Theo đó, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đặt trong sự so sánh giữa cơ sở khám chữa bệnh nhà nước được thực hiện nhiệm vụ chính trị, được đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất, trang bị nhân lực, trả lương, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, máy móc, thiết bị y tế.. 

Trong khi đó, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải tự trang trải kinh phí cho tất cả các lĩnh vực trên. Bệnh viện tư nhân không được thanh toán phí điều trị nội trú bảo hiểm y tế (BHYT).

Đều này đã tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa hai loại hình cơ sở khám chữa bệnh công lập và dân lập, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Xuân Bằng, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã phát triển khá mạnh. 

Tuy nhiên, nếu so với các cơ sở y tế công lập được Nhà nước được đầu tư về cơ sở vật chất và đã có thương hiệu tồn tại từ rất lâu như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động và tự xây dựng thương hiệu.

“Bất bình đẳng đang kìm hãm sự phát triển của y tế tư nhân”
Ông Vũ Xuân Bằng. Ảnh: DDDN

Do đó, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân hiện nay đang gặp những khó khăn rất lớn không chỉ về vốn mà còn nhiều vấn đề khác. 

Trong đó, vấn đề rõ ràng nhất hiện nay là sự bất bình đẳng giữa các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Điều này vô hình chung đã tạo ra những cản trở không nhỏ, kìm hãm sự phát triển của y tế tư nhân.

Bên cạnh đó, một thực tế cần nhìn nhận là đa số những cơ sở ngoài công lập còn những thiếu sót trong quá trình hoạt động là do chưa nắm chắc về chính sách, Luật y tế, Luật Khám chữa bệnh. “Còn về vấn đề trục lợi tại các cơ sở y tế tư nhân, tôi cho rằng, không chỉ y tế tư nhân mới trục lợi. Do đó, chúng ta không nên vì một vài hiện tượng làm ảnh hưởng cả một nền y tế tư nhân đang phát triển”, ông Bằng nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, hiện vẫn chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và y tế nhà nước.

Bà Hiền chỉ ra ba vấn đề cơ bản: Thứ nhất, về đào tạo và chính sách của ngành y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Có những chương trình đào tạo lại, nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của nhà nước, nhưng chỉ có cơ sở công lập mới được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được quan tâm.

Y tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử? 1
Bà Nguyễn Thị Quang Hiền.

Thứ hai, về sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Thực tế nhiều tổ chức phi Chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các bệnh viện tư nhân, nhưng cơ chế để bệnh viện tư nhân được nhận hỗ trợ thì hầu như không có, mà chỉ có đầu tư cho các cơ sở của nhà nước.

Thứ ba, chủ trương phối hợp mô hình hợp tác công tư được quy định rõ tại Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, tuy nhiên, chủ trương này gây ra nhiều bất cập. Đó là sự mất công bằng trong đầu tư, không rõ ràng giữa công và tư.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Trung ương Hùng Vương (Phú Thọ) cũng cho rằng, ở các nước Mỹ La Tinh và Châu Á, y tế tư nhân chiếm 20 – 30%, Anh (10%), Thái Lan (24%), Ấn Độ (93%)... Ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân rất thấp, chiếm 5,4%.

Ở Phú Thọ có bệnh viện tư nhân duy nhất, Tuyên Quang không có bệnh viện tư nhân nào. Một bức tranh như vậy cho thấy y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới.

Điều này chứng minh rằng y tế tư nhân của Việt Nam đang quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội. Trong những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều cơ chế chính sách cho y tế tư nhân phát triển nhưng vẫn chưa đủ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở này phát triển, ông Học nhấn mạnh.