Những 'ngọn núi' doanh nghiệp phải leo trong thực hành ESG

Ngọc Hân - 08:00, 02/05/2024

TheLEADERNhận thức được tầm quan trọng của ESG nhưng số lượng doanh nghiệp đã tiếp nhận và thực hành ESG vẫn thấp.

Tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong doanh nghiệp được ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, Chủ tịch Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) nhấn mạnh: “ESG hiện tại không chỉ là dành cho ngành thời trang, mà nó đã trở thành tiêu chuẩn có tính chất rào cản bắt buộc để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường phát triển.”

Việc áp dụng ESG vào bộ máy doanh nghiệp là cần thiết để có thể nâng cao uy tín doanh nghiệp, chấp hành quy định, quản lý rủi ro và nắm bắt cơ hội khai thác thị trường mới. Có thể thực hành ESG chuẩn chỉnh hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ với hầu hết các nhà đầu tư và thương hiệu.

Ngoài ra, dưới góc nhìn của cổ đông, báo cáo ESG cũng sẽ tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy, đồng thời chứng minh khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Chính điều này sẽ giúp doanh nghiệp hòa nhập với xu hướng toàn cầu, cùng với việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh và huy động vốn, từ đó doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa lượng tài nguyên nhận được để phát triển theo hướng có lợi nhất.

Một báo cáo do công ty tư vấn PwC công bố hai năm trước cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt sẵn sàng cho ESG – viết tắt của ba thành tố: Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị).

Trong đó, 44% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã cam kết và có kế hoạch thực thi ESG và 36% có ý định thực thi trong hai đến bốn năm tới. Chỉ có 20% doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể cho việc thực hành những yếu tố phát triển bền vững này.

Những 'ngọn núi' doanh nghiệp phải leo trong thực hành ESG
Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng trình bày tại hội thảo ESG và các hành động thực tiễn. Ảnh: BTC

Ba lựa chọn giám sát thực hành ESG

Ông Thắng đặt ra ba lựa chọn phổ biến để thành lập nên cấu trúc giám sát ESG. Mỗi lựa chọn sẽ có ưu nhược điểm riêng, nhưng ông cũng nhấn mạnh tùy vào doanh nghiệp sẽ chọn phương án thích hợp nhất để vận hành.

Lựa chọn đầu tiên là toàn bộ HĐQT tham gia và chịu trách nhiệm chính về ESG. Ưu điểm là các thành viên trong HĐQT sẽ đều hiểu rõ và cam kết với các mục tiêu ESG, hướng đến những quyết định thống nhất và nhất quán. Mô hình này phù hợp với các công ty nhỏ có quyết định tích hợp.

Mô hình này cũng đơn giản trong cơ cấu vì không cần lập các ủy ban mới, giảm thiểu sự phức tạp trong quản lý và tương tác nội bộ. 

Tuy nhiên, các thành viên HĐQT sẽ bị giới hạn chuyên môn, đồng thời cũng sẽ tăng gánh nặng công việc của họ để có thể đi sâu hơn vào các lĩnh vực ESG cụ thể. Đồng thời, việc đưa tất cả các vấn đề ESG vào nghị sự của HĐQT có thể làm quá tải công việc cho các thành viên, nhất là trong các công ty lớn với nhiều vấn đề ESG đa dạng.

Khi chọn thành lập một ủy ban ESG chuyên biệt sẽ không còn nỗi lo về quá tải công việc cho HĐQT, đảm bảo được chuyên môn từng thành viên và cho phép HĐQT tập trung dành thời gian cho các chiến lược lớn còn ủy ban chuyên trách giải quyết các vấn đề liên quan đến ESG.

Nhưng đồng thời, nếu không làm cẩn thận, các bước liên kết ủy ban sẽ có khả năng tách biệt với chiến lược chung. Ngoài ra, việc phải bỏ thêm chi phí và một nguồn lực lớn để thiết lập một ủy ban chuyên biệt cũng là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp kết hợp hai phương án trên cũng sẽ phần nào loại bỏ những lo ngại về từng phương án, đảm bảo sự linh hoạt, kết hợp được ưu điểm của cả hai mô hình, có cả chuyên môn lẫn sự tham gia của HĐQT, có thể phân công rõ ràng mỗi ủy ban và thành viên HĐQT tập trung vào các lĩnh vực ESG phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của họ.

Nhưng quyết định này đồng thời sẽ sinh ra những mối lo ngại mới. Điển hình là việc kết hợp hai bên này đòi hỏi một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa HĐQT và các ủy ban để có thể thực hiện được. Đồng thời sự kết hợp này cũng dẫn đến việc nhóm cần phải quản lý và điều phối lớn hơn, gây ra sự tốn kém về mặt thời gian.

Ồng Thắng dẫn một số liệu thống kê cho thấy có 35% các giám đốc dự định thành lập ủy ban ESG cụ thể vào năm 2024, nhưng tính đến nay chỉ có 13% đã thực hiện được. 

Và dưới ảnh hưởng của vốn hóa thị trường, các công ty có vốn hóa thị trường nhỏ thì tỷ lệ có ủy ban riêng biệt là thấp, nhưng các công ty thuộc S&P 100 có ủy ban ESG riêng biệt chiếm 31%.

Quản trị ESG trong doanh nghiệp

Để khắc phục vấn đề về chuyên môn và gánh nặng công việc cho thành viên HĐQT, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn thành lập một ủy ban ESG chuyên nghiệp. Nhưng đồng thời cũng nảy sinh mối lo ngại mới về sự tách biệt của ủy ban này với chiến lược chung của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tiếp cận kết hợp, nhiều bên bày tỏ mối lo về sự phức tạp trong việc phối hợp giữa các phòng ban, bởi chỉ khi HĐQT và các ủy ban cùng làm việc hiệu quả mới có thể đảm bảo thông tin được truyền đạt minh bạch và kịp thời, khi đó việc thực hành ESG mới đem lại lợi ích.

Nói về vấn đề này ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Phân viện IIA Việt Nam nhận định kiểm toán nội bộ sẽ trở thành cầu nối giữa các bên và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro ESG. Phía kiểm toán nội bộ sẽ cân nhắc kết hợp ESG vào kế hoạch kiểm toán, trong quá trình sẽ đánh giá hiệu quả của các quy trình và kiểm soát liên quan tới ESG.

Ngoài ra, ủy ban kiểm toán sẽ phối hợp đóng vai trò là người giám sát các thông tin, quy trình liên quan tới ESG, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn ESG. 

Cùng với kiểm toán nội bộ, hai bên sẽ xác định và báo cáo về rủi ro ESG và các lĩnh vực tiềm năng có cơ hội cải thiện.

Những ngọn núi doanh nghiệp phải leo trong công cuộc thực hành ESG
Ông Hoàng Đức Hùng nói về kiểm soát rủi ro ESG. Ảnh: BTC

Khi nhắc đến thành công trong áp dụng ESG không thể không nhắc đến Vinamilk với bộ máy phân công rõ ràng từ xác lập và định hướng, tham vấn, quản lý, thực thi đến điều phối. Khoảng thời gian từ 2014 đến 2021, các sáng kiến bền vững đã tiết kiệm được cho doanh nghiệp 237 tỷ đồng.

Ông Thắng cho rằng các vấn đề ESG nên được thảo luận thường xuyên, có thể là trong mỗi cuộc họp HĐQT, để đảm bảo sự liên kết liên tục với chiến lược doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình.

Nội dung thảo luận tập trung báo cáo tiến độ về các mục tiêu bền vững, tuân thủ các quy định về môi trường, cập nhật về các sáng kiến xã hội như tham gia cộng đồng hoặc nỗ lực đa dạng hóa, và các vấn đề quản trị như đa dạng hóa HĐQT hoặc tiền lương điều hành gắn liền với hiệu suất ESG.

Ông Thắng nhấn mạnh bên cạnh việc đảm bảo rằng các yếu tố ESG được nhúng vào các mục tiêu chiến lược dài hạn của công ty, cũng cần cung cấp kiến thức và đào tạo liên tục cho các thành viên HĐQT về các vấn đề ESG để nâng cao khả năng ra quyết định liên quan đến các vấn đề ESG.