Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước Lương Cường trao tặng trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, ban lãnh đạo và tập thể nhân viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam không giấu được niềm tự hào và xúc động. Phần thưởng cao quý ấy không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ, đánh dấu một cột mốc đầy ý nghĩa, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm cao cả và là động lực để VIMC tiếp tục phấn đấu vươn lên trong chặng đường phát triển phía trước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Huân chương Lao động hạng Nhì là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của VIMC trong lĩnh vực hàng hải và logistics. VIMC không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.

Được thành lập ngày 29/4/1995 trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải, Vinalines (tiền thân của VIMC) khi ấy có số vốn điều lệ chưa tới 1.500 tỷ đồng. Đội tàu gồm 49 chiếc già cỗi với tuổi đời trung bình hơn 21 năm, tổng trọng tải chỉ vỏn vẹn 400.000DWT, không có cảng chuyên dụng, chỉ có 6.900m cầu bến.

Dù ra đời sau nhiều công ty thành viên với điều kiện khó khăn, tổng công ty đã đảm nhận sứ mệnh gắn kết và dẫn dắt, cùng chung mục tiêu đưa ngành hàng hải Việt Nam vươn ra biển lớn. Mang trong mình bản lĩnh tiên phong và khát vọng vươn khơi, họ đã kiên định chèo lái doanh nghiệp theo hướng hiện đại, quyết tâm trở thành tập đoàn hàng hải tầm cỡ khu vực.

Sau ba thập kỷ, VIMC đã từng bước thoát khỏi vòng xoáy cũ kỹ và trì trệ, vươn mình mạnh mẽ để trở thành trụ cột của ngành hàng hải, góp phần đưa kinh tế biển Việt Nam tiến ra khơi xa. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, tổng lợi nhuận VIMC đã đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, mức lợi nhuận cao trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hiện tại, tổng công ty đã chuyển mình trở thành doanh nghiệp đại chúng với giá trị vốn hóa đạt trên 100.000 tỷ đồng, quản lý hơn 16 cảng biển trọng điểm, chiếm gần 30% thị phần hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời sở hữu đội tàu vận tải biển với năng lực vận tải ngày càng được nâng cao.

Không dừng lại ở đó, VIMC đang tập trung đầu tư vào các cảng nước sâu trọng điểm như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện và sắp tới là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, một dự án mang tầm vóc chiến lược, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế.

Để có được thành quả ấy, VIMC đã trải qua những năm tháng đầy sóng gió, từ những thời điểm thua lỗ nặng nề, đối mặt với nguy cơ phá sản, cho đến quyết định tái cơ cấu đầy dũng cảm. Đó là hành trình của bản lĩnh, tinh thần vượt khó, đổi mới và khát vọng vươn khơi.

“30 năm là một hành trình không lặng gió. Có những giai đoạn rực rỡ nhưng cũng không ít lần VIMC phải ngụp lặn trong tận cùng của khó khăn. Đã có lúc con tàu này tưởng chừng như bị nhấn chìm bởi những cơn sóng dữ của thị trường khi nợ nần chồng chất, niềm tin bị lung lay”, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VIMC chia sẻ.

Nhưng cũng chính trong thời khắc đen tối ấy, tinh thần của những con người mang trong mình lòng tự tôn về người Việt, sống với niềm tin sóng giữ không thể đánh chìm những người lái tàu bản lĩnh và chắc tay.

Cuối thập niên 2000, dù đã đạt đỉnh cao về đội tàu với 159 chiếc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bất ngờ đối mặt với khủng hoảng sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008.

Cước vận tải biển khi ấy rơi tự do, tất cả đội tàu VIMC vừa dồn lực đầu tư với tổng tải trọng gần 3,5 triệu DWT bỗng trở thành một gánh nặng khổng lồ. Việc phải “gánh” thêm các doanh nghiệp thua lỗ từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) càng như một đòn giáng liên hoàn. Thu không đủ bù chi, tất cả những nguồn lực dự trữ khi đó đều đã cạn kiệt.

Trong nước, bộ máy cồng kềnh và thiếu minh bạch càng làm trầm trọng thêm tình trạng thua lỗ kéo dài với hàng loạt dự án đầu tư dàn trải, đội tàu già cỗi. Ở thời điểm tận cùng của khó khăn, Vinalines - cái tên từng được gọi là “con bệnh trọng” đã “ôm” khoản lỗ lên tới 25 nghìn tỷ đồng, số nợ phải trả trên 66 nghìn tỷ đồng và trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Giữa bối cảnh ấy, Vinalines buộc phải chuyển mình nếu không muốn nằm mãi dưới đáy đại dương. Cuộc tái cấu trúc bắt đầu như một nỗ lực cuối cùng của cả tập thể Tổng công ty để cứu con tàu ra khỏi vực sâu đại dương. Nhưng cũng chính từ đó, một hành trình hồi sinh đã được viết nên. Họ hiểu rằng, không thể thay đổi hướng gió nhưng có thể điều hướng cánh buồm để tiếp tục ra khơi.

Con người Vinalines khi ấy và VIMC bây giờ, được thôi thúc bởi lòng tự trọng, mang trong mình khí chất của người đi biển đã nỗ lực tìm ra những giải pháp căn cơ và đột phá chưa có trong tiền lệ và được miệt mài thực thi từ 10 năm trước cho tới nay.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng công ty đã xây dựng một đề án tập trung vào việc tái cơ cấu đầu tư, tài chính, tổ chức và sắp xếp lại các doanh nghiệp. Đề án này được phê duyệt theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 như ngọn hải đăng giữa đêm đen tối cho tổng công ty tìm đường vươn lên.

Đối với khoản nợ khổng lồ, họ bắt tay vào cơ cấu lại các khoản nợ vay thông qua hình thức mua bán nợ và chuyển nợ để không bị mất cân đối giữa nợ và tài sản, đồng thời đảm bảo lợi ích ở mức tối đa cho tất cả các bên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giảm nợ.

Để thực sự hướng tới phát triển bền vững, họ đã tiến hành cuộc tái cấu trúc toàn diện, tập trung vào ba trụ cột chiến lược gồm cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải, nhưng theo hướng tinh gọn, hiệu quả và có trọng tâm hơn.

Đồng thời, ban lãnh đạo tổng công ty tiến hành tinh giản bộ máy, dũng cảm cắt bỏ những đơn vị không hiệu quả. Số lượng đơn vị được cắt giảm từ 21 xuống còn 12. Từ 73 doanh nghiệp thành viên, họ đã cắt giảm những đơn vị ngoài ngành và hoạt động không hiệu quả xuống còn 34 doanh nghiệp, tiến hành cổ phần hóa 12 doanh nghiệp. Họ cũng mạnh tay thoái vốn, hợp nhất và cho phá sản những đơn vị hoạt động kinh doanh lao dốc nghiêm trọng.

Không chỉ thay đổi về quy mô, ban lãnh đạo tổng công ty còn quyết liệt đổi mới phương thức quản trị và mô hình kinh doanh. Từ tư duy điều hành đến công cụ quản lý đều được làm mới, hướng về chiến lược "lấy khách hàng làm trung tâm" và “lấy con người làm trung tâm”, tạo ra một nền tảng vận hành linh hoạt, sát thị trường hơn bao giờ hết.

Bằng những chiến lược đúng đắn và tinh thần kiên cường, Vinalines từ bờ vực phá sản đã phục hồi và có lãi trở lại từ năm 2015, vươn mình phát triển mạnh mẽ và bước sang một trang mới, đặc biệt là khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đổi biểu trưng, chuyển mô hình hoạt động thành công ty cổ phần với thương hiệu mới VIMC vào năm 2018. Nếu cái tên Vinalines từng gợi nhắc đến một thời kỳ trì trệ của doanh nghiệp nhà nước, thì VIMC chính là biểu tượng cho một cuộc hồi sinh ngoạn mục giữa đại dương.

Chính nền tảng đó đã tạo nên sức mạnh để VIMC ứng phó linh hoạt, biến thách thức thành cơ hội trong những thời điểm khó khăn như đại dịch Covid-19 hay xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

VIMC trở nên vững vàng hơn, minh bạch hơn và sẵn sàng hội nhập theo chuẩn mực của một công ty đại chúng quy mô lớn.

Năm 2021, lần đầu tiên toàn hệ thống từ lãnh đạo tổng công ty đến các đơn vị thành viên cùng ngồi lại để xác lập tuyên bố hành động chung, thể hiện tinh thần đổi mới toàn diện. Tuyên bố hành động Đại Lải đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược điều hành doanh nghiệp, lấy hiệu quả và tính kết nối hệ sinh thái làm trọng tâm, tại nền tảng tạo nên sự thống nhất dẫn dắt VIMC vào giai đoạn phát triển mới chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập sâu rộng.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, VIMC xác định rõ sứ mệnh tiên phong trong xây dựng ngành hàng hải Việt Nam hiện đại, hội nhập sâu rộng với thế giới. Hành trình phía trước còn dài, còn nhiều cơ hội mở rộng nhưng cũng chứa đựng không ít thách thức. Cuộc chiến thương mại toàn cầu vẫn diễn biến căng thẳng, cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt, áp lực bảo vệ môi trường và chuyển đổi số ngày càng cấp bách.

“Chúng tôi xác định chiến lược của VIMC là phải tập trung đưa ngành hàng hải của đất nước lên một giai đoạn mới với vị thế mới”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC chia sẻ.

Trong những năm tới, VIMC đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển, mở rộng dịch vụ logistics và đầu tư vào đội tàu theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, VIMC cũng không ngừng hiện đại hóa thông qua chuyển đổi số sâu rộng trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) vào vận hành cảng và quản lý chuỗi cung ứng. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm thiểu tác động môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Song song với đổi mới công nghệ, VIMC đẩy mạnh chiến lược mở rộng toàn cầu. Công ty đã và đang hợp tác với các tập đoàn vận tải biển hàng đầu thế giới nhằm tăng cường kết nối hàng hải quốc tế.

Những trung tâm logistics hiện đại mà VIMC đang tập trung phát triển ở Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tuyến vận tải quốc tế, giúp tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam trên thị trường khu vực và toàn cầu. Sự hợp tác với nhiều tập đoàn đa quốc gia, cùng các thỏa thuận chiến lược với các "ông lớn" như Maersk, MSC và CMA-CGM càng chứng minh vị thế mạnh mẽ của Tổng công ty trên bản đồ hàng hải quốc tế.

Định hướng trong thời gian tới, VIMC không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững mà còn hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế về vận tải biển xanh và logistics thông minh.

“Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hàng hải Việt Nam, VIMC cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển quốc gia”, Chủ tịch VIMC khẳng định.

Với nền tảng vững chắc và chiến lược phát triển rõ ràng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực hàng hải, hướng tới tương lai phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Với những kế hoạch và tầm nhìn cụ thể, VIMC đang từng bước hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn hàng hải hàng đầu khu vực.

Ba mươi năm chỉ là khoảnh khắc lịch sử nhưng với VIMC là cuộc đời đầy thăng trầm tự hào. Trải qua muôn vàn sóng gió, họ đã hun đúc nên 5 giá trị cốt lõi: kỷ luật, liêm chính, tận tâm, sáng tạo, đồng lòng. Các giá trị này đã thấm sâu vào văn hóa, trở thành nguồn sức mạnh nội tại để giúp con tàu VIMC vững vàng vươn khơi.

Bài: Đặng Hoa

Thiết kế: Diệu Thảo

Xuất bản ngày: 12/5/2025