16 giờ 30 chiều, chúng tôi có mặt tại Tòa nhà Công ty cổ phần Appota số 11 Ngõ 71 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, khi hẹn gặp ông Trần Vinh Quang - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc vận hành (COO) Appota. Điều bất ngờ đầu tiên là dù thời gian còn khá sớm, nhưng chỉ lác đác nhân sự có mặt ở văn phòng, nhất là khi Appota gắn với danh xưng doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam - nơi mà các kĩ sư chỉ làm việc cùng những chiếc máy tính khô cứng.
Điều bất ngờ thứ hai là hóa ra rất nhiều các nhân sự ở đây đang tụ tập trên tầng thượng của Tòa nhà, vì đây là quán café, quán ăn nội bộ. Không khó để nhận ra ông Quang trong bộ trang phục giản dị là áo thun, quần bò và cặp kính đen đang ngồi cười rất tươi giữa cả loạt nhân viên xung quanh. COO Appota vẫy chúng tôi lại, ông nói đây đang là giờ ăn chiều của người Appota, đồng thời cũng là văn hóa được công ty duy trì suốt 9 năm nay.
Đặc biệt hơn, không chỉ cùng nhau ăn chiều vào khoảng 16 giờ hàng ngày, mà người Appota còn cùng nhau ăn vào mỗi sáng. “Tất cả đều miễn phí. Đây có thể xem là một văn hóa xuyên suốt ở Appota 9 năm nay. Những bữa ăn tuy nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn với chúng tôi, khi đây là khoảng thời gian để gắn kết nhân sự, giao lưu, trao đổi công việc, thậm chí là phổ cập các chính sách mới trong công ty”, ông Trần Vinh Quang chia sẻ.
Tại Việt Nam, năm 2011 được xem là thời điểm chuyển giao mạnh mẽ giữa các mẫu feature phone và smartphone. Với việc nâng cấp lên điện thoại thông minh, nhu cầu giải trí của người dân tăng cao rõ rệt, kéo theo sự phát triển của thị trường ứng dụng di động. Tuy nhiên, thời điểm đó để tải được một ứng dụng là điều không mấy dễ dàng cho người dùng. Chưa kể, các kho ứng dụng như Google Play và Apple Store là vẫn chưa phổ biến.
Nhìn ra cơ hội trong việc phát triển kênh phân phối ứng dụng di động tại Việt Nam tới người dùng cuối, cũng như với mong muốn giúp đỡ các nhà phát triển, lập trình ứng dụng gia tăng thu nhập, Appota được ra đời với 12 thành viên. Bắt đầu bằng việc phát triển kho ứng dụng trên di động, sau đó là tiến vào mảng game, Appota nhanh chóng trở thành Top 3 nhà phát hành game di động lớn nhất Việt Nam với thương hiệu Gamota vào năm 2015.
Giai đoạn sau đó, game di động của Gamota liên tục tiến ra thị trường nước ngoài, cụ thể là khu vực Đông Nam Á. Năm 2016-2018, Appota thành công với những vòng gọi vốn lớn, tạo tiền đề cho các mảng kinh doanh mới như: Adsota (quảng cáo), K-Data (hạ tầng, máy chủ), AppotaPay (thanh toán)… Cùng với đó là nhiều kênh bổ trợ cho mảng game, rộng hơn là mảng giải trí kĩ thuật số sau này gồm: trang tư vấn, đánh giá game, ứng dụng lịch, đọc truyện, xem video, xem livestream game…
Chính thức từ năm 2020, Appota hoàn thiện hệ sinh thái hơn 55 triệu người dùng tại Đông Nam Á khi công bố mảng kinh doanh mới nhất là S.A.A.S (phần mềm dạng dịch vụ) - tập trung phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong hoạt động quản trị nhân sự, tài nguyên, dự án, thông qua thương hiệu ACheckin, cũng như thử nghiệm và nghiên cứu các sản phẩm IoT, nhà thông minh.
“9 năm trước, không ai trong số 12 người chúng tôi nghĩ rằng công ty sẽ tiến được xa như ngày hôm nay. Tất cả những mảng kinh doanh hiện tại cũng chưa bao giờ được ấn định trước. Hệ sinh thái Appota ra đời và được hoàn thiện là nhờ có sự tìm tòi, ham học hỏi của mỗi nhân sự. Trong đó, mỗi mảng kinh đều mang ý nghĩa quan trọng, bổ trợ và có tính liên kết chặt chẽ với các mảng kinh doanh còn lại”, ông Trần Vinh Quang - COO Appota nói.
Thách thức lớn nhất với Appota, theo ông Quang đó là công ty bắt đầu khởi nghiệp từ rất sớm, chưa có nhiều đơn vị đi trước để học hỏi kinh nghiệm, cộng với việc liên tục mở rộng và tìm kiếm các lĩnh vực mới, nên hầu như các kiến thức có được đều phải tự học. Và cũng nhờ đó, tự học trở thành một văn hóa ở Appota. Chẳng hạn, quản lý cấp trên sẽ đào tạo cho quản lý cấp dưới, nhóm trưởng sẽ đào tạo cho các thành viên của mình.
“Để văn hóa tự học trở thành thói quen của mỗi nhân sự, chúng tôi còn đưa ra những chính sách thưởng nóng tiền mặt cho nhân sự hoàn thành các khóa học chất lượng, như IELTS với điểm số 7.0… Ý nghĩa của việc tự học không chỉ giúp nhân sự tốt lên, mà còn giúp họ chuẩn bị tâm thế luôn thích nghi với những cái mới, đặc biệt là với tốc độ thay đổi chóng mặt của ngành công nghệ hiện nay”, COO Appota chia sẻ.
Ông Quang dẫn chứng câu chuyện Yahoo từng là ông lớn một thời được định giá lên tới 60 tỷ USD, nhưng do chậm thích nghi, chậm chuyển đổi đã phải bán mình với giá 4,6 tỷ USD. Do đó, đúc kết từ các công ty Internet thành công trên thế giới, nhà đồng sáng lập này cho rằng sự chủ động sẽ giúp Appota thích nghi nhanh với xu hướng, thị trường, tránh đi vào vết xe đổ của các doanh nghiệp công nghệ trước đó.
Điều này giải thích tại sao, thông điệp “Đồng bộ thời điểm - Lan tỏa năng lượng tích cực” được chọn làm khẩu hiệu truyền thông nội bộ của Appota trong suốt thời gian qua. Theo ông Quang, khẩu hiệu này mang ý nghĩa, dù luôn đối diện những thách thức mới, nhưng người Appota sẽ luôn suy nghĩ tích cực, cùng nhau giải quyết vấn đề. Qua đó, luôn đồng tâm, hiệp lực với đội nhóm, theo kịp tiến độ đề ra, thúc đẩy công ty đi lên, vì mục tiêu chung.
Bước sang thập kỉ mới, mục tiêu mà ban lãnh đạo Appota đặt ra là trở thành công ty công nghệ đại chúng hàng đầu tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Đoàn kết, chủ động và quyết tâm sẽ là 3 yếu tố được ban lãnh đạo Appota ưu tiên nhằm thúc đẩy công ty sớm đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, tính “chủ động” liên tục được ông Quang nhấn mạnh như một văn hóa không thể tách rời ở doanh nghiệp đã 9 năm tuổi này.
“Chủ động với chúng tôi không đơn thuần là tự học, mà là người lãnh đạo sẽ trao quyền để nhân sự chủ động triển khai công việc. Hay như Appota luôn chủ động về mặt tài chính cũng vậy, dù có phát triển tới đâu, chúng tôi luôn tính đến các phương án dự phòng. Hầu hết vòng gọi vốn diễn ra đều không phải vì Appota thiếu tiền, mà là để chuẩn bị cho những cú nhảy vọt”, COO Appota nhấn mạnh.
Theo tiết lộ của COO Trần Vinh Quang, Appota đặt mục tiêu đưa mảng thanh toán AppotaPay trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn trong những năm tới. Trước đó, AppotaPay là đơn vị thứ 39 không phải là ngân hàng đã được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Nhà đồng sáng lập Appota thừa nhận, thị trường thanh toán và ví điện tử tại Việt Nam hiện rất tiềm năng, nhưng cũng rất cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải là không có hướng đi dành cho AppotaPay, nhất là khi công ty này được thừa hưởng tập khách hàng lên tới 55 triệu người dùng Đông Nam Á từ hệ sinh thái Appota. Bởi chỉ riêng tập trung phục vụ, chăm sóc 55 triệu người dùng này, theo ông Quang là đã rất thành công.
“AppotaPay nằm trong một hệ sinh thái đa dạng, mà không doanh nghiệp thanh toán nào có. Chúng tôi chọn thị trường ngách, thay vì đối đầu MoMo, ZaloPay, ViettelPay hay VNPay. Bởi dù có cho chúng tôi 100 hay 200 triệu USD để cạnh tranh lúc này cũng không chắc là nắm phần thắng, bởi một thị trường luôn có tính thời điểm”, ông Quang chia sẻ.
Vị COO tỏ ra tự tin vào định hướng phát triển mảng thanh toán của Appota khi nhìn vào bài học ở thị trường thanh toán Trung Quốc, mặc dù WeChat Pay và AliPay là 2 nền tảng thống trị, nhưng sau đó vẫn có hơn 20 đơn vị thanh toán khác nắm thị phần ít hơn và vẫn là những doanh nghiệp có giá trị.
Nhất là trong mảng kinh doanh và giải trí số, thanh toán được ví như là xương sống của mọi hoạt động. Dù muốn hay không, thanh toán là mảng không thể tách rời tại hệ sinh thái Appota và càng không thể phụ thuộc vào một bên thứ 3. Do đó, định hướng dành cho AppotaPay không nhất thiết trở thành số một trong lĩnh vực thanh toán, nhưng sẽ chiếm lấy một ngách trong thị trường này.
Không chỉ có các câu chuyện về chiến lược kinh doanh, mà ở “bộ tộc” Appota văn hóa cũng là điều rất thú vị. Giống như văn hóa “bao” nhân sự ăn sáng, ăn chiều, COO Trần Vinh Quang rất hào hứng khi nói về việc ở Appota không có định nghĩa “sếp”, “boss”, hay chỉ tay năm ngón, mà có duy nhất leader (người lãnh đạo) và nhân sự.
“Công ty này chưa bao giờ có sếp, ngay cả chỗ ngồi đây cũng là phòng họp. COO và CEO Appota cũng chưa bao giờ có phòng làm việc riêng, tiện đâu chúng tôi ngồi đấy. Bản chất của văn hóa này là xóa đi khoảng cách giữa nhân sự và người lãnh đạo. Vì mục tiêu cuối cùng là chúng ta làm việc với nhau, vì công ty, vì mục tiêu chung, chứ không vì một ông chủ nào đó”, ông Quang nói.
Nhớ lại câu chuyện hồi 2013, khi một nhà đầu tư tìm đến Appota và muốn có phòng riêng để trao đổi công việc, nhưng trong công ty lại không có bất cứ phòng riêng nào. Vậy là giữa toàn bộ nhân viên, cuộc nói chuyện giữa ban lãnh đạo và phía nhà đầu tư – tưởng chừng như rất tuyệt mật lại được công khai với toàn thể nhân sự.
“Minh bạch là phẩm chất được ưu tiên tại Appota. Chúng tôi sẵn sàng để các nhân sự biết là công ty đang gọi vốn, cũng như phát triển. Cứ đến tổng kết năm, dù công ty lãi, lỗ ra sao thì nhân sự cũng đều được thông báo. Nhưng ít nhất, dù tình hình kinh doanh không như triển vọng, thì chúng tôi cũng không để ảnh hưởng tới thu nhập của mọi người. Cho đến tận bây giờ, công ty chưa bao giờ chậm lương quá 3 ngày”, nhà đồng sáng lập Appota tiết lộ.
Tính đến thời điểm hiện tại, bộ máy Appota có hơn 400 nhân sự, với độ tuổi trung bình 25-30 tuổi, người trẻ nhất sinh năm 2000. Nhờ áp dụng chính sách không khoảng cách, không phòng riêng, nên “nút thắt” giữa các thế hệ gần như không có. Ông Quang cho biết, tuổi tác với người Appota chỉ là những con số, quan trọng là đội nhóm vẫn gắn kết với nhau, các hoạt động tương tác, trao đổi, giao lưu vẫn diễn ra thường ngày.
Nói cách khác, đó cũng chính là triết lý văn hóa tại Appota với 4 tiêu chí: trẻ trung, hiểu biết, quyết liệt, tận tâm. Ở đó, mỗi thế hệ sẽ là một mảnh ghép trong hệ sinh thái Appota, cũng như không để xảy ra sự xáo trộn quá nhiều. Bởi góc nhìn về mặt con người của ban lãnh đạo ở đây là chọn người phù hợp với tổ chức, hơn là chọn người giỏi.
"Chúng tôi hạnh phúc khi các bạn nhân sự đều coi Appota là nhà. Một ngày nào đó, bạn muốn đi ra ngoài, rồi quay về, chúng tôi sẵn sàng đón chào. Có bạn từng làm việc ở Appota, cũng rất thành công ở ngoài, nhưng sau đó vẫn muốn quay về là điều bình thường. Ai cũng vậy, dù ở bất kì tổ chức nào, được làm việc mình thích, được nói lên ý kiến cá nhân, được sống trong môi trường lành mạnh thì đó chắc chắn là nơi cho bạn ấy sự hạnh phúc", vị COO chia sẻ.
Có trường hợp, các nhân sự cũ đã rời Appota, nhưng khi biết công ty tổ chức sự kiện sinh nhật thì sẵn sàng xin được tham gia cùng, vì ở đây họ có những người anh em, đồng đội, được trao quyền, và tin tưởng. Quan trọng hơn, tất cả những văn hóa, tinh thần này đến từ tình cảm giữa người với người, từ cả hai phía là nhân sự và lãnh đạo.
Như sự kiện sinh nhật thường niên, hay các hoạt động team building của Appota cũng vậy, ban lãnh đạo chỉ đưa ra chủ đề, còn các cấp nhân sự sẽ được trao quyền để chủ động phát huy sự sáng tạo. Nhờ đó, nội dung, thông điệp truyền đi hấp dẫn, gần gũi và tiếp cận được mọi nhân sự bên dưới.
“Ban lãnh đạo công ty đã thống nhất với nhau, trong 5 năm tiếp theo, chúng tôi chỉ đưa ra định hướng, còn nhân sự sẽ là những người trực tiếp triển khai. Văn hóa tuy vô hình, nhưng lại được xây dựng từ những điều rất nhỏ. Cũng giống như cách mà Appota phát triển thành một hệ sinh thái 9 năm nay, từ một nền tảng phân phối ứng dụng, giờ đây hướng tới một doanh nghiệp công nghệ đại chúng hàng đầu ở Việt Nam”, ông Trần Vinh Quang khẳng định.
Thực hiện: Việt Hưng
15/12/2020