Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã tạo ra nhiều đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, phát triển nhanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn lại quãng thời gian 10 năm thực hiện, Nghị quyết về “tam nông” đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam: GDP ngành nông nghiệp năm 2017 đạt 2,66%, quy mô GDP của ngành tăng gấp 1,25 lần so với năm 2008; công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; 7,2 triệu lao động ở nông thôn được đào tạo nghề,…
Trong “Hội nghị Diên Hồng” cho doanh nghiệp nông nghiệp vừa được tổ chức tại Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà nông nghiệp Việt Nam đạt được trong 10 năm đổi mới. Đồng thời, Thủ tướng cũng gửi cho các doanh nghiệp trong ngành một bài toán khó. Đó là "Đặt hàng cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới sẽ đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới với ngành chế biến nông sản thuộc top 10".
Ðề bài thoạt nghe có vẻ quá sức, nhưng nhìn lại bước phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam đã có tập đoàn đạt được nền tảng vững chắc cho mục tiêu lớn mà Thủ tướng kỳ vọng.
Hồi tháng 9 vừa qua, tại vùng kinh tế đặc biệt Kaluga của tập đoàn TH đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sữa lớn nhất nước Nga với công suất 1.500 tấn/ngày. Sau khi thành công với chuỗi sản xuất sữa khép kín tại Việt Nam, tập đoàn TH đã mang công nghệ của mình tới nước Nga.
Trong chuyến thăm trang trại Tập đoàn sữa TH ở Nghệ An, ông Dmitry Stepanenko - Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực tỉnh Moscow (Nga) đã phải thốt lên ngạc nhiên khi “không tưởng tượng được ngành sản xuất sữa ở Việt Nam phát triển với công nghệ cao như vậy”.
Nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ được nhắc tới nhiều tại Việt Nam trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây, song ít người biết rằng, Tập đoàn TH đã đi đầu trong việc đưa công nghệ cao vào ngành sữa từ cách đây 10 năm và góp phần làm thay đổi hoàn toàn thị trường sữa trong nước.
Tuyên bố gia nhập ngành sữa vào năm 2008, khi sự cố sữa có nhiễm melamine khiến hàng triệu quả thận của trẻ em có nguy cơ bị chảy máu ở Trung Quốc nổ ra, có thể nói, TH bước chân vào ngành sữa khá muộn. Thời điểm đó, thị trường đã tràn ngập những thương hiệu lớn cả trong và ngoài nước, lấp đầy gần như mọi phân khúc người dùng. Khi bà Thái Hương, nhà sáng lập TH xây dựng trang trại bò sữa ở Nghệ An và khởi công nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH, chẳng mấy ai tin bà sẽ thành công.
Thậm chí, thương hiệu TH true MILK còn hứng chịu nhiều sóng gió bởi tuyên bố của vị chủ tịch “sẽ làm cách mạng trong ngành sữa tươi sạch ở Việt Nam”.
Mặc dù vậy, bà Thái Hương không nản lòng. Triết lý kinh doanh của bà Thái Hương khi sáng lập ra Tập đoàn TH đó là tập trung vào con người. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể chất và trí lực. Vậy mà thị trường sữa lúc đó 92% là nhập bột sữa hoàn nguyên về pha lại, sao có thể đảm bảo chất lượng.
Nhìn thấy vấn đề, sản phẩm sữa mà TH cung cấp hướng tới tiêu chí sạch, an toàn, và 100% phải là sữa tươi. Để làm được điều này, bà Thái Hương theo đuổi một chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đi từ gốc đến ngọn, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nhưng đổi lại là giá trị bền vững.
Năm 2009, Tập đoàn TH đầu tư xây dựng Cụm Trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á tại Nghĩa Đàn (Nghệ An). Dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, có quỹ đất tự chủ nguồn nguyên liệu với tổng diện tích quy hoạch là 37 ngàn ha, với tổng đàn bò dự kiến lên đến 137.000 con.
Xây dựng trang trại ở cao nguyên Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn), khu vực Bắc Miền Trung nhiều nắng gió, nơi từng có mô hình trang trại bò sữa chăn nuôi thất bại, ngay từ đầu chiến lược mà TH định hình ra đó là dùng công nghệ để sống thuận theo sự khắc nghiệt của tự nhiên. Isarel, quốc gia có khí hậu cũng khắc nghiệt nhưng nông nghiệp phát triển hùng mạnh, có quy trình xây dựng và vận hành trang trại nổi tiếng nhất thế giới trở thành nhà tư vấn, hỗ trợ cho sự phát triển của TH.
Một ly sữa tươi sạch đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, ngay từ những con giống đầu tiên, việc kiểm soát đã được tiến hành chi tiết. Việc lựa chọn bò giống được TH lựa chọn dựa trên 3 nhóm tính trạng chính là sức sản xuất, sức khỏe sinh sản, và cấu hình bò (xem xét đặc điểm chân móng, vú, chiều cao, cân nặng).
Từ các chỉ số di truyền đã xây dựng ở trên, TH đã tiến hành lựa chọn các con đực phù hợp từ các công ty cung cấp tinh hàng đầu trên thế giới như ABS, WWS để đánh giá sự tiến bộ di truyền qua các thế hệ đàn bò tại trang trại. Việc này đã cho trang trại thấy được tiềm năng di truyền của các thế hệ bò, kể cả những bào thai chưa được sinh ra.
Để tránh giao phối cận huyết và tối ưu hóa ưu thế lai, TH đã sử dụng phần mềm ghép đôi giao phối. Qua phần mềm này, mỗi con bò sẽ được chỉ định cho 3 kiến nghị con đực phù hợp nhất. Những điểm yếu của con bò mẹ sẽ được cải thiện bởi những con đực có điểm mạnh về những tính trạng đó.
Hàng năm TH sẽ lên kế hoạch xây dựng các chính sách cho công tác phối giống và cứ mỗi 3 tháng sẽ cập nhập và chỉnh sửa lại để phù hợp với chiến lược phát triển đàn cùng như kế hoạch sản xuất sữa đưa ra thị trường.
Hay như việc sử dụng công nghệ quản lý đàn của Afrimilk (Israel) cũng là điểm khiến bà Thái Hương tự hào. Thông qua công nghệ này, bò được đeo chip ở chân để nhận diện, giám sát, thu thập các dữ liệu sức khỏe của từng cá thể. Chẳng hạn, chỉ cần đếm số bước chân là phần mềm có thể thông báo cho quản lý biết con bò nào đang chuẩn bị động dục, hay cân, phân đàn bò tự động.
Ưu thế lớn nhất của công nghệ nằm ở tốc độ, và công nghệ trong nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Chỉ sau 14 tháng, trang trại TH đã đi vào vận hành và phát triển, mở rộng. Trang trại hiện có tổng đàn bò là 45 nghìn con, trong đó bình quân khoảng 45-50% bò cho sữa thường xuyên với năng suất sữa bình quân: 40 lít/ con/ ngày. Mỗi tháng, tại trang trại sinh ra 1.500 – 2.500 bê con tùy thuộc theo mùa.
Dần dần, tất cả những lĩnh vực liên quan trong trang trại bò sữa của TH đều được áp dụng công nghệ và tự động hóa. Đó là quy trình xuất thức ăn, nước uống, xử lý chất thải và vắt sữa tự động cho bò. Bên trong nhà máy sản xuất sữa tươi lớn nhất Đông Nam Á có công suất thiết kế 500 triệu lít/năm, người ta không chứng kiến quá nhiều công nhân đang làm việc, thay vào đó là sự xuất hiện của các dây chuyền tự động, cánh tay robot, tất cả đều đảm bảo đúng chuẩn “sạch” theo mong ước của bà Thái Hương.
Đến nay nhãn hiệu TH true MILK đã được chấp nhận bảo hộ trên 39 quốc gia, trong đó có Nhật, Mỹ, Singapore, liên minh châu Âu. Tập đoàn TH cũng là đơn vị duy nhất ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp cấp chứng nhận và thúc đẩy tiến trình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò, chế biến sữa.
Thành công của TH còn nằm ở việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ thành công. Thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, trong dự án tổ hợp nhà máy sữa lớn nhất nước Nga, những kỹ sư tại TH đã có thể vận hành trực tiếp nhiều vị trí quan trọng mà không cần tới sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài. Thậm chí, hoạt động tại Nga còn được đánh giá là… “dễ dàng” hơn ở Việt Nam, bởi khí hậu lạnh phù hợp hơn để chăn nuôi bò sữa.
Mặc dù vậy, với bà Thái Hương, thứ quan trọng hơn cả những thành tựu mà tập đoàn TH đạt được đó là 1- năm sau ngày quyết định gia nhập ngành, mong ước của bà về một thị trường sữa Việt Nam phát triển lành mạnh hơn đã dần thành hiện thực.
Thị trường sữa đã có những bước thay đổi rất đáng kể. Thị phần sữa tươi từ con số 8% toàn ngành trong năm 2008, đã tăng lên khoảng 30% vào năm 2017. Nó cho thấy người tiêu dùng đã có thể tiếp nhận sản phẩm sữa tươi đúng nghĩa ngày một dễ dàng hơn. Trong đó, TH vẫn là thương hiệu dẫn đầu với khoảng 40% thị phần.
Sự phát triển nhanh chóng của TH cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khác trong ngành tham gia vào lĩnh vực sản xuất sữa tươi. Những năm qua, tất cả các doanh nghiệp lớn trên thị trường đều tuyên bố mở rộng đàn bò sữa, giúp thị trường thay đổi lành mạnh, dần dần thoát khỏi ‘bóng ma’ sữa bột nhập từ Trung Quốc.
Nhìn nhận lại những thành quả mình đã đạt được sau 1 thập kỷ nỗ lực, bà Thái Hương đánh giá, thành công của TH là nhờ tập đoàn đã đặt lợi ích bản thân nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Một doanh nghiệp không tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách mà tối đa hóa lợi ích của cộng đồng, của người dân thì sớm muộn cũng được ghi nhận.
Và hành trình của TH vẫn tiếp tục. Sau thành công với “sữa sạch”, bà Thái Hương đang đẩy mạnh công nghệ cao để sản xuất nhiều sản phẩm sạch khác tung ra thị trường như rau quả sạch FVF, nước uống dược liệu TH true Herbal… Hiện nay, tập đoàn tiếp tục đi vào nhóm cây ăn quả, dược liệu, phát triển kinh tế dưới tán rừng, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến nước hoa quả, nước uống dược liệu sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ cụm Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á, Tập đoàn TH muốn trở thành biểu tượng cho ngành nông nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, trả lời cho ‘đề bài’ của Thủ tướng.
Thực hiện: Quốc Dũng
17/12/2018