Hàng triệu người dân lao đao vì Mekong thay đổi dòng chảy
Giữa những ngày hè đổ lửa tại Cù Lao Dung, tỉnh Đồng Tháp, ông Diệp vẫn cần mẫn với những chuyến xe ôm ít ỏi. Ít ai biết rằng, đằng sau dáng vẻ vất vả và dòng mồ hôi ướt đẫm kia lại là người từng sở hữu một nông trường mía rộng tới 180ha.
Công việc kinh doanh của ông ngày càng trở nên khó khăn khi nhân công khó tuyển hơn, chi phí sản xuất gia tăng, và đặc biệt, đất trồng ngày càng độc hại. Thiếu lũ lụt theo mùa đã khiến các chất độc hại không thể đào thải khỏi đất.
Tại Sóc Trăng, Trà Vinh, rất nhiều người nông dân đã hút nước ngầm để có đủ nước tưới tiêu cho cây trồng khi vào đợt hạn hán, và điều này vô tình dẫn tới tình trạng sụt lún đất ngày càng tồi tệ hơn.
Khu vực đất Đồng bằng sông Cửu Long vốn đã ở mức thấp và bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của mực nước biển dâng, nay càng thêm sụt lún bởi quá trình hút nước không kiểm soát của người dân.
Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chính sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy sản. Sự trù phú, phì nhiêu của vùng đất này không tự nhiên mà có, được bồi đắp hàng nghìn năm từ dòng chảy giàu phù sa của con sông Mekong.
Thế nhưng, những thay đổi từ tự nhiên và từ việc xây dựng hàng trăm đập thủy điện dọc sông Mekong đã làm thay đổi đáng kể dòng chảy của dòng sông này, đảo lộn nhiều quá trình sinh thái tại khu vực hạ lưu, theo Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020.
Các chuyên gia trong báo cáo nhận định, hiện nay và tương lai, tài nguyên nước ở đồng bằng rộng lớn này phải tiếp tục đối diện với năm thử thách thường xuyên, trong đó có hai vấn đề về số lượng nước (ngập lụt và hạn hán), và ba vấn đề về chất lượng nước (suy giảm phù sa, nhiễm mặn và ô nhiễm nước).
Lưu lượng phù sa tải về vùng đồng bằng của sông Mekong nay đã giảm một nửa còn khoảng 80 triệu tấn/năm
Tình trạng khó khăn này đang có xu thế gia tăng do tác động đồng thời của nhiều nhân tố, bao gồm hiện tượng biến đổi khí hậu – nước biển dâng, và vấn đề nước xuyên biên giới – như các dự án phát triển và vận hành hồ chứa, thuỷ điện ở thượng nguồn.
Cùng với đó là gia tăng tình trạng phá rừng, thay đổi sử dụng đất, đô thị hoá, thu hẹp các khu đất ngập nước tự nhiên, nguy cơ chuyển nước – khai thác nước trong mùa khô, và ô nhiễm nguồn nước từ gia tăng hoạt động công nghiệp và nông nghiệp dọc theo hai bên bờ sông.
Sự phát triển ồ ạt các đập thủy điện tại Trung Quốc, và sau này là Lào, đã khiến lượng phù sa chuyển đến vùng châu thổ giảm sút rõ rệt.
Trước kia, mỗi năm, sông Mekong tải về vùng đồng bằng khoảng 160 triệu tấn phù sa/năm, nhưng nay đã giảm khoảng 50%, chỉ còn 80 triệu tấn/năm, tính chỉ riêng phần thượng nguồn sông đoạn thuộc Trung Quốc. Bộ Tài Nguyên và môi trường từng ước tính thiệt hại kinh tế do sự sụt giảm phù sa vào khoảng 450 triệu USD/năm.
Trong báo cáo hồi đầu năm nay, Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết, trong liên tiếp ba năm, từ năm 2019 đến 2021, các dòng chảy trên sông Mekong đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Năm 2020 là năm khô hạn nhất tại khu vực hạ lưu sông, khi lượng mưa đều ở dưới mức bình thường hàng tháng, trừ tháng 10.
Kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, với dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng hồ chứa trong lưu vực tăng lên. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 – 2021 rất khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi.
MRC lưu ý những yếu tố trên kết hợp với nhau có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gia tăng áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, và đe dọa, gây xáo trộn các hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong.
Bức tường thành mang tên đập thủy điện
Trả lời phỏng vấn TheLEADER, ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho biết, hiện có khoảng 400 đập thủy điện đang hoạt động trên sông Mekong, và mỗi con đập này đều tác động đến dòng chảy tự tiên, dòng cá di cư và vận chuyển phù sa.
Với Đồng bằng sông Cửu Long, để có thể tồn tại và phát triển, khu vực này cần lượng phù sa được mang đến bởi những trận lũ trong mùa mưa. Những trận lũ này còn mang tới nước ngọt, cũng như giúp thải các chất độc hại cho ngành nông nghiệp, từ đó giúp đất đai thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Vị chuyên gia cho biết, các dữ liệu quan sát cho thấy các đập thủy điện ở thượng nguồn đã chặn hơn 60% lượng phù sa của sông Mekong, từ đó làm đất đai yếu hơn, kéo theo năng suất nông nghiệp giảm.
Trong khoảng bốn mùa mưa gần đây, lũ lụt tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra kém mạnh mẽ hơn so với thường lệ, mà một phần nguyên nhân là các đập thủy điện hạn chế nước trong mùa mưa, từ đó giảm tần suất và cường độ lũ. Cùng với đó, việc xây dựng nhiều đê chống lũ tại Việt Nam cũng góp phần gia tăng ảnh hưởng.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi hàng triệu người rời đồng bằng đang dần khô hạn để tới các khu vực lân cận tìm kiếm việc làm”, ông Brian Eyler đánh giá.
Chuỗi đập thủy điện tại lưu vực sông Mekong bắt đầu kể từ khi Thái Lan xây dựng đập Nam Pung tại tỉnh Sakon Nakhon thuộc khu vực Đông Bắc vào tháng 11/1965. Sau đó không lâu, nước này tiếp tục phát triển đập Nam Pong ở tỉnh Khon Kaen, và chính thức khánh thành đập vào tháng 3/1966 . Cùng năm đó, đập Ubol Ratana cũng được hoàn thành.
Hai năm sau, Thái Lan tiếp tục đưa vào hoạt động đập Lam Pao, và hoàn thành thêm đập Sirindhorn vào năm 1971, bắt đầu khai thác đập Chulabhorn năm 1972.
Tại Lào, đập thủy điện lớn đầu tiên - Nam Ngum được hoàn thành vào năm 1971.
Sau đó, dưới ảnh hưởng của chiến tranh lạnh, việc xây dựng các đập thủy điện đã tạm dừng cho đến những năm 1980, theo thông tin tổng hợp từ báo cáo Đánh giá tác động của các đập thủy điện trên lưu vực sông Mekong của các tác giả Akarath Soukhaphon, Ian G. Baird, và Zeb S. Hogan.
Đến năm 1990, đập Pak Mun bắt đầu được xây dựng trên sông Mun - nhánh sông quan trọng nhất của sông Mekong tại Thái Lan, mở đầu cho chuỗi phát triển đập thủy điện nhanh chóng sau đó. Trong những năm 1990, chính phủ Thái Lan cũng đã bắt đầu phát triển các đập thủy điện vừa và lớn khác - một phần trong kế hoạch Khong-Chi-Mun.
Tại Lào, việc xây dựng các đập thủy điện cũng bắt đầu trở lại vào giữa những năm 1990 nhờ sự hỗ trợ của đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoàn thành đập thủy điện đầu tiên có tên Mạn Loan (Manwan) vào năm 1993.
Tại Việt Nam, đập thủy điện Yaly được khởi công vào năm 1993, và chính thức hoàn thành tổ máy cuối cùng vào năm 2001.
Nhu cầu thị trường đối với năng lượng thủy điện giảm, cùng những khó khăn tài chính kéo dài do cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á đã kéo theo việc rất ít thủy điện được phát triển tại hạ lưu sông Mekong vào đầu những năm 2000.
Các phát hiện quan trọng của Ủy ban Đập quốc tế về chi phí xã hội và môi trường của các đập thủy điện cũng không khuyến khích các tổ chức lớn tài trợ cho việc phát triển đập mới vào giai đoạn này.
Tuy nhiên, các đập thủy điện vẫn tiếp tục mọc lên. Đáng kể, năm 2005, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt dự án thủy điện Nam Theun 2 vốn gây tranh cãi lúc bấy giờ, đánh dấu đập thủy điện lớn nhất khu vực sông Mekong tính đến thời điểm đó.
Trong những năm 2010, số lượng các đập thủy điện tăng lên đáng kể, đặc biệt tại Lào, Trung Quốc và Campuchia.
Tính đến đầu năm 2019, Lào có hơn 60 đập thủy điện với công suất lắp đặt hơn 7200MW, hầu hết được phát triển dựa trên mô hình BOT. Ngoài ra, 36 đập thủy điện cũng được tiến hành ở các giai đoạn khác nhau vào khoảng đầu năm 2019, dự kiến đóng góp gần 4.200MW công suất khi hoàn thành vào cuối năm 2020.
Chưa dừng lại, chính phủ Lào cũng có kế hoạch bắt đầu phát triển nhiều đập khác tới năm 2030.
Tại Trung Quốc, một số đập lớn đã được xây dựng trên dòng chính sông Mekong trong những năm 2010, bao gồm cả đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ (Nuozhadu). Hiện có 11 đập trên dòng chảy sông Mekong thuộc địa phận Trung Quốc, và nhiều đập khác đang được xây dựng.
Cứu sông Mekong bằng hợp tác khu vực thực chất
Ông Brian Eyler cho rằng, cần thiết phải có một cơ chế phản hồi và ứng phó khủng hoảng để giảm bớt tình trạng suy giảm lượng mưa trong mùa mưa trong thời gian tới.
Theo đó, các nhà vận hành đập thủy điện có thể thay đổi hoạt động nhằm tăng lượng xả nước qua các hồ chứa thay vì giữ lại, từ đó cung cấp nước cho khu vực hạ lưu, giúp duy trì sự toàn vẹn của dòng sông trong thời điểm hạn hán.
"Điều này chỉ có thể đạt được thông qua một thỏa thuận quốc tế về chia sẻ tài nguyên nước, và bằng cách thiết lập các cơ chế sự báo, cảnh báo sớm trên toàn khu vực".
"Một thỏa thuận đưa ra các biện pháp khuyến khích để thay đổi hoạt động của các đập chứa lớn nhất trên dòng Mekong tại Trung Quốc trong những thời điểm cần thiết là giải pháp đơn giản nhất", ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho biết thêm, phần lớn trữ lượng nước của lưu vực nằm trong các con đập tại Trung Quốc, trong đó, chỉ riêng đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ đã chiếm hơn 50%.
Điều đáng lưu ý là hai đập này đều thuộc sở hữu của một công ty là Huaneng Hydrolancang. Do đó, một cơ chế khuyến khích tài chính để Huaneng Hydrolancang có cơ sở đảm bảo mức dòng chảy tối thiểu và tối đa sẽ cực kỳ có lợi trong cả mùa mưa và mùa khô, ông Brian Eyler lưu ý.
Hợp đồng bảo hiểm là một phương án giúp bù đắp tổn thất doanh thu trong thủy điện, dù các điều kiện chi tiết cần quá trình thương lượng tốn kém và khó khăn giữa tất cả các bên tham gia. Tuy vậy, cách tiếp cận này vẫn tiết kiệm hơn cho các nước khu vực sông Mekong, đi cùng với hàng tỷ USD lợi ích kinh tế mà dòng sông này mang lại.
Chỉ 2 đập tại Trung Quốc đã giữ lại 50% nước ở lại thượng nguồn Mekong
Tại Diễn đàn các bên liên quan lần thứ 12 hồi cuối tháng 6, MRC kêu gọi tất cả 6 quốc gia dọc sông Mekong cùng thực hiện Chiến lược phát triển thủy điện đã được phê duyệt gần đây, để có thể tối ưu hóa lợi ích đồng thời giảm thiểu tác động của các dự án thủy điện.
Theo đó, tổ chức này mong muốn các nhà phát triển đập thủy điện có thể chia sẻ thêm thông tin về hoạt động. Đơn cử, các cảnh báo về bất kỳ kế hoạch xả nước hoặc giữ nước sẽ giúp cộng đồng ven sông Mekong có những chuẩn bị tốt hơn thay.
Về phía Việt Nam, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 7, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, một trong các giải pháp là đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023 - 2027.
Cùng với đó, khuyến khích mở rộng tham vấn, đối thoại giữa các nước thành viên về kế hoạch phát triển tài nguyên nước; tăng cường chia sẻ dữ liệu thuỷ văn, khí tượng và vận hành đập thuỷ điện; và tăng cường phối hợp giữa MLC và Uỷ hội sông Mekong.
Kiều Mai thực hiện