Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) trong báo cáo mới nhất về Chỉ số Phát triển con người (HDI) cho biết, Việt Nam đã ghi nhận những kết quả đáng kể trong thập kỷ qua về mục tiêu phát triển con người.

Đây là chỉ số quan trọng cho thấy sự phát triển của quốc gia bên cạnh thước đo tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, vào những năm 1990, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng thế giới nhưng đến nay, Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua.

Trong giai đoạn 1990 – 2022, giá trị HDI của Việt Nam nhảy vọt từ mức hơn 0,49 lên gần 0,73.

Để hiểu rõ hơn về chỉ số này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Tăng trưởng bao trùm của UNDP.

Thưa bà, trước hết, xin bà cho biết thêm về ý nghĩa của chỉ số HDI của một quốc gia? Chỉ số này được tính toán dựa trên những tiêu chí nào?

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc: Chỉ số phát triển con người (HDI) là chỉ số của UNDP sử dụng để đo lường một số chiều cơ bản trong phát triển con người: tuổi thọ và sức khoẻ, kiến thức và mức sống.

HDI được UNDP đưa ra để nhấn mạnh rằng thước đo phát triển của một quốc gia không chỉ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế. Quan trọng hơn, tiêu chí phát triển con người đánh giá sự phát triển của quốc gia.

Chiều tuổi thọ và sức khoẻ được đo bằng ước lượng tuổi thọ. Chiều kiến thức - giáo dục được đo bằng số năm đi học trung bình đối với những người từ 25 tuổi trở lên, và số năm đi học cho trẻ em ở độ tuổi tới trường. Chiều mức sống được đo bằng tổng thu nhập quốc gia trên đầu người.

Chỉ số HDI có tác dụng chính sách ở điểm là, nếu ta so sánh hai nước có mức độ tổng thu nhập quốc gia trên đầu người như nhau, lại có thể có các kết quả chỉ số phát triển con người khác nhau. Những chỉ số này phản ánh một phần chính sách quốc gia đối với những chiều phát triển con người nói trên.

Chỉ số HDI cho từng quốc gia không phản ánh sự bất bình đẳng, đói nghèo, an ninh nhân loại, hay trao quyền cho nhóm yếu thế. Dựa trên dữ liệu thu thập để xây dựng HDI, một số chỉ số khác cho thấy những khía cạnh như bất bình đẳng giới hay đói nghèo.

Bức tranh phát triển và vị trí của Việt Nam 2
Bức tranh phát triển và vị trí của Việt Nam 4

Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận sự thay đổi trong chỉ số HDI như thế nào? Bà đánh giá như thế nào về sự thay đổi đó trong so sánh với khu vực Đông Nam Á và thế giới?

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc: Trước hết phải nói lại cách đây một vài năm. Năm 2021, chỉ số HDI trên toàn thế giới giảm xuống hai năm liên tiếp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chỉ số HDI xảy ra việc này. Do tác động của Covid lên y tế, giáo dục và thu nhập, chỉ số HDI giảm.

Năm đầu tiên có Covid, nhiều quốc gia đã bị giảm chỉ số HDI. Sang năm thứ hai, trong khi một số ít quốc gia đã có dấu hiệu hồi phục, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đi xuống. Tiến bộ phát triển con người bị lật ngược, kéo lùi theo đó là tiến bộ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Cho đến năm 2023, mặc dù chỉ số này có tăng lên trên toàn cầu, nhưng con số vẫn không bằng được mức độ dự báo trước Covid. Như vậy, chúng ta có thể thấy là tiến trình phát triển con người đã đi xuống một bậc so với hồi năm 2019.

Còn một khía cạnh nữa, các điểm số HDI cho thấy một số nước giàu phục hồi các chỉ số phát triển con người nhanh hơn các nước nghèo. Ví dụ các nước OECD đều đã phục hồi chỉ số cao hơn so với 2019 - thời điểm trước Covid, tuy nhiên chỉ có phân nửa các nước kém phát triển phục hồi được.

Chỉ số HDI của Việt Nam trong hai năm 2022 và 2023 đều ở trong nhóm cao. Năm 2021, trong khi hơn 90% các nước có chỉ số HDI giảm, chỉ số ở Việt Nam gần như không thay đổi. Vào năm 2023, chỉ số HDI tăng nhẹ từ 0,703 lên 0,726.

Từ năm 1990 tới nay, Việt Nam tiến bộ trên mọi chiều của chỉ số HDI. Trong những năm 1990, chỉ số HDI tăng nhanh và mạnh. Trong những năm gần đây, mức tăng chậm lại.

Đây là do Việt Nam đã khá phát triển, có tuổi thọ trung bình khá cao, và trình độ giáo dục cũng cao so với mức thu nhập. Hiện tại tuổi thọ bình quân sau sinh là 74,6; số năm đi học kỳ vọng tăng 5,4 năm lên 13,1; và tổng thu nhập bình quân đầu người là hơn 10.800 USD.

Bức tranh phát triển và vị trí của Việt Nam 5
Theo UNDP, đối diện với những thách thức sắp tới, Chính phủ Việt Nam cần đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội có thể ứng phó kịp thời. Ảnh: Hoang Anh

Việt Nam đã ghi nhận sự thay đổi tích cực nhất ở những lĩnh vực nào? Theo bà, những chính sách, chương trình nào của Việt Nam đã giúp tạo ra những chuyển biến tích cực như vậy? Đâu sẽ là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để tiếp tục phát triển hơn nữa trong giai đoạn sau này?

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc: Chỉ số HDI của Việt Nam ổn định trong giai đoạn đại dịch, khác với nhiều nước khác. Đây phần nhiều là do nền kinh tế đã có thể tiếp tục đà tăng trưởng.

Đi kèm với việc đảm bảo kinh tế, chiến dịch tiêm vắc xin phổ cập của Chính phủ đã giúp cuộc sống trở lại như trước, giảm áp lực lên bệnh viện, trạm xá, trường học.

Chính sách của Chính phủ đã linh hoạt, thích ứng, giúp những ngành như du lịch và vận tải phục hồi nhanh chóng năm 2022.

Chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều năm đã lấy con người làm trung tâm, và đã cho nhiều kết quả tích cực về phát triển con người.

Các chiều y tế, giáo dục không thay đổi qua nhiều năm, vì những chỉ số này thực ra hay đổi rất chậm theo thời gian. Nhưng tăng trưởng kinh tế đã giúp Việt Nam tăng chỉ số và tăng xếp hạng.

Chỉ số bình đẳng giới (GII) đo sự khác biệt về phát triển con người giữa nam và nữ. Chỉ số này năm 2021 và 2023 đều tiến bộ. Chỉ số GII đo sức khoẻ sinh sản, sự trao quyền, và tham gia lực lượng lao động của phụ nữ. Trong đó, chỉ số về tử vong bà mẹ, giáo dục trẻ em gái, tham gia lực lượng lao động, đều tốt.

Đâu là những lĩnh vực, tiêu chí mà Việt Nam cần thúc đẩy, hỗ trợ hơn nữa? Theo bà, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy hiệu quả hơn và đâu là những thách thức với Việt Nam trong thời gian tới?

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc: Mặc dù chỉ số GII khá tốt, một số mặt về bình đẳng giới vẫn có thể được thúc đẩy hơn nữa. Ví dụ tỉ lệ nữ giới tham gia quốc hội vẫn còn thấp, hay tỉ lệ lãnh đạo nữ cũng có thể thúc đẩy hơn.

Trong thời gian tới, Việt Nam cũng có nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất. Nhiều người dân sẽ mất chỗ ở, mất việc làm, trực tiếp ảnh hưởng đến các chỉ số phát triển con người ở những vùng bị tác động.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế của Việt Nam cũng phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới. Suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến giá cả tăng, giảm thương mại, dẫn đến mất việc làm, ảnh hưởng tới sức khoẻ, giáo dục.

Do đó, cần có sự chuẩn bị cho những thách thức này. Chính phủ cần đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội có thể ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, đầu tư vào giáo dục đào tạo, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những điều kiện toàn cầu.

Cảm ơn bà!

Bài: Kiều Mai
Ảnh: Hoàng Anh, UNDP
Thiết kế: TheLEADER
Ngày: 07/05/2024