ầu như ai cũng cảm thấy lạ mắt với thiết kế của Sakana Spa & Resort so với những khu nghỉ dưỡng ở vùng ven Hà Nội. Mặc dù được phát triển để bán cho giới nhà giàu nhưng không phải là căn biệt thự hoành tráng, cũng không phải là những ngôi nhà ngói ba gian hai chái đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ, mỗi căn biệt thự tại Sakana Spa & Resort khiến khách hàng “ồ, à” kinh ngạc với thiết kế mô phỏng chiếc nơm cá và nón lá.
“Ý tưởng thiết kế dựa trên nền văn minh lúa nước, trong đó chiếc nơm cá là một trong những vật dụng tối quan trọng đem lại bữa cơm no ấm và chiếc nón lá che mưa, che nắng gắn với người phụ nữ bao đời nay đã dần nâng tầm thành một nét thời trang vô cùng duyên dáng”, ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Greenscape, “cha đẻ” của hai mẫu biệt thự Sakana Spa & Resort chia sẻ.
Sakana Spa & Resort sẽ có thêm hai mẫu biệt thự đặc sắc khác được xây dựng hài hoà với thiên nhiên nép mình dưới bốn cung đường hoa đặc trưng là hoa ban, hoa gạo hoa đào và hoa mơ trắng mà theo tiết lộ của ông Sơn, đội ngũ kiến trúc sư đã phải vắt óc suy nghĩ để giải quyết bài toán do chủ đầu tư đặt ra.
Bài toán mà ông Sơn nhắc đến chính là yêu cầu của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại ô đặt ra khi phát triển dự án Sakana Spa & Resort tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình.
“Chúng tôi muốn phát triển một dự án không chỉ thoả mãn nhu cầu sở hữu một bất động sản nghỉ dưỡng được thiết kế tinh tế và độc đáo mà còn tạo nên một khu nghỉ dưỡng 5 sao mang đậm dấu ấn Việt, thân thiện với người dùng và thực sự gần gũi với thiên nhiên để có thể thu hút khách du lịch đến từ Hà Nội và cả khách du lịch quốc tế đến Hà Nội muốn tìm hiểu văn hoá Việt”, ông Trung cho biết.
Mặc dù nhìn bên ngoài mỗi biệt thự có vẻ mộc mạc, đơn giản với vật liệu xây dựng từ tre kết hợp với kết cấu thép và mái lá, nhưng ông Sơn cho biết, mỗi căn nhà được thiết kế và xây dựng dựa trên những tiêu chí khắt khe về diện tích, công năng và các trang thiết bị để sau này có thể vận hành như một khu nghỉ dưỡng 5 sao.
“Chúng tôi tập trung vào cảm xúc của người dùng. Đây sẽ không chỉ là một nơi nghỉ ngơi thư giãn mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng khó quên cho du khách”, ông Sơn nói.
Trong mắt giới kinh doanh du lịch, sự thay đổi trong thiết kế của Sakana Spa & Resort giống như một “cuộc cách mạng” trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô nhằm bắt nhịp với xu hướng đổi mới, tạo trải nghiệm trong thiết kế của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng nói chung trên thế giới.
Tại hội nghị CBRE Hospitality 2019 tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Christian Low, Giám đốc chiến lược khu vực của hãng kiến trúc SB Architects cho rằng, để đảm bảo tính bền vững, thiết kế cho các dự án nghỉ dưỡng cần có sự hoà hợp với các yếu tố tự nhiên và văn hoá bản địa.
Vị kiến trúc sư này chỉ ra một thực tế là nhiều chủ đầu tư khách sạn cao cấp tại Việt Nam thường hay quên rằng khách quốc tế - đối tượng khách quan trọng của các dự án cao cấp - sẽ thích những thiết kế mới lạ nhưng vẫn đậm chất Việt Nam hơn là sự sao chép phong cách kiến trúc của những nước khác.
Chính vì thế, “cuộc cách mạng” trong thiết kế như Sakana Spa & Resort đánh dấu bước chuyển đổi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô từ chỗ chỉ đơn thuần là thị trường ngôi nhà thứ hai tiến lên một nấc thang mới là thị trường du lịch.
Theo ông Trung, để phát triển thị trường du lịch, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô phải tính toán đến việc thu hút lượng lớn du khách để kinh doanh và sinh lời, trong đó một trong những “quân bài chiến lược” là thay đổi thiết kế để mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Là nhà kinh doanh lữ hành hạng sang và đã tư vấn cho một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Hà, nhà sáng lập Lux Group chỉ ra một thực tế rằng không ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng chỉ chăm chăm bán bất động sản mà quên đi yếu tố cốt lõi là mang đến trải nghiệm cho du khách.
Theo ông Hà, du khách ngày nay không còn chỉ thăm quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà luôn tìm những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị và muốn tìm hiểu sâu sắc đời sống, văn hoá, di sản và lịch sử của điểm đến.
"Vì thế, khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào nó để khách có lý do đến trải nghiệm và muốn nghe câu chuyện bản địa hoặc của chủ nhân. Bản thân cơ sở lưu trú phải là một câu chuyện hay để nghe và khám phá, trải nghiệm trước khi du khách khám phá các địa danh và hoạt động khác xung quanh khu lưu trú tại điểm đến", ông Hà nói.
Cùng quan điểm với ông Hà, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc H&K Hospitality cũng cho rằng, khách du lịch thích trải nghiệm và khám phá văn hoá địa phương nhưng nhiều dự án nghỉ dưỡng ven đô không có nét độc đáo riêng biệt, không có “cái văn hoá” ở đó nên không thu hút được khách du lịch mà mới tập trung thoả mãn nhu cầu mua nhà nghỉ dưỡng. Một số dự án nghỉ dưỡng ven đô cũng vắng khách do vấn đề quản lý vận hành chưa chuyên nghiệp, dịch vụ nghèo nàn.
Những bất cập này đang dần được khắc phục ở một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới như Sakana Spa & Resort. Theo ông Trung, kinh doanh bất động sản vẫn là một yếu tố quan trọng của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô nhưng quản lý vận hành và kinh doanh cho thuê cũng quan trọng không kém.
"Những dự án ven đô không chỉ thoả mãn nhu cầu khẳng định đẳng cấp và nghỉ dưỡng cuối tuần của giới nhà giàu mà còn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, từ đó gia tăng sức cạnh tranh của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô so với căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng biển trong việc thu hút dòng tiền đầu tư", ông Trung nhìn nhận.
Muốn thế, các nhà phát triển dự án không chỉ mong muốn bán được bất động sản mà còn phải tính toán làm sao dự án phải hấp dẫn khách du lịch khi đi vào hoạt động để có được dòng tiền từ cho thuê.
Hầu như từ trước đến nay giới nhà giàu mua bất động sản nghỉ dưỡng ven đô như một thú chơi hơn là một khoản đầu tư. Họ có thể mua một mảnh đất lớn làm trang trại, nhà vườn hoặc biệt thự để nghỉ ngơi cuối tuần, phần lớn thời gian không sử dụng và phải thuê người trông coi.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư nhanh nhạy mua gom đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp, sau đó xây nhà bán cho các cá nhân. Mặc dù những “dự án” kiểu này được quy hoạch và thiết kế bên ngoài khá đồng bộ, nhưng bên trong mỗi căn nhà, chủ nhân lại thể hiện cá tính riêng nên cách bố trí, sắp đặt nội thất khác nhau, gây khó khăn cho việc quản lý vận hành hoặc không được quản lý vận hành chuyên nghiệp. Nếu có cho khách du lịch thuê lại thì cũng chỉ cho thuê được với giá thấp.
Trong khi đó, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển thường cam kết lợi nhuận từ 8-10%/năm do có dòng tiền từ kinh doanh cho thuê. Nhờ đó, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển thanh khoản tốt trong mấy năm qua, trong đó theo dữ liệu của công ty tư vấn CBRE, tỷ lệ tiêu thụ ở ba thị trường trọng điểm là Phú Quốc, Khánh Hoà và Đà Nẵng lên tới 80-90%.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển đã chững lại đáng kể trong hơn một năm qua do khung khổ pháp lý cho mô hình căn hộ khách sạn (condotel) chưa rõ ràng, khiến khách hàng không yên tâm xuống tiền.
Theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cũng luôn có sức hút bởi ngoài việc lựa chọn các điểm du lịch biển, khách du lịch có thêm lựa chọn các điểm đến nghỉ dưỡng ven đô để nghỉ cuối tuần. Ở những thành phố đông đúc như Hà Nội hay TP. HCM, đối mặt hàng ngày với công việc căng thẳng, ô nhiễm, tắc đường… nên du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần là nhu cầu tất yếu của nhiều người.
Lợi thế của nghỉ dưỡng ven đô là không mất nhiều thời gian và chi phí như đến các khu nghỉ dưỡng biển. Hơn nữa, giao thông thuận tiện cùng với phương tiện ô tô cá nhân tăng nhanh giúp người dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dễ dàng tiếp cận với vùng ngoại ô mà không mất thời gian chuẩn bị hành lý, lịch trình và mua vé máy bay.
Trước viễn cảnh đó, các nhà đầu tư cá nhân cũng không bỏ lỡ cơ hội mua biệt thự nghỉ dưỡng ven đô vừa để nghỉ dưỡng vừa để sinh lời. Trong đó, những dự án được thiết kế chuyên nghiệp và có định hướng kinh doanh rõ ràng như Ohara, Sakana hay Flamingo Đại Lải đã và đang là tâm điểm chú ý của khách hàng có nhu cầu mua bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Mỗi căn biệt thự tại Ohara hay Sakana có giá bán từ 2 - 4 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với một căn hộ nghỉ dưỡng biển. Ở những dự án có danh tiếng lâu năm hơn như Flamingo Đại Lải, giá biệt thự có thể lên đến 10 - 20 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, một số nhà phát triển bất động sản đã nhanh chóng chuyển hướng, trong đó, vùng ven các đô thị lớn trở thành điểm đến của nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng có quy mô lớn hơn, thiết kế và vận hành chuyên nghiệp hơn. Bất động sản nghỉ dưỡng các tỉnh ven Hà Nội và TP. HCM lại trỗi dậy, trong đó một trong những địa phương có sức hút mạnh mẽ nhất là tỉnh Hoà Bình.
Với lợi thế nằm liền kề Hà Nội, giao thông thuận tiện hơn sau khi đường cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình hoàn thành và rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai nơi còn 1 tiếng, cộng với cảnh quan thiên nhiên đẹp và bản sắc văn hoá độc đáo, Hoà Bình đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn.
Cùng với sự xuất hiện của các khu nghỉ dưỡng mới như Sakana và Ohara là những doanh nghiệp như FLC Group, Geleximco, Phú Mỹ Hưng, T&T Group, Pacific Group cũng đang xúc tiến đầu tư hàng loạt dự án lớn tại Hoà Bình, đặc biệt tại huyện Kỳ Sơn và khu du lịch quốc gia hồ thuỷ điện Hoà Bình.
Ở phía Nam, những dự án như Aqua City tại Đồng Nai do Novaland phát triển hay mới nhất là West Lakes Golf & Villas ở Long An do Trần Anh Group phát triển cũng không đơn thuần là thoả mãn nhu cầu sống trong môi trường sinh thái mà còn nhắm đến đối tượng khách hàng mua ngôi nhà thứ hai vừa để nghỉ dưỡng, vừa kinh doanh du lịch.
Mô hình condotel vốn chỉ có ở những thị trường du lịch biển nay cũng xuất hiện ở ven đô. Tiếp theo thành công của khu căn hộ khách sạn Forest in the Sky, Tập đoàn Flamingo tiếp tục phát triển thêm một tổ hợp căn hộ khách sạn trong dự án Flamingo Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc – cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.
Tham vọng hơn, Công ty CP Onsen Fuji đã công bố dự án Wyndham Lynn Times tại khu du lịch Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, với hơn 2.000 căn hộ khách sạn và hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng.
Được thiết kế chuyên nghiệp hơn để có thể vận hành theo tiêu chuẩn khách sạn 4-5 sao, Sakana Spa & Resort, Wyndham Lynn Times và Flamingo Đại Lải là những điểm nhấn nổi bật thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Đặc biệt, đã có sự xuất hiện của những nhà quản lý vận hành khách sạn quốc tế ở khu vực ven đô như Meliá tại Ba Vì và Wyndham tại Thanh Thuỷ.
Ông Trung cho biết, ngoài thiết kế đặc biệt mang dấu ấn đặc trưng của văn hoá Việt, dự án Sakana Spa & Resort còn có những khu dịch vụ mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách như khu đỉnh đồi ngắm hoàng hôn và khu thung lũng thưởng sương sớm. Không những thế, ông Trung còn tính đến cả việc áp dụng công nghệ hiện đại như bể bơi Bio Design thiết kế uốn lượn theo địa hình thung lũng, sử dụng muối ăn điện phân để khử trùng chứ không dùng hoá chất.
“Chúng tôi còn đang nghiên cứu đến check-in bằng điện thoại di động để khách có thể tự check-in và đi thẳng đến phòng chứ không phải qua lễ tân”, ông Trung tiết lộ.
Thực hiện: Giang Sơn - Thiết kế: Việt Anh
19/11/2019