Đà Nẵng trước đây là địa phương đi đầu trong trong xúc tiến du lịch, áp dụng công nghệ cũng như thu hút và đào tạo nhân tài, nên đã phát triển trở thành một điểm đến du lịch độc đáo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều địa phương khác cũng học tập Đà Nẵng cũng như sự năng động của Cục Du lịch quốc gia khiến Đà Nẵng rơi vào “bẫy” cạnh tranh điểm đến.
Đơn cử, trước đây Đà Nẵng đã thành công trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh như một điểm đến của kỳ nghỉ biển, cửa ngõ đến các di sản thế giới. Nhưng khi các địa phương lân cận cũng phát triển tạo thành chuỗi Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế thì Đà Nẵng mất lợi thế này.
Trước đây, Furama là khu nghỉ dưỡng 5 sao duy nhất ở miền Trung nhưng hiện nay, các thương hiệu khách sạn 5 sao quốc tế không chỉ hiện diện ngày càng nhiều ở Đà Nẵng mà còn cả Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Du khách có nhiều lựa chọn hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành du lịch – khách sạn của Đà Nẵng trong năm 2024, đòi hỏi Đà Nẵng phải có chiến lược bứt phá bằng sản phẩm mới.
Thách thức trước hết là làm sao đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa để phân khúc này có thể tăng trưởng hai con số. Đây là đối tượng khách hàng chúng ta không thể bỏ quên. Năm 2022, khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng cũng từng tăng trưởng hai con số, nhưng hiện Đà Nẵng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của những điểm đến khách trong nước như Phú Quốc, Nha Trang.
Đối với khách quốc tế, Đà Nẵng vẫn tập trung thu hút nguồn khách từ các thị trường truyền thống, nhưng có cơ hội thu hút thêm một đối tượng khách hàng “mới mà cũ” là Ấn Độ. Mặc dù Đà Nẵng chưa có đường bay kết nối trực tiếp với Ấn Độ nhưng họ không ngại di chuyển vất vả, miễn làm sao tiết kiệm chi phí, nên có một nửa khách Ấn Độ đến Việt Nam lựa chọn du lịch Đà Nẵng.
Đà Nẵng hiện nay có một vị thế mà những điểm đến khác chưa có được, đó là Đà Nẵng là điểm đến của lễ hội và sự kiện. Đà Nẵng đã thành lập câu lạc bộ MICE, đẩy mạnh quảng bá các trung tâm hội nghị và cần tiếp tục phát huy cũng như quảng bá để Đà Nẵng là điểm đến cho các sự kiện doanh nghiệp.
Đà Nẵng đã thu hút được những sự kiện doanh nghiệp quốc tế, thu hút được hàng nghìn doanh nhân châu Á đến hội họp và nghỉ dưỡng. Nếu chúng ta tiếp tục tiếp cận được những doanh nhân này thì sẽ tiếp tục thu hút được doanh nghiệp của họ đến Đà Nẵng tổ chức sự kiện cũng như gia đình họ đến nghỉ dưỡng.
Một hướng đi mới mà chúng tôi đang xúc tiến là phát huy thế mạnh của Đà Nẵng trong tổ chức lễ cưới với thương hiệu “Đà Nẵng – A city of wedding”. Đà Nẵng có lợi thế về tài nguyên và con người để xây dựng thương hiệu thành phố của lễ cưới. Chúng tôi đang xây dựng bộ định dạng thương hiệu để trước mắt thu hút khách trong nước đến Đà Nẵng tổ chức lễ cưới, tiếp đó là các cặp đôi giữa người Việt Nam và người nước ngoài rồi hướng đến các cặp đôi nước ngoài.
Vấn đề tiếp theo là tập trung vào đào tạo và nâng tầm chất lượng du lịch Đà Nẵng. Hậu Covid, nhiều nhân sự của ngành du lịch – khách sạn bỏ nghề, nguồn nhân sự chưa ổn định, nhân sự mới chưa nhiều kinh nghiệm.
Chúng tôi thông qua các câu lạc bộ, các hội, hiệp hội để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp và thực trạng đào tạo của các trường nghề, trường đại học nhằm thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo, cử các nhân sự quản lý bộ phận, giám đốc các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tham gia vào công tác giảng dạy tại trường cũng như tại các cơ sở lưu trú.
Đồng thời, chúng tôi kết hợp với Học viện IBH đặt tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng - hiện là học viện thử nghiệm của chương trình Đào tạo quản trị du lịch cao cấp (EHT) tại Việt Nam - nhằm đào tạo ra lớp lãnh đạo các khách sạn nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế.
Các khách sạn nghỉ dưỡng cũng tận dụng AI để xử lý thông tin, nghiên cứu thị trường, sáng tạo nội dung và những công việc hành chính mang tính chất lặp lại, vừa giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả công việc, vừa tập trung vào tạo trải nghiệm ý nghĩa cho khách hàng. Việc đầu tư đào tạo chuyên sâu về sử dụng AI phải gắn liền với chiến lược xây dựng thương hiệu của du lịch Đà Nẵng.