Analytic

CEO HSBC Việt Nam: 2024 sẽ là năm tốt đẹp hơn

Trong cuộc trò chuyện mới nhất với TheLEADER, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans đã chia sẻ góc nhìn về triển vọng tăng trưởng kinh tế 2024 cùng một số kế hoạch của ngân hàng này tại Việt Nam.

Xin ông cho biết một số kế hoạch của HSBC tại Việt Nam trong năm tới? Đâu sẽ là những lĩnh vực ưu tiên và vì sao?

Ông Tim Evans: Sau một năm 2023 đầy thách thức, HSBC tin rằng triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 sẽ sáng sủa hơn. 

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 6%, cao hơn mức 5% năm ngoái, tạo đà cho Việt Nam lấy lại xu hướng tăng trưởng trước Covid. Động lực tăng trưởng chính sẽ là dòng vốn FDI, du lịch và tâm lý người tiêu dùng phục hồi.

Đối với HSBC, hiện tại, chúng tôi đang có một chiến lược đúng đắn, một thương hiệu có độ nhận diện tốt và một đội ngũ tuyệt vời, cùng một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ luôn tích cực khuyến khích nhân viên nói lên suy nghĩ của mình, hợp tác và nỗ lực để ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay.

Mạng lưới quốc tế của chúng tôi tiếp tục là một lợi thế cạnh tranh quan trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. 

Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng năng lực trong và ngoài nước, đảm bảo chúng tôi có thể mang đến cho khách hàng doanh nghiệp trong nước cũng như những tập đoàn đa quốc gia thật nhiều ý tưởng mới và giải pháp tài chính sáng tạo, giúp họ vượt qua thách thức đồng thời sẵn sàng nắm bắt cơ hội tăng trưởng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển dịch của Việt Nam hướng đến cân bằng phát thải, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với khách hàng trên hành trình hướng đến cân bằng phát thải của họ. 

Vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay. Để giữ cho mức độ nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C đòi hỏi chính phủ các quốc gia, các tổ chức và định chế thuộc cả khu vực công lẫn tư phải đồng hành phối hợp cùng nhau. 

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đầy tham vọng đạt cân bằng phát thải vào năm 2050. Là một trong những ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới, HSBC có vị thế thuận lợi để hỗ trợ hành trình chuyển dịch của Việt Nam.

Một mảng khác chúng tôi đang tập trung vào chính là hỗ trợ lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam vốn đang tiếp lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm (gấp 3 lần tăng trưởng GDP), Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính lĩnh vực này đóng góp 16,5% GDP năm 2023 của cả nước.

Thị trường tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và điều này đồng nghĩa thu nhập và tài sản gia tăng ở mọi phân khúc trong xã hội. Nghiên cứu của HSBC cho thấy Việt Nam đang trên đà trở thành một trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2023. 

Chúng tôi kỳ vọng sự phát triển mang tính cấu trúc này sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và giải pháp quản lý tài sản và tài chính cá nhân, đặc biệt trong mảng bán lẻ và quản lý tài sản. 

Với sự chú trọng của chính phủ dành cho tài chính toàn diện, số hóa và tăng trưởng bán lẻ, chúng tôi nhìn thấy một cơ hội lớn lao cho thị trường dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân Việt Nam. 

Ở đó, có ba cơ hội chiến lược phù hợp với thế mạnh của chúng tôi là thúc đẩy tăng trưởng mảng cho vay không bảo đảm, tận dụng sức mạnh thương hiệu nhằm thắt chặt quan hệ cốt lõi với nhóm khách hàng trung lưu và phát triển mảng vay thế chấp trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của nhóm trung lưu tăng lên.

Cuối cùng, Việt Nam đang nỗ lực để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025 và đội ngũ dịch vụ chứng khoán của chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này. Khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn các khoản đầu tư từ nước ngoài vào.

Theo ông, đâu sẽ là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong năm tới? Cùng với đó, đâu là những thách thức cần lưu tâm?

Ông Tim Evans: Nền kinh tế bên ngoài sẽ luôn có những lúc lên xuống nhưng chúng tôi tin 2024 sẽ là một năm tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP trở lại mức 6%, áp lực lạm phát sẽ giảm bớt, thương mại sẽ dần tăng trở lại và du lịch sẽ mang lại cú hích cho nền kinh tế.

Năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế châu Á đầu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ sở trong quý II từ đỉnh 6%. 

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều bởi thương mại toàn cầu suy yếu, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2023 và NHNN phải cắt giảm lãi suất để giải quyết tình trạng này. 

Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và người dân chi tiêu nhiều hơn. Lãi suất giảm khiến chi phí vay rẻ hơn, khiến doanh nghiệp và người dân có tiếp cận được nguồn tín dụng để đầu tư. Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để tiến hành những hoạt động đầu tư có ý nghĩa.

Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, mang lại một cơ hội to lớn cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường mới, đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam hơn. 

Điều này cũng hỗ trợ chuyển giao kiến thức và công nghệ giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước.

CEO HSBC Việt Nam: 2024 sẽ là năm tốt đẹp hơn 2
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia là 'cửa ngõ' giúp doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận các thị trường mới dễ dàng hơn. Ảnh: Hoàng Anh

Một trong những thách thức lớn trong năm 2024 là nhu cầu từ các thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. 

Chúng tôi không kỳ vọng sự thay đổi lớn từ Trung Quốc cũng như đột biến về nhu cầu của thị trường Mỹ ngay cả khi lãi suất của Fed được dự báo sẽ từ từ giảm xuống trong năm 2024. 

Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi khiêm tốn trong xuất khẩu năm nay. 

Trong bối cảnh đó, khai thác thị trường xuất khẩu mới là nước đi hợp lý đối với Việt Nam, dữ liệu năm 2023 chính là minh chứng cho điều đó. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Indonesia tăng gần 12% so với năm ngoái trong khi xuất khẩu sang Saudi Arabia tăng gần 58% so với năm 2022.

Một vấn đề quan trọng cũng cần theo dõi sát sao trong năm 2024 là việc triển khai thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, hiệu lực từ 1/1. 

Ở Việt Nam, 122 công ty nước ngoài sẽ đối mặt với chi phí thuế tăng đột ngột, ước tính tạo ra nguồn thu ngân sách trị giá 600 triệu USD mỗi năm. Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá được tác động nhưng những tác động này có thể nằm trong tầm kiểm soát.

Lạm phát cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ trong năm 2024, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát là 4-4,5%. Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024.

Một vấn đề cũng cần chú ý là sự biến động trên thị trường ngoại hối. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ sẽ duy trì áp lực tăng trong nửa đầu năm 2024, tạo ra một vài thách thức cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu.

Giữa những thách thức như vậy, HSBC có kế hoạch để vượt qua như thế nào?

Ông Tim Evans: Những gì tập thể HSBC Việt Nam đã đạt được tính tới thời điểm này là minh chứng cho thấy chúng tôi có khả năng vượt qua được một bối cảnh phức tạp như năm 2023. 

Chiến lược của chúng tôi vẫn đang rất hiệu quả và chúng tôi sẽ duy trì, phát huy điều đó trong tương lai dù có bất kỳ khó khăn nào xảy ra. Điều quan trọng là phải thích nghi được với thị trường bên ngoài và luôn kề vai sát cánh cùng khách hàng. 

Với triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2024, chúng tôi cần tiếp tục đầu tư vào những mảng mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh, phục vụ khách hàng và khơi nguồn cảm hứng cho đội ngũ nhân viên nỗ lực vượt bậc.

HSBC đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024? Đâu sẽ là trụ cột chính cho tăng trưởng?

Ông Tim Evans: Năm Quý Mão đã khép lại, năm Giáp Thìn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang phục hồi đúng tiến độ, nhiều khả năng sẽ lấy lại được đà tăng trưởng 6% trong năm 2024, một trong những mức tăng cao nhất châu Á.

Một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam tiến xa hơn chính là triển vọng FDI dài hạn tích cực. Dòng FDI ổn định sẽ giúp gia tăng năng lực thương mại cho Việt Nam, mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều.

Bên cạnh sản xuất, ngành dịch vụ mạnh mẽ tiếp tục là nền tảng hỗ trợ tăng trưởng cho Việt Nam. Lĩnh vực này trong quý IV/2023 đã tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ, chủ yếu là các mảng liên quan đến du lịch, bao gồm bán lẻ, vận tải và lưu trú.

Như tôi vẫn thường nói, câu chuyện về Việt Nam không chỉ xoay quanh FDI và các tập đoàn đa quốc gia. Tôi quan sát được sự lớn mạnh của các tập đoàn trong nước và đây chính là một động lực mang lại thành công cho nền kinh tế.

Quá trình chuyển dịch sang cân bằng phát thải của Việt Nam cũng là một mảng mang lại cơ hội và tạo ra tăng trưởng. 

Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 sẽ chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải vào năm 2050 và việc này đòi hỏi lượng đầu tư không hề nhỏ. Trong đó, chuyển dịch năng lượng hiện là vấn đế ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, đồng thời cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. 

Lượng điện tiêu thụ của Việt Nam đang tăng nhanh do dân số gia tăng, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và lĩnh vực công nghiệp nở rộ. Việt Nam sẽ cần 14 tỷ USD đầu tư hàng năm để đạt được mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050, nghĩa là đến 2030 cần tới trên 100 tỷ USD và đến 2050 là trên 300 tỷ USD.

Một động lực tăng trưởng khác của nền kinh tế Việt Nam chính là lĩnh vực kinh tế số. Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt giá trị 45 tỷ USD vào năm 2025. Với sự hỗ trợ của chính phủ và nhu cầu mạnh mẽ trong nước, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển trong năm 2024 và xa hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào các chính sách, hành động ra sao?

Ông Tim Evans: Trong bối cảnh của Việt Nam, chất lượng của nguồn lực và năng suất lao động cần không ngừng cải thiện. 

Việt Nam vẫn đứng sau các nước ASEAN khác về năng suất lao động với sản lượng trên mỗi giờ làm việc ở mức thấp là 9.7 so với 10 - 26 của các quốc gia láng giềng trong ASEAN. 

Lương tối thiểu của Việt Nam duy trì ở mức 48% của Trung Quốc, 60% của Myanmar và 83% của Indonesia và xếp hạng khả năng tiếng Anh của người Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Myanmar, Philippines và Singapore mặc dù cao hơn Thái Lan và Indonesia.

Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất… 

Hạ tầng logistics chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng khối lượng vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển.

Nhằm đón nhận các xu hướng thay đổi theo hướng phát huy lợi thế của Việt Nam, các quy định và thủ tục hành chính cần thông suốt hơn, đơn giản hơn đặc biệt là trong các quy trình thủ tục liên quan đến thị thực và thuế, tập trung hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư. 

Thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. 

Theo khảo sát HSBC Global Connection mới nhất, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.

Cảm ơn ông! 

Thực hiện: Kiều Mai 

Xuất bản: 03/03/2024