Bắt đầu hình thành từ khoảng năm 1893, từng có thời Đà Lạt được quy hoạch trở thành điểm nghỉ dưỡng hút khách bậc nhất Việt Nam nhờ sở hữu địa hình cao nguyên thơ mộng, cũng như khí hậu lý tưởng chẳng kém vùng ôn đới ở châu Âu.
Theo thời gian, hoạt động du lịch tại Đà Lạt ngày một phát triển, hạ tầng ngày một hoàn thiện, lượng du khách tới Đà Lạt ngày một đông hơn. Tính riêng năm 2018, Đà Lạt - Lâm Đồng đón hơn 6,5 triệu lượt du khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm chủ yếu là du khách trong nước.
Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị, người ta tìm đến Đà Lạt để được sống chậm hơn, để sống trọn 24 giờ, từ lúc những ánh nắng ban mai thức giấc, đến khi bóng hoàng hôn lấp dần sau những rặng cây, để có thể cảm nhận từng điều giản đơn trong cuộc sống.
Minh Châu (29 tuổi) – một bạn trẻ đam mê du lịch trải lòng: “Mình có một nhóm bạn thường xuyên kéo nhau lên Đà Lạt chơi. Cảnh quan đẹp, không gian thơ mộng, nhịp sống chậm rãi là tất cả những gì bọn mình tìm kiếm. Với mình, chẳng có gì tuyệt vời hơn là một buổi chiều nhâm nhi ly cà phê bên khung cửa sổ của một căn homestay nào đấy”.
Theo Minh Châu, bên cạnh yếu tố cảnh quan, dịch vụ vui chơi, ăn uống, thì homestay là một yếu tố không thể thiếu ở Đà Lạt. “Mình không biết nên gọi đó là gì. Nhưng từ nhiều năm nay, thói quen của mình và lũ bạn là đi Đà Lạt, chắc chắn sẽ tìm homestay”, cô nói.
Quan điểm của Minh Châu đứng dưới góc độ một người tiêu dùng đã phần nào phản ánh đúng bức tranh ngành dịch vụ lưu trú tại thành phố ngàn hoa này.
Số liệu từ tỉnh Lâm Đồng chỉ ra, hiện tỉnh này có 1.399 cơ sở lưu trú du lịch, với 20.994 phòng chủ yếu tập trung tại Đà Lạt. Nhưng chỉ 426 cơ sở trong số đó là khách sạn từ một đến năm sao, phục vụ tối đa 11.256 phòng. Điều này đồng nghĩa, hơn một nửa số phòng tại đây là các mô hình homestay, nhà nghỉ cho khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Dũng - CEO Luxstay - nền tảng kết nối và cho thuê homestay trực tuyến tại Việt Nam xác nhận: “Đúng là Đà Lạt đang rất “hot” trong vài năm trở lại đây. Số lượng homestay ngày càng tăng, kéo theo đó là ngày một xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm homestay mới ra đời”.
Mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng theo ông Dũng, chất lượng homestay tại Đà Lạt gần như vẫn dậm chân tại chỗ. “Ở Đà Lạt, người dân kinh doanh, cho thuê homestay chủ yếu theo hình thức truyền thống, nhỏ lẻ. Để đặt được một căn homestay, nhiều khi khách phải liên tục gọi điện cho chủ nhà chỉ để kiểm tra các thông tin như: ngày, giờ, tình trạng phòng… Trong khi bài toán này đã có thể giải quyết bằng yếu tố công nghệ từ lâu”, ông Dũng nói.
Do đó, theo vị CEO trẻ tuổi, đây là cơ hội để Luxstay đem tới những giải pháp công nghệ cho các chủ nhà, giúp họ kết nối được nhiều khách hàng hơn, đồng thời nâng cao mặt bằng chung về chất lượng phục vụ tại “thủ phủ homestay”.
Ông Nguyễn Văn Dũng không giấu tham vọng, Đà Lạt chính là mục tiêu lớn nhất của startup Luxstay trong năm nay. Kế hoạch mà ông và các cộng sự đề ra là chiếm thị phần số một thị trường này, trước khi xuất hiện sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn.
“Chúng tôi sẽ giương cao lá cờ Luxstay tại Đà Lạt trong năm 2019. Nếu kế hoạch này thành công, đây sẽ là mô hình để Luxstay nhân rộng trên khắp cả nước, bên cạnh 2 thị trường trọng điểm đã khai phá trước đó là Hà Nội và TP. HCM”, vị CEO khẳng định.
Đánh giá tổng quan về thị trường homestay ở Việt Nam, ông Dũng cho rằng, trước hết phải hiểu homestay là một ngành dịch vụ lưu trú có đặc thù. Homestay muôn hình, muôn vẻ, và rất đa dạng về chủng loại, cũng như mô hình kinh doanh.
Tại Việt Nam, homestay hiện phục vụ chủ yếu các khách hàng nội địa. Nhu cầu của các vị khách này là lưu trú ngắn ngày, các địa điểm phù hợp nhất là vùng ngoại ô xung quanh thành phố. Tuy nhiên, do thị trường homestay mới chỉ được định hình trong vài năm trở lại đây, nên mặt bằng chung chất lượng vẫn còn khá hạn chế và chưa đồng nhất.
Là đơn vị đi tiên phong tại Việt Nam, nên theo ông Dũng, Luxstay cũng phải dấn thân cùng khách hàng, cũng như các chủ nhà. “Càng đi sâu vào thị trường, chúng tôi càng nhận ra, dịch vụ lưu trú tại các homestay cần phải được cải thiện rất nhiều. Đơn cử như các vật dụng, đồ dùng một lần tại các homestay vẫn chưa tốt. Việc thiết kế, trang trí các homestay vẫn còn đơn sơ, chưa hấp dẫn khách hàng. Chỉ tới khi tiếp xúc với các chủ nhà, họ mới chia sẻ là việc tìm mua các đồ dùng, sản phẩm dành cho homestay rất khó”, CEO Luxstay nói.
Thực tế, các chủ homestay hiện nay phần lớn là hộ kinh doanh đơn lẻ. Trong khi để tìm và mua được các sản phẩm chất lượng dành cho homestay, thì họ lại luôn bị nhà cung cấp yêu cầu phải mua với số lượng lớn, hoặc chấp nhận mua số lượng nhỏ nhưng giá thành cao.
Giải bài toán nói trên, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, nền tảng Luxstay hiện đã cho ra đời Luxstore - một địa chỉ uy tín chuyên cung cấp các sản phẩm cần thiết cho hoạt động kinh doanh homestay. Tự tay đội ngũ Luxstore sẽ chọn lọc các sản phẩm chất lượng nhất, có thể là khóa cửa thông minh giúp việc check-in, check-out dễ dàng; tranh, đồng hồ, lọ hoa trang trí; chăn, ga, thảm, nến thơm… sau đó cung cấp trực tiếp cho các chủ nhà.
Mục tiêu ra đời của Luxstore là giúp người kinh doanh homestay tìm mua các sản phẩm dễ dàng hơn, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu chi phí đầu vào, cũng như hoàn thiện quy trình vận hành homestay một cách chuẩn mực nhất.
“Luxstay là nền tảng kết nối khách hàng và các chủ homestay. Mà muốn nền tảng lớn mạnh, thì bản thân Luxstay phải kiến tạo ra một hệ sinh thái homestay hoàn thiện, và Luxstore là một phần trong đó. Ý tưởng Luxstore mới được chúng tôi triển khai gần đây, và cũng là dịch vụ đi tiên phong trên thị trường tính đến thời điểm này”, CEO Luxstay khẳng định.
Tất nhiên, bên cạnh Luxstore, ông Dũng cũng tiết lộ, startup này hiện đã nhận được đề nghị hợp tác từ các “super app” và đang trong giai đoạn kết nối, tích hợp. Theo vị CEO 8x, nơi ở là một nhu cầu thiết yếu, nhưng ngoài ra, người dùng còn có thêm những nhu cầu cơ bản như: đi lại, ăn uống, vui chơi… Nên đó chính là cơ hội để Luxstay kết hợp với các nền tảng khác trong tương lai, khi mà xu hướng bắt tay và trao đổi người dùng giữa các ứng dụng đang trở thành phổ biến.
Bên cạnh việc đón chào sự ra đời của Luxstore, năm vừa qua, Luxstay còn nhận thêm nhiều tin vui, khi startup trẻ tuổi góp mặt loạt nhân sự tài năng hiện đang giữ những vai trò quan trọng. Trường hợp của Lê Nhật Linh - Giám đốc thương hiệu Luxstay là một ví dụ.
Lê Nhật Linh sinh năm 1993, trước đó từng là một gương mặt triển vọng tại công ty truyền thông hàng đầu – VTC. Bản thân Linh đã sáng lập nên cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm du lịch nổi tiếng mang tên Check in Vietnam, đến nay đã đạt hơn 2 triệu thành viên.
Đến với Luxstay, Linh mong muốn thực hiện một ước mơ lớn hơn và khẳng định dấu ấn startup Việt trong khu vực cũng như bạn bè quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang khát khao có một thương hiệu mang biểu tượng của quốc gia như Indonesia đã có Go-Jek, Traveloka hay Singapore, Malaysia đã có SEA, Grab...
Lê Nhật Linh cho biết, bản thân rất đam mê du lịch, khám phá và trải nghiệm. Trong quá trình đó, Linh nhận thấy các dịch vụ lưu trú dạng homestay đang manh nha phát triển tại Việt Nam. Kết hợp với “ước mơ lớn hơn” tại Luxstay, Linh tin tưởng đây sẽ một cuộc chơi sôi động và thú vị.
“Người trẻ luôn cần những trải nghiệm mới. Xu hướng chuyển từ khách sạn, resort sang homestay đang ngày một phổ biến ở Việt Nam. Ngay như các ông lớn là Booking.com và Agoda cũng đã nhận ra xu hướng này. Họ đã bắt đầu triển khai cho thuê ngắn hạn các căn hộ, homestay. Do đó, Luxstay sẽ phải làm thật nhanh. Cá nhân tôi đánh giá, đây sẽ là năm để Luxstay thực sự bứt phá”, Giám đốc thương hiệu Luxstay khẳng định.
Bổ sung thêm về chiến lược tiến về Đà Lạt, Linh nhìn nhận, khi một sản phẩm nào đó muốn thành công và gây được tiếng vang, thì nhất định phải tạo ra một điểm nhấn. Thời điểm này, đội ngũ Luxstay thực sự cần một trận đánh lớn. Do đó, Đà Lạt được chọn làm mục tiêu.
“Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản, ai đi Đà Lạt hầu như cũng sẽ chọn một căn homestay. Và nghĩ đến homestay là nghĩ đến Luxstay”, Linh nói.
Việt Hưng
30/03/2019