Analytic

Đến nay, Stringee được nhiều người biết tới như startup duy nhất về Nền tảng lập trình giao tiếp tại Việt Nam. Nhưng ít ai biết được câu chuyện bắt đầu từ sự thay đổi táo bạo của CEO Đậu Ngọc Huy và bạn thân Nguyễn Bá Luân gần 8 năm trước.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 1

Khởi nghiệp là hành trình dài với nhiều thử thách. Sau 8 năm, nếu được lựa chọn lại, liệu anh có từ bỏ công việc ổn định cùng mức lương “nhiều ngàn đô” để khởi nghiệp?

Đậu Ngọc Huy: 8 năm qua đúng là rất gian nan nhưng nếu được lựa chọn lại, câu trả lời của tôi vẫn sẽ là khởi nghiệp. Tôi luôn mong muốn dùng năng lực của mình tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Khởi nghiệp là con đường giúp tôi thực hiện điều đó.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 2

Dám bước ra khỏi vùng an toàn là một quyết định táo bạo. Từ đâu anh có được động lực thay đổi lớn đến như vậy?

Đậu Ngọc Huy: Thời điểm năm 2012, rất nhiều người chuyển qua dùng smartphone như vật bất ly thân, hầu hết những người đó chuyển qua các ứng dụng gọi điện/nhắn tin miễn phí trên Internet thay cho cách liên lạc truyền thống. Khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi thấy rằng giao tiếp qua internet đang rất thịnh hành trên thế giới. Lúc đó tôi đã nghĩ công nghệ giao tiếp sẽ trở thành xu hướng không thể thiếu tại Việt Nam trong tương lai.

Nhu cầu của thị trường đã rõ ràng, lại sở hữu trong tay công nghệ VoIP không hề thua kém các nhà phát triển nước ngoài, tôi và Luân (Nguyễn Bá Luân – Nhà đồng sáng lập & COO Stringee) càng không muốn bỏ lỡ làn sóng công nghệ giao tiếp khi đó.

Năm 2014, chúng tôi phát triển phần mềm có tên “BomChat - Gọi điện HD miễn phí”. Khi đó đại gia OTT một thời là Viber vừa gia nhập thị trường Việt Nam, LINE và Kakao chưa xuất hiện, còn Zalo thì chưa hoàn thiện tính năng. Chưa đầy một năm sau, Bomchat đã có được 100.000 người dùng.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 3

Những cái tên như: Viber, Zalo, LINE… mà anh vừa nhắc tới được biết đến là OTT (Over-the-top app) - các ứng dụng liên lạc cho người dùng cuối. Có vẻ như đây không phải là mô hình mà Stringee hiện đang theo đuổi?

Đậu Ngọc Huy: Đúng vậy. Bomchat có được thành công nhất định nhưng nhanh chóng phải cạnh tranh trong cuộc chiến đốt tiền thu hút người dùng của các ông lớn ứng dụng OTT ở Việt Nam. Với số vốn hạn chế, chúng tôi nhận ra rằng mình không thể cạnh tranh với những tập đoàn lớn đang sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỉ đồng và quyết định dừng lại Bomchat.

Ngay sau khi dừng lại Bomchat, một số doanh nghiệp đã tìm đến chúng tôi để đặt hàng xây dựng tính năng gọi thoại, gọi video, SMS, chat trên ứng dụng để họ kết nối với khách hàng. Trên thế giới đã có một số nhà cung cấp giải pháp như vậy, họ bán sản phẩm với giá rất cao. Tại Việt Nam, chưa ai giải quyết bài toán này, đây vẫn là một “đại dương xanh”. Chúng tôi có khả năng phát triển giải pháp chất lượng không thua kém với chi phí sản xuất thấp hơn nhiều lần để doanh nghiệp Việt có thể sử dụng giải pháp giao tiếp chất lượng cao với mức chi phí tiết kiệm hơn. Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội để có thể tạo thêm giá trị cho sản phẩm và chia sẻ lại giá trị thặng dư đó với cộng đồng.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 4

Vậy là năm 2017, Stringee ra đời. Khách hàng của Stringee là doanh nghiệp và lập trình viên cần những tính năng gọi thoại/gọi video trên ứng dụng hay website của mình. Họ chọn Stringee vì giải pháp của Stringee nhanh và tiết kiệm hơn rất nhiều lần so với việc họ tự làm. Đặc biệt, các APIs của Stringee được đóng gói riêng biệt cho phép doanh nghiệp tự tùy chỉnh giao diện theo yêu cầu nghiệp vụ khác nhau.

Có thể ví dụ như ứng dụng khám bệnh từ xa qua cuộc gọi video VOV Bacsi24. Nhờ tích hợp Stringee Video Call nên thời gian từ bước ý tưởng cho đến lúc người dùng được sử dụng ứng dụng chỉ mất vài tháng. Trong khi nếu VOV tự phát triển tính năng này, thời gian phát triển ứng dụng có thể lên tới vài năm. Hay nếu họ mua phần mềm của nước ngoài, thì phí phần mềm rất đắt đỏ và việc hỗ trợ không thể nhanh chóng 24/7 như Stringee được. Khi đó, không ai đảm bảo rằng khách hàng của VOV chưa bị đối thủ lấy mất, chưa kể đến công nghệ khó như video call không phải ai làm cũng có thể thành công.

Một mình trong đại dương xanh cung cấp giải pháp giao tiếp cho doanh nghiệp Việt, vậy thành công của Stringee được định sẵn là dễ dàng?

Đậu Ngọc Huy: Thực tế thì ngược lại, không dễ dàng chút nào. Tôi đã đi tham khảo ý kiến một số người anh trong ngành và nhận được lời khuyên rằng bán API tại Việt Nam sẽ khó thành công, vì chẳng có mấy ai dùng đến.

Và chúng tôi đã không bán được hàng thật. Giai đoạn đó, Stringee đã không tìm được thêm khách hàng nào trong một thời gian dài. Có khi tôi hào hứng giới thiệu sản phẩm mà giải thích mãi khách hàng không hiểu Stringee đang bán gì. Nhiều tháng liền không có doanh thu, nguồn vốn để làm sản phẩm, trả lương nhân viên cũng gần hết. Gần tết năm 2018, Stringee gần như cạn vốn, tôi và Luân đã tính đến phương án cắm xe để trả lương và thưởng cho anh em về quê ăn Tết.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 5
CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 6

Vậy Stringee vượt qua giai đoạn khó khăn đó như thế nào, thưa anh?

Đậu Ngọc Huy: Có lẽ, khi nỗ lực hết mình, may mắn sẽ đến. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng các anh em trong công ty không ai mất niềm tin ở sản phẩm, nhất quyết ở lại phát triển cùng Stringee, dù họ đều là nhân tài được nhiều doanh nghiệp khác săn đón. Có thêm động lực đó, Tôi và Luân đồng lòng là sẽ làm đến cùng, làm hết sức mà vẫn không được thì mới chịu, còn sức thì còn tiếp tục phát triển công ty. Giai đoạn đó, chúng tôi đã tập trung thời gian mỗi ngày 16 tiếng, vừa lập trình, vừa đi gặp trực tiếp doanh nghiệp để bán hàng, vừa làm quảng cáo, marketing, giới thiệu trên báo,... Khó khăn không dứt, công ty sẽ hết vốn trong tháng tới. Và kỳ diệu xuất hiện đúng lúc đó. Một nhà đầu tư thiên thần đã quan tâm và quyết định đầu tư.

Sau khi có thêm vốn, Stringee đã có thêm thời gian để bán hàng và thu về nhiều bài học quý giá. Doanh nghiệp không tích hợp được API vì không có đội IT riêng. Doanh nghiệp sử dụng phần mềm giao tiếp cho mục đích chính là chăm sóc khách hàng. Chúng tôi đã tập trung vào cải thiện tính năng để giải quyết các bài toán đó, xây dựng Stringee thành giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số giao tiếp và chăm sóc khách hàng.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 7

Stringee đã phát triển thêm phần giao diện, thêm các tính năng trên nền tảng API sẵn có, cho ra đời phần mềm hoàn chỉnh StringeeX - Tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh. StringeeX dễ sử dụng, bán rất tốt và từ đó khách hàng cũng hiểu về công nghệ phía sau là Stringee API. Hai sản phẩm đó giống như cặp đôi hoàn hảo, áp dụng cho doanh nghiệp sở hữu lượng dữ liệu lớn có thể giải quyết triệt để bài toán giao tiếp của họ.

Trước đó, nếu mỗi công việc liên quan đến khách hàng được xử lý trên một phần mềm như: quản lý thông tin khách hàng, tổng đài nghe gọi, phần mềm để báo cáo,...thì việc dữ liệu bị phân tán, thao tác xử lý công việc bị chồng chéo là chuyện không tránh khỏi. Với Stringee thì khác, API có khả năng “giao tiếp”, tùy chỉnh và tích hợp với mọi phần mềm CRM/ERP, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dễ dàng quản lý thông tin khách hàng và nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên.

Cuối năm 2018, Stringee đã đạt giải Giải cao nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt. Sản phẩm đã hoàn thiện và uy tín được đảm bảo cũng giúp khách hàng tìm đến Stringee nhiều hơn.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 8

Hiện nay, trong rất nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Stringee, khách hàng nào mà anh nhớ nhất?

Đậu Ngọc Huy: Với tôi đó là VNDIRECT, đối tác lớn đầu tiên sử dụng Stringee cho gần 1.000 nhân viên. Trước khi sử dụng Stringee, mỗi khi có cuộc gọi hỏi về mã cổ phiếu và yêu cầu tư vấn, nhân viên tư vấn của VNDIRECT thường phải mở từ 3-4 phần mềm để tiếp nhận và xử lý cuộc gọi, cũng như đối chiếu số điện thoại, họ tên, mã chứng khoán sở hữu… Còn giờ, khi có cuộc gọi kết nối đến tổng đài, hệ thống lập tức hiển thị tên khách hàng, lịch sử cuộc gọi, những loại cổ phiếu khách hàng này quan tâm hoặc đang sở hữu…

So với tổng đài trước kia, khi sử dụng Stringee, nhân viên chăm sóc khách hàng giảm từ 30-40% thời gian mà việc cung cấp thông tin cũng chính xác hơn so với việc tra cứu bằng tay. Với khách hàng cũ, thông tin đã lưu trong CRM, dù là liên hệ lại bằng cách gọi điện, nhắn tin, email, Facebook hay sử dụng livechat, hệ thống sẽ nhận biết khách hàng là ai, cần gì, nhu cầu như thế nào rất cụ thể… để gợi ý nhân viên tư vấn, tạo ra một trải nghiệm liền mạch và cá nhân hóa cho khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 9

Cách mà anh chia sẻ cho thấy, sản phẩm có phải là yếu tố đóng vai trò rất lớn trong thành công của Stringee?

Đậu Ngọc Huy: Đúng là sản phẩm đóng vai trò lớn nhất - 40-50%, nhưng không phải duy nhất.

Khi bán được sản phẩm cho một khách hàng, giá vốn chỉ chiếm 5-10%, nhưng chi phí cho marketing chiếm khoảng 20%, chi phí sale là 20%, còn chi phí R&D sản phẩm chiếm tới 40%.

Nghĩa là nếu bán được sản phẩm cho đối tác, năm đầu tiên Stringee gần như không có lợi nhuận. Chỉ khi Stringee duy trì được các khách hàng này sử dụng phần mềm từ 2-3 năm thì mới bắt đầu có lãi. Đồng nghĩa với ngoài sản phẩm tốt, làm ngành SaaS cần có dịch vụ tốt để giữ chân khách hàng. Tỉ lệ khách hàng rời bỏ trong ngành SaaS không nên vượt quá 10%.

Theo như chúng tôi tìm hiểu, tỉ lệ khách hàng rời bỏ trong ngành SaaS ở Việt Nam đang là khoảng 20%, cá biệt một số doanh nghiệp lên tới 60%. Còn ở Stringee, tỉ lệ này thấp hơn 5%.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 10

Đó là một con số đáng ngưỡng mộ. Anh có thể chia sẻ bí quyết của mình với độc giả?

Đậu Ngọc Huy: Khó có thể gọi đây là bí quyết, vì con đường của Stringee đã đi cũng giống như hầu hết các doanh nghiệp SaaS khác trên thị trường. Điều tôi có thể nói là dù ở giai đoạn nào, khoản đầu tư lớn nhất của chúng tôi vẫn là con người. Dù là Sản phẩm, Sale - Marketing hay Chăm sóc khách hàng, vẫn là con người mà thôi. Bởi doanh nghiệp muốn vận hành tốt thì cần phải có những nhân sự tốt.

Tôi không muốn các cộng sự đến với Stringee chỉ đơn thuần là công việc, mà muốn họ coi đây là gia đình thứ hai. Ngoài bàn giấy, máy tính, ở đây chúng tôi có máy chơi game, bàn bi-a… vừa cống hiến, lại vừa giải trí.

Tuy nhiên, Stringee coi kỷ luật, sự chuyên nghiệp là văn hóa cốt lõi. Như tôi đã nói, đội ngũ Stringee sẽ luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, qua đó tiếp tục cải tiến chất lượng và dịch vụ để giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn động viên nhau cần giữ tinh thần liên tục học hỏi như những ngày đầu khởi nghiệp. Ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội để mình học hỏi. Sai ở đâu, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và đứng lên ở đó, nhất định không ngại sai, không ngại thử.

Bài học từ những lần khởi nghiệp trước đó đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Những bước đi giờ đây của chúng tôi đã có sự tính toán hơn, cẩn trọng hơn và buộc mình phải đi nhanh hơn nữa cho kịp với xu hướng chung của thị trường công nghệ.

CEO Stringee và hành trình tạo thêm giá trị cho công nghệ Việt 11

Đâu sẽ là đích đến mà anh và đội ngũ Stringee hướng tới?

Đậu Ngọc Huy: Tại Việt Nam, ước tính Stringee đang chinh phục thị trường có quy mô khoảng 35 triệu USD. Hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để củng cố vị trí dẫn đầu thị trường, để khi nhắc tới chuyển đổi số giao tiếp và chăm sóc khách hàng, doanh nghiệp sẽ nhớ tới Stringee.

Về kế hoạch đưa sản phẩm của Stringee ra khu vực, chúng tôi tính toán, đó có thể là 2021 hoặc 2022. Hiện Stringee đã bắt đầu thử nghiệm với một số khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản và Đông Nam Á. Nhưng đây sẽ là những bước đi thận trọng và có sự chuẩn bị kỹ càng.

Xa hơn, Stringee có thể nghĩ đến chuyện IPO hoặc trở thành công ty có lợi nhuận. Dù mục tiêu là gì, thì khẩu vị của chúng tôi là muốn được làm việc khó. Chúng tôi đặt mục tiêu không phải để mơ, mà để thành đích đến thực sự.

Xin chân thành cảm ơn anh!

18/11/2020

Việt Hưng