Trong cuộc phỏng vấn chia làm hai phần, Chủ tịch HĐQT Cen Group Nguyễn Trung Vũ tiết lộ chiến lược kinh doanh mới của doanh nghiệp và những tư duy mới về đầu tư và phát triển bất động sản trong kỷ nguyên mới.

Sau một thời gian mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đào tạo và đưa người lao động đi nước ngoài trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, Cen Group nay đã quay lại với trụ cột cốt lõi của mình – phân phối bất động sản – khi tham gia vào nhiều dự án lớn. Dường như ông đã nhận ra những cơ hội mới đang hé mở từ thị trường bất động sản?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Tôi có cơ duyên được tiếp cận triết lý kinh doanh của Inamori Kazuo - nhà đầu tư huyền thoại của Nhật Bản và đó là một trong những bài học thay đổi tư duy của tôi.

Ông đưa ra công thức về thành quả cuộc đời, rằng: Thành công của một cá nhân hay tổ chức được tính bằng cách tư duy nhân với nhiệt tình và năng lực. Trong đó, tư duy có sự biến động mạnh mẽ nhất, từ âm 100 đến 100, còn nhiệt tình và năng lực đều dao động trong phạm vi từ 0 đến 100. Nếu bất kỳ yếu tố nào bằng 0, kết quả cuối cùng sẽ bằng 0. Tư duy chính là yếu tố quyết định mọi thành bại.

Thực tế đã chứng minh, công thức này đúng với tất cả các bài học thành công hay thất bại trên thế giới, và không ngoại lệ, nó cũng đúng với bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại và triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trước đây, Cen Group chỉ tập trung vào việc bán hàng, đóng gói sản phẩm, như một “nghệ nhân trang điểm” cho các dự án. Tuy nhiên, tư duy này quá an toàn, quá lành và khiến doanh nghiệp giậm chân tại chỗ.

Trong khi đó, bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới và chúng tôi buộc phải thay đổi để tồn tại và vươn lên. Để làm được điều đó, Cen Group cần một tư duy mới: gai góc, sần sùi và thực tế hơn, phù hợp với thời đại thay đổi.

Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, chúng tôi chuyển sang đào tạo để giảm bớt áp lực. Nhưng bây giờ, Cen Group đã nhận ra rằng thời điểm đã đến để quay lại thị trường bất động sản và cách làm của chúng tôi sẽ khác biệt.

Thay vì chỉ đóng vai trò là nhà phân phối, chúng tôi xác định phải trở thành nhà phát triển bất động sản. Bán hàng bây giờ không còn dễ dàng như trước, mà thị trường đã thay đổi quá nhiều.

Thị trường đã thay đổi thế nào khiến Cen Group phải chuyển mình?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Trước kia, chúng tôi có thể mua một dự án trị giá 5.000 tỷ đồng, bán lại với giá 6.000 tỷ đồng và kiếm được 1.000 tỷ đồng. Hoặc mua một căn biệt thự trị giá 15 tỷ, bán ra 20 tỷ, thu lời 5 tỷ, tất cả với hóa đơn đầy đủ. Nhưng hiện tại, thị trường đã bước vào giai đoạn mới, nơi sân chơi thuộc về các chủ đầu tư lớn, với các dự án khổng lồ.

Các chủ đầu tư không còn giao quyền độc quyền bán hàng cho một sàn, mà mở ra để tất cả các sàn môi giới tham gia, cạnh tranh gay gắt. Ai đặt cọc nhiều, sẽ có được nguồn hàng lớn hơn.

Các sàn môi giới không còn độc quyền bán hàng như trước, đồng nghĩa với việc họ mất kiểm soát với nhân viên và lợi nhuận bị chia nhỏ. Cen Group nhận thức rõ rằng, để tồn tại và phát triển, chúng tôi không thể chỉ là người bán hàng. Chúng tôi phải tự phát triển các dự án của chính mình, tận dụng kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường để triển khai các dự án thay vì phụ thuộc vào nguồn hàng từ các chủ đầu tư khác.

Về phần bán hàng, chúng tôi vẫn tham gia, vẫn cạnh tranh, nhưng lợi nhuận không thể so với ngày xưa, trong khi thị trường ngày càng khốc liệt. Chính vì thế, chúng tôi sẽ không đặt quá nhiều trọng tâm vào mảng này, mà sẽ chuyển hướng vào phát triển bền vững.

Sau nhiều năm hoạt động trong ngành bất động sản, vì sao đến nay Cen Group mới quyết định trở thành nhà phát triển dự án? Liệu lựa chọn này có quá muộn khi thị trường hiện nay gần như chỉ còn nguồn hàng từ các doanh nghiệp lớn và các đại dự án?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Trước đây, tôi thích phát triển các lĩnh vực cung cấp dịch vụ, cho nó nhẹ đầu (cười).

Tuy nhiên, khi thị trường môi giới bất động sản ngày càng cạnh tranh khốc liệt, tôi nhận thấy cần thay đổi để làm chủ nguồn hàng, và vì thế, chúng tôi quyết định trở thành nhà phát triển bất động sản. Tại sao không?

Chúng tôi vốn đã chuẩn bị một quỹ đất khá lớn từ nhiều năm trước. Trước đây, những dự án như khu đất 50ha đẹp ở hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc - PV), dự án ở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Hà Nội – PV), hay dự án ở Quảng Ninh lẽ ra chúng tôi sẽ giao cho các doanh nghiệp khác phát triển. Nhưng giờ đây, với kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường, chúng tôi quyết định tự mình làm chủ đầu tư, tận dụng tối đa quỹ đất và lợi thế thị trường hiện tại.

Một yếu tố quan trọng khác là, trước đây các chủ đầu tư luôn lo ngại về những vướng mắc pháp lý, sợ rơi vào vòng lao lý. Tuy nhiên, với chính sách hiện tại của bộ máy quản lý nhà nước - nơi doanh nghiệp được hỗ trợ và các vướng mắc pháp lý đang được tháo gỡ - chúng tôi càng thêm tự tin để đón đầu cơ hội và phát triển mạnh mẽ.

Có thể thấy, thị trường bất động sản đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn với các đại dự án, vậy cơ hội nào cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và mới bước vào lĩnh vực phát triển dự án như như Cen Group?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của các đại dự án từ các chủ đầu tư lớn, nhưng những dự án nhỏ vẫn có những lợi thế riêng biệt, được đông đảo khách hàng và nhà đầu tư yêu thích lựa chọn. Tôi nhận thấy cơ hội lớn từ những thị trường ngách này.  

Cen Group không đặt mục tiêu trở thành nhà phát triển dự án hàng đầu, nhưng với kinh nghiệm lâu năm và tiềm lực tài chính vững mạnh, chúng tôi có khả năng nhận diện và phát triển những dự án tiềm năng.

Nói như vậy có phải ông đã ‘chùn tay’ làm môi giới?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Không phải tôi chùn tay, mà là tôi nhận ra thị trường đã thay đổi mạnh mẽ và muốn phát triển, doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới. Nếu vẫn tiếp tục duy trì mô hình môi giới cũ, chúng tôi sẽ khó lòng bảo toàn lợi nhuận và kiểm soát nhân sự hiệu quả.

Chính vì vậy, Cen Group không dồn toàn bộ nguồn lực vào môi giới. Chúng tôi duy trì hai 'cánh quân': một đội cạnh tranh trực diện với thị trường và một đội chuyên bán các dự án độc quyền. Các dự án chúng tôi tham gia không cần phải quá lớn, nhưng phải đảm bảo hiệu quả.

Về mảng môi giới, chúng tôi cũng nhận thức rõ rằng cách làm cần phải thay đổi. Trước đây, chúng tôi áp dụng mô hình 'đại quân', nhưng đó chỉ là giải pháp phù hợp với những giai đoạn bùng nổ ban đầu của thị trường.

Ngày nay, mô hình này không còn hiệu quả. Vì vậy, Cen Group đã chia nhỏ các công ty con, mỗi công ty không vượt quá 500 nhân sự, không chỉ để tối ưu hóa hoạt động mà còn để tăng khả năng thích ứng. Mỗi công ty con sẽ hoạt động như một ‘biệt đội đặc nhiệm’, linh hoạt và chuyên biệt theo từng khu vực, phân khúc thị trường.

Tư duy này giúp chúng tôi giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng khả năng cạnh tranh.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, giống như một 'con sói dữ', chỉ những đội quân tinh nhuệ, nhanh nhẹn mới có thể tồn tại và phát triển.

Bên cạnh việc quay trở lại thị trường bất động sản với vai trò mới là nhà phát triển dự án, Cen Group có định hướng lại lĩnh vực đào tạo?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển. Chính phủ cũng đang tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, Cen Group đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực đào tạo.

Chúng tôi sẽ ra mắt trường cao đẳng, chuyên đào tạo các ngành nghề chiến lược như bất động sản, nhà hàng - khách sạn, và điều dưỡng. Đây là những ngành nghề không chỉ đang rất cần tại Việt Nam, mà còn là nhu cầu cấp thiết trên thị trường lao động toàn cầu.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản và du lịch trong tương lai, nhu cầu lao động chất lượng cao trong lĩnh vực khách sạn và môi giới bất động sản sẽ tăng mạnh. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo từ 5.000 đến 10.000 học viên mỗi năm, phấn đấu trở thành một trong 10 tổ chức giáo dục lớn nhất Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Chúng tôi cam kết tỷ lệ đầu ra 100%, đảm bảo học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các học viên của Cen Group sẽ có cơ hội làm việc không chỉ trong nước, mà còn có thể ra nước ngoài. Khác với các tổ chức chuyên đưa lao động ra nước ngoài để kiếm doanh thu từ môi giới, Cen Group lấy đào tạo làm cốt lõi, sau đó hợp tác với các tổ chức môi giới lao động quốc tế để đưa học viên ra thị trường lao động toàn cầu.

Với hướng đi khác biệt này, Cen Group có thể đào tạo với quy mô lớn. Năm ngoái, doanh thu từ mảng đào tạo của chúng tôi đạt 150 tỷ đồng. Và trong năm nay, sau khi ra mắt trường cao đẳng, chúng tôi dự kiến doanh thu từ lĩnh vực này có thể đạt 400-500 tỷ đồng. 

Đang làm bất động sản kiếm “tiền to”, chuyển sang làm mảng đào tạo kiếm tiền lẻ, ông có cảm thấy hụt hẫng?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Làm bất động sản đúng là kiếm được nhiều tiền. Nhưng nghịch lý là, chính khi kiếm được nhiều tiền, tôi lại không thấy hạnh phúc. Và đó là lý do tôi chọn làm giáo dục – làm 'nhà đào tạo'. 

Tôi đã từng trải qua cảm giác có rất nhiều tiền, nhưng cuối cùng, điều tôi thực sự theo đuổi lại là cảm giác hạnh phúc. Và tôi nhận ra, hạnh phúc của mình đến từ việc truyền cảm hứng, đào tạo nghề cho người lao động, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội và góp phần định hình tương lai cho các học viên. 

Giáo dục, xét về dài hạn, là lĩnh vực mang lại giá trị rất lớn cho xã hội - và cũng chính là lý do khiến tôi ngày càng gắn bó và tâm huyết hơn với nó. 

Nhiều người nghĩ giáo dục chỉ là 'kiếm tiền lẻ', nhưng thực tế cho thấy những doanh nghiệp hàng đầu như FPT lại phát triển bền vững nhờ đầu tư vào giáo dục. Đây là lĩnh vực có dòng tiền ổn định, được thu trước, không phụ thuộc vào vốn vay, thậm chí còn được hưởng nhiều ưu đãi như đất đai, cơ sở vật chất... Những điều mà bất động sản không thể có. 

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang lao vào vòng xoáy vay nợ, phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 15% - nhìn thì hoành tráng, nhưng thực chất lại rất rủi ro và thiếu bền vững - thì giáo dục lại cho tôi một con đường khác: vững vàng hơn, ý nghĩa hơn và lâu dài hơn.

Nhưng có phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong lĩnh vực giáo dục như FPT đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Chắc chắn Cen Group làm sẽ được, vì chúng tôi giúp giải quyết vấn đề của xã hội là đào tạo nghề, chứ không chỉ tập trung vào đối tượng “con nhà giàu”.

Với những mảng kinh doanh mới, Cen Group đang vận hành theo mô hình “kiềng ba chân”: môi giới, phát triển bất động sản và đào tạo. Đâu sẽ là mũi nhọn kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Trung Vũ: Trong năm nay, doanh thu chính của Cen Group sẽ đến từ phát triển bất động sản, bởi thị trường vẫn còn rất nhiều cơ hội, đặc biệt ở các dự án nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi không thể phát triển bất động sản mãi được, quỹ đất hiện có cũng sẽ xây hết. Cen Group muốn trở thành nhà đào tạo, cái đó mới là mục tiêu bền vững.

Mục tiêu lâu dài của tôi không phải trở thành nhà phát triển bất động sản lớn nhất. Tôi muốn Cen Group trở thành tổ chức đào tạo hàng đầu, nơi chúng tôi có thể truyền cảm hứng và tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ trẻ.

Bất động sản có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng đào tạo mới là con đường tạo dựng hạnh phúc và ý nghĩa lâu dài mà tôi theo đuổi.

Xin cảm ơn ông!

Đón đọc phần II: Chủ tịch Cen Group vẽ lại bản đồ đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới

Tác giả: Phương Thu

Ảnh: Hoàng Anh

Thiết kế: Diệu Thảo

Xuất bản: 14/4/2025