Là người có nhiều năm nghiên cứu và khảo sát về các loại cỏ dinh dưỡng cho gia súc, ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi Quốc gia, Bộ NN&PTNT) nhận định: “Cỏ Mombasa du nhập vào Việt Nam từ cách đây 8-10 năm và phát triển lớn mạnh nhất từ khi TH true MILK sử dụng cỏ này trồng với quy mô công nghiệp làm thức ăn cho bò sữa. Ở Việt Nam, TH là đơn vị tiên phong trồng loại cỏ này với hình thức thâm canh công nghệ cao với diện tích, năng suất tốt nhất và thời gian duy trì đến giờ có thể khẳng định là lâu nhất tại Việt Nam. Với 2.300 ha mà TH đang trồng, theo tôi là quy mô lớn nhất Đông Nam Á và hàng đầu thế giới”. Tính riêng những đồng cỏ Mombasa quy mô tập trung thì đồng cỏ của TH có thể coi là lớn nhất thế giới.
Đinh Thị Thùy Mỹ, nhân viên Bộ phận Trồng trọt Công ty THMF tại Nghệ An giới thiệu với chúng tôi một vùng cỏ già nở đầy hoa trắng. “Đây là một trong những vùng cỏ Mombasa đã được các chuyên gia TH trồng từ cách đây khoảng 10 năm” – Mỹ cho biết – “Cỏ Mombasa là loại cây lưu niên, trồng một lần và thu hoạch mỗi năm 6-8 lần. Từ nhiều năm nay, TH đã tự chủ nguồn hạt giống Mombasa bằng cách để lại những vạt lớn phát triển đến giai đoạn ra hoa, kết hạt”.
Mỗi năm TH thu hoạch vài tạ hạt giống và liên tục mở rộng diện tích trồng Mombasa. Chính từ nơi đây, những đồng cỏ cứ rộng ra mãi và trở thành nét đặc trưng khiến cảnh sắc miền Tây xứ Nghệ từ lâu được ví như phong cảnh châu Âu. Cùng với cỏ là ngô, hướng dương và dàn máy móc công nghệ cao sừng sững của TH làm nên “cảnh quan đồng ruộng” mãn nhãn - thứ tưởng chừng chỉ thấy ở những xứ bình nguyên xa xôi, nay thực sự hiện hữu trên đồng đất Việt.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Thái được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên nhập khẩu hạt giống Mombasa về Việt Nam. Phó Giám đốc Nam Thái, chị Vũ Mỹ Bình nhớ lại: “Khoảng năm 2009, TS Nguyễn Thị Mùi ở Viện Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT khi đó phụ trách việc trồng thử nghiệm một số giống cỏ ngoại, đã gợi ý cho chúng tôi nhập giống Mombasa có hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều ưu điểm do lai tạo từ các giống cũ vốn đã rất tốt như Ruzi, TD58. Thời điểm đó Viện Chăn nuôi chưa nhập Mombasa mà chủ trương chọn nhập Mulato I để nghiên cứu trước. Tôi suy nghĩ rất nhiều mà chưa dám quyết định, may mắn ngay sau đó làm việc với TH, các anh chị bên đó muốn thử nghiệm và chinh phục giống cỏ mới. Vậy là chúng tôi có động lực để làm thủ tục PRA với Cục Bảo vệ Thực vật đưa hạt cỏ Mombasa vào danh mục nhập khẩu”.
Cỏ Mombasa xuất xứ Nam Mỹ, được đưa về Brazil những năm 1900 và cuối cùng Thái Lan chính là nơi phát triển cỏ này đến toàn thế giới. Từ Thái Lan, cỏ Mombasa tới Việt Nam với các chuyên gia nông nghiệp của TH true MILK.
TS. Michael Hare hiện là Giám đốc điều hành Ubon Forage Seeds Co., Ltd – Thái Lan – một trong những đơn vị đối tác đầu tiên đưa hạt giống cỏ Mombasa về Việt Nam. Trong email trao đổi với chúng tôi cuối tháng 5/2021, vị chuyên gia gốc New Zealand nhưng đã dành cả cuộc đời sống với niềm đam mê các loại hạt giống cỏ tại Thái Lan này kể: “Mombasa lần đầu tiên được đưa vào Thái Lan năm 2007. Tôi đã mang một lượng hạt giống Mombasa đến tỉnh Nghệ An Việt Nam vào năm 2009. Mombasa được trồng ở 3 thôn của huyện Nghĩa Đàn là Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm và Nghĩa Yên. Chắc chắn, TH true MILK chính là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trồng cỏ Mombasa quy mô công nghiệp để làm thức ăn cho bò sữa. Các công ty khác ở Việt Nam hiện đang theo chân TH”.
“Hiện tại, cỏ Mombasa có nhiều nhất ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là nhờ tác động của TH, do TH trồng nên bà con trồng theo vì thấy chất lượng, sản lượng quá tốt. Mombasa cũng phát triển tại nhiều tỉnh trên cả nước nhưng chủ yếu ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Khoảng hai, ba năm trở lại đây Mombasa mới bắt đầu phổ biến tới các đơn vị chăn nuôi bò sữa tập trung khác” – chị Vũ Mỹ Bình chia sẻ thêm.
Vậy là, bắt đầu với TH, sau 10 năm, Mombasa tại Việt Nam đã trở thành loại cỏ mà hạt giống bán chạy hàng đầu với một thị trường sôi động và rất nhiều công ty nhập khẩu.
Nguyễn Lê Thăng, Phó Giám đốc Công ty Agitec (Tập đoàn TH) nhớ lại, bản thân anh và các chuyên gia TH nhiều năm trước gần như đã đặt cược cả sự nghiệp vào “canh bạc” Mombasa khi vật lộn với nguồn thức ăn cho đàn bò sữa khổng lồ ở TH. Với đàn bò 20 ngàn, 30 ngàn rồi tăng rất nhanh lên thành 45 ngàn con, cần lắm việc nhập các giống cỏ để bổ sung nguồn thức ăn thô xanh, khẩu phần cơ bản của gia súc nhai lại.
Anh Thăng kể: “Cỏ Mombasa được du nhập vào Việt Nam có thể từ trước đó nhưng chưa bao giờ được chú ý cho đến khi TH tham gia trồng cỏ với diện tích lớn để nuôi bò. Trước đó, người ta tôn sùng cỏ voi “thần thánh”. Cỏ Mombasa có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng có một số nhược điểm như dễ mốc nếu sau thu hoạch gặp mưa, khá dai khi làm héo, thân khá cứng nên dễ làm hỏng máy móc khi cắt, nghiền… Vì vậy chúng tôi mất rất nhiều công sức để chinh phục nó được như hôm nay”.
Khó khăn lớn nhất trong hành trình thuần phục Mombasa trên đồng đất Việt là ở chỗ, trên thế giới hiếm nước nào trồng Mombasa với quy mô tập trung lớn như TH nên các máy móc chuyên dụng cho Mombasa gần như không có. Và chưa bao giờ tồn tại một quy trình thu hoạch mẫu (protocol) cho Mombasa cho đến trước TH. Với đặc điểm riêng của loại cỏ này là chất lượng tốt nhưng khi già thân cứng, thu hoạch bằng máy khá vất vả, đội ngũ TH phải xây dựng quy trình thu hoạch riêng.
Anh Thăng cho biết, các anh cũng phải mất nhiều năm thử nghiệm, trải nghiệm để hoàn thiện được các quy trình khác như đóng bánh cỏ khô, ủ chua, nghiên cứu tìm ra thời điểm dinh dưỡng tốt nhất để thu hoạch.
Ngoài ngô, cao lương, cỏ Mulato II, anh Thăng cùng các đồng nghiệp đã thử nghiệm hàng chục giống cỏ khác nhưng chỉ có Mombasa đáp ứng được các tiêu chí của chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn. Đó là vì giống hòa thảo này có thể trồng lưu niên. Cỏ Mombasa dai, khỏe, chịu được sự dẫm đạp của các máy canh tác lớn; lại là cỏ nguồn gốc nhiệt đới nên chịu hạn, chịu lạnh tốt. Nó phát triển rất nhanh vào mùa mưa. Với những cơn mưa tháng Tám ở Việt Nam, cỏ có thể cắt được chỉ sau 4 - 5 tuần.
Đặc biệt, giống cỏ này không nhiễm loại sâu bệnh nào nên trồng nó không bao giờ phải sử dụng bất kỳ thuốc trừ sâu trừ cỏ hay chất kích thích nào. Đó cũng là điểm cộng lớn khi sử dụng Mombasa trong quy trình khép kín sản xuất và chế biến sữa tươi sạch TH true MILK.
TH thành lập một công ty chuyên trách kỹ thuật trồng trọt. Công ty Agitec này sở hữu các máy xúc, ủi, gieo hạt, bón phân, các máy thu hoạch đa năng với số lượng và độ hiện đại có thể tự tin đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Mặc dù có được chiếc “chìa khóa vàng” công nghệ trong tay nhưng “trông trời, trông đất, trông mây” – câu đúc kết của cha ông ta vẫn được các chuyên gia TH vận dụng một cách hài hòa để thuần hóa cỏ Mombasa.
“Chúng tôi tính toán chi tiết, tỉ mỉ từng quy trình và hành động cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Trước khi đón cơn mưa rào xối xả, tất cả các hạt giống đã được gieo và lúc đó chỉ có những việc làm trong nhà, trong xưởng thay vì ra đồng đối mặt với lầy lội. Hạt giống sau khi gieo có mưa xuống sẽ nảy mầm. Khi kết thúc mùa mưa, chúng tôi lại ra đồng để thu hoạch với cường độ cao, hối hả. Đến những đợt nắng nóng kỷ lục hay gió Lào khô khốc, thay vì nhăn nhó, than vãn, chúng tôi tạo ra những cánh đồng cỏ khô… Cứ như vậy, hàng nghìn tấn cỏ được thu về mỗi ngày để làm thức ăn cho bò” – Lê Thăng chia sẻ về cách ứng phó với Mombasa mà anh trìu mến gọi nó là “đứa con tinh thần” đỏng đảnh và còn nhiều bí ẩn của mình.
Cùng với Mombasa, TH còn trồng ngô, liên kết thu mua ngô của nông dân, trồng hướng dương, cỏ mulato II, cỏ Hamil, kết hợp cùng bã mía, rỉ mật từ Nhà máy mía đường NASU tạo nên các công thức thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn bò 45.000 con tại trang trại TH Nghệ An. Cuối năm 2020, trang trại này vừa xác lập kỷ lục thế giới “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới”.
Với 2 nhà máy chế biến thức ăn, tổng lượng thức ăn phối trộn mỗi ngày tại TH lên tới 1.600 tấn, tuy nhiên cho đến nay TH chỉ phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 1-2% lượng thức ăn thô xanh từ nước ngoài – chủ yếu là giống cỏ ôn đới alfalfa, còn lại hãng sữa này hoàn toàn chủ động về nguồn nguyên liệu thức ăn thô xanh bằng việc trồng và liên kết thu mua trên chính đồng đất Nghệ An. Trong chuỗi quy trình khép kín công nghệ cao làm nên ly sữa tươi sạch hoàn mỹ TH true MILK, những đồng cỏ Mombasa chính là mắt xích mở đầu và với cách làm của TH, mắt xích này đã trở nên bền vững hơn bao giờ hết.
Cỏ cây thường gặp tới đâu cũng có một lịch sử. Hành trình của cỏ Mombasa trên đồng đất Việt đã viết thêm một câu chuyện thật ở TH true MILK, nơi những đồng cỏ xanh bất tận là khởi nguồn cho dòng sữa tinh túy kết tinh từ tài nguyên - trí tuệ Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới.
Thực hiện: Thúy Hằng