Analytic

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển

Mùa hè năm 2008, tại một giải bóng đá nhi đồng ở Thái Bình, 3 người đàn ông đang đứng xem một cậu nhóc 9 tuổi thi đấu. Quan sát lối chơi của cậu, cả 3 quay lại trao đổi với nhau điều gì đó. Đến cuối ngày, một đề nghị bất ngờ được gửi tới cậu: Lời mời lên đào tạo tại trung tâm bóng đá lớn nhất Hà Nội.

Cậu bé đó tên Đoàn Văn Hậu. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về bóng đá, Hậu đã phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều để có thể khăn gói lên Hà Nội tu nghiệp. Bố mẹ cậu không thể ngờ rằng, chỉ 10 năm sau, khi mới 18 tuổi, Hậu đã nổi tiếng cả nước trong vai trò thành viên nòng cốt của đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân giải U23 châu Á.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển

Còn người đứng ‘xem giò’ Văn Hậu năm đó, đã khóc khi chứng kiến niềm tin của mình tỏa sáng.

“Tôi khóc vì hạnh phúc. Mà cũng không dám khóc lớn, phải quay mặt đi không chúng nó lại bảo mình yếu đuối quá. Đến tận bây giờ khi xem lại những hình ảnh đó, cảm xúc, niềm tự hào dân tộc vẫn ùa về”, ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch T&T Group nhớ lại.

12 năm ròng rã với bóng đá, ông Hiển mới bắt đầu thu về những thành quả đầu tiên. Bóng đá không phải là lĩnh vực đầu tư đầu tiên của T&T Group, cũng không phải là lớn nhất, nhưng có thể coi là biểu tượng trong triết lý làm ăn của ông Hiển. Với ông, kinh doanh không chỉ nhắc đến tiền. Tiền quan trọng, nhưng trước hết phải chứa cái tâm, cái đức, tính nhân văn ở trong đó.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 1

Hơn một thập kỷ đầu tư vào bóng đá, thành công có nhưng thất bại cũng không ít. Điều gì khiến ông luôn kiên trì với lĩnh vực này?

Tôi vẫn hay nói đùa với mọi người rằng “nồng độ bóng đá trong máu của tôi còn cao hơn cả nồng độ mỡ trong máu”. Mà đâu chỉ có tôi, 90 triệu người dân Việt Nam, có lẽ ai cũng có cái tình yêu, cái nồng độ bóng đá cao trong máu như vậy. Thời điểm U23 Việt Nam đoạt huy chương bạc châu Á, tất cả người dân đều đổ ra đường. Tôi xem TV còn thấy những người già ở nông thôn, hơn 80 tuổi, chưa xem bóng đá bao giờ, cũng xuống làng xuống xã ăn mừng.

Bóng đá là môn thể thao vua, cả thế giới biết, thông qua bóng đá bạn bè trên thế giới hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam, đó là kênh quảng bá giới thiệu đất nước nhanh nhất.

Riêng tôi lúc đó vui quá, đi công tác ở Úc còn khoe với doanh nghiệp bên đó rằng ‘xin lỗi ngài, bóng đá Việt Nam vừa loại Úc’ (cười).

Những thành công của U23 Việt Nam và cả tuyển quốc gia trong thời gian gần đây có đóng góp không nhỏ từ những cầu thủ trẻ trưởng thành từ các lò đào tạo của T&T. Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm đầu tư, bóng đá trẻ tốn nhiều chi phí, thời gian, rủi ro lại cao. Lý do nào khiến ông nhất định đi theo con đường này?

Khi có tình yêu rồi thì chúng ta mong muốn tình yêu đó phải được phát triển lên. Mà phát triển trong bóng đá thì phải nói tới bóng đá thành tích cao. Đi từ đào tạo trẻ, T&T Group chọn con đường phát triển theo hướng bền vững.

Khi tôi mới bắt đầu làm bóng đá, một số câu lạc bộ tại V-League đã liên hệ mời tôi mua luôn câu lạc bộ của họ. Họ bảo, nếu tôi đi từ hạng 3 thì không thể lên V-League được, thực tế cũng đã chứng minh nhiều câu lạc bộ không làm được.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 2

Tuy nhiên, khi xây dựng bất kỳ một cái gì, điều tôi chú trọng nhất là văn hóa. Mua luôn một câu lạc bộ thì hớt váng, văn hóa ‘tùm lum’ hết. Thế là tôi quyết định thành lập một câu lạc bộ mới tinh đá ở giải hạng 3, giao anh Triệu Quang Hà dẫn dắt. Ngay từ đầu, câu lạc bộ ngoài chuyên môn phải xây dựng được văn hóa bóng đá, tính nhân văn, đạo đức, truyền thống, phải để nó thấm nhuần vào tư tưởng các cầu thủ trẻ.

Những Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Duy Mạnh, Thành Chung,… đã được đào tạo như vậy. Các con (ông Hiển thường gọi cầu thủ là con xưng chú) được trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của T&T Group tập trung từ năm 9, 10 tuổi, được quản lý theo kỷ luật quân đội.

Văn hóa câu lạc bộ mà ông muốn xây dựng ở đây cụ thể là gì?

Trước hết là phải cống hiến, thi đấu hết mình đã. Nhiều con bảo tôi chủ tịch cứ yên tâm, chúng con chiến đấu hết mình vì chủ tịch.

Tôi bảo vậy không được. Các con chiến đấu trước hết là phải vì con trước. Vì các con là cầu thủ chuyên nghiệp, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện vì mình, vì gia đình các con, vì các con sống bằng cái nghề này.

Sau đó, thứ 2 là ra sân phải tôn trọng khán giả, người hâm mộ người ta ngồi trên sân. Không chơi hết mình, không trung thực là xúc phạm khán giả. Bóng đá mà không có cổ động viên là bóng đá chết.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 3

Thứ 3 là vì màu cờ sắc áo, câu lạc bộ, thành phố, quốc gia này. Cuối cùng các con mới phải nghĩ đến chú. Mà chú đã chơi là phải vô địch, tức là làm gì cũng phải có mục tiêu, tham vọng để phấn đấu. Chơi với chú mà về nhì là thất bại, nhưng chú cũng sẵn sàng xuống hạng nếu các con tiêu cực. Cứ chơi đi, đừng nghĩ có tiền mới đá. Đá hay, đá đẹp thì tự nhiên tiền về.

Đó, với tôi, trước hết là câu lạc bộ phải có văn hóa, phải có tính nhân văn là cống hiến, đạo đức, tư cách, tôn trọng, chuyên nghiệp trước đã, sau đó mới đến tiền.

Tôi luôn nói với các cầu thủ rằng, chúng ta chơi, trước hết chúng ta phải nghĩ tới thành tích cao hơn: Ba lên nhì, nhì lên nhất, nhất lên V-League, V-League lên đội tuyển, phải nghĩ tới Tổ quốc, cống hiến. Tôi vào bóng đá từ trước đến nay luôn tâm niệm như vậy, đó là niềm tự hào dân tộc.

Nhưng có nhiều người bảo bầu Hiển vào bóng đá để đổi lấy lợi ích?

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 4

Vào bóng đá mà nghĩ tới lợi ích kinh tế thì sẽ bỏ ngay, đấy là tâm sự thật. Nhiều người nghĩ là tôi đầu tư vào bóng đá thì phải đổi được lợi ích nào đấy, như đất chẳng hạn, đến khi đạt được rồi thi không tiếp tục đầu tư nữa. Bản thân tôi xác định đầu tư vào bóng đá thì không nên đòi hỏi gì, phải kiên trì, thậm chí nhiều lúc phải chịu đựng. Nói thật, có nhiều lúc tôi rất nản vì bỏ tiền ra mà có khi còn mất uy tín, bị nhiều người nghi ngờ.

Nhưng các cụ đã nói rồi, ‘gái có công thì chồng không phụ”. Niềm tự hào với tôi bây giờ là đội tuyển Quốc gia đã bắt đầu đạt được thành tựu. Tôi luôn luôn có niềm tin là bóng đá VN phải đạt được thành tích gì ở khu vực. nếu tôi không có niềm tin thì 12 năm qua đã không kiên trì, nhẫn nại đầu tư như vậy.

Đến bây giờ, tôi thực sự tự hào khi đóng góp vào thành tích chung của bóng đá Việt Nam. Đó không phải là tiền, mà là uy tín, thương hiệu, vinh dự, những giá trị đó còn lớn hơn tiền nhiều. Thử hỏi, tiền có mua được huy chương bạc châu Á không?

Bóng đá có cái hay, bởi nó có tính lan tỏa rất mạnh. Thành công của chúng ta trong bóng đá chứng minh một điều là Việt Nam có thể lập được những kỳ tích, có thể trở thành con rồng châu Á không chỉ trong lĩnh vực bóng đá mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 5

Nhắc tới lĩnh vực khác, T&T Group có 12 năm đầu tư vào bóng đá để tới ngày vươn tầm nhưng đã có 25 năm phát triển kinh doanh. Tập đoàn có chuẩn bị gì cho việc vươn tầm không?

25 năm không phải ngắn, chưa phải dài, nhưng cũng đã có những trải nghiệm, thăng trầm. Từ một công ty bán hàng điện tử, điện lạnh, T&T Group giờ là một tập đoàn đa ngành với 7 lĩnh vực chính và 70.000 con người.

Dù trong lĩnh vực nào, giá trị của T&T Group cũng đề cao cái tâm, tính nhân văn, đạo đức, văn hóa trong kinh doanh. Đó là giá trị tôi luôn theo đuổi từ trước đến nay.

Riêng 2 năm gần đây, T&T Group liên tục bắt tay hợp tác với các tập đoàn lớn nhất thế giới trong một số lĩnh vực mà quốc gia quan tâm. Với tôi, tiếp cận, học hỏi những người giỏi nhất là cách nhanh nhất, bền vững lâu dài cho kế hoạch vươn tầm của T&T Group.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 6

Kế hoạch của T&T Group đưa ra rất tham vọng và dàn trải trên nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp cho đến hạ tầng. Cụ thể thì tập đoàn sẽ triển khai những hợp tác của mình như thế nào?

Trong điều khoản hợp tác giữa hai bên đã có quy định rõ ràng. Đầu tiên đó là các tập đoàn Quốc tế sẽ có vai trò quản trị, đồng thời phải bỏ tiền trực tiếp vào các dự án. Quan điểm của tôi đơn giản, đó là “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, hai bên phải cùng đầu tư, đồng thời các đối tác nước ngoài cũng phải lo kêu gọi nguồn vốn luôn để triển khai.

Khi đầu tư vào 1 thị trường mới, thông lệ là các tập đoàn lớn luôn có quỹ đầu tư đi theo. Các quỹ đầu tư này có nguồn vốn lớn, lãi suất thấp, ổn định lâu dài. Ví dụ Mỹ có đối tác nói với tôi họ có nguồn vốn 5 – 10 tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng phải có những tập đoàn lớn của họ hoặc của thế giới có năng lực quản trị đầu tư, thì cái quỹ mới tham gia vào.

Về phần T&T Group, chúng tôi sẽ xử lý các vấn đề bản địa, như quy trình, thủ tục, để đảm bảo tiến độ các dự án.

Theo ông tại sao các tập đoàn nước ngoài lại lựa chọn T&T Group?

Trên thực tế, việc lựa chọn T&T Group làm đối tác xuất phát từ chính nguyện vọng của các tập đoàn nước ngoài. Trước khi bắt tay, các tập đoàn lớn đã tìm hiểu rất kỹ quá trình hình thành và phát triển của T&T Group, về thành tựu đã đạt được, từ kinh doanh cho tới bóng đá, về đội ngũ lãnh đạo của T&T Group. Thậm chí, họ hiểu mình có khi còn hơn cả… chính mình hiểu mình.

Các tập đoàn này biết là doanh nghiệp Việt Nam không có kỹ năng quản trị bằng mình, và nguồn vốn trung và dài hạn trong nước cũng không dư dả. Nhưng chính vì tìm hiểu kỹ, họ hiểu chiến lược cạnh tranh của T&T Group.

Thứ nhất đó là chiến lược phát triển lâu dài và bền vững. Chúng tôi luôn tìm và tạo ra sự khác biệt. Thứ 2 là chữ tín của tập đoàn. Với tôi tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T Group trên thị trường thì không thể bị lu mờ. Thứ 3 là người đứng đầu. Người đứng đầu rất quan trọng, bởi đó là người đưa ra lời hứa, cam kết, quyết định chiến lược. Cuối cùng, các tập đoàn nước ngoài rất trân trọng sự phát triển của doanh nghiệp đi đôi với sự phát triển của xã hội, phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn sẵn sàng bắt tay với T&T Group khi nhìn vào chủ trương cống hiến của tập đoàn cho xã hội.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 7

Ông kỳ vọng gì trước những cái bắt tay này?

Hợp tác thì đương nhiên sẽ có một cái lộ trình triển khai. Từ lộ trình nó có mốc thời gian đạt được mong muốn. Cũng như trong bóng đá, cái tôi mong muốn không phải chỉ là trong nước, mà phải là khu vực, sau đó tiến ra châu lục.

Tôi luôn nghĩ, con người Việt Nam rất thông minh, lại cần cù, ý chí không kém ai, dân số thì trẻ. Bây giờ mà được tiếp cận hệ thống quản trị, công nghệ tiên tiến, được đào tạo ở nước ngoài thì Việt Nam chúng ta sẽ nhanh chóng tiếp cận công nghệ 4.0.

Tôi tin rằng trong vòng 10 – 15 năm tới là Việt Nam cũng sẽ tiếp cận ngang bằng với khu vực Đông Nam Á.

Dù hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới, nhưng nếu xét về hệ thống quản trị, T&T Group vẫn hoạt động theo mô hình gia đình. Ông nghĩ sao về điều này?

T&T Group là một công ty cổ phần, cổ đông hơi ít, bởi tôi chưa muốn đưa thành công ty đại chúng như SHB. Tôi muốn trước khi Tập đoàn trở thành công ty đại chúng, thì bản thân Tập đoàn phải bước lên một đẳng cấp mới, chuẩn theo quốc tế về sự chuyên nghiệp. Đến đúng thời điểm, T&T Group sẽ trở thành công ty đại chúng, và các cán bộ nhân viên sẽ trở thành cổ đông của công ty.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 8

Dường như ông ít nhắc tới lợi nhuận dù đây đều là những dự án lớn, thậm chí quy mô cả tỷ đô?

Có những dự án chúng tôi bắt tay với đối tác nước ngoài đầu tư rất lớn nhưng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thời gian thu hồi vốn lên tới 50 năm. Nếu đầu tư cái gì cũng nghĩ tới lợi ích kinh tế thì chúng tôi đi ‘nhặt tiền lẻ’ như vậy làm gì.

Ngoài lợi nhuận, quan điểm của T&T Group là đồng hành với tính nhân văn, cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Đó cũng là một trong những lợi thế rất phù hợp của T&T Group với các tập đoàn nước ngoài.

Đó là niềm tin mà ông luôn nhắc tới trong thông điệp đa lĩnh vực – một niềm tin của tập đoàn?

Với tôi, trong cuộc sống luôn cần có niềm tin. Niềm tin không chỉ là niềm tin vào đối tác, mà niềm tin vào mỗi con người. Có niềm tin là có sức mạnh, có niềm tin có sự quyết tâm, có niềm tin ta sẽ đạt được điều chúng ta mong muốn.

Các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi chỉ khuyên các bạn phải có niềm tin, bởi trong chặng đường doanh nghiệp cũng như cuộc sống chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn. Một số người nói với tôi từ trước đến giờ kinh doanh chưa gặp khó khăn gì. Tôi bảo họ chưa phải là doanh nghiệp. Bởi khó khăn tìm đến mỗi chúng ta là tất nhiên như một biểu đồ. Kể cả sức khỏe, công việc, quan hệ bạn bè,… luôn có những lúc thăng trầm. Những lúc đó nếu chúng ta không có niềm tin thì sẽ thất bại, giữ vững niềm tin thì sẽ vượt qua.

Chuyện ‘xem giò’ Đoàn Văn Hậu và triết lý kinh doanh dựa trên cái tâm của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển 9

Nhìn lại chặng đường doanh nhân “không ngắn, chưa phải dài” của mình, ông có bao giờ nghĩ mình là một người may mắn?

Nhiều chứ. Tôi may mắn khi gặp được cộng sự, bạn bè hỗ trợ, cả được… trời thương. Nói chân thành, chưa bao giờ tôi nghĩ là mình tài giỏi. Xã hội rất nhiều người giỏi hơn tôi nhưng chưa thành công, bởi vì họ vẫn còn thiếu chút may mắn.

Chính vì được mọi người hỗ trợ nhiều, nên tôi tin rằng sức mạnh tập thể rất quan trọng. Một mình mình không thể làm được nếu không có sự góp sức của cả tập thể. Nội bộ tập đoàn hiện có người đi cùng T&T Group từ những ngày đầu, có người mới về, quan trọng là để mọi người hiểu được văn hóa 25 năm của tập đoàn, hiểu được niềm tin, truyền thống, định hướng tương lai, để mọi người có thể đồng lòng. Bởi suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Quốc Dũng

22/11/2018