Credit mới đây đã khởi động chương trình Tăng tốc Hành trình Khởi nghiệp với tên gọi FE Xcelerate hướng đến cộng đồng khởi nghiệp fintech toàn cầu. Tại sao FE Credit lại chọn thời điểm này khi đã có một số chương trình tương tự ra mắt tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây? Tại sao không phải sớm hơn hay muộn hơn? FE Credit mong đợi gì từ chương trình này?
Ông Basker Rangachari: Nhiều công ty tổ chức các chương trình như thế này với một mục tiêu nhất định. Mà rõ ràng khi họ có mục tiêu của riêng họ thì sẽ rất khó cho chúng tôi tham gia hoặc sử dụng các giải pháp fintech đó, vì bị ràng buộc bởi những thỏa thuận riêng không thể tiết lộ. Chúng tôi không xem các chương trình tương tự đã ra đời là thước đo chuẩn mực, mà đơn giản là chúng tôi tập trung vào chính hành trình phát triển của mình để quyết định đâu là thứ mà chúng tôi cần tìm kiếm từ các công ty fintech.
Vậy tại sao lại là lúc này? Bởi vì đây là thời điểm cực kỳ phù hợp với kế hoạch thực thi các chiến lược chuẩn bị cho tương lai của FE Credit. Và một phần trong chiến lược đó là niềm tin mãnh liệt rằng khách hàng sẽ không cần phải đến tìm chúng tôi để đăng ký vay nữa, mà sản phẩm của FE Credit sẽ có mặt khắp mọi nơi và sẵn sàng phục vụ ngay lập tức khi họ có nhu cầu tài chính.
Trước năm 2017, chúng tôi tăng trưởng chủ yếu nhờ vào việc phát triển mạng lưới – đó là hệ thống cửa hàng được vận hành một cách có tổ chức, với một lực lượng lao động lớn. Lúc đó, nếu nhìn vào kết quả của ngân hàng [mẹ], lợi nhuận của FE Credit tăng trưởng tới hơn 50%. Về mặt con số mà nói, lẽ ra chúng tôi chỉ cần ngồi yên một chỗ và tự bằng lòng với kết quả ấn tượng như vậy. Nhưng chúng tôi đã không làm thế vì biết rằng đến một lúc nào đó, đồ thị tăng trưởng của công ty sẽ bắt đầu đi ngang. Với hầu hết các doanh nghiệp chú trọng việc mở rộng chi nhánh, chi phí rồi sẽ tăng nhanh hơn so với doanh thu và ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng khi không thể tiến sâu vào mọi ngóc ngách của Việt Nam.
Kết hợp với những gì đang diễn biến trong lĩnh vực fintech trên khắp thế giới, chúng tôi cảm thấy cần phải tạo ra mô hình kinh doanh số mới. Mô hình phát triển mạng lưới của chúng tôi vẫn đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục đóng vai trò cốt lõi. Tuy nhiên, nhận thấy khách hàng của mình ngày càng am hiểu công nghệ số, chúng tôi cần chuẩn bị để có thể sẵn sàng phục vụ họ khi bước qua làn sóng công nghệ sáng tạo lần thứ hai.
FE Xcelerate có thể nói là chương trình tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên do một công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam khởi xướng, giúp đáp ứng yêu cầu kinh doanh của FE Credit. Chương trình sẽ đồng hành cùng FE Credit trong hành trình tìm kiếm các giải pháp sáng tạo đổi mới, bằng cách hợp tác với các công ty mới khởi nghiệp về fintech có tiềm năng “thay đổi cuộc chơi”, giúp giải quyết các lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển của FE Credit trong tương lai mà chúng tôi đã xác lập cụ thể.
Nếu nhìn vào ngành dịch vụ tài chính trên toàn cầu, có thể thấy cơ hội thường đột nhiên xuất hiện theo nhiều cách. Với bề dày lịch sử 3.000 năm, ngành ngân hàng đã tạo ra rất nhiều rào cản cho người chơi mới gia nhập. Nhưng nhờ công nghệ, các rào cản này đã giảm mạnh. Chúng tôi có các đối thủ lớn từ châu Âu, họ là những công ty thuần về công nghệ số: dù không có chi nhánh văn phòng ở đây nhưng họ vẫn có thể trở nên khổng lồ chỉ trong vòng một năm do được khách hàng đón nhận mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng người dân, cho dù đến từ bất kỳ tầng lớp giáo dục nào cũng đều có một mức độ am hiểu nhất định để đón nhận công nghệ số.
Có thể nói FE Xcelerate sẽ không phải là chương trình duy nhất chúng tôi khởi động, mà là nền tảng đầu tiên để chúng tôi tiếp xúc với các công ty fintech trong nước và trên toàn thế giới. Có thể chúng tôi sẽ ngay lập tức tìm thấy những cơ hội tốt, hoặc biết đâu chúng tôi sẽ phát hiện được những điều thú vị cần được nuôi dưỡng và đầu tư để phát triển thêm.
FE Credit tìm kiếm điều gì ở một fintech lý tưởng để thực hiện chiến lược tương lai của mình?
Ông Basker Rangachari: Chúng tôi đang tìm kiếm các fintech startup đã hoạt động được một năm, họ cần có một sản phẩm khả thi tối thiểu nào đó, ví dụ như một mô hình chấm điểm tín dụng hoặc một công cụ tiếp thị trực tuyến, hoặc giải pháp phân khúc khách hàng hoặc phân tích dữ liệu.
Nói chung, những công ty fintech này phải có ít nhất một sản phẩm công nghệ nào đó phù hợp với một trong 8 vấn đề mà chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp. Một trong số đó bao gồm số hóa nền tảng dữ liệu khách hàng để tăng tương tác trên môi trường số, tạo ra dịch vụ khách hàng kỹ thuật số đa kênh, thiết kế một nền tảng phục vụ khách hàng theo yêu cầu (service-on-demand) ngay khi họ cần dịch vụ của chúng tôi, v.v.
Khi đăng ký tham dự, chúng tôi có yêu cầu những fintech startup này cung cấp thông tin về đội ngũ quản lý, kinh nghiệm và số lượng nhân viên cũng như khoảng thời gian họ đã kinh doanh và được tài trợ như thế nào, để chúng tôi có thể thấu hiểu doanh nghiệp của họ. Điều này là cần thiết vì đôi khi các startup có thể có các giải pháp với kết quả triển khai thử nghiệm rất thú vị nhưng lại không thể đạt được quy mô tới 10 triệu khách hàng.
Trong quá trình sàng lọc ứng viên, chúng tôi sẽ bắt đầu công tác cố vấn để cùng họ phát triển giải pháp và cách thức hoạt động của công nghệ do họ phát minh. Ban đầu, họ có thể bối rối trong việc tìm ra công thức liên kết những vấn đề này lại với nhau, nhưng trong kế hoạch của mình, chúng tôi sẽ bắt đầu xâu chuỗi những yếu tố này lại để có thể đáp ứng được kỳ vọng của FE Credit về một giải pháp có tính thực tiễn và có thể xúc tiến ra thị trường.
Những công ty fintech được lựa chọn để cộng tác với FE Credit sau khi chương trình kết thúc chính là những “gương mặt vàng” có thể tạo ra các giải pháp thực sự có ích cho thị trường.
FE Credit sẽ hỗ trợ tài chính như thế nào cho những fintech vượt qua thử thách?
Ông Basker Rangachari:: Sau khi sản phẩm đã hoàn tất ở khâu thiết kế, lấy ví dụ họ đã phát triển thành công một công cụ tiếp thị trên nền tảng web và chúng tôi thấy sản phẩm này phù hợp, bước tiếp theo là chúng tôi sẽ tiến hành thương thảo về các loại phí cấp phép cũng như phí giao dịch mà FE Credit sẽ chi trả cho các startup. Đây sẽ là một hợp đồng thương mại giữa hai bên.
Sau khi đã đánh giá toàn diện về công cụ và đi đến thỏa thuận thương mại, chúng tôi dự định sẽ hậu thuẫn cho startup đó một nguồn tài chính ổn định để tiếp tục phát triển sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đánh giá cơ hội đầu tư. Nếu lựa chọn đầu tư vào các startup thì chúng tôi sẽ trở thành chủ sở hữu cổ phần hoặc cũng có thể chọn đầu tư thông qua các khoản vay vốn [debt instrument: trái phiếu, các khoản vay...]
Chương trình được mở cho các công ty fintech trên toàn cầu, vậy FE Credit đang nhắm đến những fintech startup tại Việt Nam hay từ các nước khác?
Ông Basker Rangachari: Tôi nghĩ rằng cả hai. Chúng tôi biết chắc rằng trên thế giới đã có những giải pháp cho các vấn đề mà chúng tôi đang tìm kiếm. Và thay vì tiếp cận riêng lẻ từng công ty fintech, chúng tôi mở chương trình này với mong muốn tạo ra một không gian cho các công ty đề xuất những giải pháp thương mại với tính khả thi cao. Chỉ cần họ có những giải pháp tốt, bất kể từ quốc gia nào, chúng tôi cũng đều mong muốn tiếp cận và xem xét liệu chúng có đủ khả thi để đón nhận hay không.
Việt Nam hiện có khoảng trên dưới 150 công ty fintech, ông có nghĩ con số này khá khiêm tốn đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam không? Đâu là những thách thức và cơ hội mà những công ty này phải đối mặt?
Ông Basker Rangachari: Tôi thấy rất nhiều lần, từ “fintech” được sử dụng khá lỏng lẻo, có thể là một nhóm sinh viên nhen nhóm ý tưởng về công nghệ tài chính và gây quỹ được 50.000 đô la từ các nhà tài trợ và họ gọi đó là một fintech với các giải pháp sáng tạo. Nhưng có bao nhiêu trong số đó tồn tại lại là một câu chuyện khác và đó là thách thức đối với ngành công nghệ tài chính.
Vì vậy, tôi không nghĩ rằng số lượng fintech tại mỗi thị trường thực sự có ý nghĩa gì. Quan trọng là họ tham gia lĩnh vực nào. Hôm nay bạn có thể thấy rất nhiều fintech về thanh toán như ví điện tử và các công nghệ này chỉ có thể thực hiện các giao dịch đơn giản.
Nếu phải đưa ra lời khuyên cho một fintech, tôi sẽ khuyên họ nên đánh giá vấn đề một cách cẩn thận và xem liệu có đáng để đầu tư công sức và nó có mang lại lợi ích tài chính cho người sử dụng hay không. Vì rất có thể họ đang giải quyết một vấn đề không phải là vấn đề mấu chốt. Vì thế, khách hàng có thể sẽ không đón nhận.
Và thứ hai, các công ty fintech nên tự hỏi liệu họ có đang cố gắng tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó đã được 10 công ty khác giải quyết hay không, và có rào cản nào ngăn các đối thủ khác nhảy vào hay không. Vì nếu vậy thì họ có thể mất rất nhiều thời gian tạo ra giải pháp và khi các đối thủ nước ngoài xâm nhập thị trường với một sản phẩm tốt hơn nhưng giá thành tương đương thì những người chơi trong nước sẽ có nhiều khả năng thua cuộc.
Tôi không có con số chính xác tỷ lệ sống còn của các fintech là bao nhiêu, nhưng những đơn vị thành công lớn trên toàn cầu chỉ chiếm chưa đến 5% trong tổng số các fintech đang hoạt động.
Bản chất của hầu hết người Việt Nam mà tôi gặp đều có tinh thần tự làm chủ rất cao; họ luôn có khát vọng mở doanh nghiệp riêng của mình. Fintech tạo ra sự tự do cho nhiều người trẻ. Chẳng hạn, một cậu bé dù xuất thân từ gia đình khó khăn nhưng rất thông minh thì môi trường fintech sẽ mang đến cho cậu ấy hay bất kỳ ai khác cơ hội để thành công. Thành thật mà nói, tôi đã từng sống ở rất nhiều quốc gia khác nhau nhưng chưa bao giờ chứng kiến được tham vọng tự làm chủ lại được lan tỏa mạnh mẽ như ở đây.
Càng nhiều thử thách thì càng nhiều động lực, và đây sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho những người trẻ luôn khát vọng vươn lên để gặt hái thành công. Càng nhiều người dấn thân, càng nhiều kỳ tích sẽ xảy ra, giống như cách Facebook hoặc Apple được hình thành. Cái mà chúng tôi cần chính là những con người trẻ với khát vọng và đam mê, cùng với nỗ lực làm việc chăm chỉ, để không ngừng sáng tạo đổi mới.
Tôi rất lạc quan trước bối cảnh fintech tại Việt Nam. Và nếu có cơ hội để đầu tư, chẳng hạn như một quỹ đầu tư fintech trong tương lai, tôi chắc chắn sẽ tham gia vì tôi nghĩ rằng Việt Nam đang có một vai trò to lớn ở lĩnh vực này trong dài hạn.
Việt Nam là đất nước với nhiều tiềm năng làm cho tôi thật sự kinh ngạc. Trước khi đặt chân đến đây, tôi chưa từng tưởng tượng được sự mạnh mẽ của làn sóng đổi mới công nghệ đang diễn ra tại đây. Đơn cử như lĩnh vực thiết kế game ở Việt Nam chính là một ví dụ điển hình. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được có mặt ở đây, tại giai đoạn khởi đầu này để được đồng hành với sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực fintech đang diễn ra ngay trong chính quốc gia của các bạn.
Đăng ký tham gia tại đây: https://innovation.gomedici.com/fe-xcelerate/vietnam/
Thực hiện: Trang Nguyễn - Thiết kế: Việt Anh
27/11/2019