Ngay sau cuộc họp thường niên của các thành viên, bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) lại tiếp tục bận rộn chuẩn bị cho những hoạt động sắp tới của liên minh.
Năm 2023 được coi là năm bản lề để các doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam chuẩn bị cho việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR, sẽ chính thức có hiệu lực kể từ 01/01/2024 với nhóm ngành bao bì. Tuy nhiên, trách nhiệm của PRO Việt Nam, với vai trò là liên minh của những nhà tiên phong trong kinh tế tuần hoàn, lớn hơn so với trách nhiệm được quy định trong luật.
“Các thành viên của PRO Việt Nam tự hào là những người tiên phong với trách nhiệm về môi trường, xã hội, bởi ngay từ khi luật chưa bắt buộc, chúng tôi đã bắt tay vào làm”, bà Thanh khẳng định.
Lời khẳng định đó hoàn toàn có căn cứ. Thành lập từ năm 2019, PRO Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động theo các khung định hướng của mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo thực hiện nguyên tắc tiếp cận 3R - Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Reuse) và Tái chế (Recycle): truyền thông thay đổi nhận thức người tiêu dùng, thiết lập hệ thống thu gom, tái chế cho đến đề xuất, đóng góp xây dựng chính sách.
Các thành viên của PRO Việt Nam là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bao bì, bán lẻ và nhập khẩu với tiềm lực mạnh mẽ, cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như in thông điệp khuyến khích tái chế lên bao bì hay thay đổi thiết kế, thành phần bao bì, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng tỉ lệ các nguyên liệu có thể tái chế dễ dàng và thân thiện với môi trường.
Nhịp đập tuần hoàn càng trở nên mạnh mẽ khi có sự vào cuộc đầy quyết tâm từ phía Nhà nước, với những chính sách khuyến khích và tạo tiền đề cho doanh nghiệp triển khai những sáng kiến khép kín vòng lặp của nguyên vật liệu.
Hân hoan trước cơ hội mới nhưng cũng không ít nỗi trăn trở về những thách thức cần phải giải quyết có lẽ là tâm trạng chung của các thành viên PRO Việt Nam, được bà Thanh chia sẻ qua câu chuyện với TheLEADER.
Bà Chu Kim Thanh: Mục tiêu chính của PRO Việt Nam cho đến năm 2025 là truyền thông để góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với rác thải, về tầm quan trọng của phân loại rác tại nguồn. Mặt khác, PRO Việt Nam cũng truyền thông vận động, đóng góp ý kiến với Bộ Tài nguyên và môi trường để xây dựng chính sách về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Đây đều là những tiền đề quan trọng để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Đối với người tiêu dùng, cách hành xử của họ đối với rác thải sau tiêu dùng quyết định rất lớn đến tỷ lệ thu gom, tái chế rác thải. Không tạo được nhận thức đúng đắn cho người tiêu dùng, rất nhiều phế liệu có giá trị đã bị lãng phí.
Lấy ví dụ đơn cử như đối với vỏ hộp sữa. Đa phần đều biết rằng có thể tái chế được các vật liệu như nhựa, nhôm, giấy nhưng ít người biết vỏ hộp sữa, với thành phần chính là 3 vật liệu này, có thể thu gom để tái chế được.
Để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, PRO đã tổ chức các sự kiện, các chương trình truyền thông về phân loại và thu gom rác tại các khu chung cư, một số chuỗi siêu thị và các khu vực công cộng để tăng tỷ lệ thu gom rác tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Song song với đó, PRO Việt Nam còn phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án thí điểm về mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như thực hiện các chương trình hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập.
Về phía chính sách, PRO Việt Nam tích cực đóng góp ý kiến xây dựng khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn. Có thể nói, các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn và công cụ EPR trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như Nghị định 08-NĐ/CP có sự đóng góp đáng kể từ phía liên minh. Đây là thành quả đáng tự hào của các thành viên khi thể hiện quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ và người dân trong nỗ lực phát triển bền vững theo xu thế chung của thế giới.
Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cũng tiến hành những hoạt động thu gom, tái chế, chuẩn bị cho việc đảm bảo thực thi hiệu quả nghĩa vụ EPR cho các công ty thành viên.
Năm 2022, PRO Việt Nam đã tiến hành hợp tác với một số công ty tái chế và các đơn vị thu gom rác ở các thành phố lớn để triển khai, thử nghiệm một số dự án và từ đó, chúng tôi có thêm sự thấu hiểu về dòng chảy của phế liệu ở Việt Nam. Chúng tôi đã thu gom và tái chế được hơn 3000 tấn nhựa PET và vỏ hộp giấy đa lớp, tương đương với khoảng 250 triệu vỏ chai nhựa và 34 triệu vỏ hộp giấy đa lớp.
Bà Chu Thị Kim Thanh: Từ ngày 01/01/2024, công cụ EPR chính thức được áp dụng với nhóm ngành bao bì. Có thể nói, năm 2023 là năm bản lề để triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc thực thi EPR.
Cần phải có nhiều bước chuẩn bị để doanh nghiệp có thể thực hiện nghĩa tái chế, thu gom theo quy định Bộ Tài nguyên và môi trường yêu cầu, đặc biệt là đối với thực trạng thiếu và yếu trong cả khâu thu gom và tái chế như hiện nay.
Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục triển khai những hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, bởi như đã nói ở trên, người tiêu dùng phải có ý thức phân loại rác tại nguồn thì mới đảm bảo phế liệu được thu gom và tái chế hiệu quả.
Song song với đó là tiếp tục triển khai xây dựng những mô hình thu gom, tái chế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Một điểm đặc biệt là hoạt động truyền thông cũng như xây dựng mô hình thu gom, tái chế của PRO Việt Nam sẽ tập trung nhiều vào lực lượng thu gom rác dân lập. Lâu nay, lực lượng phi chính thức này thu gom phần lớn lượng phế liệu tại Việt Nam, hình thành một mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khai. Tuy nhiên, họ ít nhận được sự quan tâm, có thu nhập bấp bênh, chưa được đảm bảo điều kiện lao động cũng như rất khó tiếp cận với an sinh xã hội.
Việc hỗ trợ lực lượng phi chính thức thu gom phế liệu sẽ tạo ra hệ thống thu gom hiệu quả, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn EPR. PRO Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho lực lượng người lao động này và sẽ phối hợp với các bên liên quan để việc này được thực hiện ở quy mô lớn hơn.
Tất nhiên, với nguồn lực hữu hạn, chúng tôi không thể hỗ trợ được hết những người lao động thu gom phi chính thức này. Chỉ hy vọng rằng với nỗ lực đóng góp tiếng nói của PRO Việt Nam, các sở, ngành có liên quan sẽ cùng vào cuộc để giải bài toán này.
Thật ra, các hoạt động nói trên đều liên quan mật thiết đến nhau. Hỗ trợ người thu gom rác thải giúp thiết lập hệ thống thu gom hiệu quả và ngược lại, tạo ra hệ thống thu gom, tái chế hiệu quả, thúc đẩy phân loại tại nguồn cũng sẽ giúp tăng giá trị của phế liệu, đem lại thu nhập tốt hơn cho người lao động trong lĩnh vực này.
Một hoạt động khác của PRO Việt Nam là tiếp tục đồng hành với Bộ Tài nguyên và môi trường, tiếp tục tham vấn, đóng góp ý kiến để EPR được vận hành một cách hiệu quả nhất, đảm bảo tỷ lệ và chất lượng thu gom, tái chế nhưng không tạo ra gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.
Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các các hội thảo để các thành viên, các bên liên quan và các chuyên gia chính sách có thể trao đổi về thực thi nghĩa vụ EPR. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất lúng túng trong vấn đề này vì vậy, việc trao đổi, chia sẻ thông tin là điều rất cần thiết.
Bà Chu Thị Kim Thanh: Các thành viên PRO Việt Nam có thể cạnh tranh với nhau trên thị trường. Tuy nhiên, khi đã cùng ngồi lại với nhau, cùng bắt tay nhau trong khuôn khổ liên minh, chúng tôi có chung sứ mạng là trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp.
Và EPR là một trong các công cụ để đạt được điều này nên các thành viên đều cởi mở trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến thực thi EPR. Các thành viên đều quan niệm rằng không phải chỉ thực thi để hoàn thành nghĩa vụ, để đáp ứng tỷ lệ do luật đề ra mà phải làm sao thực sự thu gom, tái chế thật hiệu quả và hình thành chuỗi giá trị tuần hoàn.
Trước khi có quy định thực thi bắt buộc EPR thì nhiều doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam đã thực hiện việc thu gom, tái chế bao bì bởi mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là chiến lược phát triển của đa số thành viên từ nhiều năm nay.
Kinh tế tuần hoàn là mục tiêu chung không chỉ của các thành viên PRO Việt Nam mà còn của Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức phát triển, của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội. Các hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn đang được triển khai đồng bộ và rất tích cực. Để cho những hoạt động ấy thực sự hiệu quả, đây sẽ là thời điểm quan trọng để tất cả chúng ta cùng ngồi lại với nhau, kết nối các hoạt động, tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!
Thực hiện: Phạm Sơn
Thiết kế: Diệu Thảo