Cách đó không xa, một lô hàng khác mang thương hiệu xi măng Tân Thắng đang chuẩn bị cập bến một thị trường khó tính hơn là Mỹ. 25.000 tấn xi măng bền sulfate, đáp ứng cao tiêu chuẩn ASTM C150 (Type II) với tổng giá trị gần 1,1 triệu USD đã sẵn sàng.
So với xi măng thường, xi măng bền sulfate có nhiều ưu điểm hơn nhờ được phát triển cường độ cao, giúp rút ngắn thời gian thi công, lại có khả năng chống lại sự ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình công nghệ cao, chẳng hạn như công trình dưới biển, hải đảo, khu vực ngập mặn hay nhiệt điện và bê tông khối lớn. Mặc dù vậy, yêu cầu kỹ thuật cao khiến không phải nhà máy nào của Việt Nam cũng có thể sản xuất loại xi măng này. Hai lô hàng xuất khẩu đầu tiên tìm tới những khách hàng lớn đã minh chứng cho chất lượng và uy tín của thương hiệu xi măng Tân Thắng sau 5 tháng ra mắt thị trường. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, ổn định, các hoạt động khác như giao nhận vận tải đồng thời đáp ứng được năng suất bán hàng, đảm bảo giao nhận ổn định trong mọi điều kiện thời tiết.
“Sau hai lô hàng trên, các lô hàng xuất khẩu tiếp theo của xi măng Tân Thắng cũng đã sẵn sàng xuất ngoại. Điểm đến tiếp theo là các thị trường Trung Quốc, Úc, Kiribati và Philippines”, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công tyCổ phần Xi măng Tân Thắng chia sẻ.
Chuyến hàng đầu tiên của xi măng Tân Thắng ra ngoài thế giới là một điểm sáng trong bối cảnh ngành xi măng trong nước không lạc quan. Đại dịch Covid-19 kéo dài làm nhu cầu xây dựng toàn thế giới chậm lại, kéo theo đó là sự sa sút của ngành vật liệu nói chung như thép, xi măng…
Bên cạnh đó, do tác động từ lệnh phong tỏa và hành động cứng rắn của các quốc gia nhằm ngăn chặn dịch bệnh, trong quý 1/2020, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu xi măng chính của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines hay Bangladesh đã giảm từ 15 – 20%. Quá trình này dự kiến sẽ tác động lâu dài, kể cả sau đại dịch, do nhu cầu xuất khẩu sẽ hồi phục chậm do áp lực tồn kho cao tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Ở trong nước, các công ty phân tích dự báo nhu cầu tiêu thụ nội địa của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 68 triệu tấn, chỉ tương đương mức tiêu thụ năm 2019. Cụ thể, hoạt động xây dựng các công trình nhà máy, khu công nghiệp, khách sạn…, vốn là phân khúc đóng góp mức tăng trưởng cao cho nhu cầu xây dựng trong giai đoạn vừa qua, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những tác động của dịch Covid-19 do suy giảm về lượng khách du lịch và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Bất chấp những khó khăn của thị trường, xi măng Tân Thắng vẫn cho thấy những nỗ lực đáng nể. Nằm trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, dự án nhà máy Xi măng Tân Thắng là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh Nghệ An.
Dự án bắt đầu được triển khai lắp đặt giai đoạn 1 vào giữa năm 2018, với công suất khoảng 2 triệu tấn xi măng/năm. Chỉ mất 17 tháng, Tân Thắng đã hoàn thành xong phần lắp đặt, một kỷ lục trong ngành xi măng tại Việt Nam. Mất thêm 5 tháng kể từ khi chính thức đi vào vận hành, Tân Thắng đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên.
Theo người đại diện nhà máy, công nghệ, chất lượng và phát triển bền vững được coi là bệ phóng vững chắc cho những bước đi thần tốc của Xi măng Tân Thắng. Được sự tư vấn của Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhà máy xi măng Tân Thắng lựa chọn hướng đầu tư ứng dụng tối đa vào các công nghệ tân tiến nhất trên thế giới, qua đó giảm thiểu thời gian xây dựng và vượt qua rào cản gia nhập ngành.
Toàn bộ dây chuyền vận hành của nhà máy xi măng Tân Thắng đều được trang bị các công nghệ hàng đầu thế giới. Từ cào rải đá vôi của Bedeschi (Italia); Lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); Nghiền xi của Loesche (Đức), Đóng bao của Haver & Boecker (Đức); Hệ thống điện của ABB (Thụy Sỹ),…
Hệ thốngcác thiết bị, máy móc tiên tiến bậc nhất đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của châuÂu với 3 khu vực sản xuất, bao gồm khu vực nguyên liệu, khu vực sản xuất bánthành phẩm clinker, khu vực sản xuất thành phẩm xi măng. Các sản phẩm xi măngra đời từ Tân Thắng đều đáp ứng tốt tiêu chuẩn kỹ thuật ASTM của Mỹ và tiêu chuẩnEN của châu Âu.
Từ phòng điều khiển trung tâm, nơi được coi là trái tim của nhà máy, anh Nguyễn Xuân Hùng, phó phòng công nghệ của xi măng Tân Thắng chỉ về phía ống khói nhà máy. “Nếu nhìn bằng mắt thường, sẽ chẳng thể thấy được có khói hay bụi bay ra”, anh Hùng nói.
Việc ứng dụng công nghệ ở mức độ cao không chỉ giúp nhà máy xi măng Tân Thắng tạo ra được những sản phẩm chất lượng, mà còn đảm bảo an toàn môi trường, tiêu chí mà hầu hết các nhà máy sản xuất công nghiệp ngày nay đều hướng tới.
Xi măng là vật liệu quan trọng trong ngành xây dựng nhưng đây cũng là ngành sản xuất tiêu hao năng lượng lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường. Trong hình dung của mọi người, nhà máy xi măng thường gắn liền với nồng độ bụi cao, khí thải chứa Carbon oxide (CO), Carbonic (CO2) ảnh hưởng tới môi trường,... Ngày nay, tại các nhà máy xi măng hiện đại, quá trình khai thác, sản xuất và vận chuyển đều cần được tính toán kỹ lưỡng bởi mức độ ô nhiễm, khói bụi mang lại.
Tại nhà máy xi măng Tân Thắng, toàn bộ các vấn đề lo ngại trên đã được xử lý thông qua một hệ thống kiểm soát môi trường nghiêm ngặt. Tất cả dây chuyền sản xuất đều được đặt trong một hệ thống khép kín, bụi phát sinh được xử lý qua hệ thống lọc bụi túi kết hợp với lọc bụi tĩnh điện, các thiết bị giám sát, quan trắc môi trường. Nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, với khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3. Chỉ tiêu này đáp ứng tốt quy định hiện hành của Nhà nước là 100mg/Nm3, đảm bảo khi nhà máy đi vào sản xuất với cường độ cao thì môi trường vẫn an toàn.
Không chỉ giảm khí thải phát ra môi trường, hệ thống lọc bụi túi cho hệ thống máy nghiền than, máy nghiền xi măng có khả năng thu hồi gần như toàn bộ than và bụi mịn quay trở lại sản xuất, qua đó vừa đảm bảo nồng độ khí thải đáp ứng tiêu chuẩn, vừa tăng năng suất cho dây chuyền.
Việc đảm bảo môi trường trong nhà máy còn đến từ khả năng giảm tiêu thụ điện năng. Với hệ thống điện tự động hóa ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, giúp chỉ tiêu tiêu hao điện khoảng 95 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker. Đây là các chỉ tiêu tiêu hao thấp nhất trong toàn ngành xi măng hiện nay.
Trong tương lai gần, nhà máy xi măng Tân Thắng còn có kế hoạch phát triển hệ thống nhiệt điện tái tạo, tận dụng nhiệt điện khí thải lò quay để phát điện, ngoài chức năng phát điện còn giảm thiểu được bụi khí thải ra môi trường.
“Hiện tổng điện năng tiêu thụ nhà máy khoảng từ 23-25MW/h, nếu sử dụng nhiệt điện khí thải công suất phát 7MW/h sẽ tiết kiệm khoảng 30% tổng điện năng tiêu thụ”, kỹ sư Hùng ước tính.
Cũng nhờ vào công nghệ, hoạt động vận hành một nhà máy xi măng công suất 2 triệu tấn/năm không cần tới quá nhiều nhân lực. Tất cả hoạt động ở nhà máy đều được kiểm soát tại phòng điều khiển trung tâm, dưới sự giám sát của khoảng chục nhân sự thông qua hàng loạt màn hình máy tính.
Hiện nay, toàn bộ nhà máy xi măngTân Thắng chỉ có khoảng 230 nhân sự làm công nhân, kỹ thuật viên. Nếu tính thêm các bộ phận khác như khối bán hàng, văn phòng, tổng số nhân sự của nhà máy cũng chỉ khoảng 400 người, khá khiêm tốn nếu so với các nhà máy xi măng khác đang hoạt động tại Việt Nam.
Công nghệ mới nhất cho phép sản xuất cả clinker thông thường lẫn clinker đặc biệt để cho ra các chủng loại sản phẩm xi măng từ PCB40, PC50... đến các loại xi măng đặc biệt như: Xi măng ít tỏa nhiệt, xi măng đóng rắn nhanh, xi măng chịu mặn... theo nhu cầu của thị trường. Sản phẩm xi măng được phân phối cũng rất đa dạng: từ chủng loại bao 50 kg thông thường, bao jumbo khối lượng từ 500 - 2.000 kg và các chủng loại bao gói phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sản lượng sản xuất xi măng Việt Nam theo lộ trình quy hoạch sẽ tiến tới vị trí thứ 5 trên thế giới vào khoảng cuối năm 2020, chỉ sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ. Dù ngành xây dựng chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong nước vẫn rất lớn và được dự báo sẽ sớm tăng cao trở lại.
Hiệp hội xi măng Việt Nam dự báo thị trường tiêu thụ xi măng từ nay tới cuối năm có thể phục hồi và tăng khoảng 3% so với cùng kỳ, nhờ cả nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Sang năm 2021, nhu cầu có thể tăng từ 3 - 5% theo đà hồi phục của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhìn ra bên ngoài, các thị trường truyền thống nhập khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines cũng bắt đầu cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Trong đó, đáng kể nhất vẫn là thị trường Trung Quốc với nhu cầu nhập khẩu ước tính lên đến hơn 40 triệu tấn/năm.
Gia nhập thị trường trong bối cảnh nhiều biến động, Xi măng Tân Thắng phải đối mặt với nhiều bài toán hóc búa hơn, song công ty cũng xem đây là một cơ hội tuyệt vời để bứt phá.
Cuộc đua trên thị trường xi măng ngày nay không chỉ giới hạn trong các vấn đề sản xuất như công suất nhà máy, chất lượng sản phẩm mà còn đặt ra các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Với xi măng Tân Thắng, công ty tự tin mình đã đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cao trong ngành, cả về chất lượng sản phẩm lẫn đảm bảo yếu tố môi trường. Nhà máy Xi măng Tân Thắng thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý bao gồm Tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015 áp dụng cho các vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chất thải và giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả của các thiết bị, máy móc... giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015 áp dụng cho các quá trình tạo ra và kiểm soát các sản phẩm, quy định kiểm soát có hệ thống các hoạt động để đảm bảo rằng các nhu cầu và mong đợi của khách hàng được đáp ứng.
Trong thời gian tới, Xi măng Tân Thắng sẽ thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các khách hàng như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand… Không chỉ các quốc gia phát triển, thị trường châu Phi với nhu cầu xây dựng mạnh mẽ cũng cho thấy nhiều tiềm năng xuất khẩu xi măng.
Trongmắt Tổng giám đốc Hoàng Anh Tuấn, vượt lên các chỉ tiêu sản xuất thông thường như doanh thu hay lợi nhuận, Xi măng Tân Thắng còn đặt cho mình một mục tiêu xa hơn nữa, đó là trở thành một đại diện “mang thương hiệu xi măng Việt Nam vươn ra khắp thế giới”.