Xây nền vững chắc từ những viên gạch đầu tiên
Ba mươi năm trước, khi nền kinh tế Việt Nam vừa chập chững bước vào thời kỳ mở cửa, những doanh nhân trẻ đầu tiên đã bắt đầu hành trình gian khó nhưng đầy đam mê và khát vọng. Đối diện với vô vàn thách thức, từ chính sách kinh tế còn non trẻ cho đến cơ sở hạ tầng hạn chế, họ vẫn kiên cường vượt qua, với một niềm tin mãnh liệt vào khả năng của bản thân và tương lai tươi sáng. Tinh thần tiên phong không chỉ là một khẩu hiệu mà là một sứ mệnh mà họ đã gánh vác từ những ngày đầu.
Là một trong những người đặt viên gạch nền móng đầu tiên cho phong trào doanh nhân trẻ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung hướng về các lớp doanh nhân trong một buổi tề tựu nhân 30 năm ngày thành lập Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) chia sẻ, khát khao làm giàu và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn đã thôi thúc bà và các doanh nhân đời đầu dành toàn bộ tâm huyết vào hành trình này.
“Nhìn sức sống mãnh liệt và khát khao của thanh niên lúc đó dù chỉ đang vận hành các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tôi nghĩ ngay đến việc làm sao để tập hợp lại, tạo nên một tổ chức doanh nhân có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến lên”, bà Dung nói.
“Mỗi lần đi họp, chúng tôi phải đi leo vòng vòng cầu thang lên một góc nhỏ ở số 33 đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngay sau văn phòng Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM. Khó khăn nhưng ấm cúng và thiết thực cho nhu cầu học hỏi và giao lưu. 30 thành viên đầu tiên đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng rất đồng lòng”, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long nhớ lại.
Với bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người đã gắn bó gần ba thập kỷ với hàng Việt và doanh nghiệp Việt, sự táo bạo nhất của các doanh nhân trẻ là ngay cả lúc khó khăn nhất thì vẫn thể hiện bản lĩnh của mình. Bản lĩnh đó chủ yếu dựa vào sức sống và nội lực.
Với những người trẻ ấy, mỗi bước đi không chỉ là xây dựng doanh nghiệp cho bản thân, mà còn là đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của phong trào doanh nhân. Dù chưa được xã hội nhìn nhận, họ đã cùng nhau tìm ra con đường khẳng định chính mình với sự khát khao mãnh liệt kế thừa từ các lớp cha ông để chiến thắng trên mặt trận kinh tế.
“Chúng tôi tự hào vì đã làm nên các viên gạch nền móng có chất lượng”, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Nữ doanh nhân TP.HCM chia sẻ.
Gắn kết và yêu thương
Một yếu tố làm nên sức mạnh của các thế hệ doanh nhân trẻ chính là tình cảm gắn kết. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, nhiều doanh nhân đã không chỉ hỗ trợ lẫn nhau trong công việc mà còn tạo dựng mối quan hệ sâu sắc.
Là lãnh đạo của Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I nhìn nhận, sự năng động và quyết liệt thay đổi nhanh chóng được làm nên bởi những con người nghĩa tình, yêu thương và gắn bó vượt trên cả tình bạn.
“Họ luôn yêu thương nhau, yêu làm những điều thú vị trong đời”, ông Tín nói.
Chính tình cảm đó đã giúp họ vượt qua những khó khăn, cùng nhau tái tạo và tiếp tục tiên phong. Mỗi thế hệ doanh nhân trẻ đều học hỏi và kế thừa từ thế hệ trước, đồng thời tạo dựng giá trị riêng, đưa doanh nghiệp và xã hội tiến về phía trước.
Hai chữ tình thân trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ TP.HCM đã gắn kết những con người làm kinh doanh ở những lĩnh vực khác nhau để dù tranh luận nảy lửa thì vẫn hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển phong trào doanh nhân trẻ ngày càng lớn mạnh.
“Có những đêm không ngủ, có những lúc giận hờn và tranh cãi nhưng chúng tôi đều hiểu rằng mấu chốt đều nằm ở niềm yêu mến dành cho tổ chức và phong trào”, ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Robot nhớ lại.
Để sau nhiều năm gặp lại, giận hờn tan biến và thay vào đó là những tình cảm chất chứa, bồi hồi của những người bạn cũ đã cùng nhau kề vai sát cánh cống hiến cho một khát vọng và sứ mệnh.
“30 năm phong trào doanh nghiệp trẻ lớn mạnh cả nước, chúng tôi có được những người bạn tri kỷ, thân nhau cả trong đời thường. Tình thân là chất keo chúng tôi tiếp tục truyền cho các thế hệ mai sau”, bà Dung chia sẻ.
Có cùng ước muốn, ông Trần Việt Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân vàng hy vọng ngọn lửa tiếp tục được tiếp nối đến các thế hệ doanh nhân trẻ tương lai.
“Tôi thấy rất vui vì có những gia đình mả cả hai cha con đều tham gia phong trào doanh nhân trẻ, vui vì các F2 chơi với nhau, làm ăn với nhau. Không dễ dàng gì để thuyết phục một thế hệ sống trong thế giới phẳng, thời đại công nghệ, với lối sống độc lập và chọn sự cô đơn làm cái chill cùng tham gia phong trào. Tôi mong muốn các thế hệ sau này kế thừa và tiếp tục duy trì truyền thống này”, ông Việt Anh bày tỏ.
Tái tạo để vươn xa
Sau ba thập kỷ, phong trào doanh nhân trẻ đang bước vào giai đoạn mà ông Lâm Ngọc Minh, CEO Nệm Mousse Liên Á mô tả là giai đoạn “tăng cơ, giảm mỡ”. Theo đó, sự kết nối giữa các doanh nhân trẻ cần thắt chặt hơn để học hỏi, cọ xát và cùng nhau phát triển. Cái gen tình thân và máu lửa, dũng cảm và sáng tạo cần tiếp tục được phát huy.
Trải qua nhiều thập kỷ, mỗi thế hệ doanh nhân trẻ đều phải đối mặt với những thách thức mới, từ biến đổi của nền kinh tế cho đến sự bùng nổ của công nghệ hiện đại. Nhiều người đã cảm thấy lo lắng trước những thay đổi không ngừng của thời cuộc, nhưng họ hiểu rằng, tái tạo là bắt buộc để tiếp tục tiên phong và khẳng định vị thế trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tái tạo giúp họ thích ứng và vươn lên.
“Chúng ta trẻ vì chúng ta tái tạo” là lời khẳng định của ông Lê Trí Thông, Chủ tịch đương nhiệm Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.
Tái tạo là từ khóa mà các doanh nhân trẻ lựa chọn làm hành trang để hướng về tương lai. Tuy nhiên họ hiểu rằng trong môi trường kinh doanh đang thay đổi, dù đã có bộ gen tốt, việc tiên phong và kiến tạo giá trị chỉ có thể tiếp tục khi họ tái tạo với khẩu hiệu “dấn thân đổi mới, đột phá vươn tầm”.
Ông Thông khẳng định, nếu không tái tạo, doanh nghiệp không thể tiếp tục tiên phong và tạo ra giá trị cho xã hội. Trong nền kinh tế sáng tạo hiện nay, trí tuệ và sự kết nối là tài nguyên quý giá nhất.
Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Giấy Sài Gòn nhìn nhận, mỗi thời kỳ có ngôn ngữ và cách làm riêng, nhưng nếu gốc rễ của tinh thần tiên phong còn đó, sự đổi mới sẽ chỉ làm mạnh thêm nền tảng truyền thống ấy, các thế hệ tiếp nối sẽ kế thừa được tinh hoa.
Những đổi mới trong tư duy và cách tiếp cận không chỉ giúp doanh nhân trẻ bứt phá mà còn tạo nên sự khác biệt trong việc phát triển doanh nghiệp bền vững.
Đổi mới không chỉ nằm ở việc thay đổi sản phẩm hay dịch vụ, mà còn là việc thay đổi tư duy, cách tiếp cận và cách nhìn nhận về thị trường. Các doanh nhân trẻ hiểu rằng, để tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh, họ phải liên tục sáng tạo, tìm ra những giải pháp mới và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh.
Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhìn nhận, các doanh nghiệp đang đứng trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu ngày tại sân nhà. Khi mà thế giới không ngừng thay đổi, doanh nghiệp sẽ phải là doanh nghiệp toàn cầu, phát triển bằng tri thức mới và tiếp tục kiến tạo các thế hệ lãnh đạo mới.
Trong bối cảnh đó các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ Hà Nội và TP.HCM sẽ đóng vai trò là hai đầu cầu của con tàu cao tốc phối hợp nhịp nhàng trong đường ray kinh tế mới.
Chứng kiến sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trẻ thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định vai trò của sự khai mở, dấn thân, gắn kết, kiến tạo các giá trị lớn.
Ông kỳ vọng các doanh nhân trẻ tới đây sẽ thúc đẩy tinh thần doanh nhân, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là trong việc tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ, và kiến tạo môi trường kinh doanh năng động và hội nhập hơn để luôn là thành phần quan trọng trong sự phát triển của địa phương.
“Câu chuyện mới cần tiếp tục được phát huy trên nền gạch vững chắc đã được các thế hệ trước xây nên”, ông Mãi nói.
Nhìn về hành trình ba thập kỷ phát triển phong trào doanh nhân trẻ, ông Thông chọn hình ảnh cây cầu Ba Son làm biểu trưng cho sự kết nối giữa các thế hệ, giữa bề của truyền thông và lịch sử với sự đổi mới và sáng tạo trong thời hiện đại. Hình ảnh cầu Ba Son không chỉ là cánh buồm no gió mà là cánh cung uốn căng của sức trẻ, sự năng động luôn căng mình để vươn lên trong gian khó, trong nghịch cảnh để vươn lên tầm cao mới.
“Cung và cầu là hình ảnh ẩn dụ của sự chuyển mình sang nền kinh tế thị trường mà TP.HCM là nơi khởi xướng và doanh nhân trẻ là lực lượng tiên phong đi đầu suốt hành trình”, ông Thông nói.
Gần bốn thập kỷ đất nước đổi mới, cộng đồng doanh nhân trẻ đã đóng góp một phần ý nghĩa trong sự thay đổi toàn diện về độ mạnh và vị thế quốc gia. Đó là một hành trình của những người tuổi trẻ mang sức trẻ khai mở chân trời mới, tiên phong bước vào thị trường mới. Họ là những người trẻ không chọn nhẹ nhàng mà chọn gian khó về phía mình để kiến tạo các giá trị thực cho xã hội, cộng đồng, cuộc sống và các thế hệ mai sau. Dòng máu trẻ của lớp lớp doanh nhân các thế hệ vẫn luôn cuộn chảy và hòa cùng chất trẻ của các thế hệ tương lai.
Với sự dấn thân, sáng tạo và tinh thần tiên phong, các doanh nhân trẻ không chỉ xây dựng doanh nghiệp thành công mà còn góp phần tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, giàu giá trị nhân văn. Tương lai rộng mở đang chờ đợi họ, những người dám mơ và dám làm.
“Cảm ơn các thế hệ doanh nhân trẻ đã để lại cho thế hệ tiếp nối bộ gen truyền thống, bộ gen đã tạo nên những con người luôn dấn thân, một thế hệ luôn tiến về phía trước với tinh thần tiên phong trong cuộc chơi toàn cầu”, ông Thông bày tỏ.
Bài: Quỳnh Chi
Xuất bản: 13/10/2024
Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817