Cuối tháng 9 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt các doanh nghiệp tư nhân lớn để cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.
Một hội nghị quy tụ đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, từ ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, người rất hiếm hoi xuất hiện trước các sự kiện, đến ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico Group; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải; rồi Anh hùng Lao động Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH và ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Sun Group…
Một không khí đầy tính xây dựng đến mức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi đó là “Hội nghị Diên Hồng”, nơi mà Chính phủ và các doanh nghiệp lớn cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước.
“Đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn. Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”, ông Dũng nói.
Đúng là đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải đón nhận những sứ mệnh lớn lao hơn. Bởi lẽ, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói. Mà chỉ có người Việt, chỉ có những doanh nghiệp dân tộc mới có thể thực sự đưa đất nước mình đi đến đích thịnh vượng.
Vượt sóng, đón gió
Hãng hàng không Vietjet vừa ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD với tập đoàn kỹ thuật hàng không vũ trụ Honeywell (Hoa Kỳ) về việc cung cấp các thiết bị điện tử và dịch vụ kỹ thuật hàng không cho đội tàu bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu của hãng. Sự kiện diễn ra trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhân chuyến công du của ông tới Hoa Kỳ.
Thỏa thuận này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục hiện đại hóa đội tàu bay của Vietjet, với các thiết bị điện tử hàng không, dịch vụ về thiết bị điện, điện tử của bộ động cơ phụ trên đội tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo và các tàu bay thân hẹp mới của hãng.
Kể từ tháng 12/2011, sau khi Vietjet chính thức khai trương chuyến bay thương mại đầu tiên, cục diện thị trường hàng không Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cạnh tranh hơn, minh bạch hơn và tạo cơ hội cho ngay cả những người nông dân Việt cũng có thể trở thành hành khách của các chuyến bay vào Nam, ra Bắc, sang cả nước ngoài.
Còn Vietjet, sau gần 13 năm phát triển, đã trở thành một trong những hãng bay có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Chỉ riêng trong năm qua, Vietjet đã khai thác an toàn 133.000 chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu lượt hành khách. Hãng cũng đã đồng loạt mở mới 33 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 125 đường, trong đó có 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.
Vượt sóng gió những năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Vietjet đang vững vàng trụ vững, bắt đầu kinh doanh có lãi trở lại. Con số lợi nhuận hợp nhất 606 tỷ đồng trong năm ngoái thực sự rất có ý nghĩa, khi mà chỉ một năm trước đó, Vietjet lỗ sau thuế 2.261 tỷ đồng. Nhưng bất chấp lỗ nặng, năm 2022, Vietjet vẫn đóng góp cho ngân sách nhà nước 4.350 tỷ đồng. Đó là một đóng góp rất có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu.
Vietjet không phải là tập đoàn tư nhân duy nhất đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn sóng gió vừa qua. Năm 2023, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Bộ này ước tính, trong năm 2024, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô lớn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Thaco…
Trong Bảng xếp hạng VNR500 Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, công bố vào cuối năm 2023, cũng có cả Hòa Phát, Vingroup, Thaco, Doji, Masan, TH, Sun Group…
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có thể nói, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng hàng loạt dự án bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng điều khiến Vingroup vang danh thế giới chính là quyết định bước chân vào lĩnh vực sản xuất ô tô, sau đó là chuyển hướng sang xe điện, ra mắt xe điện trước tiên ở thị trường Mỹ và quyết định đầu tư hàng tỷ đô la để xây nhà máy xe điện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào thời điểm năm 2021, khi những chiếc xe điện của VinFast có mặt tại Triển lãm Ô tô Los Angeles, giới phân tích cho rằng, sự kiện này đã đưa Đông Nam Á trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới, khi giới thiệu đến công chúng quốc tế một thương hiệu xe điện thông minh toàn cầu.
Dù sau này, do những khó khăn chung của thị trường xe điện, kế hoạch tại Mỹ của VinFast phần nào bị ảnh hưởng, nhưng cho tới thời điểm này, quyết định của Vingroup vẫn để lại dấu ấn quan trọng về một tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam đã mạnh dạn bước chân vào địa hạt vốn lâu nay là thế mạnh của các “ông lớn” Âu, Mỹ, Nhật, Hàn…
Cũng dũng cảm bước ra thế giới, Tập đoàn TH đã thành công trong việc đưa thương hiệu Việt “nảy mầm” trên đất Nga, sau khi đã làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã hai năm liên tiếp vượt Vingroup để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, theo bảng xếp hạng VNR500. Lớn đến mức ông Trần Đình Long tự tin nói rằng, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 70 tỷ USD của Việt Nam.
Trước sức vươn lên mạnh mẽ này của các doanh nghiệp tư nhân Việt, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đã nhiều lần bày tỏ sự thán phục. Ông nói rằng: “Nhiều doanh nghiệp đã trở thành trụ cột trong các ngành kinh tế”.
Mà đúng là vậy, bởi rất nhiều tên tuổi lớn đã và đang dẫn dắt nhiều ngành kinh tế của Việt Nam. Chẳng hạn, trong ngành bất động sản, du lịch có Vingroup, Sun Group; ngành công nghiệp ô tô có VinFast, Thaco; sản phẩm tiêu dùng có TH, Vinamilk; công nghệ thông tin có FPT; hàng không có Vietjet…
Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này.
Đặc biệt, càng trong khó khăn, các doanh nghiệp tư nhân càng chứng minh được sức bền và khả năng vượt sóng, vượt gió. Chính họ đã góp phần quan trọng đưa nền phục hồi mạnh mẽ trong những năm vừa qua, sau tác động của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu.
Sứ mệnh trong kỷ nguyên mới
Các doanh nghiệp Việt đã không ngừng lớn mạnh. Nhưng một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới, như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Hoạt động của các doanh nghiệp lớn cũng còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ, khi mà tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Khu vực tư nhân của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đã phát triển mạnh mẽ hơn kể từ sau khi Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cuối tháng 3 năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Các văn bản quan trọng này đã tạo động lực và cơ chế để khu vực tư nhân phát triển.
Nhưng dường như, mong đợi của Chính phủ, của các nhà hoạch định chính sách còn lớn hơn thế. Các chuyên gia cũng nhiều lần nói về nỗi lo “doanh nghiệp không chịu lớn”. Trong khi, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không chỉ ở các quốc gia phát triển mà kể cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả góc độ tăng trưởng, việc làm, ngân sách, xuất khẩu, thuế hay tạo ra giá trị gia tăng.
“Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Hyundai hay SK. Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota, chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản…”, ông Dũng cũng đã nói như vậy.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, quy mô nền kinh tế đã tăng từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu Đổi mới lên 430 tỷ USD vào năm 2023. Từ một nước nghèo, người dân Việt Nam đã có GDP bình quân đầu người hơn 4.300 USD vào năm ngoái, tăng 58 lần so với những năm đầu Đổi mới. Từ số ít doanh nghiệp nhà nước, giờ đây, Việt Nam đang hướng tới dấu mốc 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động…
Nhưng khát vọng của dân tộc Việt Nam còn lớn hơn thế nữa. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định các mục tiêu chiến lược vào các dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045), trở thành một quốc gia cường thịnh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây cũng đã nhấn mạnh về việc Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhưng để đất nước có thể vươn mình, ông Dũng cho rằng, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân lớn là rất quan trọng.
“Nếu không có các tập đoàn lớn thì không thiết lập được các trụ cột, không nuôi dưỡng được các doanh nghiệp trong nước tham gia. Đất nước muốn hùng mạnh phải dựa vào lực lượng doanh nghiệp nội địa”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói thêm.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung thì khẳng định, nếu kinh tế tư nhân không lớn, thì kinh tế không thể phát triển; doanh nghiệp tư nhân mà không hội nhập, đất nước không thể phồn vinh.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng nhiều lần đề nghị Chính phủ có cơ chế để các tập đoàn kinh tế, bao gồm cả tập đoàn nhà nước và tư nhân, thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia. “Chỉ có người Việt mới đưa đất nước mình đến đích thịnh vượng được”, ông Đoàn chia sẻ.
Tâm tư của những doanh nhân như ông Đoàn chính là mong muốn của các nhà hoạch định chính sách. “Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”, ông Dũng nói và cho rằng, với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự “Hội nghị Diên Hồng” đạt khoảng 70 tỷ USD. Nếu huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp lớn, sẽ bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
“Đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân cần có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nói như vậy.
“Hiến kế” giải bài toán của dân tộc
Dù khát vọng cường thịnh là lớn lao, nhưng thách thức hiện tại là không nhỏ. Không phải chỉ vì hiện đang là thời điểm mà thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, như sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, hay sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại..., mà còn vì những yếu kém nội tại bên trong nền kinh tế. Chưa nói tới chuyện tăng trưởng xanh, bền vững, chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng, thay vì dựa vào vốn và tài nguyên, phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…, chỉ riêng việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030 đã là một thách thức vô cùng lớn.
Trong 5 năm của kỳ Kế hoạch 2021-2025, kinh tế Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, sau đó là biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng... Do đó, tăng trưởng GDP của ba năm 2021-2023 lần lượt đạt ở mức 2,58%; 8,12% và 5,05%. Năm 2024, dự kiến đạt 6,8-7%, phấn đấu đạt cao hơn. Còn năm 2025, mục tiêu dự kiến đặt ra là 6,5-7%. Với các kết quả này, mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% của kế hoạch 5 năm là khó có thể đạt được.
Để về đích 5 năm và đạt mức tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới, nhằm đạt mục tiêu trở thành thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, phải trông chờ vào sự bứt phá của khu vực tư nhân trong nước, trong đó có các doanh nghiệp lớn.
Đó là lý do mà Chính phủ muốn được nghe lãnh đạo các doanh nghiệp lớn “hiến kế”, làm sao để cùng chung tay giải bài toán phát triển của dân tộc Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn, bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững, như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…; tham gia vào các dự án lớn của đất nước, như: đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Và các doanh nghiệp Việt cũng đã thật tâm đáp lại.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ, qua đó giúp Việt Nam có được một nền công nghiệp phụ trợ mạnh tương tự Thái Lan.
“VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu một phần linh kiện đó. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ phát triển”, Chủ tịch Vingroup nói.
Trong khi đó, Anh hùng Lao động Thái Hương, từ kinh nghiệm phát triển các dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tại Việt Nam đã “hiến kế” rằng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đại công nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, kết hợp với khoa học quản trị tiên tiến, từ đó tạo ra được sản phẩm chất lượng quốc tế, năng suất cao…
Chia sẻ về kinh nghiệm của TH, bà Thái Hương cũng cho biết, một điều quan trọng là TH cũng đã thành công trong việc đưa người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất - hàng hóa theo chuẩn quốc tế, đưa họ trở thành các công nhân nông nghiệp công nghệ cao, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, tiến tới làm giàu.
“Nhưng làm nông nghiệp không có nghĩa là chỉ chú ý đến người nông dân, cần lôi kéo cả tầng lớp doanh nhân có đủ tâm - trí - lực. Lôi kéo họ bằng những cơ chế, chính sách hợp lý, để họ tiếp tục đưa người nông dân đi cùng, trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, giống như Tập đoàn TH đã làm với những người nông dân tại Nghĩa Đàn, Nghệ An”, nhà sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ như vậy và cũng đề xuất một loạt giải pháp để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả “rừng vàng, biển bạc”, phát triển kinh tế rừng ở một số địa phương.
Trong khi đó, là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và cũng đã từ tay trắng để bước ra toàn cầu, đạt được doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài, FPT đang đặt cược lớn vào AI, bán dẫn - những ngành công nghiệp tiên phong mà giờ đây Việt Nam đang muốn thúc đẩy.
FPT đã hợp tác với hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới như Nvidia, Landing AI, Mila…, đồng thời dự kiến đầu tư 200 triệu USD để cùng Nvidia phát triển AI Factory. Không chỉ thành lập một công ty về bán dẫn - FPT Semiconductor, FPT cũng tham gia đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
“Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Việt Nam là quốc gia được chọn để tham gia toàn trình trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới. Hơn thế nữa, Việt Nam sẽ đi tiên phong trong sản xuất chip thế hệ mới - AI chip. Dựa trên AI chip, Việt Nam sẽ tiên phong sản xuất thiết bị điện tử AI, hình thành kinh tế AI. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia AI. Chuyển đổi AI sẽ là điểm tựa để Việt Nam thành công trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn. Thời khắc của dân tộc đã điểm, đã đến lúc thế giới cần đến Việt Nam”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT hồ hởi.
Những doanh nghiệp như FPT sẽ đóng vai trò trụ cột trong việc hiện thực hoá Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, với mục tiêu đến 2030 hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; quy mô nhân lực 50.000 kỹ sư; và đến năm 2050 ngành này có thể mang lại doanh thu 100 tỷ USD.
Nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc
Các doanh nhân sẵn sàng chung sức giải bài toán khó của đất nước. Đất nước cũng đang đặt lên vai họ những sứ mệnh lớn lao hơn. Vấn đề còn lại là sự hài hòa về lợi ích, và rất quan trọng, là cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp tục lớn lên và thực hiện được sứ mệnh của mình.
Tỷ phú Trần Đình Long đã đề nghị Chính phủ các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo tại phiên Đối thoại chính sách - Diễn đàn Kinh tế TP.HCM mới đây, đã thẳng thắn đặt câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng: “Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết về vai trò của kinh tế tư nhân, là động lực của tăng trưởng, phát triển kinh tế. Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có những chiến lược dài hạn nào để khuyến khích hợp tác công - tư, qua đó tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho những ngành công nghiệp mũi nhọn?”
Trước đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp các doanh nghiệp lớn, bà chủ của hãng hàng không Vietjet đã bày tỏ mong muốn rằng, Thủ tướng “hãy tin tưởng” ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp…
Rõ ràng, mong muốn của bà Thảo không chỉ là Chính phủ tạo điều kiện, cơ chế cho riêng doanh nghiệp mình để có thể chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay hùng mạnh mang quốc tịch Việt Nam, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, mà là kiến nghị chung cho tất cả các doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp muốn lớn, không thể không có cơ chế, chính sách từ Chính phủ. Và câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng rất cầu thị, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” mà bấy lâu vẫn được ông nhấn mạnh. Thủ tướng nói rằng, sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh; đồng thời, khuyến khích trao đổi, hợp tác giữa các thành phần kinh tế với nhau, giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành…
Ở nền kinh tế Việt Nam, nếu các tập đoàn kinh tế nhà nước là các “quả đấm thép”, thì các tập đoàn kinh tế tư nhân chính là những con “sếu đầu đàn”. Sự hợp tác giữa các “quả đấm thép” và các con “sếu đầu đàn” chắc chắn sẽ góp phần hưng thịnh quốc gia.
Đấy chính là lý do mà hiện naầuy, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng Đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc, nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước, như điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.
Theo đó, sẽ có các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp quy mô lớn. Việc thiết kế các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… cũng đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, xây dựng, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm nay.
“Phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ở góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cũng nói rằng, các doanh nghiệp hiện nay đã đủ lớn để gắn với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, do vậy, không nên cạnh tranh để triệt tiêu lẫn nhau, mà phải cạnh tranh để cùng lớn mạnh, cùng phát triển.
Chính ông Phạm Đình Đoàn cũng đã từng chia sẻ rằng, sau những va đập của thị trường, của cạnh tranh, của hội nhập, các doanh nghiệp đã thấy rõ việc “cần có nhau, đi cùng nhau” để làm những việc mà một, hai doanh nghiệp không thể làm được.
Đi cùng nhau để trở thành đối tác ngang hàng với các tập đoàn toàn cầu. Và có lẽ, cần đi cùng nhau để các doanh nghiệp có thể thực hiện sứ mệnh lớn lao của mình, cùng đất nước, đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Bài: Hà Nguyễn
Ảnh: VGP, Hoàng Anh
Xuất bản: 13/10/2024
Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817