Từ sau đổi mới năm 1986, khái niệm khu công nghiệp mới đã bắt đầu được hình thành. Tuy nhiên, các nhà máy thời kỳ này chưa thực sự được đầu tư một cách bài bản, đặc biệt là những nhà máy nội địa.
Đã có một số ít doanh nghiệp quyết định chọn chuyển mình sớm hơn để bắt kịp xu thế cũng như tiêu chuẩn của những khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong thời đại 4.0, hội nhập quốc tế để phát triển khu công nghiệp, việc xây dựng nhà máy cần đáp ứng đủ những tiêu chuẩn khắt khe như những chứng nhận xanh.
Về dòng tiền, các ngân hàng cũng có khái niệm tiền 'xanh'. Khi các chủ đầu tư vay vốn ngân hàng để phát triển khu công nghiệp, xây nhà máy thì ngân hàng có bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững ESG (Environmental - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) để đánh giá dự án có đủ điều kiện 'xanh' để xét duyệt cho vay hay không?
Đây chính là khái niệm về "khung tài chính bền vững".
Để đáp ứng các tiêu chí của khung tài chính bền vững , các khu công nghiệp, các nhà máy cần đáp ứng những chứng chỉ xanh như LEED, Green Mark, HQE…
Thế hệ nhà đầu tư mới tại Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển biến trong tư duy đầu tư bền vững.
Ban đầu họ chỉ nghĩ áp dụng để lấy được chứng chỉ như Leed Construction (chứng chỉ xanh về xây dựng để qua cửa kiểm định ngân hàng), nhưng sau này, họ tiếp tục đầu tư công sức, thời gian và tài chính để đạt được chứng chỉ vận hành xanh – Leed Operation.
Bởi, chứng chỉ xây dựng xanh kết thúc khi xây dựng xong nhà máy, còn với chứng chỉ vận hành, sau 3 năm, bên cấp sẽ đến kiểm định và quyết định có đủ kiều kiện để cấp tiếp hay không.
Điều này cho thấy, thế hệ chủ đầu tư mới của Việt Nam đã và đang hướng tới kế hoạch phát triển bền vững thực chất mới, để tiệm cận với thế giới.
Gần đây Nhà máy Khóa Huy Hoàng đã được các tạp chí kiến trúc uy tín hàng đầu thế giới của Mỹ như Archdaily và Designboom đăng tải nhưng một hình mẫu về phát triển bền vững thực chất nhờ việc đầu tư xây dựng nhà máy thời đại 4.0 và tiến tới Netzero.
Nhà máy Khóa Huy Hoàng đã đạt hai chứng chỉ quan trọng là Gold Leed Construction và Gold Leed Operation.
Dự án được thiết kế bởi công ty thiết kế quốc tế Baumschlager Eberle Architekten (BEA ) nổi tiếng với các giải pháp thiết kế bền vững, với sự chủ trì của kiến trúc sư Cung Thành Đạt, một chuyên gia đầu ngành về thiết kế tối ưu hóa trong kiến trúc.
Hiệu quả năng lượng và hiệu quả tài chính công trình
Nhà máy Khóa Huy Hoàng đặt tại Khu công nghiệp Quang Minh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 20km về phía Tây Bắc, với quy mô 3ha. Tổ hợp nhà máy bao gồm ba toà nhà. Hai nhà xưởng sản xuất, một theo công nghệ của Đức và một theo công nghệ của Ý kết nối với khối nhà đa năng phía trước.
Nhà máy thứ 3 được xây dựng với mục tiêu trở thành biểu tượng của sự đổi mới và phát triển bền vững trong suốt hơn 40 năm phát triển lịch sử của Huy Hoàng.
Mục tiêu được đặt ra là nhà máy không chỉ đạt Gold Leed Construction trong quá trình thiết kế xây dựng, mà còn đạt được Gold Leed Operation trong quá trình vận hành.
Về kết cấu, hệ kết cấu tòa nhà được bố trí theo cấu trúc Core & Shell để tạo ra không gian mở bên trong.
Về lớp vỏ bọc bên ngoài của nhà máy, Hà Nội khá tiêu biểu cho kiểu khí hậu Bắc Bộ với đặc điểm là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh mưa ít. Nằm trong vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh năm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời rất dồi dào và có nhiệt độ cao.
Để giải quyết vấn đề này, hệ mặt dựng của nhà máy là các lam bê tông được thiết kế và bố trí khác nhau về mật độ và góc mở.
Ở mặt đứng hướng Nam và Đông Nam, góc mở của các lam được mở rộng tối đa 90 độ để đón nắng và gió.
Góc mở > 90 độ và mật độ cao được áp dụng cho hệ mặt dựng phía Bắc để giảm bớt gió mùa đông từ phương Bắc. Góc mở nhọn và mật độ lam cao nhất được áp dụng cho hệ mặt dựng phía Tây nhằm hạn chế lượng bức xạ nhiệt.
Hệ mặt dựng giúp toà nhà tạo ra bóng đổ, làm mát tòa nhà, bảo vệ vào mùa mưa và thông gió tự nhiên.
Về công năng, đây là một tổ hợp nhà máy được thiết kế mở như một khuôn viên, nơi đặt yếu tố không gian công cộng lên hàng đầu.
Toà nhà điều hành được thiết kế không gian mở với các chức năng triển lãm, đào tạo, văn phòng. Sảnh chính được thiết kế như một bảo tàng nơi khách đến nhà máy được ngắm nhìn hiện vật, hiểu lịch sử phát triển của tập đoàn… hay như lạc vào thư viện để xem chi tiết quá trình tạo nên sản phẩm của nhà máy.
Nhà hàng, căng tin sử dụng chung cho khách, công nhân, nhân viên văn phòng được lọc sáng bởi hệ mặt dựng.
Thật vậy, nếu toà nhà được thiết kế xây dựng để phục vụ tốt cho cộng đồng, cho người sử dụng thì nó sẽ trường tồn với thời gian.