Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024?
TS. Huỳnh Thế Du: Nếu nhìn GDP theo các cấu phần cho tăng trưởng gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, có thể thấy, trong suốt nhiều năm qua, công nghiệp là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Trong khi đó, nông nghiệp đang có xu hướng thị phần ngày càng giảm và đóng góp của ngành dịch vụ luôn giữ ở mức ổn định.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, trước khi đại dịch diễn ra, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4% và khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.
Có thể thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới hơn một nửa trong tổng mức tăng. Đây cũng chính là lý do năm 2023, tăng trưởng của ngành công nghiệp giảm mạnh đã khiến nền kinh tế gặp khó.
GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Trong ba ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, duy chỉ có nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt và không bị suy giảm trong và sau đại dịch. Từ mức tăng 3,05% trước Covid-19, đến năm 2022, ngành nông nghiệp đã tiếp tục tăng 3,36% và năm 2023 là 3,8%.
Tuy nhiên, mức đóng góp của ngành nông nghiệp trong mức tăng chung của nền kinh tế rất thấp, sang năm 2024 nhiều khả năng vẫn vậy. Do đó, khu vực này sẽ không có tác động nhiều giúp kéo đà tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2024 phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi của công nghiệp. Trong khi đó, khả năng phục hồi của công nghiệp liên quan đến khả năng phục hồi của xuất khẩu.
Trước những khó khăn kinh tế thế giới đang phải đối mặt, theo ông, triển vọng tăng trưởng trở lại của công nghiệp gắn với xuất khẩu trong năm tới có khả quan?
TS. Huỳnh Thế Du: Nguyên nhân của sự suy giảm ngành xuất khẩu là do suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc các nước tập trung chống lạm phát, thắt chặt chi tiêu đã khiến số lượng các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh.
Trong năm 2024, khả năng Mỹ và các nước Châu Âu sẽ giảm lãi suất, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi.
Những tín hiệu tích cực của xuất khẩu đã bắt đầu xuất hiện từ những tháng cuối năm 2023, giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc xuất khẩu các nhóm mặt hàng khác như linh kiện máy tính, điện tử cũng đã dần trở lại đường đua tăng trưởng dương sau thời gian dài tăng trưởng âm. Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành xuất khẩu đang ổn định trở lại và tốt lên.
Ngoài xuất khẩu, theo ông, nền kinh tế Việt Nam có thể trông chờ vào những điểm sáng nào cho tăng trưởng năm nay?
TS. Huỳnh Thế Du: Nếu nhìn tăng trưởng theo bốn cấu phần của nền kinh tế gồm chi tiêu của người dân, doanh nghiệp; chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng (bằng xuất khẩu trừ nhập khẩu) và đầu tư, có thể thấy đầu tư công vẫn là điểm sáng.
Theo đó, khả năng chi tiêu của Chính phủ không tăng lên nhiều trong các năm gần đây, thậm chí còn giảm trong năm 2022 do chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiêu dùng của hộ gia đình, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm do những tác động của bối cảnh kinh tế không thuận lợi, nguy cơ lạm phát và thu nhập của người dân sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng năm nay phụ thuộc rất lớn vào yếu tố đầu tư. Trong đó, đầu tư công, đầu tư của nhà nước giữ vai trò rất quan trọng. Với chính sách nghịch chu kỳ, khi các điều kiện kinh tế không tốt, phần chi tiêu của nhà nước sẽ tăng lên để bù đắp cho tăng trưởng.
Bên cạnh đầu tư của nhà nước là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Với điều kiện tín dụng như hiện tại, nhiều khả năng, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không có xu hướng thắt chặt trong năm nay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp tăng trưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng là một động thái rất tích cực.
Giữa lúc tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều ẩn số do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đầu tư công cần được đẩy mạnh hơn nữa để làm bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế.
Vai trò của nhà nước trong bối cảnh kinh tế không tốt là cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ nghịch chu kỳ. Chính phủ tăng cường chi tiêu, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nới lỏng tiền tệ cho doanh nghiệp, người dân có nhiều tiền hơn để kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế hồi phục.
Mặt khác, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước cũng cần được cải thiện nhanh hơn. Chính phủ cần tiếp tục mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, pháp lý cho các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm từng bước phục hồi.
Ông có dự báo gì về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay?
TS. Huỳnh Thế Du: Có thể nói, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024.
Về các thách thức bên ngoài, nền kinh tế thế giới năm nay được dự báo sẽ không tốt như năm ngoái. Năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 3%, sang năm nay có thể sẽ giảm nhẹ chỉ còn 2,9%.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đều được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Về các thách thức bên trong, tâm lý của người dân, doanh nghiệp khi tình hình kinh tế không mấy tích cực là thu hẹp chi tiêu, giảm hoạt động đầu tư, kinh doanh, hạn chế mở rộng sản xuất. Đây sẽ là yếu tố làm chậm lại quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Mặt khác, trong khu vực công, tâm lý e ngại, dè dặt của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý, gắn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là thách thức lớn của nền kinh tế trong năm 2024.
Bên cạnh đó, nhìn từ phía các doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp là khả năng nâng cao năng lực sáng tạo, đưa các doanh nghiệp bước lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện, các doanh nghiệp sản xuất của trong nước vẫn chủ yếu là gia công, khả năng cạnh tranh với thế giới và khu vực còn hạn chế, năng lực đổi mới sáng tạo thấp.
Vậy đâu là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, thưa ông?
TS. Huỳnh Thế Du: Thị trường xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ được phục hồi. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đầu tư công, sự hồi phục của thị trường chứng khoán, bất động sản. Tại Việt Nam, bất động sản là ngành có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Nhìn chung, kinh tế trong năm 2024 sẽ cải thiện theo hướng tích cực hơn năm 2023, mặc dù sự phục hồi không thực sự mạnh mẽ. Hai động lực chính của nền kinh tế vẫn sẽ là đầu tư công và xuất khẩu gắn với sản xuất công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Phương Thu - Thiết kế: Diệu Thảo - Ảnh: Hoàng Anh
Xuất bản: 11/2/2024