Trong một năm đầy biến động với tăng trưởng kinh tế thế giới, ngành du lịch toàn cầu tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, tiệm cận mức kỷ lục của thời kỳ trước đại dịch. Trong bức tranh tươi sáng ấy, Việt Nam cũng không ngoại lệ với những kết quả tích cực.

Không chỉ vậy, ngành du lịch Việt còn liên tục được xướng tên trên các bảng xếp hạng quốc tế với nhiều giải thưởng danh giá vinh danh vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực, khẳng định sức hút của một điểm đến giàu bản sắc và hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng, phía sau hào quang ấy là không ít câu hỏi vẫn luôn đau đáu trong tâm thức của rất nhiều người: Du lịch Việt Nam thật sự đang ở đâu trong cuộc đua thu hút khách ngày càng khốc liệt giữa các điểm đến, thứ gì sẽ trở thành “nhiên liệu” để ngành du lịch có thể chạy nhanh, chạy bền trong tương lai?

Để tìm câu trả lời, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Mario Mendis, Trưởng đại diện khu vực miền Trung của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, về chiến lược giúp du lịch Việt Nam có vị thế tốt hơn, bền vững hơn.

Nhìn lại năm 2024, theo ông, những kết quả của ngành du lịch Việt Nam cho thấy các chuyển động tích cực nào?

Ông Mario Mendis: Những số liệu cho thấy ngành du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái, gần như lấy lại sức mạnh trước đại dịch. Sự đa dạng về điểm đến (từ các thành phố sôi động, di sản văn hóa đến bãi biển và thiên nhiên), cùng với sự cải thiện về kết nối toàn cầu đã giúp củng cố sức hút của Việt Nam. 

Đáng chú ý, nhiều giải thưởng quốc tế đã ghi nhận những lợi thế độc đáo của Việt Nam, chẳng hạn, quốc gia này liên tục được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.  

Về nguồn khách, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng từ các thị trường xa hơn nhờ lực đẩy từ chính sách thị thực mới có hiệu lực từ tháng 8/2023. Việc mở rộng e-visa và kéo dài thời gian miễn thị thực lên đến 45 ngày cho nhiều quốc tịch đã giúp gia tăng lượng du khách châu Âu – những người thường có kế hoạch nghỉ dưỡng dài ngày.

Trên thực tế, lượng khách từ châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại đạt khoảng 5 triệu lượt trong năm 2024, cho thấy sự mở rộng về mặt địa lý và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.

Du lịch Việt Nam năm ngoái đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng từ các thị trường xa hơn. Ảnh: Hoàng Anh

Sự quan tâm đến Việt Nam từ khách du lịch châu Âu đặc biệt đáng chú ý. Chẳng hạn, trên nền tảng đặt phòng Agoda, số lượt tìm kiếm Việt Nam từ du khách châu Âu đã tăng 66% vào mùa xuân năm 2024 (mức tăng nhanh thứ ba ở châu Á, sau Malaysia và Nhật Bản). 

Xu hướng này cho thấy du khách châu Âu ngày càng bị thu hút bởi những trải nghiệm phong phú tại Việt Nam, từ đời sống đường phố, di tích lịch sử đến các khu nghỉ dưỡng nhiệt đới, nhằm tìm kiếm “những điều mới lạ không thể tìm thấy ở đất nước họ”. 

Sự quan tâm mạnh mẽ này từ các thị trường có mức chi tiêu cao (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha là những nguồn tìm kiếm hàng đầu) mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng doanh thu du lịch và tiếp cận các phân khúc khách mới.

Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22 – 23 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 25 – 30% so với năm ngoái. Theo ông, mục tiêu này có khả thi hay không? Những yếu tố nào có thể giúp con số này thành hiện thực? 

Ông Mario Mendis: Mục tiêu tăng cao như vậy có thể nói rất tham vọng, đòi hỏi các nỗ lực vượt bậc và nhiều điều kiện thuận lợi. Ở một mức độ nào đó, con số 22 – 23 triệu khách là khả thi, nếu có những yếu tố hỗ trợ.

Trước hết là cần sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường chủ chốt ở châu Á. Trung Quốc và Hàn Quốc – hai thị trường lớn nhất của Việt Nam – chỉ mới mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, vì vậy lượng khách đi nước ngoài từ hai quốc gia này trong năm ngoái vẫn chưa đạt mức tối đa. 

Đến năm nay, lượng khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài có thể phục hồi gần mức năm 2019, góp phần đáng kể vào tăng trưởng du lịch của Việt Nam. 

Năm 2024, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đóng góp khoảng 8 triệu lượt khách, nếu hai thị trường này tiếp tục tăng mạnh vào năm 2025, đây sẽ là nguồn bổ sung quan trọng để đạt mục tiêu đặt ra.

Một lực đẩy khác cho du lịch Việt Nam đến từ chính sách thị thực thuận lợi và thời gian lưu trú dài hơn.

Chính sách e-visa 90 ngày và miễn thị thực 45 ngày cho nhiều quốc tịch (bao gồm một số quốc gia châu Âu) được áp dụng từ năm 2023 có thể tạo ra hiệu ứng tích lũy vào năm 2025.

Việc kéo dài thời gian lưu trú cho phép du khách lựa chọn Việt Nam như một điểm đến nghỉ dài ngày, tránh đông hoặc làm trạm trung chuyển để khám phá khu vực, thu hút thêm nhiều khách du lịch đường dài. 

Các công ty lữ hành cho biết, với thị thực 90 ngày, họ có thể thiết kế các chương trình du lịch dài từ 3 – 6 tuần, khuyến khích chi tiêu cao hơn và khám phá sâu hơn các điểm đến tại Việt Nam. 

Nếu quảng bá mạnh lợi thế này, Việt Nam có thể chuyển đổi nhiều khách tiềm năng từ các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ và Úc – những nơi đang có xu hướng ưu tiên điểm đến dễ dàng nhập cảnh và linh hoạt.  

Các tuyến bay mới và nhu cầu bị dồn nén cũng sẽ thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt khi kết nối hàng không của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. 

Năm ngoái, nhiều đường bay quốc tế mới đã được mở đến Hà Nội, TP.HCM và các điểm ven biển. Các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế đều đang khôi phục hoặc gia tăng dịch vụ khi đội bay và nhân lực trở lại mức trước đại dịch. Sự mở rộng kết nối này vào năm 2025 sẽ giúp Việt Nam tiếp cận hàng triệu du khách tiềm năng. 

Ngoài ra, tâm lý du lịch toàn cầu vẫn lạc quan – theo khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) khi nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán năm 2025 sẽ còn tốt hơn năm 2024. Nhiều người từng hoãn các chuyến đi xa do đại dịch vẫn đang trong giai đoạn "bù đắp thời gian đã mất", điều này có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam khi là một điểm đến hấp dẫn mới mở cửa hoàn toàn.  

Ở chiều ngược lại, ngành du lịch Việt Nam cần chuẩn bị cho những rủi ro nào, thưa ông? 

Ông Mario Mendis: Xét các yếu tố hiện nay, mục tiêu 2025 của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thể chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể.  

Trước hết là các rủi ro từ kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Lạm phát cao, giá vé máy bay và chi phí lưu trú tăng, cũng như biến động giá nhiên liệu có thể làm giảm nhu cầu du lịch đường dài. 

Nếu các nền kinh tế lớn (châu Âu, Mỹ, Trung Quốc) rơi vào suy thoái hoặc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các kỳ nghỉ dài ngày đến Việt Nam có thể bị hoãn lại. 

Căng thẳng địa chính trị hoặc các vấn đề an ninh cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý du khách.

Các chuyên gia UNWTO đặc biệt cảnh báo rằng, sự bất ổn kinh tế, biến động giá dầu và hiện tượng thời tiết cực đoan là những rủi ro tiêu cực đối với ngành du lịch năm nay. Bất kỳ yếu tố nào trong số này cũng có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng thu hút du khách của Việt Nam so với mục tiêu 25–30% đã đề ra.  

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ chịu sức cạnh tranh gia tăng và động thái từ các quốc gia trong khu vực khi các điểm đến khác không hề đứng yên. Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều quốc gia khác đều đang nỗ lực thu hút cùng một nhóm du khách với các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ và ưu đãi hấp dẫn. 

Đặc biệt, Thái Lan đã mở rộng chính sách miễn thị thực cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ - hai thị trường tăng trưởng lớn, đồng thời liên tục đẩy mạnh quảng bá, giúp thị trường này vượt xa Việt Nam về lượng khách vào năm 2024. Nếu không theo kịp, Việt Nam có thể mất một phần du khách tiềm năng vào tay các nước láng giềng ASEAN.

Xét về các yếu tố nội tại, theo ông, điều gì đang khiến du lịch Việt Nam có nguy cơ mất nhóm khách tiềm năng vào tay các thị trường cạnh tranh khác? 

Ông Mario Mendis: Báo cáo Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành cập nhật mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ ra rằng, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch là điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, với điểm số rất thấp (2,2/7), xếp hạng trong nhóm 80 – 89 thế giới.

Trên thực tế, điều này thể hiện rõ qua tình trạng quá tải tại các sân bay và cơ sở vật chất. Các cửa ngõ chính như Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) thường xuyên phải hoạt động vượt công suất, gây ra tình trạng ùn tắc và chậm trễ kéo dài khiến du khách khó chịu. 

Tùy vào thời điểm đến, khách quốc tế có thể phải chờ tới 2 giờ để hoàn tất thủ tục nhập cảnh và nhận hành lý, trong khi thời gian chờ trung bình ở khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 30 – 45 phút. 

Ngoài ra, vấn đề giao thông trong và quanh sân bay cũng là một thách thức lớn. Việc thiếu bãi đỗ xe, quy định taxi không rõ ràng và các vụ lừa đảo thường xuyên xảy ra gây thêm bất tiện cho du khách. Những bất cập này không chỉ làm giảm trải nghiệm của khách mà còn có thể khiến họ cân nhắc chọn điểm đến khác thay vì Việt Nam.

Bên cạnh đó, dù chính sách thị thực của Việt Nam đang dần được nới lỏng để tăng sức hấp dẫn, với 16 quốc gia được miễn visa kể từ ngày 15/3/2025 theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch, nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. 

Điều này cho thấy cần có những cải thiện hơn nữa về chính sách thị thực để tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch.  

Không chỉ vậy, mặc dù Việt Nam đã mở rộng các tuyến bay đến nhiều thành phố hơn, điều này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả khách quốc tế và nội địa. Việc thiếu các tuyến bay, kết nối, hãng hàng không và máy bay đang kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch – một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.  

Một thách thức quan trọng khác là việc tiếp thị và quảng bá du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Vậy thì ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì để gia tăng nội lực, duy trì đà tăng trưởng và đóng góp vào nền kinh tế trong dài hạn? 

Ông Mario Mendis: Như đã đề cập, năng lực và chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong bảng xếp hạng. Hạng mục này bao gồm các yếu tố như số lượng phòng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, dịch vụ cho thuê xe, máy ATM dành cho du khách và các dịch vụ du lịch tổng thể. 

Các điểm đến có tính cạnh tranh cao như Thái Lan, Malaysia và Singapore có thứ hạng cao hơn nhờ cơ sở vật chất phát triển tốt (từ nhà nghỉ bình dân đến khu nghỉ dưỡng cao cấp) và dịch vụ thuận tiện cho du khách. 

Để cải thiện, Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng du lịch. Các dự án hợp tác công tư có thể giúp xây dựng thêm khách sạn và khu phức hợp giải trí tại các khu vực chưa được khai thác, trong khi các thành phố cần nâng cấp hệ thống biển báo, vệ sinh môi trường và dịch vụ thông tin du lịch. 

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được một số vấn đề này, ví dụ, Chính phủ đang thúc giục các địa phương nâng cấp dịch vụ y tế, vệ sinh và điều kiện môi trường dành cho khách du lịch, những lĩnh vực đã bị tụt hậu trong nhiều năm.

Cùng với đó, cần mở rộng công suất sân bay (đẩy nhanh các dự án như sân bay quốc tế Long Thành và nâng cấp Đà Nẵng, Nội Bài…), cải thiện tiện nghi cho hành khách và hiện đại hóa quy trình nhập cảnh để giảm thời gian chờ đợi.   

Để giải quyết những vấn đề này, EuroCham Việt Nam đề xuất triển khai cổng điện tử, mở rộng đội ngũ nhân viên nhập cảnh, bổ sung làn ưu tiên, cải thiện dòng lưu thông tại sân bay và nâng cấp bãi đỗ xe.

Ngoài ra, việc nâng cấp đường sá và hệ thống giao thông kết nối với các điểm du lịch, cũng như đảm bảo đủ cơ sở lưu trú và dịch vụ chất lượng cao tại các điểm đến mới nổi, cũng là điều cần thiết. Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng các trung tâm du lịch tích hợp, mang đến sự kết nối thuận tiện cho du khách.

Như một quan chức ngành du lịch Việt Nam từng nhận xét, chính sách visa mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi, nhưng “yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự là giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng và nâng cao trải nghiệm tổng thể của du khách” bởi nếu không, dù khách muốn đến nhưng vẫn có thể bỏ cuộc vì những rào cản thực tế. 

Bằng cách đầu tư vào hạ tầng cứng và hạ tầng số (Wi-Fi, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng du lịch thông minh), Việt Nam có thể nâng cao đáng kể năng lực nội tại và mức độ hài lòng của du khách, góp phần gia tăng lượng khách quốc tế.  

Về xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu, để cải thiện, Việt Nam cần tăng đáng kể ngân sách tiếp thị du lịch và sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả.

Về cải thiện chính sách thị thực và kết nối, Việt Nam đã có những bước tiến lớn với chính sách e-visa, nhưng cần tiếp tục cải thiện để duy trì lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. 

Để nâng cao sức hút với cả du khách và doanh nghiệp, EuroCham Việt Nam đề xuất mở rộng chương trình miễn thị thực áp dụng cho toàn bộ khối EU và các thị trường tiềm năng như Úc và New Zealand, đồng thời kéo dài thời gian miễn thị thực cho các thị trường quan trọng. 

Ngoài ra, cần xem xét áp dụng hệ thống thị thực phân cấp, bao gồm thị thực dài hạn cho người nghỉ hưu và những người làm việc từ xa (du mục kỹ thuật số), kết hợp với đầu tư vào hạ tầng số để tinh giản quy trình e-visa. 

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu sáng kiến chung như “Thị thực chung Đông Nam Á” có thể giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy lượng khách quốc tế.  

Một vấn đề nữa là tự do hóa ngành hàng không. Phối hợp với các hãng hàng không là điều tối quan trọng. Việc cung cấp ưu đãi hoặc hỗ trợ mở các tuyến bay thẳng mới từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Á và Trung Đông có thể giúp khai thác thêm nguồn khách mới. 

Ví dụ, việc mở các đường bay thẳng từ Ấn Độ và tăng tần suất chuyến bay từ Úc, Anh sẽ góp phần hiện thực hóa các thị trường mục tiêu đã xác định. 

Điều này yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý du lịch và hàng không để đảm bảo công suất vận tải hàng không phát triển đồng bộ với chiến lược quảng bá du lịch. 

Việt Nam cũng nên cân nhắc tiếp cận từng bước đối với việc tự do hóa thị trường hàng không, theo mô hình của EU. Điều này có thể bắt đầu bằng việc cho phép nhiều hãng hàng không nội địa và quốc tế khai thác các tuyến bay cụ thể hoặc khu vực nhất định. 

Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách thúc đẩy hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch, chẳng hạn như các chiến dịch tiếp thị chung giữa hãng bay và cơ quan du lịch nhằm quảng bá Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn, đồng thời nhấn mạnh sự cải thiện về kết nối hàng không.

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ (thông qua các chương trình đào tạo và tiêu chuẩn hóa cho hướng dẫn viên, nhà điều hành tour và nhà cung cấp dịch vụ vận tải) cũng sẽ giúp cải thiện trải nghiệm của du khách. 

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Bài: Kiều Mai

Thiết kế: Diệu Thảo

Xuất bản: 30/03/2025

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế năm nay, bước nhảy vọt so với mức 17,5 triệu lượt của năm ngoái. Dù đây là con số đầy tham vọng nhưng vẫn còn khá xa mục tiêu 35 triệu lượt khách quốc tế cho năm 2025 được đề ra trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt cách đây 5 năm. Liệu ngành du lịch có thể hiện thực hoá tham vọng này? Và đâu là giải pháp để tăng tốc mạnh mẽ hơn, biến du lịch trở thành ‘mỏ vàng’ mới của nền kinh tế Việt Nam?

TheLEADER khởi đăng chuyên đề về Kỷ nguyên bứt phá của du lịch Việt Nam, phân tích sâu sắc cơ hội và thách thức đối với khả năng bứt phá của ngành công nghiệp không khói.