Nguyễn Văn Khoa 30 tuổi, đi đầu trong chiến dịch mở rộng vùng phủ của FPT Telecom ở Hải Phòng. Không ai hiểu Khoa làm thế nào, chỉ sau 5 tháng, với 10 người, “Cáo” đất Cảng đã có 1.000 thuê bao.
Khoa cũng lười giải thích. Khi ấy, anh đang ấp ủ dự án cyber coffee, với quy mô hàng nghìn cửa hàng như mega mall, có máy tính kết nối Internet tốc độ cao để kinh doanh game online. Mọi thứ chuẩn bị chạy thì Khoa phải dừng lại, sau một cuộc gọi đường dài.
Qua điện thoại, TGĐ FPT Telecom khi đó là Trương Đình Anh thông báo ngắn gọn: “DTS (tiền thân của Công ty Viễn thông Quốc tế FPT - FTI) có vấn đề. Chú vào đi”. Khoa gác mọi thứ lại, trăn trở mở hướng đi hoàn toàn mới.
Trong tay Khoa không có gì, ngoài sự tin tưởng của anh Trương Đình Anh - vị CEO nổi tiếng quyết liệt. Anh quyết định tìm người hỗ trợ, thông qua Nguyễn Thế Quang đánh tiếng mời Phạm Duy Phúc, đang loay hoay với start-up voice tổng đài của mình, về FPT “làm kênh truyền”.
Gặp Phúc, Khoa đưa cho đàn em kém mình 2 tuổi hai lựa chọn: “Hoặc về Hà Nội hoặc cùng anh lập công ty này và biến nó thành vĩ đại”.
Mất một đêm cân nhắc giữa về làm nhà nước theo đề nghị của bố, tiếp tục chờ đợi start-up thành công hay về FPT, Phúc đi đến quyết định. Sáng hôm sau, anh vào văn phòng tuyên bố: Giải tán công ty. Rồi về nói với bố mẹ: “Mai con đi Sài Gòn”.
Vay được 40 triệu đồng, Phúc mua chiếc máy tính xách tay 20 triệu và tấm vé một chiều vào Sài Gòn cùng Khoa dựng sự nghiệp. Bắt đầu từ đâu Khoa chưa biết. Phúc càng không rõ. Nhưng cả hai chỉ muốn làm một điều gì đó "thật vĩ đại". Trước mắt, như Khoa nói, “tăng trưởng gấp 10 lần sau 5 năm”.
Đơn vị mới của Khoa được ngồi ké ở phòng giao dịch FPT Telecom 124 Sương Nguyệt Ánh (quận 1, TP HCM) trong một phòng sát nhà vệ sinh, cơi nới bằng nhôm. Ngày nắng thì oi bức, còn khi mưa mọi người phải ôm máy tính chạy khắp nơi.
Những ngày mới lập FTI, Khoa đứng trong cảnh “thập diện mai phục”. Cách quản lý của người đứng đầu trước đó theo kiểu nhà nước, dẫn đến niềm tin với khách hàng rất tệ. Trong nội bộ lại gặp cảnh chống phá. Không ít lần anh nhận được tin nhắn dọa dẫm. Nhưng Khoa không sợ. Hướng đi mới có nhiều cơ hội, ở đây “đánh nhau xem như thế nào”.
Chính sự bền gan và táo bạo của Khoa đã mang đến một diện mạo mới cho FTI. Năm 2008, trong một buổi nói chuyện với lãnh đạo VNPT, Khoa nghe anh này than: Vừa đi ứng cứu hệ thống P3 ở sông Hậu. Hệ thống truyền dẫn miền Tây này cứ vào mùa mưa là tín hiệu yếu do sử dụng công nghệ viba không dây.
“Ngửi” thấy cơ hội, Khoa đề đạt tức thì. “Em triển khai cáp ngầm qua sông Hậu đi Cần Thơ. Đổi lại, anh cho em nối cáp từ Hà Nội đi Lạng Sơn và sang Trung Quốc”. “Chú nói cái gì? Bọn anh mấy chục năm không làm nổi đây này”. “Yên tâm, bọn em có công nghệ làm được”, Khoa quả quyết.
Bề mặt sông Hậu nối hữu ngạn và tả ngạn rộng hơn 2 km. Lòng sông sâu có nơi hơn 20-30m. Lúc này, cầu Cần Thơ đang thi công có thể sẽ ảnh hưởng đến hạ ngầm cáp. Chi phí để thực hiện hạ ngầm cáp qua sông gần chục tỷ đồng. Lãnh đạo FPT Telecom có nhiều băn khoăn vì ở Việt Nam chưa từng có công trình ngầm như thế này. Được anh Trương Đình Anh bật đèn xanh, Khoa cùng ekip mạnh dạn triển khai, với niềm tin về cơ hội lớn mà dự án này mang lại.
Ngày nghiệm thu, đại diện VNPT ngạc nhiên, thốt lên: “Lần đầu tiên chúng tôi đấu được 10 Gbps đi miền Tây”. Họ không hiểu nổi tại sao FPT Telecom có thể làm dự án bất khả thi này chỉ vỏn vẹn 4 tháng. Trong khi đối tác còn bất ngờ, Khoa đứng đó, lẳng lặng rút điện thoại, gọi cho cộng sự Nguyễn Hoài Nam: “Anh lên Lạng Sơn đấu cáp sang Trung Quốc đi”.
Năm tiếp theo, Khoa thấy cơ hội bán kênh truyền quốc tế qua Campuchia. Phía đối tác yêu cầu có kết nối trong 45 ngày. Khoa gật đầu đồng ý, trong khi “cánh tay phải” của anh - Phạm Duy Phúc, vẫn còn giật giật áo, bảo nghĩ lại. Cáp của FPT lúc đấy mới chỉ kéo ra ngoài khu vực Sài Gòn 30 km, còn rất xa mới đến biên giới.
Khoa ra Hà Nội xin giấy phép. Rồi tức tốc ngược lại Sài Gòn đốc thúc việc triển khai: Đi ngoại giao, đàm phán mượn kênh, xuống thực địa để cổ vũ mọi người. Đều đặn như vậy cho đến 35 ngày sau, sự “liều” của anh đạt kết quả. Kênh quốc tế đã được nối sang Campuchia.
Cứ chạy, cứ quyết liệt như thế cho đến hết năm 2010, Phạm Duy Phúc ngồi nhìn lại và không tin những gì mà các anh đã làm được. Chỉ mất 3 năm, chứ không phải 5 năm, FTI đã tăng trưởng doanh thu gấp 10 lần: từ 40 tỷ lên 400 tỷ đồng. Nhân sự chỉ tăng thêm 30 người. Lúc này, bên Phúc còn có các cộng sự đắc lực là Tô Nam Phương, Đỗ Anh Tuấn, Trần Thụy Nguyệt Minh, Trần Hải Dương…, những người do anh Khoa cầu hiền và trực tiếp đào tạo, giúp sức.
Phạm Thanh Tuấn là Giám đốc FPT Telecom Vùng 5-6, được điều động sang vị trí Giám đốc Dự án Đường trục Bắc - Nam, dưới quyền của Nguyễn Văn Khoa - người vừa nhận nhiệm vụ PTGĐ FPT Telecom, phụ trách mảng việc ảnh hưởng đến “sinh mệnh” nhà “Cáo”: Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng tuyến trục Bắc - Nam.
Xây dựng tuyến đường trục theo dọc chiều dài đất nước là một việc FPT Telecom chưa từng làm. Tuấn biết trách nhiệm của mình không chỉ là xây tuyến đường huyết mạch mà phải đầu tư một cách có hiệu quả số tiền lớn mà FPT Telecom đã tích góp được hơn 15 năm qua. Với quá nhiều lo lắng, anh đã stress!
Khoa càng lo lắng hơn. Nhưng anh không tạo thêm áp lực cho cộng sự. Điện thoại của Khoa luôn mở máy, email luôn check đến 3h sáng, để mỗi khi cộng sự gặp khó, có việc quan trọng cần quyết nhanh, anh có thể tham mưu về phương án để thực hiện ngay tại hiện trường.
Khi Tuấn phát hiện đối tác giao cáp quang không đúng chuẩn kỹ thuật ký kết thì tuyến cáp đã được thi công tổng cộng 320 km. Hàng tá cuộc họp tìm phương án xử lý diễn ra nhưng vẫn không có giải pháp cuối cùng. Đến thời điểm chốt, Khoa nói với Tuấn: “Anh quyết định như thế nào thì Khoa cũng tôn trọng. Nhưng anh hãy hiểu rằng đây là tài sản lớn của FPT Telecom và chúng ta đã phải mất 15 năm mới đủ tiền triển khai”. Chính câu nói này đã giúp Tuấn cương quyết hơn trong quyết định - trả lại hơn 400 km cáp quang không đạt yêu cầu, qua đó mới có tuyến đường trục gần như hoàn hảo đến giờ.
FPT Telecom hoàn thành tuyến đường trục Bắc - Nam chỉ trong vòng 9 tháng 10 ngày. Ngay cả các đơn vị viễn thông lớn với nguồn lực khổng lồ về nhân sự, tài chính và các phương tiện hỗ trợ hiện đại cũng không thể thực hiện được trong thời gian hạn hẹp như vậy. Với kết quả này, FPT Telecom đã chủ động hoàn toàn về hạ tầng tuyến trục Bắc - Nam, qua đó hình thành tuyến trục xuyên suốt từ Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau.
Phạm Thanh Tuấn, sau khi triển khai xong mạch B đường trục Bắc - Nam, đã luân chuyển sang công việc khác. Nhưng những ngày máu lửa vẫn in đậm trong tâm trí anh và mọi người. Bởi trong 280 ngày đó, mỗi lúc họ cần chia sẻ đều có một vị lãnh đạo cấp cao nhất sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu.
Vũ Anh Tú, PTGĐ FPT Telecom, nhận ra băng thông cho Internet sau một thời gian dài nâng cấp đã đạt mức độ giới hạn. Nếu tiếp tục, FPT Telecom sẽ “húc vào tường” vì không thể tiếp tục nâng cao băng thông Internet cho khách hàng. Đó là ác mộng với kinh doanh.
Khoa và Tú quyết định sẽ phải thay đổi công nghệ. Bằng cách nào? Đơn giản nhất là học theo Viettel triển khai cáp đồng trục để cung cấp cả dịch vụ truyền hình và Internet. Nhưng cả hai đều không thoả mãn với phương án này bởi tin tưởng cáp quang FTTH (Fiber-To-The-Home) mới là tương lai.
Nội bộ FPT không nhiều người nghĩ như vậy bởi thay thế cáp đồng bằng cáp quang sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của FPT Telecom. Khoa bèn gõ cửa lãnh đạo FPT Telecom và tập đoàn để thuyết phục. Trong khi Tú âm thầm triển khai cáp quang ở một số khu vực nhỏ.
Đều đặn hai tuần một lần, Khoa và Tú ngồi lại với các lãnh đạo FPT để trả lời câu hỏi: “Có cần triển khai cáp quang hay không?”. Lần nào cũng vậy, cả hai đều bảo vệ quan điểm “cáp quang mới là tương lai”.
Cùng lúc đó, những thử nghiệm cáp quang của Tú có kết quả. Họ đã chứng minh được, hiệu suất khi đầu tư cáp quang, thiết bị lắp cho nhà khách hàng, bảo dưỡng… tương đương với cáp đồng.
Được tin tưởng triển khai cáp quang, nhưng khi đặt vấn đề các hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn đều không mặn mà với FPT Telecom. Họ chỉ tin các đơn vị lớn như Viettel, VNPT mới có đủ kinh phí để làm.
Cuối năm 2013, tại hội thảo ở Hà Lan, Khoa và Tú gặp một công ty OEM lớn nhưng lại có năng lực về R&D khá tốt, tin tưởng vào con đường FPT Telecom đi. Hai tháng sau, trong buổi gặp lại tại Hong Kong, đối tác bị thuyết phục bởi Khoa và qua 4 giờ đàm phán, Khoa quả quyết: Đặt 600.000 thiết bị đầu cuối trong ba năm. Không có giấy tờ, cả hai ký cam kết trên một cuốn vở học sinh.
Ba năm sau, FPT Telecom đã đặt hàng 1 triệu thiết bị cáp quang. Cũng ngần đó thời gian, Viettel từ bỏ cáp đồng trục để chuyển sang cáp quang. Tiếp đến là VNPT. Đến nay, nhà “Cáo” đã phủ 95% hạ tầng cáp quang trên toàn quốc.
Khoa quyết định xin cấp phép dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ cáp đồng trục. “FPT đang thử nghiệm IPTV (giấy phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ IP) rồi, xin giấy phép chính thức IPTV đi, xin phép truyền hình cáp làm gì?” là câu hỏi Khoa và các cộng sự phải trả lời rất nhiều lần.
Tô Nam Phương đang yên ổn với vị trí Chủ tịch công ty FTI - đơn vị rất thành công về tăng trưởng, mở rộng thị phần - đã được Khoa thuyết phục sang làm mảng Truyền hình. Mãi không được, anh bèn sử dụng phương pháp năn nỉ. “Truyền hình FPT như đứa con mới lọt lòng, nó cần một người mẹ, một phụ nữ biết vun vén, lo toan từ những bước đi chập chững đầu đời nên chúng tôi cần Phương”. Thế mà hiệu nghiệm. Chị đồng ý ngay.
Với sự giúp sức từ Khoa, đội ngũ của Phương có thêm những “chiến tướng”: PTGĐ FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh và Nguyễn Kim Quy, Phạm Thanh Tuấn… Về mảng công nghệ có PTGĐ FPT Telecom Vũ Anh Tú cùng Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Tuấn Sơn… đảm trách. Phần nội dung bổ sung "Giáo sư xoay" Đinh Tiến Dũng…
Nhưng, sau gần một năm loay hoay với cáp đồng trục mà chưa ra được phương án, đến năm 2014, Khoa đề xuất: Không tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh truyền hình trả tiền trên công nghệ HFC (cáp đồng trục), tập trung và duy nhất triển khai IPTV.
Ngay từ ngày đầu, Khoa xác định một điểm không thể thay đổi là tính công nghệ trong Truyền hình FPT phải tiên phong, đột phá và trở thành giá trị cốt lõi. Làm sao để dịch vụ của FPT phải có chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt nhất và có những thứ mà truyền hình truyền thống không có. Họ có một quyết định mạnh dạn là chuyển đổi chất lượng từ SD sang HD.
Từ bài toán của Khoa, các cộng sự đã biến bộ giải mã (settop box) của Truyền hình FPT từ một giao diện khô khan, nghèo nàn của thập niên 2000 sang một hệ phần mềm mượt hơn và đậm chất công nghệ. Sau đó, tiếp tục “biến hình” bộ giải mã đầu tiên “không khác gì cục gạch xấu xí” thành phiên bản nhỏ xinh như hiện tại.
Suốt những năm tháng gây dựng Truyền hình FPT, Tô Nam Phương nhiều lần “trầy da bóc vẩy”, trở ngại trùng trùng. Không ít lần Truyền hình FPT đối diện nguy cơ bị cắt sóng. Nhưng mỗi lần như vậy, chị biết Khoa sẽ làm lá chắn cho mình.
Cứ mỗi khi đạt thành công mới, Khoa nói với chị: “Sống trong thành công là bắt đầu chết”. Vì thế, họ lại đặt cho mình những mục tiêu, thách thức lớn hơn. Đến giờ, sau chặng đường dài, Truyền hình FPT trở thành một trong hai trụ cột của FPT Telecom, bên cạnh sản phẩm then chốt là Internet.
Dưới tán cây đầy nắng trong tư gia Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, có hai người đàn ông chia sẻ về giấc mơ “FPT phải phát triển hàng trăm năm”. Cả hai đều hiểu rằng, có được điều đó thì không phải một vài công ty mạnh mà phải là cả FPT mạnh; phải giữ gìn được văn hóa, tinh thần và các giá trị cốt lõi của FPT.
Trong cuộc luân chuyển có quy mô rộng nhất ở ba công ty là FPT IS, FPT Software và FPT Telecom, Nguyễn Văn Khoa đã chọn nhà Hệ thống để bắt đầu một hành trình mới mà cơ hội và thách thức đều nhiều như nhau. Trên con đường đó, Khoa bảo, mình sẽ nỗ lực để khơi gợi một cảm xúc mới, một ngọn lửa mới.
Khoa thúc đẩy hàng loạt đề án: tin học hoá quản lý giúp tiết kiệm chi phí, khoán, tối ưu hệ thống quản trị, hiệu quả khối sản xuất; tăng cường sáng tạo cùng các chính sách kịp thời về nhân sự… giúp FPT IS tìm được sự lạc quan, tự tin, trở lại đà tăng trưởng.
Làm việc trực tiếp cùng nhau một năm, PTGĐ FPT IS Nguyễn Hoàng Minh bảo, cấp trên của anh nổi bật trong tập hợp lực lượng, gắn kết anh em. “Về FPT IS một thời gian không dài nhưng anh ấy có được sự nể phục của “cả nhà”. CEO có khả năng tạo ra sự thay đổi, nâng cao kỷ luật, cân bằng ở FPT IS, đặc biệt cho nhóm quản lý, lãnh đạo”.
Ngoài tiếp tục các hướng kinh doanh truyền thống, Khoa đã xây một số đội dự án khai phá những hướng kinh doanh mới mà theo đánh giá của anh Minh thì “sẽ có kết quả trong năm 2019-2020”.
Sẽ lại là một chương mới trong hành trình chinh phục của Nguyễn Văn Khoa - chàng kỹ thuật viên dám chấp nhận thử thách, trải qua không ít “cái tát của cuộc đời” để trưởng thành cùng FPT.
Nội dung: Triệu Mẫn - Tân Phong
Ảnh: Nguyễn Thắng - FPT Telecom
Thiết kế: An Nhiên