FastGo - những bước chân thần tốc

Sáng nào cũng vậy, cứ vào khoảng 8 giờ, ông Nguyễn Hữu Tuất lại gọi một cuốc xe FastGo di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. “Trừ khi có công việc quan trọng tôi mới dùng tới xe riêng. Còn không, FastGo vẫn là phương tiện đi lại thường ngày của tôi”, ông Tuất tâm sự.

Có thể nói, ông Tuất là một trong số ít những CEO – nhà sáng lập “chịu khó” sử dụng dịch vụ của startup mình thường xuyên đến thế. “Đó không đơn thuần là tình yêu, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ bản thân tôi đặt ra với FastGo. Chúng tôi làm dịch vụ, nếu không trải nghiệm, không chăm chút cho sản phẩm, thì khó lòng hiểu, cũng như đáp ứng được khách hàng”, CEO FastGo nói.

Thế nhưng, có lẽ ông Nguyễn Hữu Tuất chưa phải là người “yêu” FastGo nhất. Vị CEO tiết lộ, theo thống kê của ứng dụng gọi xe thuần Việt này, ông Tuất chỉ là người đi FastGo nhiều thứ 2 tính từ thời điểm ra mắt. “Bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi có được khách hàng yêu FastGo hơn cả CEO của ứng dụng”, ông cười rất tươi.

FastGo - những bước chân thần tốc 1

Với ông Tuất, mỗi chuyến FastGo đều là một kỉ niệm đáng nhớ. Có lần lên xe, tài xế đã nhận ngay ra CEO của ứng dụng. Khi biết rằng CEO cũng như đội ngũ của FastGo luôn đồng hành, theo sát các đối tác, họ đã rất vui.

Có một số tài xế còn cho biết, họ gần như đọc hết các bài viết, phát biểu của ông qua báo đài. Nhờ đó, đội ngũ tài xế thêm tin tưởng và ủng hộ FastGo. Trong khi đó, số khác chia sẻ với ông Tuất rất thẳng thắn, và góp ý, mong muốn FastGo phát triển và lớn mạnh hơn nữa.

“Nhiều tài xế nói với tôi, họ sẵn sàng hy sinh vì FastGo để hướng tới lợi ích lâu dài. Bởi chỉ có ở đây, họ mới được tôn trọng và thực sự làm chủ công việc của mình. Thậm chí, có người còn coi FastGo như sản phẩm riêng, từ đó họ chăm chút, cũng như có ý thức phục vụ khách hàng tốt hơn”, ông Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ.

FastGo - những bước chân thần tốc 2

Ông Nguyễn Hữu Tuất được biết đến là một trong ba nhà đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ Peacesoft, sau này đổi tên thành Nexttech, tham gia thành lập công ty giai đoạn 2001 - 2002. Trong khoảng 5 năm đầu, khi ông Nguyễn Hữu Tuất và Nguyễn Hòa Bình còn ngồi trên ghế giảng đường, họ đã cùng nhau triển khai, nghiên cứu nhiều giải pháp khoa học.

Tới năm 2005, Peacesoft khi đó là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam tiếp cận lĩnh vực Thương Mại Điện Tử. Giai đoạn 2005 – 2009, sản phẩm Chợ điện tử của Peacesoft liên tục tăng trưởng nóng. Năm 2009, Peacesoft tiến vào lĩnh vực thanh toán, COD… Và trong suốt những năm đó, ông Tuất giữ vai trò CTO – Giám đốc công nghệ.

Tới năm 2013, MPOS – công ty chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán trên nền tảng di động của Peacesoft ra đời, ông Tuất đảm nhiệm vị trí CEO, và hiện cũng là CEO của ứng dụng gọi xe FastGo.

FastGo - những bước chân thần tốc 3

Theo vị CEO sinh năm 1983, sự ra đời của FastGo không quá “bất ngờ” như nhiều người suy đoán, mà đó là cả một hành trình được ông và các cộng sự ấp ủ từ cách đây hơn 3 năm. Cụ thể là vào đầu năm 2015, khi Uber và Grab mới xuất hiện ở Việt Nam, viễn cảnh taxi truyền thống bị cạnh tranh gay gắt, thậm chí là sống chật vật dưới thời taxi công nghệ lên ngôi đã được dự báo trước.

FastGo - những bước chân thần tốc 4

“Khi đó, chúng tôi từng đặt câu hỏi: Làm gì để cạnh tranh với Uber, Grab?”, ông Tuất băn khoăn. Cơ duyên đến với vị CEO trẻ tuổi là khi MPOS triển khai các giải pháp thanh toán cho Tập đoàn Mai Linh. Từ đây, phía Mai Linh có nhu cầu phát triển thêm nền tảng công nghệ giúp hiện đại hóa mô hình kinh doanh vận tải hiện tại. Trăn trở cùng các doanh nghiệp taxi truyền thống, bài toán ứng dụng nền tảng công nghệ để giảm tải chi phí, đồng thời tăng được sức cạnh tranh trên thị trường gọi xe luôn “ám ảnh” ông.

Tới tháng 3/2018, trước tin đồn Uber rút khỏi Đông Nam Á, ý tưởng ra đời ứng dụng gọi xe FastGo lại ngày càng thôi thúc ông Nguyễn Hữu Tuất. Vị CEO gọi đây là thời cơ lớn. “Một thị trường phát triển luôn cần có hai đến ba tay chơi. Uber rút lui sẽ để lại cơ hội cho các startup khác. Có thể nói, FastGo chính là mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái đa dịch vụ đã được chúng tôi chuẩn bị 15 năm nay ở Nexttech. Thay vì chỉ đứng sau các đơn vị taxi truyền thống, đã đến lúc FastGo cần phất cờ tiến lên phía trước”, CEO FastGo nhấn mạnh.

FastGo - những bước chân thần tốc 5

Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, truyền thống của các sản phẩm, startup trực thuộc Nexttech là luôn mang trong mình 3 DNA lớn. Lần lượt là: giúp doanh nghiệp thuận lợi hóa – chuyển đổi hóa, cung cấp công nghệ để các doanh nghiệp cạnh tranh, và phát triển nền tảng mở dùng chung được, giảm thiểu đầu tư, tạo liên kết.

Trong đó, FastGo được ra đời mang cả 3 chất DNA nổi bật này. Vị CEO mô tả, có thể coi FastGo như một cánh tay nối dài giúp đơn vị taxi vận tải tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn – cũng chính là yếu tố mà các doanh nghiệp truyền thống đang thiếu.

Nói về thị trường gọi xe tại Việt Nam, ông Tuất nhận định, cả Grab và Uber trước đây mới chỉ bước qua giai đoạn khai phá thị trường. Nghĩa là trước mắt, các ứng dụng gọi xe vẫn còn cuộc chiến giữ thị phần và sau là khai thác thị trường. Do đó, dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe mới vẫn còn rất lớn.

FastGo - những bước chân thần tốc 6

“Việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam không có nghĩa là tất cả tài xế đều đồng ý gia nhập Grab. Tôi cho rằng, 2 công ty từng là đối thủ khi sáp nhập lại ắt sẽ có vết thương. Vậy nếu tài xế Uber không muốn gia nhập Grab, họ sẽ đi đâu? Đó rất có thể là cơ hội cho FastGo”, vị CEO sinh năm 1983 nhận định.

Hay như câu chuyện Grab thường xuyên tăng giá vào giờ cao điểm cũng vậy. Theo ông Tuất, đây cũng là cơ hội dành cho FastGo. Bởi vào giờ cao điểm, ứng dụng này chỉ áp dụng mức giá bằng 2 phần 3 so với Grab.

“Rõ ràng, mức giá của FastGo hấp dẫn hơn. Nhưng bài toán đặt ra với chúng tôi là làm thế nào để đối tác lái xe chấp nhận đón những cuốc đó? Ở đây, FastGo phải cân bằng 2 việc, quyền lợi của lái xe trong giờ cao điểm và quyền lợi của khách hàng. Về phần tài xế, Grab có thể tăng gấp rưỡi, nhưng thu chiết khấu gần 30%, trong khi FastGo không thu phí. Và để tài xế không bị thiệt thòi, FastGo đưa ra hình thức tips để khách hàng có thể trả thêm cho lái xe. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, khách hàng sẽ được chủ động quyết định trả bao nhiêu cho cuốc xe, cũng như chủ động sử dụng dịch vụ, thay vì phải dùng giá cao như hiện tại”, CEO FastGo cho hay.

FastGo - những bước chân thần tốc 7

Tất nhiên, bên cạnh yếu tố giá cả, thì quyền lợi khách hàng cũng là yếu tố quan trọng quyết định năng lực của ứng dụng gọi xe. Theo ông Tuất, ứng dụng nào cũng vậy – khi tham gia thị trường luôn nói rằng tôn trọng đối tác, tôn trọng khách hàng. Nhưng chỉ khi xảy ra sự cố, vấn đề phát sinh, thì lúc này mới bộc lộ rõ năng lực thực sự của mình.

“Nếu cứ chạy đua giảm giá, khuyến mãi như Grab, thì FastGo đã thua từ vạch xuất phát. Ở FastGo, chúng tôi đề cao tinh thần hỗ trợ và phục vụ. Vì vậy, các đối tác luôn coi FastGo là người bạn đồng hành. Khi tôi có dịp tiếp xúc với các tài xế, rất vui khi biết họ luôn ưu tiên FastGo. Bằng mọi cách, họ phục vụ khách hàng với tinh thần cao nhất. Bởi các đối tác đều hiểu rằng, nếu FastGo phát triển thì bản thân họ cũng phát triển. Và nhờ tinh thần đó, tỉ lệ khách hàng quay lại với FastGo khá cao, trên 50%”, ông Nguyễn Hữu Tuất khẳng định.

Theo lời vị CEO sinh năm 1983, FastGo đã và đang có chiến lược riêng. Đó là việc xác định gọi xe là một cuộc chơi lâu dài, vạch lộ trình 3 năm để vươn mình. Bởi thực tế, cùng thời điểm với FastGo có nhiều ứng dụng gọi xe của Việt Nam đã ra mắt, nhưng chỉ vài tháng sau đã phải rời bỏ cuộc chơi.

FastGo - những bước chân thần tốc 8

Nếu giảm giá, khuyến mãi như Grab thì FastGo đã thua từ lâu, làm truyền thông như các bên đã thua. Mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng. Xác định đây là cuộc chơi lâu dài, 3 năm để vươn mình. Nhiều doanh nghiệp ra mắt và chỉ vài tháng sau rời cuộc chơi. Trong khi FastGo đến giờ vẫn tăng trưởng.

“Khi đã vạch ra được lộ trình cụ thể, FastGo sẽ đi rất nhanh, chiếm những vị trí trọng yếu, có lợi, giúp FastGo giữ được mục tiêu thị phần khoảng 30%. Theo tôi, vị trọng yếu ở đây nên được hiểu là: ai sẽ người chiếm được đối tác lái xe, ai là người duy trì được tốc độ phát triển, tài chính, ai là người khai thác được những dịch vụ vệ tinh, tạo ra nguồn thu tốt hơn”, CEO FastGo nhấn mạnh.

FastGo - những bước chân thần tốc 9

Sau gần 1 năm gia nhập thị trường gọi xe, ông có nhận định gì về sân chơi này ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Có một xu hướng chúng tôi nhận thấy, đó là khi các đại gia ngoại tham chiến thị trường gọi xe tại Việt Nam, họ đều đổ vào rất nhiều tiền. Nhờ đó, mảng kinh doanh này mở ra nhiều cơ hội cho hệ sinh thái xoay quanh nó. Và đó mới chính là đích đến mà họ hướng tới.

Trên thế giới, người ta gọi đây là mô hình dịch vụ theo yêu cầu. Nghĩa là khi sử dụng bất kì dịch vụ gì, họ sẽ tìm cách thu hút khách hàng sử dụng một nền tảng, ứng dụng duy nhất. Mô hình này hấp dẫn hơn nhiều so với lĩnh vực gọi xe mà người dùng đang nhìn thấy, bởi giá trị hơn gấp nhiều lần.

Có thể hiểu, gọi xe chỉ là phương pháp để các nền tảng tiếp cận người dùng. Còn một khi người dùng đã quen với ứng dụng, tài xế đã quen với cách vận hành, thì các nền tảng sẽ phát triển thêm nhiều mảng dịch vụ khác.

Và đây cũng chính là mô hình mà Tập đoàn Nexttech theo đuổi trong nhiều năm nay. Một phần lý do chúng tôi gấp rút cho ra đời FastGo là bởi, nếu mất thị phần ở mảng gọi xe, thì tương lai có thể mất thị phần ở các mảng khác nữa.

FastGo - những bước chân thần tốc 10

Ông vừa nhắc tới hệ sinh thái các dịch vụ xoay quanh ứng dụng gọi xe. Liệu ông có thể mô tả hệ sinh thái này?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Theo như tôi quan sát, hệ sinh thái xoay quanh ứng dụng gọi xe chỉ mới đang được hình thành, mà chưa có hình thái cụ thể. Để dễ tưởng tượng, khi khách hàng gọi xe, thì dịch vụ liên quan nhất mà ai cũng nghĩ đến ngay được, đó là thanh toán.

Bên cạnh việc trả tiền mặt, thì các ứng dụng đều phát triển thêm cả dịch vụ thanh toán thẻ, ví điện tử. Điều này có nghĩa, cứ một dịch vụ mới ra đời, thì sẽ sinh ra thêm nhiều dịch vụ khác tương hỗ. Càng ngày khi các dịch vụ này lớn mạnh, thì hệ sinh thái sẽ hình thành.

Ở đây, tôi cho rằng, gọi xe không hẳn là trọng tâm của mô hình dịch vụ theo nhu cầu. Mà đó phải là thanh toán. Bởi đây sẽ là mạch máu kết nối các dịch vụ với nhau. Thứ hai nữa là các dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, như giao hàng, chuyển phát…

Vậy theo ông, lý do gì khiến gọi xe được chọn là dịch vụ đi tiên phong trong mô hình dịch vụ theo yêu cầu hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Tôi cho rằng, thị trường gọi xe nói chung, hay dịch vụ gọi xe nói riêng sẽ không bao giờ hết nóng là bởi đi lại là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Thực tế cũng chứng minh, dù các ứng dụng gọi xe mới ra đời cách đây vài năm, nhưng hành vi gọi xe từ người tiêu dùng đã rất phổ biến và trở thành một thói quen không thể thiếu. Nếu bạn hỏi 10 người, thì tôi tin chắc phải có tới 7 người đã dùng dịch vụ gọi xe.

Do đó, trong cuộc chơi này, người thắng cuộc sẽ là người cung cấp ra thị trường dịch vụ tốt nhất, phát triển được mô hình bền vững nhất. Doanh nghiệp có thể thất bại, nhưng nhu cầu từ người tiêu dùng sẽ vẫn luôn còn đó.

Nếu được đưa ra dự đoán, ông cho rằng, đâu sẽ là thời điểm chín muồi của dịch vụ gọi xe ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Theo quan điểm của tôi, ít nhất là 5 năm nữa, thị trường gọi xe tại Việt Nam mới chính thức đi vào quỹ đạo. Còn ở thời điểm này, thị trường trong nước vẫn còn khá sơ khai.

Đó cũng là lý do FastGo dù mới ra mắt ở Việt Nam, nhưng đã sớm đặt mục tiêu đồng thời tiến sang quốc gia khác như: Myanmar, Singapore và Indonesia...

Mọi người đang nhìn nhận Việt Nam là sân nhà, còn Đông Nam Á là sân khách. Trong khi FastGo xác định Đông Nam Á là sân nhà, và các thị trường khác là sân khách. Cũng tương tự câu chuyện Viettel đi về nông thôn trước khi tiến tới thành thị.

Với các startup non trẻ, họ làm ở Việt Nam chỉ biết ở Việt Nam. Còn với Tập đoàn Nexttech vốn có nhiều kinh nghiệm ở Đông Nam Á, thì chúng tôi coi thị trường nào cũng như nhau.

FastGo - những bước chân thần tốc 12

Được biết FastGo hiện đã triển khai dịch vụ gọi xe tại Myanmar, mong ông chia sẻ thêm về hoạt động của công ty tại thị trường này?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Đầu tiên, chúng tôi chọn thành phố Yagon tại Myanmar, vì thị trường này có nhiều thuận lợi. Yagon cấm hoàn toàn xe máy. Ở đó có khoảng 70.000 chiếc taxi đang hoạt động, nhưng lại không có bất kì công ty taxi lớn nào. Bên cạnh đó, Myanmar cũng trong giai đoạn phát triển, dân số rất đông. Vì vậy, FastGo đã quyết định đầu tư và liên kết với các đơn vị địa phương. Tôi dự đoán, Myanmar sẽ là thị trường tốt trong 3 năm tới, tương đương Việt Nam.

Thứ hai là ở Myanmar đã có Grab. Mục tiêu của FastGo là nằm trong Top 3 ở Đông Nam Á. Grab hiện đang dẫn đầu. Do vậy, nếu họ đã nghiên cứu và định hình được thị trường nào rồi thì FastGo sẽ theo sau đó.

Cá nhân tôi nhìn nhận, Grab hiện đang đóng vai trò người tiên phong, đi khai phá thị trường, nhưng chắc chắn không thể một tay che cả bầu trời. Thông thường, lĩnh vực nào được coi là lành mạnh cũng cần có 2 đến 3 tay chơi, nên theo tôi lĩnh vực gọi xe vẫn rộng mở. Tôi tin rằng, đây chính là cơ hội để FastGo ghi dấu ấn.

Điều gì khiến ông có niềm tin vào FastGo mãnh liệt đến vậy?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Không riêng FastGo, mà bất kể doanh nghiệp nào có hoạt động, dịch vụ gì đóng góp cho xã hội, tạo ra sự cân bằng cho thị trường, tạo giá trị cho khách hàng cũng đều có niềm tin như tôi.

Nexttech không phải là tay chơi mới trên thị trường, do đó, chúng tôi sẽ biết cách lựa sức mình. Đơn giản là với FastGo, chúng tôi tham gia một lĩnh vực mới mà thôi.

Nói riêng về thị trường Việt Nam, tôi cho rằng, tới đây thị phần gọi xe sẽ chia ra thành 2 mảng rõ ràng, một dành cho taxi truyền thống, một cho taxi công nghệ, tỉ lệ có thể là 30/70.

Sở dĩ, thị phần của các doanh nghiệp taxi truyền thống đang ngày một giảm đi, dù gần đây họ đang liên kết với nhau, tung ra ứng dụng mới, là vì kết nối đó chưa có sự cộng hưởng, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Thì lúc đó cần có sự ra đời của các công ty công nghệ như FastGo. Đơn giản là khi doanh nghiệp hướng tới đổi mới, ứng dụng những công nghệ mới, nhưng lại chưa làm chủ được công nghệ, thì sẽ thiếu đi tính cạnh tranh.

Việt Hưng

11/03/2019