Tại số 48 Tam Khương, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có một garage ô tô rất đặc biệt. Cũng cung cấp dịch vụ vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng như nhiều garage ô tô khác nhưng điều đặc biệt là đây còn là “giảng đường” của sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo ô tô… thuộc khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi.
Thầy Trần Tuấn Anh, giảng viên phụ trách bộ môn Kỹ thuật ô tô, cho biết, garage được xây dựng theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản, với thiết kế, từ gạch lát nền, màu sơn tường cho đến trang thiết bị không khác gì một garage ô tô chuyên nghiệp.
Tại đây, sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô được tận tay “vọc vạch”, kiểm tra ô tô thật, với giáo trình và bài kiểm tra là chính những đơn hàng kiểm tra, bảo dưỡng xe giống với các garage khác.
Ngoài đảm nhiệm vai trò giảng viên, thầy Tuấn Anh còn đóng vai một người “sếp” của garage và một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của lớp học, luôn ghi lại hình ảnh của từng sinh viên tham gia thực hành.
“Tôi luôn chụp lại hình ảnh mỗi sinh viên tham gia thực hành, không chỉ để các em “khoe” với bạn bè, gia đình mà sau này còn là điểm cộng rất lớn trong hồ sơ xin việc của các em, vì hầu như không có chương trình đào tạo kỹ thuật cơ khí ô tô nào ở Việt Nam tạo được điều kiện cho sinh viên được thực hành trong garage hàng ngày như tại Trường Đại học Thủy lợi”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Giảng đường đặc biệt của khoa Cơ khí này là thành quả của quá trình liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với Trường Đại học Thủy lợi, chiến lược quan trọng của nhà trường trước bối cảnh và xu thế mới đang diễn ra trong ngành giáo dục.
TheLEADER đã có buổi trò chuyện với GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi để có cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, gắn liền với chiến lược đào tạo đa ngành của nhà trường.
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Đại học Thủy lợi từ khi thành lập cho đến nay đã đón 64 khóa sinh viên, trải qua 64 năm xây dựng và phát triển. Trước đây, cùng với một số trường đại học khác như Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải… Trường Đại học Thủy lợi được xây dựng theo mô hình đơn ngành.
Với chuyên môn rất sâu về ba lĩnh vực là thủy công, thủy nông và thủy văn, đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia công tác tại trường, cũng như sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Thủy lợi đã đồng hành với sự phát triển của đất nước, đóng góp rất lớn vào việc khai thác nguồn lợi và giảm thiểu tối đa tác hại của nguồn nước.
Đơn cử như đội ngũ chuyên gia của ngành Thủy lợi, ngay sau khi đất nước thống nhất, đã hết sức tâm huyết và có đóng góp rất nhiều công sức trong việc “thau chua rửa mặn” tại Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần rất lớn biến miền Tây Nam Bộ trở thành vựa lúa của Việt Nam và khu vực.
Có thể nói, suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thuỷ lợi đã được xã hội khẳng định vị thế là trường đại học hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phục vụ sản xuất trong lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ điện, tài nguyên môi trường, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Tuy nhiên, với xu thế hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Thủy lợi đã và đang nỗ lực phấn đấu và định hướng chiến lược trở thành một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu, đa ngành, đa lĩnh vực có năng lực hội nhập cao trong khu vực và quốc tế.
Hiện nay, Trường Đại học Thủy lợi đang đào tạo hơn 70 ngành, trong đó 38 ngành đào tạo bậc đại học chính quy, 22 ngành trình độ Thạc sĩ và 11 ngành trình độ Tiến sĩ, từ một trường Đại học đơn ngành, đến nay có đầy đủ các khối ngành: Kỹ thuật và công nghệ; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kinh tế và quản lý (bao gồm 11 ngành như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế số, Tài chính - ngân hàng, Kiểm toán; Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch và lữ hành…); Khoa học xã hội (Ngôn ngữ Anh, Luật).
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Như tôi đã nói ở trên, xu thế hiện tại của giáo dục đại học là giáo dục đa ngành. Với xu thế đó, trường đại học muốn tồn tại và phát triển được thì phải đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và cam kết sản phẩm của mình với xã hội.
Xã hội và nền kinh tế đang có nhu cầu nhân lực rất lớn. Chúng tôi có năng lực, có nguồn lực để cung cấp nhân lực cho xã hội, chúng tôi đảm bảo cam kết đầu ra sẽ đạt yêu cầu, sẽ đóng góp tích cực cho xã hội. Chúng tôi phải thực hiện được cam kết đấy thì mới tồn tại được.
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Tùy thuộc vào các ngành, chuyên ngành cụ thể, chúng tôi sử dụng linh hoạt các phương án để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ví dụ, đối với ngành Kỹ thuật robot và điều khiển thông minh, một chuyên ngành rất hấp dẫn, “thời thượng” nhưng cũng khá mới mẻ ở Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi thực hiện hợp tác liên kết chặt chẽ với những trường học có thế mạnh về ngành này, như Đại học Hosei và Đại học Chiba, Nhật Bản.
Cụ thể, nhà trường cử giảng viên, cán bộ trao đổi học thuật, chuyên môn ở bên Nhật, đồng thời tham khảo hoặc nhập khẩu học liệu, bao gồm giáo trình, đề cương môn học, tài liệu tham khảo từ các trường đó về dạy cho sinh viên.
Trước đây, với sự hỗ trợ và đầu tư từ phía Nhà nước, với một số ngành thuộc chương trình tiên tiến (chương trình nhập khẩu từ phía đối tác, toàn bộ học liệu và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh), chúng tôi có thể mời giảng viên từ các trường hàng đầu thế giới về giảng dạy tại trường. Sau 10 năm liên tục triển khai, Nhà nước không tài trợ kinh phí nữa nhưng Đại học Thủy lợi vẫn cố gắng tối đa mời các giảng viên quốc tế thông qua các chương trình hợp tác về khoa học công nghệ và các dự án sản xuất với các chuyên gia của nhà trường về giảng bài, diễn thuyết cho sinh viên.
Liên kết với các trường đại học hàng đầu thế giới còn thông qua mô hình liên thông 2+2, tức là sinh viên học 2 năm ở Trường Đại học Thuỷ lợi, nếu học tốt, đáp ứng đủ điều kiện, sẽ được hoàn thành nốt 2 năm còn lại ở nước ngoài, khi tốt nghiệp nhận được bằng của trường đối tác.
Bên cạnh đó, Đại học Thủy lợi cũng chú trọng liên kết với cộng đồng doanh nghiệp là những người sử dụng lao động, sử dụng “sản phẩm” của nhà trường. Đây là cách để Đại học Thủy lợi “lắng nghe thị trường” một cách hiệu quả.
Đại học Thủy lợi có mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn, ví dụ như Samsung, LG, Tập đoàn TASCO (đặc biệt là Công ty DNP Water, chuyên sâu về ngành nước); Tổng công ty Xây dựng hàng không ACC (thuộc Bộ Quốc phòng), Lizen, Fecon… Với mỗi một doanh nghiệp, Đại học Thủy lợi lại có cách thức liên kết riêng.
Ví dụ, tập đoàn Samsung đã đầu tư xây dựng phòng Lab cho Khoa Công nghệ thông tin của trường. Tập đoàn cũng “đặt hàng” một số module đào tạo, chỉ cần sinh viên hoàn thành hết các module này là sau khi tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng trực tiếp vào tập đoàn.
DNP Water ký kết biên bản hợp tác với Đại học Thủy lợi, thông qua một số hoạt động là cấp học bổng cho sinh viên, hỗ trợ các dự án nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên được tham gia thực tập tại chính công ty, giới thiệu cho sinh viên tốt nghiệp được làm việc tại công ty.
Có những bạn sinh viên, sau khi ra trường, tự tin vào năng lực vào bản thân cũng như có niềm yêu thích với DNP Water nên đã tự ứng tuyển và được nhận vào làm việc, không cần phải nhờ đến nhà trường giới thiệu.
Với ACC, Đại học Thủy lợi liên kết, hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và thi công công trình giao thông, đặc biệt là chuyên ngành sâu về đường băng sân bay. Hay như công ty Fecon hoạt động trong lĩnh vực nền móng công trình cũng có những liên kết hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Đại học Thủy lợi. Hay như garage ô tô của khoa Cơ khí cũng là thành quả liên kết với một số doanh nghiệp đến từ Việt Nam và Nhật Bản.
Mới đây, tập đoàn AquaOne của doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã có buổi trò chuyện với hàng ngàn sinh viên Thủy lợi. Shark Liên rất bất ngờ về quy mô đào tạo, sự phong phú, đa dạng về ngành nghề cũng như ấn tượng về chất lượng đào tạo của Đại học Thủy lợi và cho biết sẽ đầu tư, hợp tác với nhà trường.
Một doanh nghiệp khác có liên hệ đặc biệt với nhà trường là “Tập đoàn KN” (trước đây là Công ty Cổ phần Golf Long Thành) của doanh nhân thành đạt và là cựu sinh viên Khoá 6 của nhà trường Lê Văn Kiểm. Cả ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung mới được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2021, riêng ông Kiểm nhận danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ 2. Từ năm 2009, Tập đoàn KN đã trao cho nhà trường quỹ học bổng trị mang tên “Lê Văn Kiểm và Gia đình” trị giá 10 tỷ đồng, dành cho hai đối tượng là các em có thành tích học tập xuất sắc và các em sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập, nghiên cứu. Đến nay, trị giá quỹ học bổng đã nhân rộng lên đến gần 25 tỷ đồng.
Không chỉ trao học bổng, cựu sinh viên Lê Văn Kiểm còn về thăm trường và trò chuyện với thầy và trò nhà trường, điều đặc biệt quan trọng là truyền động lực và cảm hứng, lan toả tấm gương tới nhiều thế hệ sinh viên nhà trường. Nhờ những suất học bổng, những câu chuyện truyền cảm hứng của ông Kiểm, nhiều bạn sinh viên đã nỗ lực vươn lên, nhiều bạn sinh viên đã đạt được thành công trong công việc và cuộc sống.
Nói chung, doanh nghiệp có rất nhiều hình thức để hợp tác và đầu tư cho nhà trường, có thể là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp học bổng, xây dựng chương trình thực tập, liên kết đào tạo cho sinh viên và cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp. Những liên kết này, một phần vì doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội nhưng cũng xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn về nguồn lực khoa học và nguồn lực con người của doanh nghiệp.
Vậy nên tham gia liên kết, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng dạy và học, “sản phẩm” của Đại học Thủy lợi là các em sinh viên ra trường phải thực sự tốt và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Có như vậy, liên kết mới bền vững.
Có thể nói, mối liên kết bền chặt với các doanh nghiệp hàng đầu vừa là yếu tố nâng cao chất lượng giáo dục của Đại học Thủy lợi, cũng vừa là minh chứng cho thấy chất lượng giáo dục của nhà trường đang đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Hợp tác thì đôi bên phải cùng có lợi. Mà muốn cùng có lợi thì mình phải hiểu được nhu cầu của đối tác trước đã.
Nhờ liên kết với doanh nghiệp, Đại học Thủy lợi đã biết được “cái xã hội cần” là cái gì, qua đó cần điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với hơi thở thực tiễn.
Mỗi khi xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn với các bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, chúng tôi biết được nhu cầu của doanh nghiệp là gì, hiểu được xã hội đang cần nhân lực thế nào.
Chính vì vậy, nhà trường rất nhanh nhạy trong các xu thế mới của nền kinh tế, lấy ví dụ như ngành Kinh tế số, Thương mại điện tử… để đáp ứng nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0. Các xu thế mới như thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn… cũng được nhà trường lồng ghép vào chương trình đào tạo.
Đại học Thủy lợi luôn tin tưởng về chuyên môn và học thuật, đảm bảo sinh viên ra trường có đủ kiến thức để làm việc trong doanh nghiệp. Nhà trường có một số sinh viên rất xuất sắc, ví dụ như em Võ Hoàng Hiếu là sinh viên năm 3 của khoa Cơ khí, ngành Kỹ thuật ô tô, đã chế tạo được khoảng 150 chiếc máy bay mini từ vật liệu tái chế. Máy bay của Hiếu có thể đạt tốc độ rất cao, ở độ cao 1km, đặc biệt với kỹ năng điều khiển điêu luyện, Em Hiếu có thể biểu diễn sự nhào lộn của máy bay do em tự nghiên cứu và chế tạo trên không như các cuộc trình diễn máy bay thật của các nước tiên tiến.
Hay như nhiều cựu sinh viên của Đại học Thủy Lợi đang làm tiến sĩ, làm giảng viên, nghiên cứu sinh ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Có bạn còn nằm trong danh sách 100 bạn trẻ xuất sắc được Thủ tướng mời về hiến kế cho đất nước.
Tuy nhiên, “khẩu vị” tuyển chọn nhân sự của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở kiến thức học thuật.
Tôi từng chứng kiến một câu chuyện về cách thức tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật Bản. Họ đến một phòng thí nghiệm để tuyển một số bạn học viên về đảm nhận công tác chuyên môn trong công ty. Doanh nghiệp này tin tưởng chất lượng đào tạo của trường đó, cả 10 bạn tham gia phòng thí nghiệm thì 10 bạn đều có đầy đủ kiến thức và năng lực học thuật. Nhưng doanh nghiệp chỉ cần tuyển 5 nhân sự mới thôi. Thế là đại diện doanh nghiệp đã mời cả phòng thí nghiệm đi dùng bữa. Qua bữa cơm hết sức thân mật và cởi mở, doanh nghiệp xác định đâu là 5 nhân sự phù hợp nhất, là những bạn có cách ứng xử, giao tiếp tốt nhất.
Câu chuyện này khiến tôi hiểu rằng bên cạnh kiến thức, còn phải đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nữa. Từ đó, nhà trường cho phép sinh viên thành lập nhiều câu lạc bộ trong trường, không chỉ câu lạc bộ chuyên ngành mà còn là câu lạc bộ yoga, tập gym, ngoại ngữ… để các em trau dồi, rèn luyện những kỹ năng mới, trang bị thêm hành trang để tự tin “vào đời”.
Hay gần đây, Đại học Thủy lợi đã đưa Golf thành một một môn học tự chọn trong các học phần giáo dục thể chất. Môn thể thao “sang chảnh”, “thời thượng” như thế thì phải tạo điều kiện cho sinh viên chứ. Giờ khác xưa rồi, sinh viên Thủy lợi đâu phải cứ “áo phông quần cộc” đâu, cũng có thể ăn mặc lịch thiệp đi giao lưu, đi ký kết hợp đồng chứ.
Xu thế của ngành giáo dục là phải như thế. Kiến thức vô vàn lắm, dạy sao hết được. Mình chỉ có thể cung cấp cho các em sinh viên về phương pháp luận, định hướng và khơi gợi nội lực, khơi dậy tiềm năng và truyền động lực và cảm hứng cho các em. Có như vậy, các em mới vững bước trên hành trình phía trước, nhà trường mới hoàn thành được trọng trách đối với xã hội.
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Trong quan hệ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, có hai điều nhà trường kỳ vọng sẽ được thúc đẩy hơn nữa.
Thứ nhất là câu chuyện về kỹ năng cho sinh viên như đã nói ở trên. Dù có nhiều nỗ lực nhưng phải thừa nhận là một số sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được tốt những kỹ năng mềm. Rất mong với quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, nhiều giải pháp hiệu quả hơn sẽ được triển khai để các em sinh viên thực sự đáp ứng được yêu cầu môi trường làm việc thực tế.
Thứ hai, sản phẩm học thuật là những bài báo, công trình nghiên cứu của trường vẫn chưa thực sự “chạm” được tới thị trường. Nghiên cứu khoa học là yêu cầu cơ bản cho các giảng viên, chuyên gia của nhà trường. Thông qua nghiên cứu, đội ngũ giảng viên và chuyên gia được trau dồi thêm kiến thức, cập nhật kiến thức thực tế, qua đó nâng cao chất lượng dạy học.
Tuy nhiên, làm sao để kết quả nghiên cứu của giảng viên và sinh viên nói chung không bị rơi vào tình trạng “nghiên cứu xong đút vào ngăn kéo”. Cái này là một trong những “nỗi niềm” chung của các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam.
Một số công trình nghiên cứu của Đại học Thủy lợi đang nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp, ví dụ như DNP Water đã và đang tài trợ cho hai dự án là dự án cấp nước cho Đồng bằng sông Cửu Long và dự án khai thác nước thấm lọc ven sông cung cấp nước cho sinh hoạt. Đây là một trong những dự án thực tế với tín hiệu tích cực.
Nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng cần rất nhiều kinh phí, nhà trường hay Nhà nước cũng đều hạn chế về nguồn lực. Chúng tôi có năng lực để giải quyết nhiều “vấn đề nóng” của xã hội, vậy nên hy vọng sẽ có sự quan tâm hơn nữa từ doanh nghiệp để cùng thực tiễn hóa những giải pháp ấy.
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Là người trực tiếp phụ trách mảng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Thủy lợi, mỗi năm, chúng tôi đều có thông báo rộng rãi, phát động các khoa, các đơn vị nghiên cứu tích cực triển khai những ý tưởng khởi nghiệp.
Thông qua tuyển chọn, một số đề tài nghiên cứu tiêu biểu sẽ được nhà trường hỗ trợ gửi đi dự thi các cuộc thi khởi nghiệp. Chúng tôi biết thế mạnh của sinh viên trường mình, nhiều các bạn xuất sắc và có nhiều ý tưởng đột phá lắm nhưng những ý tưởng đó cần phải qua nhiều khâu tinh chỉnh mới đưa ra được thị trường.
Với những dự án có tiềm năng, nhà trường cử giảng viên hướng dẫn, mời mentor (cố vấn) về hỗ trợ, kết nối nhóm sinh viên kỹ thuật với nhóm sinh viên kinh tế để cùng nhau tinh chỉnh dự án sao cho phù hợp với thị trường.
Nhờ đó, một số dự án tiêu biểu của các em đã nhận được phản hồi tích cực. Ví dụ như dự án nước rửa chén được chiết xuất từ quả bồ hòn thân thiện với môi trường SAPOWASH, của một nhóm nữ sinh viên K58, khoa Hóa và môi trường, đã giành được giải Ba chung cuộc tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020.
Một dự án nổi bật khác là công trình trạm rửa xe máy tự động không chạm của các bạn sinh viên khoa Điện – điện tử. Dự án này đã được doanh nghiệp quan tâm, bảo trợ và đặt hàng.
Hay sản phẩm công trình van cửa tự động để ngăn thủy triều, khi thủy triều lên thì đóng van lại, thủy triều rút lại tự động mở ra để thoát lũ, của các bạn khoa Công trình, cũng rất có ý nghĩa thực tiễn.
GS.TS Nguyễn Trung Việt: Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng sẽ là một nội dung được Đại học Thủy lợi chú trọng hợp tác với doanh nghiệp trong thời gian tới. Sự tham gia của doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép quan trọng để bức tranh khởi nghiệp của cán bộ và sinh viên nhà trường trở nên toàn vẹn hơn.
Bởi chúng tôi hiểu, chúng tôi là những đơn vị học thuật, có thể đưa ra được nhiều bài toán rất hay. Tuy nhiên, bài toán hay đến đâu mà doanh nghiệp không cần, xã hội không cần thì cũng chẳng còn ý nghĩa. Chúng tôi mong muốn làm sao phát huy được kiến thức của nhà trường để “chạm” được vào nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp sẽ đầu tư, các dự án khởi nghiệp sẽ có cơ hội tỏa sáng.
Một vướng mắc lớn trong hoạt động khởi nghiệp của nhà trường là đang thiếu những cơ chế liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế phân chia lợi ích. Một dự án khởi nghiệp, không thành công thì chẳng sao nhưng nếu thành công, có thể lại xảy ra tranh cãi rằng dự án đó thuộc về ai? Thuộc về sinh viên, về giảng viên hướng dẫn hay thuộc về người mentor? Thuộc về nhà trường hay về doanh nghiệp? Bên nào cũng góp một phần công sức quan trọng cho thành quả đó cả.
Thực tế đã có những trường hợp như vậy xảy ra rồi. Hy vọng rằng nút thắt này sẽ sớm được giải quyết để phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không chỉ của Đại học Thủy Lợi mà còn của các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước được sôi động và phát triển hơn nữa!
Xin chân thành cảm ơn ông!
Thực hiện: Phạm Sơn - Thiết kế: Việt Anh