Giữ chân người tài bằng văn hóa trao quyền

“Tôi quyết định ở lại vì trong môi trường của Tập đoàn Thiên Minh, tôi luôn được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, lắng nghe, được trao quyền và tạo điều kiện học hỏi”, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Victoria Cần Thơ Võ Xuân Thư chia sẻ.

Kể từ ngày trở thành nhân viên chính thức của khu nghỉ dưỡng Victoria Cần Thơ, bà Võ Xuân Thư chưa một lần đổi việc suốt gần 25 năm qua. Ngay cả trong thời điểm khu nghỉ dưỡng chuyển giao từ chủ đầu tư người Pháp sang Tập đoàn Thiên Minh, bà cũng đã quyết định ở lại.

Nửa cuộc đời làm việc và cống hiến, trở thành người đứng đầu của chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria của Tập đoàn Thiên Minh nhưng ngọn lửa sáng tạo và tinh thần học hỏi trong bà chưa bao giờ vơi.

“Không chỉ tôi mà Victoria Cần Thơ cũng có rất nhiều nhân viên gắn bó hàng chục năm. Câu trả lời có lẽ nằm ở văn hóa trao quyền và học hỏi ở Thiên Minh”, bà chia sẻ.

Thưa bà, cơ duyên nào đã đưa bà đến với Victoria Cần Thơ?

Bà Võ Xuân Thư: Tôi đã làm việc tại Victoria Cần Thơ từ năm 2000 sau khi tốt nghiệp đại học. Chuyên ngành khi đó của tôi là cử nhân Anh Văn – một chuyên ngành gần như không liên quan đến chuyên môn khách sạn, dịch vụ.

Công việc trước đó là thư ký văn phòng nhưng cảm thấy không phù hợp nên tôi đã bỏ sau vài tháng.

Trong lúc tìm việc mới vì tôi có đăng ký và phỏng vấn Victoria Cần Thơ. Tôi còn nhớ mãi lúc ấy, giám đốc nhân sự có hỏi rằng dự tính làm việc tại đây bao lâu, tôi rất thành thật nói rằng bản thân cũng chưa biết vì không rõ có phù hợp với ngành hay không. Rất may mắn là sau đó tôi được cho cơ hội để thử.

Thế rồi khi càng vào làm, bản thân lại càng thấy thích, thấy phù hợp với bản thân bởi không chỉ được sử dụng ngôn ngữ mình đã học để giao tiếp với các khách quốc tế mà còn được học thêm nhiều kỹ năng mới.

Tôi bắt đầu ở bộ phận lễ tân – nơi không chỉ được học về kỹ năng đón tiếp du khách mà còn được học cả về dịch vụ, văn phòng, hành chính.

Sau đó, tôi tìm hiểu và học thêm để bổ sung kiến thức chuyên môn và kỹ năng, lại càng tìm thấy niềm vui và sự thích thú với ngành nghề này.

Rồi cứ đi làm thì tôi cũng liên tục được công ty đào tạo để nâng cao chuyên môn và cấp bậc, rồi níu chân mình đến tận bây giờ.

Vào thời điểm Tập đoàn Thiên Minh tiếp quản lại Victoria Cần Thơ, điều gì đã khiến bà quyết định ở lại?

Bà Võ Xuân Thư: Năm 2011, Tập đoàn Thiên Minh tiếp quản khu nghỉ dưỡng này. Thú thật, thời điểm đó, tôi cũng như nhiều quản lý cấp cao khác khá lo lắng vì không biết một công ty Việt Nam sẽ có cách quản lý ra sao, có thay đổi nhân sự hay không.

Anh Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh – khi ấy cam kết sẽ duy trì những gì mà Victoria đang làm và phát triển thêm, muốn tài sản này tăng thêm giá trị chứ không có ý định đập đi xây lại. Anh Kiên hứa sẽ tôn trọng những cái cũ và anh đã giữ đúng lời hứa. Vì thế mà tất cả quản lý lúc ấy đều quyết định ở lại bởi mọi người cảm thấy được tôn trọng.

Thời điểm 2011 tôi cũng mới lên làm giám đốc nên cũng muốn thử sức mình trong môi trường mới.

Khi đã tiếp xúc và làm việc cùng, tôi thấy rằng Thiên Minh là doanh nghiệp rất tiến bộ, văn minh và bản thân mình cảm thấy được đối xử bình đẳng. Các ý kiến đóng góp luôn được lắng nghe, được tôn trọng.

Điều đặc biệt là nhân viên luôn được trao quyền và được tạo điều kiện học hỏi chuyên môn lẫn kỹ năng.

Có một lý do nho nhỏ nữa là bởi là phụ nữ, tôi lại thích ở gần gia đình nên lúc ấy cũng không muốn thay đổi công việc mà phải đi xa.

Giữ chân người tài bằng văn hóa trao quyền

Xin bà chia sẻ thêm về văn hóa trao quyền và tạo điều kiện học hỏi tại Victoria nói riêng và Tập đoàn Thiên Minh nói chung?

Bà Võ Xuân Thư: Khi Tập đoàn Thiên Minh tiếp quản, ngoài việc duy trì cơ sở vật chất, tập đoàn rất quan tâm về đào tạo con người và phát triển đội ngũ trẻ.

Lúc ấy, các nhân sự nòng cốt được chọn đi học về quản trị kinh doanh trong chương trình kết hợp với Viện đào tạo sau đại học của Pháp, đầu tiên là cấp giám đốc, sau đó đến trưởng phòng rồi các bạn giám sát.

Điều đặc biệt là sau khi học, mọi người được làm những đề tài rất thực tế và hay, từ đó, giúp các nhân sự có thêm kiến thức và sự tự tin trong công việc.

Văn hóa của Thiên Minh là văn hóa trao quyền, nghĩa là nhân viên được trao toàn quyền để làm việc. Điều này khiến mọi người cảm thấy rất thoải mái và có trách nhiệm. Khi tự đứng lên làm một dự án nào đó và thành công thì bất kỳ ai cũng sẽ rất tự hào.

Tại Victoria, việc đào tạo sẽ được triển khai theo hai hướng, một là dành cho những bạn mới vào và hai là dành cho cấp quản lý trở lại.

Với các bạn mới thì chúng tôi sẽ có danh mục đào tạo, dù bạn đó có học chuyên ngành dịch vụ khách sạn hay không. Các trưởng phòng, ban có nhiệm vụ chính cùng sự hỗ trợ của các giám sát sẽ chia nhau đào tạo cho các bạn.

Sau khi qua thử việc, biết được các công việc cơ bản thì các bạn sẽ tiếp tục được đào tạo tại chỗ nhiều hơn. Trong đánh giá hiệu quả công việc của các trưởng phòng thì sẽ có cả phần đánh giá về đào tạo cho các nhân viên. Việc đào tạo này được duy trì thường xuyên.

Đối với cấp trung, cấp quản lý trở lên thì sẽ có chiến lược phát triển. Theo đó, các nhân sự này sẽ được đi học các khóa học phù hợp về quản lý.

Thiên Minh nói chung và hệ thống Victoria nói riêng rất tập trung và chú trọng vào việc phát triển các đối tượng trẻ và trao cho các bạn nhiều cơ hội để phát triển.

Theo bà thì điều gì giúp gìn giữ văn hóa học tập tại Thiên Minh cũng như tại Victoria Cần Thơ?

Bà Võ Xuân Thư: Có lẽ là lãnh đạo làm gương. Anh Kiên là một người cực kỳ ham học hỏi, có thể học mọi nơi mọi lúc, học bằng cách đọc sách. Nếu đọc thấy cuốn nào hay, anh sẽ gợi ý cho đội ngũ lãnh đạo đọc. Nếu có những cuốn sách thật hay, thật tâm đắc, anh sẽ đích thân ngồi chia sẻ cho mọi người.

Mặc dù là lãnh đạo cấp cao nhất nhưng anh vẫn đích thân tham gia các khóa đào tạo, đăng ký cho cả đội ngũ lãnh đạo tham gia. Không chỉ vậy, anh còn học rất nghiêm túc và chăm chỉ nên mọi người cũng sẽ đi theo tinh thần đó.

Văn hóa của Thiên Minh là sức khỏe, tử tế và tăng trưởng, trong đó sức khỏe là khuyến khích mọi người vận động để giữ gìn sức khỏe, tử tế là tử tế với đồng nghiệp, với khách hàng, đối tác, với môi trường, với cộng đồng.

Tăng trưởng ở đây không chỉ là nghĩa thông thường về doanh số mà còn là tăng trưởng về kiến thức, kỹ năng bằng cách học hỏi.

Giữ chân người tài bằng văn hóa trao quyền 1

Một số ví dụ về những thành công của khu nghỉ dưỡng từ văn hóa trao quyền cho nhân viên?

Bà Võ Xuân Thư: Có lẽ dễ thấy nhất là thời điểm Covid-19, giai đoạn nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra các cơ hội mới.

Thời điểm ấy thì Thiên Minh nói chung và anh Kiên nói chung có chỉ đạo rằng các giám đốc của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ như giám đốc của một doanh nghiệp, có thể tự quyết định triển khai các giải pháp, làm sao có thể nuôi được nhân viên và không phạm pháp.

Lúc đó tôi đã quyết định mở rộng đối tượng khách hàng, không chỉ là khách quốc tế như trước đây mà còn thu hút cả khách nội địa từ các tỉnh, thành khác lẫn khách địa phương.

Thời điểm dịch mọi người không có nhiều cơ hội được đi xa nên khi mở rộng đối tượng như vậy, những người địa phương đến Victoria rất thích vì di chuyển gần, tiện lợi, chi phí rẻ hơn. Sau đó, khu nghỉ dưỡng cũng đón thêm nhiều khách từ các khu vực khác trên cả nước.

Rồi tôi cũng triển khai thêm cà phê sân vườn, tiệc cưới ngay tại khu vực sân vườn bên bờ sông. Hiện tiệc cưới, tiệc ngoài trời cũng trở thành một mảng mạnh của Victoria Cần Thơ khi nhiều công ty tổ chức sự kiện lựa chọn, thậm chí nhiều cặp đôi Việt kiều đã về đây tổ chức đám cưới.

Nhờ những giải pháp nhanh chóng và kịp thời đó thay vì đợi chờ duyệt lâu, chúng tôi đã phục hồi mạnh mẽ khi mở cửa trở lại sau đại dịch.

Khi mở rộng tệp khách hàng như vậy thì Victoria Cần Thơ đã thay đổi những gì?

Bà Võ Xuân Thư: Điều quan trọng nhất chúng tôi thay đổi là ẩm thực, bởi phần lớn trong các chuyến đi thì mọi người muốn ăn ngon. Khi đến vùng nào mới thì du khách cũng mong muốn được thưởng thức ẩm thực của địa phương đó.

Chúng tôi đã bổ sung rất nhiều món địa phương như lẩu cua đồng, lẩu bắp bò, các loại nộm đặc trưng. Trước đây thực đơn chỉ có một số món Việt cơ bản, đặc trưng như chả giò, nem để phục vụ khách Tây chứ không bó gọn trong vùng miền nào.

Việc chuyển đổi thực đơn này đã được du khách đón nhận tích cực. Nhiều du khách phản hồi với chúng tôi rằng vì sao ăn trong khách sạn lại không hề kém cạnh so với hàng quán địa phương, phá tan suy nghĩ truyền thống của nhiều du khách là sẽ vào phố, tìm quán địa phương và thưởng thức.

Điều này cũng mang lại kết quả kinh doanh tích cực khi doanh thu mảng ẩm thực của chúng tôi hiện chiếm tới 40 – 50% doanh thu phòng.

Hiện nay lực lượng lao động đã có thêm thế hệ các bạn trẻ sinh sau năm 2000 – một thế hệ được đánh giá có nhiều điểm khác biệt so với các thế hệ trước đó. Vậy thì khi làm việc với các bạn trẻ tại Victoria, bà đánh giá như thế nào?

Bà Võ Xuân Thư: Hiện nay khách sạn của chúng tôi đã có nhiều lao động là các bạn gen Z, đặc biệt là ở khu vực lễ tân đón tiếp hoặc nhà hàng. Đây là nơi đầu tiên các bạn tiếp xúc được với nhiều khách hàng, có nhiều cơ hội để tìm hiểu công việc.

Các bạn trẻ bây giờ học rất nhanh, có nhiều kiến thức hơn và tiếp xúc được với nhiều thông tin hơn. Bằng tuổi các bạn thì gần như thế hệ chúng tôi sẽ mù thông tin hơn.

Tuy nhiên, ở các bạn thiếu sự kiên nhẫn, đơn cử nếu thất bại thì các bạn sẽ bỏ ngay lập tức, không muốn thử lại nữa. Điều này hơi khác một chút với hồi xưa, thế hệ 7x, 8x có vẻ “lì hơn”, thất bại lần một sẽ làm lại lần hai, lần ba. Cũng có thể một phần là bởi hiện nay, cơ hội việc làm mở ra quá nhiều trước mắt và dễ dàng tiếp cận hơn so với cách đây 20 – 30 năm.

Giữ chân người tài bằng văn hóa trao quyền 2

Vậy thì bà có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ?

Bà Võ Xuân Thư: Lời khuyên của tôi luôn dành cho các bạn trẻ là khi mình làm việc, hãy xem đó là việc của mình thay vì đó là việc của công ty, là việc mình được giao.

Hãy đặt trách nhiệm của mình vào công việc nhiều hơn để tập trung tâm trí và sức lực vào nó. Và dù đó có là việc nhỏ đi chăng nữa thì mình hãy làm tốt nhất, đừng suy nghĩ khi tôi được giao việc lớn, tôi mới làm tốt nhất.

Có thể là do tôi làm ngành dịch vụ lâu năm nên bị ảnh hưởng nhiều bởi những chi tiết. Ngành dịch vụ càng cao cấp thì càng đòi hỏi phải chú trọng chi tiết. Từng chi tiết nhỏ phải thật tinh tế, thật kỹ lưỡng thì mới tạo nên chất lượng dịch vụ tốt.

Bất kỳ ai cũng có thể xây dựng khách sạn nhưng điều quyết định nằm ở chất lượng dịch vụ từ con người. Những chi tiết nhỏ trong đó mới làm nên sự khác biệt, làm nên linh hồn của một khách sạn.

Cảm ơn bà!

Bài, ảnh: Kiều Mai

Thiết kế: Diệu Thảo

Ngày: 15/07/2024