Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt mức 5,05%, tiếp tục không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thuộc nhóm tương đối cao trong khu vực và quốc tế, trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế toàn cầu đối diện với những biến động khó lường.
Giữ được đà tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt được một số thành tựu như duy trì ổn định vĩ mô, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả cao, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngoại giao kinh tế đạt nhiều thành tựu ấn tượng.
Bước sang năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp có lẽ đã phần nào thấm mệt khi phải gồng mình gánh chịu những “làn gió ngược” kể từ đại dịch Covid-19. Kết quả đạt được của nền kinh tế năm 2023 đã tiếp thêm động lực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều lo lắng khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến khó lường.
Là người đứng đầu cơ quan được mệnh danh “bộ tổng tham mưu” của nền kinh tế, có nhiều năm đồng hành với chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn thường trực nỗi trăn trở trước khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, xen lẫn những nỗi lo đó là một niềm tin, niềm hy vọng mạnh mẽ rằng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ chủ động thích ứng, phát huy bản lĩnh, bản sắc dân tộc để hóa giải thách thức, biến nguy thành cơ.
Những tâm tư đó được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với TheLEADER trong câu chuyện đầu năm.
Năm 2024 sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp phải chịu “tác động kép” từ những bất ổn bên ngoài, bao gồm khó khăn về thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, tiền tệ, đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạt sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp linh, chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có thể nói, những chính sách đó đã phần nào giải tỏa được khó khăn, thách thức doanh nghiệp phải đối diện.
Theo đánh giá của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, nền kinh tế Việt Nam có bốn yếu tố thuận lợi. Đầu tiên là kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố. Thứ hai, các ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị mới.
Thứ ba, Việt Nam ký kết được 16 hiệp định thương mại tự do với các đối tác, giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp nhận thành tựu nhân loại để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cuối cùng, vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, thể hiện qua những thành tựu ngoại giao kinh tế trong năm vừa qua như nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật Bản, tham gia Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự báo, năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn vẫn hiện hữu và tác động tiêu cực tới triển vọng phục hồi kinh tế. Cuộc xung đột tại Ukraine và tại dải Gaza có thể còn kéo dài, làm gia tăng sự phân mảnh về chính trị và địa kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục có chiều hướng suy giảm. Các yếu tố lạm phát, chính sách tiền tệ ở một số nền kinh tế vẫn chứa nhiều yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Bên cạnh an ninh truyền thống, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp diễn phức tạp, gay gắt hơn, tác động trên nhiều phương diện, đe dọa đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước
Trong bối cảnh đó đó, các quốc gia cũng đang gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng thêm hàng rào kỹ thuật, đặt ra các yêu cầu mới về sản xuất xanh, bền vững. Đây là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Trong bối cảnh cơ hội xen lẫn thách thức, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế, thực hiện hóa mục tiêu kế hoạch 5 năm, 10 năm và xa hơn nữa là kế hoạch trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Xu thế khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là những nhân tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp.
Có thể nói, xu thế toàn cầu đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn hạn chế về quy mô, năng lực và trình độ quản trị, cần có các giải pháp cụ thể để nắm bắt cơ hội này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị một số giải pháp như sau.
Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh phù hơp với những qui định và cam kết quốc tế.
Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đại học; kết nối giữa người mua và bán, sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và thực hiện cơ chế thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, các bộ, ngành và địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối các đối tác mới, mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng; giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực doanh nghiệp nội; phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp nội kết nối tốt hơn với khu vực FDI cũng như các doanh nhiệp lớn, qua đó từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng giá trị sản xuất nội địa.
Chúng tôi cho rằng, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà doanh nghiệp cũng cần phải chủ động hành động từ sớm, từ xa để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới.
Cụ thể, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mạnh dạn đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại.
Góp phần thực hiện các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, có thể kế đến như cụ thể hóa chính sách của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tận dụng được các công nghệ số.
Chúng ta rất cần lực lượng doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh để trở thành những “sếu đầu đàn”, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển. Bộ Kế hoạch và đầu tư có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của công cuộc cải cách kinh tế của các quốc gia công nghiệp hóa thành công có vai trò rất lớn của những doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp dân tộc. Nhóm doanh nghiệp này tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lượng sang chất, nổi lên một số doanh nghiệp tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và năng lực quản trị.
Một số doanh nghiệp đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị trên thị trường trong và ngoài nước, có thể kể đến như Viettel, VNPT, PVN, Vietcombank, Vingroup, Vietjet Air, Thaco, Hòa Phát.
Trong bối cảnh mới, các xu thế kinh tế mới như năng lượng sạch, xe điện, chi bán dẫn… rất cần vai trò của những doanh nghiệp tiên phong.
Do đó, đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với góc nhìn đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước, như: điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiêp quy mô lớn phát triển từ một phần nguồn lực của Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các ngành công nghiệp mới: trung tâm nghiên cứu phát triển R&D, phòng lab, các trung tâm dữ liệu lớn…; đồng thời, hình thành cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng mang tính tiên phong, dẫn dắt thị trường.
Đối với doanh nghiệp quy mô lớn thuộc khu vực nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư dự kiến đề xuất một số chính sách đặc thù như thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp; đổi mới việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để có nguồn lực đầu tư các lĩnh vực đổi mới sáng tạo; đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, khuyến khích áp dung tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị).
Tuy nhiên, việc xác định những “con sếu đầu đàn” cũng như chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp này phát huy vai trò dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ đi đúng hướng là vấn đề khó giải quyết trong ngắn hạn. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các bên liên quan, với cơ chế, chính sách đột phá để khơi thông nguồn lực, cũng như sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh những con “sếu đầu đàn”, bức tranh nền kinh tế Việt Nam không thể thiếu sự đóng góp của những “đại bàng” là các doanh nghiệp FDI mạnh, sở hữu hàm lượng công nghệ cao. Bộ trưởng có thể khái quát những thành tựu về thu hút FDI chúng ta đã đạt được trong năm vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Một trong những điểm sáng năm 2023 là kết quả thu hút đầu tư nước ngoài khá ấn tượng. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2022, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến ổn định, hấp dẫn và đầy tiềm năng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân trong năm 2023 đạt mức 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và là mức kỷ lục từ trước đến nay. Điều này cho thấy khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tốt hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh dù đang trong bối cảnh hết sức khó khăn. Các dự án đầu tư cũng có sự cải thiện đáng kể về chất lượng.
Trong năm 2023, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài được chú trọng, giúp cho các tổ chức uy tín, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dánh giá cao triển vọng nền kinh tế Việt Nam, đồng thời khẳng định tiềm năng Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vị thế của đất nước trên trường quốc tế được củng cố, đặc biệt, sự kiện nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện đã tạo ra nhiều không gian mới, tạo động lực cho hoạt động hợp tác về kinh tế.
Trong khuôn khổ các đoàn công tác nước ngoài, lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nhiều hoạt động xúc tiến, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó truyền tải thông điệp về một Việt Nam luôn cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan cũng đã tổ chức nhiều chuyến thăm Việt Nam, tiếp xúc và kết nối với doanh nghiệp, từ đó mở ra cơ hội hợp tác về ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhiều thỏa thuận hợp tác lớn đã được ký kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn, có hàm lượng công nghệ cao đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, có thể kế đến như Nvidia (Hoa Kỳ), Hana Micron (Hàn Quốc)…
Với những thành tựu đạt được trong năm qua, Việt Nam có định hướng thế nào về thu hút FDI trong thời gian tới? Chính phủ cũng như Bộ Kế hoạch và đầu tư có giải pháp gì để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các “đại bàng” đến xây tổ?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, do đó đang có những làn sóng đầu tư vào Việt Nam đến từ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử.
Trước làn sóng này, Việt Nam có định hướng tiếp tục chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài trên tinh thần có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và môi trường.
Ưu tiên những dự án có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, có sự kết nối với doanh nghiệp trong nước để tạo ra tác động lan tỏa, giúp doanh nghiệp Việt kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm điện, điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, trung tâm tài chính.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chủ động tiếp cận tập đoàn lớn trong các lĩnh vực ưu tiên để mời gọi đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn Covid-19 khó khăn. Những chính sách ưu tiên tiêm vaccine, cho phép chuyên gia quốc tế đến làm việc, hỗ trợ người lao động đi lại, tạo thuận lợi cho thủ tục thông quan, giãn, hoãn thuế, phí, trợ cấp tiền cho người lao động… đã gây được ấn tượng tốt cho nhà đầu tư quốc tế.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá trong thu hút vốn FDI để tạo ra hiệu quả và tính bền vững. Kỳ vọng rằng những chính sách này sẽ giúp vốn FDI tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào phục hồi và phát triển.
Xin Bộ trưởng một lời nhắn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh thách thức, cơ hội đan xen thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Bộ Kế hoạch và đầu tư rất chia sẻ những áp lực cộng đồng doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng, nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, tăng cường kết nối, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó biến thách thức thành cơ hội.
Mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh vững vàng, tinh thần vượt khó, giữ vững niềm tin, khát vọng của người doanh nhân Việt.
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng! Chúc Bộ Kế hoạch và đầu tư năm mới, thắng lợi mới, thành công mới!
Thực hiện: Phạm Sơn - Ảnh: Hoàng Anh - Thiết kế: Diệu Thảo
Xuất bản: 10/2/2024