Khác với những tổ chức xã hội khác, doanh nghiệp xã hội theo đuổi đồng thời cả hai mục tiêu xã hội và kinh doanh, hướng tới việc phục vụ các nhóm yếu thế trong nhiều lĩnh vực cộng đồng như kinh tế, giáo dục, văn hóa, môi trường…
Trong đó, với nguồn nhân lực đặc thù, các doanh nghiệp xã hội của người khuyết tật đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Những khó khăn này có thể đến từ phía cá nhân người lao động, chủ doanh nghiệp và cả những vướng mắc về hành lang pháp lý.
Nơi nhu cầu khách hàng và năng lực người lao động khó “gặp gỡ”
Theo khảo sát của TheLEADER với chủ doanh nghiệp xã hội tiếp nhận lao động là người khuyết tật, một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp này thường gặp phải đó là việc chọn lựa sản phẩm sản xuất và sắp xếp vị trí nhân sự.
Người khuyết tật có nhiều dạng tật khác nhau, với điều kiện sức khỏe và năng lực làm việc đa dạng. Vì vậy, khi muốn tuyển dụng người khuyết tật ở tất cả các loại tật, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng không thể chọn được sản phẩm phù hợp vì người có dạng tật này có thể làm được, còn dạng tật kia thì không; người bị nhẹ làm được, người bị nặng thì không…
Anh Hoàng Vũ, Giám đốc công ty SAFEVIET, chuyên sản xuất đồ bảo hộ lao động, cho biết: “Tôi đã làm nhiều mô hình doanh nghiệp xã hội cho người khuyết tật trước SAFEVIET và nhận ra rằng: Thông thường, những sản phẩm mà người khuyết tật đều làm được thường là những sản phẩm tương đối đơn giản về cả hình thức lẫn chất lượng. May mắn, vì là sản phẩm địa phương, những sản phẩm này có thể bán được cho người nước ngoài đi du lịch. Tuy nhiên, những sản phẩm này khó tiêu thụ ở thị trường trong nước bởi người Việt Nam có yêu cầu về hình thức và chất lượng tương đối cao với những sản phẩm nội địa”.
Tương tự, theo anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art - doanh nghiệp xã hội cho người khuyết tật chuyên làm tranh, áo và những sản phẩm thời trang bằng vụn vải lụa Hà Đông, kể cả những quy trình sản xuất đơn giản nhất như cắt vải, dán keo, không phải người khuyết tật nào cũng thực hiện được.
Đồng ý với ý kiến của anh Cường, chị Phạm Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phụ nữ khuyết tật Ước Vọng Xanh, cho biết: “Khi bắt đầu kinh doanh, tôi chọn sản phẩm chổi làm từ rơm, đót đơn giản để hầu hết tất cả hội viên đều có thể làm việc được. Tuy nhiên, công việc này rất bụi, khuân vác lại nặng, có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của các chị em. Thêm vào đó, mấy năm nay, người ta chuyển sang dùng chổi nhựa, robot hút bụi, doanh thu của hợp tác xã cũng chững hẳn”.
Chọn được sản phẩm phù hợp đã khó, làm sao để những sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu của thị trường lại càng khó hơn. Vấn đề này đến cả từ năng lực sản xuất của người khuyết tật lẫn nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của chủ doanh nghiệp.
Anh Cường, Giám đốc Vụn Art cho biết thêm: “Với những doanh nghiệp muốn đề cao hoạt động kinh doanh, làm thật, sinh lời thật, không trông chờ vào hoạt động từ thiện như chúng tôi, việc tạo ra những sản phẩm vừa phù hợp với năng lực sản xuất của người khuyết tật mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường có ý nghĩa rất lớn. Tuy vậy, với số vốn ít ỏi và nguồn nhân lực mỏng, Vụn Art chưa có bộ phận nghiên cứu thị trường. Vì vậy, đôi khi, một số sản phẩm của chúng tôi sản xuất ra chưa ‘gặp’ được nhu cầu thật sự của khách hàng.”
Trong khi đó, theo anh Phạm Việt Hoài, Giám đốc công ty Kym Việt – doanh nghiệp xã hội chuyên sản xuất thú bông, kể cả khi những sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được sự công nhận và yêu thích từ cộng đồng, do vấn đề sức khỏe, năng suất lao động của doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật thường không quá cao, nhiều trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu về số lượng của thị trường.
Tâm lý người khuyết tật cũng là một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động. Với sự bảo bọc của gia đình, sự sợ hãi ánh mắt và lời nói nặng nhẹ của người đời, nhiều người khuyết tật mang tâm lý tự ti rằng mình là người không được bình thường, là “kẻ bỏ đi”, không thể kiếm tiền, tự lo được cho bản thân. Với tâm lý đó, họ thường gặp nhiều vấn đề về giao tiếp, không dám hòa nhập với cộng đồng. Với những trường hợp này, chủ doanh nghiệp phải dành rất nhiều thời gian, công sức để có thể đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người khuyết tật.
Một vấn đề nữa mà chủ doanh nghiệp thường gặp phải đó là tình trạng ỷ lại, không muốn làm việc của một bộ phận nhỏ người khuyết tật. Tình trạng này đến từ việc một số người khuyết tật đã từng làm việc hay sinh hoạt ở một số trung tâm, tổ chức cho người khuyết tật “làm việc không thật, mang tính hình thức”, trông chờ chính vào hoạt động từ thiện. Những cá nhân này không chỉ làm việc không hiệu quả mà còn làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của những lao động khác trong tập thể.
Cơ chế liệu đã tạo đà, tạo “cơ”?
Về mặt pháp lý, mặc dù nhà nước đã có những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp của người khuyết tật nhưng những cơ chế này đôi khi vẫn chưa rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận những ưu đãi về nguồn lực, đồng thời chưa tạo động lực cho doanh nghiệp xã hội phát triển.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ phải sử dụng 51% lợi nhuận để đóng góp ngược lại cho cộng đồng. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp không có động lực kinh doanh vì dù sao đi nữa lợi nhuận cũng là mục đích hàng đầu của doanh nghiệp.
Bà Dương Thị Vân
Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập
Điển hình, khi muốn đăng ký doanh nghiệp và nhận được những ưu đãi đối với hình thức doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật cần phải đạt được những yêu cầu và cam kết nhất định. Đây là những yêu cầu cao, khó thực hiện mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng.
Theo bà Vân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập, lợi nhuận là động lực hàng đầu để tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tạo tác động xã hội sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ phải sử dụng 51% lợi nhuận để đóng góp ngược lại cho cộng đồng, mặc dù trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong số này vẫn đang ngày ngày bỏ chi phí đào tạo kiến thức, kỹ năng; tạo công ăn việc làm, thậm chí là nơi ăn, chỗ ngủ cho người yếm thế.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp xã hội mất đi nguồn lực để tái sản xuất, chủ doanh nghiệp không được thừa hưởng nguồn lợi từ doanh nghiệp mình tạo ra. Đồng thời, sự phân phối lợi nhuận như vậy khiến cho chính những doanh nghiệp này phải chịu tình trạng mất công bằng so với các doanh nghiệp thương mại thông thường.
Có thể nói đây là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp xã hội tiếp nhận lao động là người lao động khuyết tật nói riêng và doanh nghiệp xã hội nói chung.
Anh Việt Hoài, Giám đốc Kym Việt, cho biết: “Nhiều người thấy rất bất ngờ khi Kym Việt mang đầy đủ tính chất của một doanh nghiệp xã hội nhưng lại không phải là doanh nghiệp xã hội về mặt pháp lý. Tuy vậy, ai ai cũng gọi chúng tôi là doanh nghiệp xã hội. Điều này không phải là không có lý do. Khi đăng ký và hoạt động như một công ty thương mại bình thường, chúng tôi không phải đạt yêu cầu gì, cam kết với ai và được công bằng về mặt lợi nhuận so với những doanh nghiệp khác trên thị trường”.
Phải thực hiện những nghĩa vụ và cam kết là vậy, các doanh nghiệp xã hội tuyển dụng lao động là người khuyết tật vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho người lao động như doanh nghiệp bình thường. Thông thường, khi chưa làm việc ở doanh nghiệp nào, người khuyết tật sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội miễn phí. Tuy nhiên, khi họ bắt đầu đi làm, doanh nghiệp sẽ là bên chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm.
Nhiều người rất bất ngờ khi Kym Việt không phải là doanh nghiệp xã hội về mặt pháp lý. Điều này không phải là không có lý do. Khi đăng ký và hoạt động như một công ty thương mại bình thường, chúng tôi không phải đạt yêu cầu gì, cam kết với ai và được công bằng về mặt lợi nhuận so với những doanh nghiệp khác trên thị trường
Anh Phạm Việt Hoài
Giám đốc Kym Việt
Anh T., chủ một doanh nghiệp tuyển dụng lao động khuyết tật cho biết: “Doanh nghiệp của chúng tôi có rất nhiều trường hợp trong đó doanh thu do người khuyết tật tạo ra (500.000 VNĐ) còn không bằng khoản tiền bảo hiểm xã hội mà tôi đóng cho họ hằng tháng (1.200.000 VNĐ). Tôi cũng đang miễn phí tiền ăn, ở cho tất cả những người khuyết tật lao động tại công ty. Vì vậy, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có thể được coi là một gánh nặng cho chúng tôi cũng như những doanh nghiệp cùng loại”.
Theo phản ánh của nhiều chủ doanh nghiệp xã hội sử dụng lao động là người khuyết tật, khung pháp lý hiện hành thực sự vẫn chưa tạo được cho họ động lực trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Nối cho vòng tay lớn mãi
Sau 9 năm kể từ khi khái niệm doanh nghiệp xã hội được luật hóa ở Việt Nam, những khó khăn trên vẫn là điểm nghẽn đối với các doanh nghiệp xã hội sử dụng lao động là người khuyết tật.
Theo bà Dương Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập, để giải quyết được những khó khăn này cần phải có sự chung tay, góp sức một cách đồng bộ từ nhiều thành phần kinh tế xã hội: nhà nước, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, truyền thông và từng gia đình hạt nhân.
Trong đó, một cơ chế chính sách rõ ràng và phù hợp là yếu tố bản lề, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật. Khi những vấn đề về cơ chế chính sách được giải quyết, các doanh nghiệp xã hội sẽ có cơ hội phát huy được khả năng, tối ưu hóa nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất.
Thêm vào đó, theo bà Vân, về phía các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, những cơ sở dạy nghề cần chú ý nhiều hơn trong việc hỗ trợ, đào tạo và tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật.
Trong thời đại khoa học xã hội phát triển như hiện tại, nếu được đào tạo, người khuyết tật có thể thực hiện được rất nhiều kỹ năng mà dường như họ không thể nào làm được trước đây. Ví dụ, người mù có thể sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, thậm chí có thể chụp ảnh. Nếu được đào tạo, người điếc hoàn toàn có thể nói được và giao tiếp dễ dàng hơn….
Muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật, cho đời sống của chính những người khuyết tật, chúng ta không chỉ phải cân nhắc câu chuyện con cá hay cái cần câu mà còn phải làm những con đường thật sạch đẹp, gọn gàng cho họ đến được hồ câu nữa.
Bà Dương Thị Vân
Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập
Về phía doanh nghiệp, để có thể tuyển dụng được đủ số lượng lao động với chất lượng đảm bảo, các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật có thể liên kết trực tiếp với những trường, cơ sở giáo dục, dạy nghề để “đặt hàng” đào tạo từ sớm, từ cấp cơ sở. Điều này sẽ giúp các trường đào tạo đúng và trúng hơn, phía doanh nghiệp cũng không cần phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn lực phù hợp.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thương mại lớn đã hợp tác với các cơ sở dạy nghề và đạt được kết quả tuyển dụng lao động người khuyết tật rất tích cực. Cụ thể, Tokyo Life đã liên kết với nhiều cơ sở dạy nghề và tuyển dụng được rất nhiều người lao động khuyết tật là người điếc. Trong đó, hơn 200 người lao động khuyết tật đã trụ lại thành công và có công ăn việc làm ổn định tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thương mại cũng có thể là một đối tác vừa vặn với doanh nghiệp xã hội sử dụng lao động là người khuyết tật. Theo bà Hoàng Thị Thu Phương, chuyên gia tư vấn về marketing và thương hiệu, đồng thời là co-founder Kafela Coffee, sự bắt tay của các doanh nghiệp thương mại với doanh nghiệp xã hội là con đường win-win với cả hai phía doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thương mại đôi khi sẽ trở thành nhà tài trợ, đối tác hoặc khách hàng của các doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, đây thường là những chương trình, chiến dịch marketing, từ thiện liên quan đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội...
Theo bà Phương, những chương trình này thường sẽ không mang lại tác động lâu dài đến hoạt động branding (làm thương hiệu) và marketing của doanh nghiệp thương mại cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội. Bà Phương đề xuất, thay vì làm những chiến dịch marketing ngắn hạn, không có tính liên tục, doanh nghiệp thương mại có thể hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp xã hội một cách dài hạn và liên tục.
Những doanh nghiệp xã hội luôn mang trong mình những câu chuyện ý nghĩa, nhân văn. Khi hợp tác và hỗ trợ họ, các doanh nghiệp thương mại có thể vừa tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế, đồng thời lan tỏa thương hiệu của chính bản thân mình.
Đồng thời, ngoài hợp tác về mặt tiêu thụ, là những doanh nghiệp bài bản và có mức vốn lớn hơn, các doanh nghiệp thương mại có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội trong khâu quản trị, khâu điều tra thị trường, nắm vững insight (mong muốn) của khách hàng, từ đó cải thiện sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của công chúng, nâng cao đời sống của người khuyết tật. Nếu thực hiện được, đây là hoạt động mang lại giá trị cho cả đôi bên và cộng đồng.
Thêm vào đó, các tổ chức xã hội như: hội người khuyết tật cấp cơ sở, các câu lạc bộ của người khuyết tật… cũng đóng vai trò to lớn đối với đời sống thể chất, tinh thần của người khuyết tật. Không chỉ tạo ra những cộng đồng, sân chơi cho người khuyết tật nói riêng, khi kết hợp với các gia đình hạt nhân, những tổ chức này sẽ giúp gia đình có người thân là người khuyết tật hiểu rõ thêm, thay đổi nhận thức, động viên và hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, sống ý nghĩa và đóng góp xã hội.
Khi được làm việc, hòa nhập cộng đồng, ngoài cơ hội được cải thiện đời sống vật chất, người khuyết tật có thể tìm được những niềm vui khác trong cuộc sống, đó có thể là tình bạn bè, tình yêu lứa đôi và cả niềm vui khi được sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn.
“Muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật, cho đời sống của chính những người khuyết tật, chúng ta không chỉ phải cân nhắc câu chuyện con cá hay cái cần câu. Chúng ta con phải làm những con đường thật sạch đẹp, gọn gàng cho họ đến được hồ câu nữa”, bà Dương Thị Vân bày tỏ.
Năm 2023, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam xác định, nước ta có khoảng 7 triệu người khuyết tật, có 87,27% sống ở nông thôn - tỷ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo cao gấp 3 lần tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động.
Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.
Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%. Trong đó, 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.
Thực hiện: Hoàng Hường
Thiết kế: Diệu Thảo