Gần 5h30 chiều một ngày tháng 3/2023, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Tài chính (CFO) tại Boxme Asia - một doanh nghiệp công nghệ logistics, cùng chồng đón con trở về nhà. Nếu không có lịch đi công tác xa, bà vẫn dành trọn vẹn thời gian cho gia đình sau mỗi giờ tan tầm. Khi cả nhà đã ăn tối xong và các con đã đi ngủ, bà tranh thủ bật máy tính hoàn thành nốt những công việc còn dang dở.
Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại ở Đại học Ngoại thương (FTU), bà làm một vài công việc từ đối ngoại cho đến kiểm toán ở những công ty khác nhau để có thể học hỏi nhiều thứ mới. Sau đó, bà làm trong mảng tư vấn thuế với mong muốn trở thành một giám đốc tài chính trong tương lai. Bà có ước mơ và lên kế hoạch từng bước thực hiện ước mơ mà không bị hôn nhân, sinh con cũng như công việc gia đình cản trở.
Sau một vài trải nghiệm ở những môi trường khác nhau, bà chọn công ty hiện tại làm bến đỗ. Văn hoá làm việc linh hoạt cho phép bà dành nhiều thời gian cho gia đình mà vẫn đảm đương tốt công việc. Với cấp dưới, bà cũng lựa chọn “lạt mềm buộc chặt” để nhân sự không bị áp lực quá trong công việc, sẵn sàng chia sẻ khi gặp vấn đề nhưng đồng thời hoàn thành tốt các công việc được giao.
Nghiên cứu Women in Business toàn cầu của Grant Thornton năm nay cho thấy, vị trí của phụ nữ đang được mở rộng đáng kể. Ngày càng có nhiều phụ nữ trên toàn cầu nắm giữ các vị trí cấp cao nhất hơn bao giờ hết – 28% doanh nghiệp tầm trung hiện có nữ giám đốc điều hành, tăng từ mức 15% vào năm 2019.
“Xu hướng này có thể sẽ dẫn đến việc đa dạng chiến lược mới, tăng cường đa dạng cấp quản lý cấp cao và đưa nhiều doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới hơn”, Grant Thornton cho biết.
Không chỉ bà Lan Anh, theo nghiên cứu Nữ giới trong công việc và Trao quyền cho nữ giới trong công việc của PwC khảo sát 22 nghìn lao động nữ trên toàn cầu vừa công bố, những lao động nữ được trao quyền nhiều nhất đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông, đặc biệt là công nghệ - nơi phụ nữ thậm chí được trao quyền nhiều hơn một chút so với nam giới.
Tuy nhiên, theo Grant Thornton, tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo chỉ tăng nhẹ nửa điểm phần trăm lên 32,4% trong năm 2023 (Việt Nam tăng nhẹ 1 điểm phần trăm lên 34%) và chỉ tăng 13% kể từ khi nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2003.
Xét về ngành nghề, Grant Thornton cho biết, Việt Nam có tỷ lệ nữ giám đốc nhân sự cao nhất với 61%. Tuy nhiên, chỉ có 11% CEO tại Việt Nam là nữ, một tỷ lệ thấp so với ASEAN (27%), APAC (21%) và toàn cầu (28%). Các vị trí khác do nữ đảm nhiệm tại Việt Nam như giám đốc vận hành, giám đốc tài chính, giám đốc thông tin đều có tỷ lệ trung bình so với trong khu vực và toàn cầu.
Trong khi đó, điều thú vị là tỷ lệ nữ giới là thành viên tham gia trong Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) do lãnh đạo câu lạc bộ cung cấp lại ở mức cân bằng so với nam giới, tất nhiên, số lượng thành viên CFO Việt Nam cũng chỉ mới phản ánh được một phần của thị trường thực tế.
Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý diễn ra khi nam và nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong công tác lãnh đạo, quản lý, được tạo điều kiện và cơ hội như nhau để phát huy năng lực của mình ở tất cả các khâu của quy trình công tác cán bộ và được thụ hưởng kết quả bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống một cách công bằng.
Mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định, thúc đẩy bình đẳng giới nơi làm việc vẫn còn là một vấn đề cấp bách ở Việt Nam, nơi sự phân biệt đang dẫn đến khoảng cách thu nhập giữa hai giới, sự không hài lòng của phụ nữ về triển vọng nghề nghiệp và tỷ lệ nữ trở thành lãnh đạo cấp cao vẫn còn thấp.
Tham khảo quan điểm của các nhà lãnh đạo cả nam và nữ ở Việt Nam cũng như thế giới, một thực trạng chung được ghi nhận là những tấm trần kính trong suốt đang chặn đứng con đường thăng tiến của nhiều người phụ nữ trong công việc.
Một trong số đó được tạo nên bởi chính những tư duy mang tính định kiến của xã hội, nổi bật trong đó là “phụ nữ không đủ mạnh và quyết liệt để làm lãnh đạo”. Như quan sát của ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch thường trực CFO Việt Nam, những nữ lãnh đạo chèo lái tổ chức vượt qua được “phong ba bão táp” đều được xã hội coi là phi thường và tôn vinh là những “nữ tướng” trong khi xã hội coi việc đó là bình thường đối với lãnh đạo nam.
Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng, việc kinh doanh ở Việt Nam trước đây thường nặng văn hoá “bàn nhậu” khiến nữ giới có phần e ngại. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng minh bạch và yếu tố chuyên môn được đề cao, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế, văn hoá “tiếp khách” đã giảm bớt khá nhiều trong những năm gần đây, nhờ đó gỡ bớt rào cản cho người phụ nữ.
Một rào cản khác khiến nữ giới khó thăng tiến cao hơn lại do chính các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp tạo nên. Tấm trần này dường như không chỉ ngăn cản bước tiến của người phụ nữ mà còn cản trở nhân tài trong doanh nghiệp “mở khoá” sức mạnh tiềm ẩn để từ đó góp sức vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của tổ chức.
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từng chỉ ra, những định kiến nhất định trong tư duy của các nhà quản lý có thể là rào cản đối với phụ nữ khi họ phấn đấu nắm giữ các vị trí lãnh đạo. 54% số người trả lời một phỏng vấn của ILO cách đây 2 năm đồng tình với quan điểm rằng phụ nữ với kỹ năng và trình độ tương đương với nam giới khó được đề bạt hay bổ nhiệm lên cấp quản lý cao nhất hơn so với nam giới.
Chia sẻ với nữ tiến sĩ là lãnh đạo của một tổ chức quy mô quốc tế, một số người đứng đầu doanh nghiệp là nam cho biết rất thích tuyển và làm việc với nhân sự nữ vì họ rất giỏi, đặc biệt là phụ nữ đã có gia đình do có các tố chất như kiên trì, không bỏ cuộc, biết cách sắp xếp công việc và mức độ cam kết rất cao. Tuy nhiên, nhìn vào dàn lãnh đạo của các doanh nghiệp đó thì tỷ lệ nữ giới vẫn còn rất thấp.
Một tấm trần kính khác treo trên đầu người phụ nữ lại đến từ phía gia đình của họ khi cho rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngoài mong muốn của của bố mẹ hai bên về việc con gái và con dâu tập trung vun vén chu toàn công việc của gia đình và họ hàng thì người phụ nữ còn khó lên cao trên nấc thang sự nghiệp nếu người “đầu ấp tay gối” không có sự thấu hiểu và ủng hộ. Thậm chí, việc xảy ra những mâu thuẫn trong gia đình là điều dễ xảy ra ở Việt Nam nếu người phụ nữ quá thành đạt trong khi người chồng chưa có vị trí cao trong tổ chức.
Bà Lan Anh tự nhận mình là một người may mắn vì luôn nhận được sự ủng hộ của người chồng làm kinh doanh trong suốt hành trình phát triển sự nghiệp, cũng song song với hành trình gắn bó của hai vợ chồng từ khi mới yêu. Những ngày bà còn là một nhân viên bình thường ở Big4 kiểm toán phải đi tỉnh thường xuyên hay thức thâu đêm để hoàn thành công việc, chồng bà đã có sự thấu hiểu với công việc và đam mê của vợ mình.
Tương tự, ông Hoàng Việt Dũng, Giám đốc phụ trách Bộ phận Tư vấn thuế của Grant Thornton Việt Nam, Giám đốc CFO Việt Nam tại Hà Nội, nhìn nhận, xã hội Việt Nam từ trước đến nay vẫn cho rằng trách nhiệm chính của người phụ nữ là lo cho gia đình.
“Tôi nghĩ bổn phận chăm sóc gia đình là của cả hai vợ chồng. Cũng không nhất thiết đàn ông cứ làm ăn kinh doanh là phải đi ra ngoài 3 – 4 buổi một tuần, hay phụ nữ thì xong việc phải đôn đáo về nấu cơm và chăm con. Tôi thấy đàn ông chăm con là chuyện bình thường, và ngược lại người phụ nữ cũng nên dành thời gian cho bản thân, bạn bè và những đam mê của mình”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ILO, phụ nữ trung bình dành nhiều thời gian gấp đôi so với nam giới để làm những công việc gia đình không được trả lương trong khi thời gian làm việc ngoài xã hội cũng tương đương với nam giới cũng khiến họ khó có thể theo đuổi sự nghiệp.
Mặc dù vậy, theo quan sát của ông Dũng sau nhiều năm làm việc tại các tổ chức lớn, vấn đề nằm ở chính sự lựa chọn của người phụ nữ. Tấm trần kính dày nhất cản trợ phụ nữ thăng tiến lại do chính bản thân họ tạo nên.
“Tôi quen biết nhiều nữ lãnh đạo rất thông minh và tài năng, họ hoàn toàn có thể làm tốt bất cứ công việc gì trong tổ chức. Vấn đề chỉ là sự lựa chọn của chính họ đối với các ưu tiên trong cuộc sống mà thôi”, ông Dũng nhận định.
Dành nhiều thời gian cho chủ đề bình đẳng giới và truyền cảm hứng cho lãnh đạo nữ trong suốt hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tạo tác động xã hội, bà Lâm Ngọc Thảo, Chuyên gia tư vấn độc lập về Phát triển bền vững, kiêm Giám đốc Điều hành Australasia Social Impact Foundation (ASIF Foundation) cũng cho rằng, rào cản cho việc tiến xa hơn trong sự nghiệp của lãnh đạo nữ xuất phát từ nữ giới nhiều hơn là nam giới.
“Khi phụ nữ nghĩ rằng mình thuộc nhóm yếu thế hơn trong vấn đề lãnh đạo thì ngay lúc đó họ đã dựng cho mình một rào cản để tiến xa trong sự nghiệp”, bà Thảo nói.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của xã hội trong hành trình tiến đến bình đẳng giới thực chất và thúc đẩy nữ giới tham gia sâu hơn trong vai trò lãnh đạo, thể hiện qua những con số dù chưa thực sự mang tính đột phá mà báo cáo của PwC hay Grant Thornton đã chỉ ra. Hành trình nỗ lực của các bên cho hai chữ bình đẳng giới còn rất dài, thậm chí lên đến 300 năm nữa như phát biểu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 6/3 vừa qua, nhưng chắc chắn là chưa và sẽ không bao giờ dừng lại.
Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ không có nghĩa là ưu tiên cho phụ nữ mà là gỡ bỏ các rào cản để tạo sự bình đẳng cho cả nam và nữ về cơ hội, tiếp cận cơ hội và hưởng thụ cơ hội. Quan điểm về bình đẳng giới thực chất nhận rõ sự khác biệt giữa nam và nữ về sinh học và sự khác biệt xã hội do lịch sử để lại, từ đó tập trung điều chỉnh các môi trường có ảnh hưởng tiêu cực đối với cả nam giới và nữ giới. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là triển khai hình thức làm việc linh hoạt khi tôn trọng thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
Chẳng hạn, nghiên cứu của Grant Thornton cho thấy, các mô hình làm việc linh hoạt, làm việc kết hợp và làm việc tại nhà có tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo cấp cao cao nhất. Ở các doanh nghiệp tầm trung áp dụng cách làm việc kết hợp, 34% lãnh đạo cấp cao là phụ nữ, trong khi ở các doanh nghiệp cho nhân viên chọn cách làm việc hoàn toàn linh hoạt, con số này là 36%. Chỉ 29% quản lý cấp cao là nữ trong các doanh nghiệp tầm trung với mô hình làm việc chủ yếu tại văn phòng.
Xét về những nỗ lực mang tính xã hội thì một trong những chìa khoá quan trọng vẫn là giáo dục để hình thành tư duy đúng cho thế hệ tương lai của đất nước và để thay đổi nhận thức của các bên liên quan và của chính người phụ nữ. Trong sâu thẳm bản thân mỗi người luôn có một sức mạnh tiềm ẩn, một khát vọng chờ bùng cháy mà đôi khi chính họ cũng không nhận ra, đang chờ được mở khoá.
Bên cạnh việc gỡ bỏ các rào cản xuất phát từ những định kiến của xã hội, cũng như sự thấu hiểu của gia đình và tư duy của người lãnh đạo trong tổ chức, như ông Dũng đã nói, sự lựa chọn của phụ nữ về việc có muốn mở khoá năng lực của chính mình hay không vẫn là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Gỡ bỏ rào cản để mang lại sự công bằng trong tiếp cận cơ hội và thụ hưởng thành quả là nỗ lực của tổ chức nhưng có nắm bắt được cơ hội để leo cao trên nấc thang sự nghiệp hay không là do người phụ nữ quyết định. Muốn phát triển thì không bất kể ai, ở giới tính nào, cũng cần không ngừng học hỏi và rèn luyện, nâng cấp bản thân.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nhận định, phụ nữ cần nhận thức rõ giá trị của mình và biết lãnh đạo bản thân trước khi lãnh đạo những người khác, cần xác định và bước qua những thiên kiến vô thức trong quá trình lãnh đạo.
“Nhiều chị em mong chờ được trao thêm quyền để làm lãnh đạo, trong khi nội tại mỗi người đã có sẵn và chỉ cần được gia tăng. Trong bối cảnh nền kinh tế vươn ra thế giới, đây là bước đầu tiên để phụ nữ tự gia tăng quyền năng cho bản thân”, bà Thanh nói.
Tham dự một cuộc họp bàn tròn thảo luận về môi trường đầu tư tiềm năng ở Việt Nam, bà Lâm Ngọc Thảo là người phụ nữ duy nhất ngồi cùng 9 nhà lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Không hề có cảm giác “lép vế” hay thiếu tự tin, người phụ nữ Việt nhỏ bé lại là người chia sẻ nhiều nhất trong cuộc họp, đưa ra các thông tin và góc nhìn giá trị khiến các đối tác nước ngoài phải quan tâm.
“Tôi không cảm thấy bị ảnh hưởng bởi yếu tố giới. Điều quan trọng là mình mang đến cho họ giá trị gì và họ nhận được điều gì. Đó là yếu tố win-win (các bên cùng có lợi) mà tôi luôn tập trung trong các mối quan hệ hợp tác”, nữ lãnh đạo trẻ của ASIF Foundation cho biết.
Để phụ nữ mở khoá sức mạnh tiềm ẩn của chính mình, bà Lê Võ Phương Nga, giám đốc quản trị rủi ro tài chính tại Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp) kiêm giám đốc tài chính của AVSE Global, nhấn mạnh hai điểm quan trọng.
Một là thay đổi về tư duy, bước ra khỏi vùng an toàn để thấy được những cơ hội chuyển động không ngừng ở thế giới bên ngoài. Hai là phải hiểu được chính mình trước khi “đem quân đi chinh chiến thiên hạ”. Trong quan điểm của bà, nếu không thuyết phục được chính mình thì khó thuyết phục được người khác.
Vị nữ lãnh đạo của AVSE Global luôn giữ trong mình một tinh thần sẵn sàng vượt giới hạn để thử sức với những thử thách mới và luôn tận hưởng tất cả các vai. Không chỉ cùng chồng chăm lo chu toàn cho gia đình nhỏ ở Pháp và làm tốt công việc toàn thời gian với vai trò quản lý tại công ty, những người con xa xứ ở AVSE Global còn dành tâm huyết cho “gia đình lớn” ở Việt Nam với các dự án “khủng" của tổ chức.
Đảm bảo một cuộc sống cân bằng là điều mà ai cũng mong muốn nhưng không phải ai cũng làm được. Khảo sát mới nhất của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) trên gần 40.000 nhân viên và quản lý cấp cao và cấp trung tại các ngân hàng cho thấy, nữ giới mong muốn được hỗ trợ tốt hơn để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Từ trước đến nay, thời gian vẫn luôn là thước đo cho “sự cân bằng”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Deloitte, thời gian là hữu hạn, mỗi người sẽ không có quá 24 giờ mỗi ngày để làm mọi đầu việc mà mình cần làm, muốn làm và được làm.
“Khi bàn cân nghiêng về phía thời gian, ta thường quên liệu giá trị nào mà công việc ta đang tạo ra. Đó là lúc tôi nhận ra cân bằng giữa giá trị và thời gian mới là cách cân bằng mới, đúng ý nghĩa để sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc của mình”, bà Thanh nói.
Với một người lãnh đạo trẻ luôn được giao những dự án mới như chuyển đổi số hay ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong một tổ chức liên tục “nhấn nút tái tạo” như bà Trần Phương Ngọc Thảo, thành viên HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thì áp lực bị “sa thải” lớn nhất đến từ những người “sếp” lớn nhất là hai người con của bà, đặc biệt là khi người con lớn đang chuẩn bị bước vào tuổi teen với nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Bà lựa chọn đồng hành, làm bạn cùng con.
Để làm trọn cả hai vai, chưa kể đến các tổ chức xã hội khác mà bà tham gia trong dàn lãnh đạo như Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ thế giới (JCI) hay Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM (YBA)… bà Thảo lựa chọn cân bằng và liên tục nâng cấp bản thân. Một trong những điều giúp bà ngày càng cân bằng hiệu quả là dành thời gian cho bản thân, duy trì một chế độ tập luyện khoa học để tăng sức khỏe, sức bền và độ minh mẫn.
“Tôi cũng phải học phương pháp bỏ bớt những điều không quan trọng để tập trung vào những thứ tạo giá trị lớn, tối ưu hoá mỗi ngày. Doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng hiệu quả thì bản thân người lãnh đạo cũng cần chuyển đổi và phát triển không ngừng”, nữ lãnh đạo ở PNJ chia sẻ.
Thực hiện: Đặng Hoa
Thiết kế: Diệu Thảo
15/3/2023