Một trong những thách thức lớn mà các nhà quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc là thiếu tầm nhìn chiến lược và thiếu sự tự tin. Trong đó, thiếu tầm nhìn chiến lược là vấn đề phổ biến của khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam trong những thập niên qua. Một phần là do môi trường kinh doanh, một phần là ngay từ trong chính bản thể mỗi cá nhân nhà lãnh đạo.
Thiếu tư duy và tầm nhìn chiến lược khiến cho các chiến lược kinh doanh trở nên ngắn hạn và thụ động hoặc là bị lệ thuộc vào chiến lược của những đối tượng kinh tế dẫn đầu mà điển hình là các tập đoàn nước ngoài. Những tầm nhìn ngắn hạn đó hoàn toàn thiếu tư duy toàn cầu (global thinking) từ vấn đề tâm lý cho đến ngoại ngữ, sự hiểu biết về đa văn hoá. 80% những đầu óc kinh doanh vẫn chịu lép vế, không tự tin xây chiến lược vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, tâm lý thiếu tự tin, không chịu cởi mở học hỏi và tự thoả mãn ở nhiều người lãnh đạo kinh doanh cũng khiến doanh nghiệp khó phát triển. Đó là những thứ cần xem xét để thay đổi vận mệnh doanh nghiệp thành các tập đoàn có thương hiệu toàn cầu với tuổi đời hàng trăm năm.
Người lãnh đạo doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn vào những vấn đề nói trên để vừa xác lập lại tâm lý, tâm thế vừa xác lập lại chiến lược nếu không sẽ bị đào thải bởi làm ăn thua lỗ, vi phạm pháp luật, cạnh tranh ở quy mô toàn cầu ngay trên sân nhà trong thế giới hội nhập.
Chiến lược mới có thể đi từ những thứ thân thuộc nhưng khác biệt của Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp để hướng đến phục vụ thị trường hàng tỷ dân của thế giới. Công nghệ có thể mất nhiều thời gian để có thể làm chủ và phục vụ cho phát triển kinh tế hùng mạnh, nhưng kể cả những cường quốc kinh tế thì cũng đều có những bước khởi đầu, xuất phát điểm đều như nhau.