Nếu không có tự do kinh doanh thì không có kinh tế thị trường. Bởi chỉ có tự do kinh doanh mới kích thích sự sáng tạo, tính cạnh tranh của các chủ thể, cá nhân, tổ chức trong xã hội. Một nền kinh tế thị trường không có cạnh tranh thì không có cơ hội phát triển.


Hiến pháp 1992

Hành trình ‘cởi trói’ pháp lý để tiến tới quyền tự do kinh doanh

Hành trình tiến tới tự do kinh doanh tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1992. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân. Tuy nhiên, nó còn hạn chế ở phạm vi, các chủ thể chỉ được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật cho phép.

Trong một lần trả lời báo chí vào đầu năm 2021, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) kể lại thời điểm trước năm 2000, tư duy quản lý sản xuất, kinh doanh là người dân chỉ được làm những gì mà nhà nước cho phép. Nhưng sự cho phép lại phần lớn dựa vào sự tùy ý, thậm chí tùy tiện của bất kỳ cán bộ, công chức nào.

Đơn cử, để xin giấy phép kinh doanh, người kinh doanh đồng nát phải đến UBND xã không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đi đều phải ‘xem giờ’ vì rất hên xui, phải trông vào cảm xúc của cán bộ.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thành lập đoàn đi khảo sát thực tế, kết quả áng chừng chi phí thành lập doanh nghiệp mất khoảng 1 – 2 cây vàng, một số tiền vô cùng lớn ở thời điểm trước năm 2000, cùng với đó là vô vàn loại giấy phép.

Ở giai đoạn này, quyền tự do kinh doanh dường như chỉ mới dừng ở ‘cụm từ’ nằm trong Hiến pháp năm 1992 mà chưa thực sự đi vào đời sống.

Điều này được minh chứng qua việc 5 nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh đều chưa được thể hiện trong các văn bản luật gồm tự do thành lập doanh nghiệp; tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (đối tượng kinh doanh); tự do giao kết hợp đồng; tự do quyết định các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tự do cạnh tranh.

Luật Doanh nghiệp 2005

13 năm sau, quyền tự do kinh doanh mới có bước tiến lớn khi Luật doanh nghiệp 2005 ra đời. Trong đó quy định: “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Đây là dấu mốc ghi nhận sự thay đổi lớn trong tư duy quản lý của Nhà nước, bỏ hoàn toàn quan niệm năng lực cơ quan nhà nước đến đâu thì cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh đến đó. Thay vào đó là tư duy quản lý để thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển và khởi sắc.

Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đã thể chế hóa những cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đàm phán gia nhập WTO.

Tư duy đã ‘mở’ nhưng luật hóa vẫn còn nhiều hạn chế như quy định: “Doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” trích từ Luật Doanh nghiệp 2005. Đồng thời lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định bằng việc ‘đếm’ số lượng ngành, nghề đăng ký.

Nhìn lại luật này, Phó viện trưởng CIEM đánh giá: “bây giờ mới thấy, có những quy định rất ngớ ngẩn, nhưng chẳng hiểu sao vẫn tồn tại cho đến tận phiên bản Luật Doanh nghiệp 2014”.

Đơn cử là quy định về con dấu. Theo đó, con dấu là tài sản của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chỉ có một con dấu, phải được lưu trữ và bảo quản tại trụ sở chính. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ. Đây là giai đoạn con dấu ‘lên ngôi’, ai nắm được con dấu, người đó ‘nắm thế thượng phong’ trong doanh nghiệp.

Hành trình ‘cởi trói’ pháp lý để tiến tới quyền tự do kinh doanh 1
Ai nắm được con dấu, người đó ‘nắm thế thượng phong’ trong doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, quy định về con dấu đã gây cản trở không ít cho hoạt động của doanh nghiệp giai đoạn đó, tuy nhiên khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2014, đề xuất bỏ con dấu vẫn bị không ít người phản đối.

Cuối cùng, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp 2014, trong đó chỉ quy định, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

Để thay đổi tư duy, dù đã được chứng minh là không phù hợp, không hề dễ dàng. Theo ông Hiếu, cũng như trong công nghệ thông tin hay cuộc cách mạng của loài người, mỗi phiên bản của Luật doanh nghiệp là một sự đột phá, là một cuộc cách mạng. Và đến Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì ‘con dấu’ chính thức bị khai tử.

Theo đó, hiện nay, dấu của doanh nghiệp được quy định bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp ban hành.

Ngoài con dấu, nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005 cũng khá ‘cứng nhắc’ như việc lưu giữ các tài liệu bắt buộc phải tại trụ sở chính, yêu cầu chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác trong hồ sơ đăng ký kinh doanh…

Hiến pháp 2013

Cuộc cách mạng thứ 3 trên hành trình đi đến quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam là Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, nội dung “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” đã được chính thức đưa vào Hiến pháp.

Như vậy, tư duy lập pháp đã thay đổi từ chỗ chỉ ‘tự do trong phạm vi đóng – được làm những gì pháp luật cho phép’ đã chuyển sang ‘mở - được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm’. Tự do kinh doanh đã là một quyền hiến định.

Bên cạnh đó, bước đột phá nữa ở Hiếp pháp 2013 là khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, khoản 2, điều 51, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Điều 53: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường”.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật về dân sự, kinh doanh, thương mại, nhất là ở các văn bản luật gốc, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật lao động năm 2019…

Hai đạo luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (từ phiên bản năm 2014 đến phiên bản năm 2020) đều được xây dựng với cách tiếp cận về quyền tự do kinh doanh theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp.

Đơn cử như thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giảm xuống còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như Luật Doanh nghiệp 2005. Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh giảm còn 6, thay vì 15 ngành, nghề. Quy định về con dấu và lưu giữ tài liệu được ‘nới rộng’ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin như việc luật hóa Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hay bằng việc quy định cuộc họp được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu trữ dưới hình thức điện tử khác đã có tiến bộ vượt bậc so với quy định cũ là chỉ ghi vào sổ biên bản.

Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề… Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp, làm cho việc đăng ký kinh doanh trở nên dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.

Mặt khác, phiên bản 2014 cũng chính thức bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Sửa đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp Đại hội đồng cổ đông từ 65% (luật cũ) xuống còn 51%.

Qua mỗi phiên bản Luật Đầu tư, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên ‘thông thoáng’. Điều này đã giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh qua các năm và thu hút ngày càng nhiều vốn FDI, đưa khu vực FDI trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tiếc thay, đà tăng này có lẽ sẽ được duy trì nếu không có Covid-19.

Theo đó, tốc độ gia tăng doanh nghiệp đăng ký thành lập trung bình giai đoạn 2000 - 2020 là 12,6%. 

Hành trình ‘cởi trói’ pháp lý để tiến tới quyền tự do kinh doanh 2
Hành trình ‘cởi trói’ pháp lý để tiến tới quyền tự do kinh doanh 3

Bên cạnh sự ‘đổi mới’ của 2 bộ luật trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép. Nhà nước chủ trương tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự, tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Các đạo luật về cạnh tranh, giải quyết tranh chấp về dân sự, đầu tư, kinh doanh và xử lý vi phạm được hoàn thiện một bước quan trọng, bảo đảm tốt hơn quyền khởi kiện của người dân, doanh nghiệp.

Pháp luật về giải quyết tranh chấp được thiết kế theo hướng đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp và đảm bảo sự tự do lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp của các bên có liên quan, đề cao việc thương lượng, hòa giải giữa các bên; đã thiết lập cơ chế để Toà án công nhận thoả thuận hoà giải cho những tranh chấp được giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải.

Hoạt động luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh, góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những đột phá trên, trong Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014, những ‘vùng cấm’ của doanh nghiệp vẫn còn nhiều.

Đơn cử như việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, từ phiên bản Luật Doanh nghiệp 2005 cho tới 2014 đều quy định: Cấm các trường hợp hợp nhất, sáp nhập mà theo đó công ty hợp nhất, sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp được quy định tại Điều 19 Luật cạnh tranh 2004 là: một hoặc nhiều doanh nghiệp tham gia hợp nhất, sáp nhập đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản; việc hợp nhất, sáp nhập có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Đồng thời, trường hợp hợp nhất, sáp nhập mà theo đó công ty hợp nhất/công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất/sáp nhập.

Điều khoản này đã vi phạm 3 nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh gồm tự do thành lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng và tự do cạnh tranh. Cuối cùng, ‘vùng cấm’ này đã bị xóa bỏ trong Luật Doanh nghiệp 2020.

Trong tọa đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” vào năm 2018, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhận định rằng cho đến giờ mới xuất hiện 4 tỷ phú USD, con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới, và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 của Tạp chí Forbes (Mỹ), tỷ phú USD của Việt Nam đã tăng lên 7. Trong khi đó, thế giới có 2.668 tỷ phú.

Theo ông Cung, lý do là ở Việt Nam hiện nay có thể tự do kinh doanh, nhưng chưa thật an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả... Trước việc áp dụng tùy ý, tùy tiện (về mặt pháp luật), thì với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức.

Luật Doanh nghiệp 2020

Đến tháng 2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập, giảm đi 1 thủ tục trong quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam, còn 7 thủ tục và chi phí giảm 2.000.000 đồng.

Điều này đã góp phần đưa Việt Nam lên vị trí 115 về chỉ số khởi sự kinh doanh khi so sánh với môi trường kinh doanh toàn cầu và vươn lên đứng thứ 5 trong khu vực, theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2004 - 2020, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ 66,1 điểm đến 85,1 điểm, với thời gian được cắt giảm từ 61 ngày xuống còn 16 ngày, giảm từ 11 xuống còn 8 thủ tục, với chi phí tính trên bình quân thu nhập đầu người giảm từ 31,9% xuống còn 5,6%.

Đây là kết quả đánh giá trước khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực vào năm 2021. Những cải cách trong luật mới đã giúp mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập tiết kiệm được thêm 2 ngày và 450.000 đồng phí làm con dấu.

Không những thế, với việc liên thông điện tử các cơ quan nhà nước và áp dụng thực hiện đăng ký trực tuyến tại một đầu mối, thời gian đăng ký thành lập trong thực tế sẽ còn được cắt giảm nhiều hơn so với quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí thực hiện. Như vậy, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 7 thủ tục với 16 ngày xuống còn 3 thủ tục với 6 ngày. Điều này đã giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 là cuộc cách mạng lần thứ 4 trên hành trình tiến tới quyền tự do kinh doanh.

Bên cạnh việc nâng cao chỉ số khởi sự kinh doanh, một trong những người trực tiếp chắp bút cho luật hiện hành, ông Phan Đức Hiếu cho biết “Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp 2020 là tạo nên sự thay đổi trong quản trị công ty”.

Một cách tổng quan nhất, các điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến quản trị doanh nghiệp tập trung vào mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty. Cụ thể, giảm bớt yêu cầu, điều kiện để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng: đề cử, triệu tập họp đại hội đồng cổ đông….

Bên cạnh đó, giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần, bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục từ trên 06 tháng, bỏ yêu cầu sử dụng mẫu đại diện ủy quyền của cổ đông do công ty phát hành...

Hành trình ‘cởi trói’ pháp lý để tiến tới quyền tự do kinh doanh 4
Luật Doanh nghiệp 2002 đã mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông

“Nói một cách nôm na, thông qua những sửa đổi có tính đột phá đối với khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ chuẩn mực mới quản trị công ty, tuân thủ yêu cầu về công khai, minh bạch... Đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, đối tác mới... Doanh nghiệp sẽ lớn lên chính từ sự chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp”, ông Hiếu giải thích.

Điều này cũng góp phần quan trọng vào nội dung ‘tự do cạnh tranh’ của quyền tự do kinh doanh. Việc các doanh nghiệp phải tuân thủ chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty sẽ tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch, từ đó đảm bảo quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khác với phiên bản 2014, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước hay công ty con của doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành thành lập Ban kiểm soát và phải thực hiện công bố thông tin như thông tin cơ bản của công ty và điều lệ công ty; cơ cấu tổ chức; báo cáo tài chính hằng năm được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập…

Khái niệm về doanh nghiệp nhà nước thay đổi và rộng hơn. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Và phải thành lập Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.

Trải qua 4 phiên luật doanh nghiệp, có thể thấy các quy định về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng được mở rộng, tạo bước nhảy vọt cho sự phát triển của nền kinh tế. Điều này, không chỉ được minh chứng cụ thể qua hệ thống, hành lang pháp lý mà còn hiện thực hóa ở môi trường kinh doanh của Việt Nam, khi được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Mặc dù đã có những bước tiến như trên nhưng trong thực tế triển khai hiện nay thì việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp phải một số cản trở:

Thứ nhất, việc quy định các ngành nghề có điều kiện chưa chuẩn có thể ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2020 đã giảm xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng một số chuyên gia cho rằng con số đó là quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường.

Con số 243 chỉ thuần túy là thống kê, chưa có sự đánh giá tổng hợp, thậm chí mang tính áp đặt, không có cơ sở thực tiễn, khoa học, hạn chế cạnh tranh, tính sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, khả năng cung cấp sản phẩm tốt hơn.

Thứ hai, các chủ thể dù có quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nhưng do luật ở Việt Nam còn phức tạp, nhiều quy định chồng chéo ở các luật chuyên ngành, nên thực tế doanh nghiệp cũng không dám tự do thực hiện quyền của mình, với lo ngại là có thể ở đâu đó có quy định cấm, hoặc hạn chế quyền này.

Vẫn có tình trạng là trong khi Luật Doanh nghiệp “mở”, thì các luật chuyên ngành lại “đóng”, hoặc các luật của Quốc hội, văn bản của Chính phủ thì quy định thông thoáng nhưng văn bản của các cơ quan quản lý lại “siết chặt” bằng những loại giấy phép “con” hay bằng những thủ tục phiền hà không đáng có.

Điều đó cho thấy, cuộc hành trình đi đến quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, thực tế ‘lý tưởng hóa’ tự do kinh doanh hoàn toàn là điều không thể. Nguyên nhân là do nhà nước vẫn cần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và ‘tạo khoảng trống’ cho doanh nghiệp Việt phát triển.

Vậy đâu là ‘điểm chạm lý tưởng’ để quyền tự do kinh doanh và công tác quản lý của nhà nước được hài hòa, cân bằng và có tính bổ trợ. Đó là câu hỏi mà nhiều nước vẫn đang tìm kiếm. Việt Nam cũng vậy. Chính phủ đang từng bước trên hành trình tìm kiếm ‘điểm chạm lý tưởng’ này, hay ‘cởi trói’ dần về mặt pháp lý để tiến tới mức cao nhất của quyền tự do kinh doanh. 

Ngọc Anh thực hiện