Buổi trò chuyện ngắn tại văn phòng nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), không giấu được sự mệt mỏi bởi những lịch trình công tác, hội thảo, đi thực địa… dày đặc.
Thế nhưng sự mệt mỏi ấy cũng không thể giấu đi ánh mắt ngời sáng hy vọng khi chia sẻ về những hoạt động của ICED trong năm 2023. Không chỉ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, ICED còn kết nối với đối tác trong và ngoài nước, hình thành những mạng lưới chia sẻ thông tin, hợp tác mang tầm quốc tế.
Kế hoạch sắp tới của ICED gợi mở ra một bức tranh tuần hoàn đa màu sắc, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ những ngành sản xuất như nông nghiệp, năng lượng, dệt may… cho đến nhóm ngành dịch vụ như thiết kế, bán lẻ, logistics, giáo dục…
“Bản chất là mô hình kinh doanh, chúng tôi phải tính toán sao cho áp dụng kinh tế tuần hoàn được cho các ngành nghề, lĩnh vực, không chỉ đơn thuần là giảm phát thải mà phải đảm bảo tạo ra lợi nhuận và giá trị”, ông Quân cho biết.
Bản chất mô hình kinh doanh của kinh tế tuần hoàn luôn được ông Quân nhấn mạnh trong nhiều hội thảo, diễn đàn hay những buổi chia sẻ thông tin, trao đổi với báo chí. Nhìn nhận ra bản chất đó, có thể thấy cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị tuần hoàn rộng mở cho tất cả doanh nghiệp.
Cơ hội cho tất cả doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là tầm nhìn của bà Kim Lê khi thành lập công ty CL2B – công ty tư vấn về kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam.
Suốt một thời gian làm việc trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, bà Kim Lê trăn trở với câu hỏi “liệu phát triển bền vững có cách tiếp cận nào khác”? Kinh tế tuần hoàn dường như là câu trả lời hợp lý cho “cách tiếp cận khác” ấy, bởi không chỉ dừng lại ở cam kết, mô hình này có khả năng đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra giá trị cho môi trường và xã hội.
Phát hiện ra những giá trị lớn lao kinh tế tuần hoàn có thể đem lại, nhà sáng lập CL2B cũng nhìn ra được tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần trong số họ vẫn chưa hiểu kinh tế tuần hoàn là gì, chưa trả lời được câu hỏi “làm thế nào để tham gia vào chuỗi giá trị tuần hoàn”?
Giờ đây, với những nỗ lực của bà Kim, ông Quân cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, ngày càng nhiều cá nhân và đơn vị thấu hiểu bản chất mô hình kinh doanh của kinh tế tuần hoàn.
Hóa ra, khái niệm tưởng chừng cao siêu, vĩ mô ấy lại rất đỗi thiết thực và quen thuộc. Đó là những cô ve chai, đồng nát vẫn rong ruổi trên khắp phố phường để thu gom phế liệu, là mô hình vườn – ao – chuồng từ những năm 1980 đã góp phần cải thiện sinh kế cho hàng nghìn nông hộ trên khắp đất nước, hay đơn giản chỉ là các bà, các mẹ ngày xưa xách làn đi chợ thay vì dùng túi nylon, các bạn trẻ cầm theo bình nước để thưởng thức món đồ uống yêu thích mà không phải dùng cốc nhựa.
Xuất phát từ bản chất mô hình kinh doanh, các sáng kiến, giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn đang ngày càng đa dạng. Từ những cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho đến những tập đoàn lớn, tất cả đều đang góp một phần công sức, dùng triết lý kinh doanh tuần hoàn để giải quyết nhiều vấn đề của xã hội.
Ẩn mình trong một góc phố nhỏ là Hidden Gem, một quán cà phê đặc biệt với những vật dụng đều được làm từ phế liệu. Bỏ nghề du lịch để mở và vận hành quán cà phê tái chế có lẽ là điều được ông Nguyễn Văn Thơ trăn trở từ rất lâu, khi chứng kiến người thân, hàng xóm qua đời vì ung thư, hay những danh lam thắng cảnh tràn ngập rác, khiến du khách “một đi không trở lại”.
Cùng chung nỗi trăn trở về thực trạng rác thải, tại TP. Hội An, doanh nghiệp xã hội Refillables Đong Đầy cung cấp giải pháp “tái nạp” cho khách hàng. Phân phối các loại sản phẩm sử dụng hàng ngày như dầu gội, sữa tắm, nước rửa bát thân thiện với môi trường, Refillables Đong Đầy không sử dụng những bao bì sẵn có mà rót trực tiếp dung dịch vào bất cứ chai, lọ chứa nào khách hàng mang theo, qua đó giảm thiểu rác thải từ bao bì dùng một lần, đồng thời lan tỏa tinh thần sống xanh tới cộng đồng dân cư.
Cũng đưa ra giải pháp ở vai trò một nhà bán lẻ, AEON Mall lựa chọn giảm thiểu và tái sử dụng để góp sức đẩy guồng quay kinh tế tuần hoàn. Chỉ một chút thay đổi trong quy trình bán hàng như ưu tiên khách từ chối túi nylon, đào tạo nhân viên để tối ưu quy trình bao gói hàng hóa hay cho khách “mượn” túi vải, AEON Mall bước đầu thành công trong việc thiết lập văn hóa tiêu dùng bền vững cho một bộ phận khách hàng.
Cùng chung tư duy “giảm thiểu” doanh nhân Tăng Hải Ngọc Sơn lựa chọn ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch cho thuê sản phẩm thời trang. Giảm lượng quần áo được mua một cách thiếu hợp lý, giải pháp “sử dụng nhưng không sở hữu” DrobeBox còn tạo ra nguồn dữ liệu về hành vi và thị hiếu của khách hàng, từ đó giúp các hãng thời trang lên kế hoạch xây dựng bộ sưu tập và sản xuất hiệu quả, tránh lãng phí ngay từ đầu nguồn.
Thiết lập vòng lặp tuần hoàn ngay từ đầu nguồn sản xuất không thể thiếu vai trò của khâu thiết kế. Đơn cử như việc thay đổi thiết kế bao bì, từ việc loại bỏ màng co nắp chai ở các sản phẩm nước khoáng La Vie, Aquafina, Dasani… hay dùng nhựa trong suốt thay cho nhựa màu ở chai nước ngọt Sprite, tuy đơn giản nhưng tinh tế, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của doanh nghiệp, nhãn hàng đối với hoạt động thu gom, tái chế phế liệu.
Tại trang trại Larva Yum của doanh nghiệp xã hội Green Connect ở Đồng Nai, những con gà được chăn nuôi nhân đạo bằng thực phẩm dinh dưỡng được sản xuất từ rác hữu cơ. Tại một khu chung cư ở Hà Nội, người dân bắt đầu làm quen với việc mua dung dịch, hóa chất vệ sinh, tẩy rửa từ chiếc máy bán hàng tự động không dùng bao bì Cycle Packing của VietCycle. Trên dòng sông Hoài, du khách tỏ ra thích thú với tour du lịch… vớt rác trên sông của công ty Hội An Kayak...
Còn nhiều hơn nữa những giải pháp, sáng kiến ý nghĩa và thiết thực. Các đơn vị, doanh nghiệp dường như đang thay những mảnh ghép tuần hoàn vào nền kinh tế vận hành tuyến tính, tạo ra một bức tranh kinh tế tuần hoàn bao trùm lên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội.
Ngày đầu tiên của tháng 3, giây phút ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy tái chế chất lượng cao trị giá hơn 50 triệu USD giữa Công ty CP VietCycle và Tập đoàn Alba châu Á, khiến những người chứng kiến không nén nổi niềm xúc động. Sau một quá trình bền bỉ, nỗ lực xây dựng chuỗi tuần hoàn đa giá trị của VietCycle đã được “hà hơi tiếp sức”. Ước vọng của ông Hoàng Đức Vượng cùng đội ngũ lãnh đạo VietCycle về một đất nước không còn ô nhiễm vẫn còn xa, nhưng đã được kéo lại gần đáng kể.
Đối tác của VietCycle trong dự án lần này là Tập đoàn Alba, doanh nghiệp tiên phong về xử lý, tái chế rác thải tại châu Âu, bắt đầu hoạt động từ khi “không ai hiểu tái chế là gì và tái chế để làm gì”. 2 người tiên phong về tái chế, một tại Đức, một tại Việt Nam, bắt tay nhau, như một “mối lương duyên”.
Ở khu vực miền Nam, nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân với số vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2020, một bước đi tiên phong của những chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm làm nhựa, trong ngành công nghiệp tái chế tưởng chừng như đã bị bỏ quên suốt hơn 40 năm hình thành, phát triển.
Nói về thành công bước đầu của VietCycle, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân, cũng chia sẻ niềm vui mừng cho người anh, người đối tác là ông Vượng. Đối với ông Lê Anh, VietCycle không phải đối thủ cạnh tranh mà còn là những “đồng chí”, cùng chung lý tưởng “tái chế đạt chuẩn ngay trên chính đất nước mình”.
Mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp tiên tiến cùng góp sức cho ngành công nghiệp tái chế, ông Lê Anh bày tỏ kỳ vọng, ngành tái chế cũng như mô hình kinh tế tuần hoàn nhận được sự chung sức đồng lòng từ phía nhiều bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng.
Tư tưởng đại đồng ấy cũng giống với những suy nghĩ được ông Vượng đề cập trong buổi gặp gỡ báo chí ngay sau lễ ký kết hợp tác với Alba. Chủ tịch VietCycle kỳ vọng, với cơ chế hỗ trợ ngành tái chế của Nhà nước cùng những tấm gương đi đầu như VietCycle hay Tái chế Duy Tân, sẽ có thêm nhiều nhà tái chế tiên tiến xuất hiện. Ngành tái chế Việt Nam sẽ từng bước tiên tiến, lớn mạnh, tạo ra giá trị lan tỏa.
Trong xu thế kinh tế tuần hoàn, không hiếm những cái bắt tay, những mối lương duyên chân thật như vậy. Như cái bắt tay giữa 9 ông lớn ngành hàng tiêu dùng, bao bì và xuất khẩu 4 năm về trước để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Quy tụ những đối thủ cạnh tranh trên thị trường, PRO Việt Nam không ngừng lớn mạnh, với số lượng thành viên đã đạt đến con số 21, cùng chung sức đồng lòng triển khai các giải pháp hướng đến một Việt Nam xanh, sạch, đẹp.
“Trên thị trường có thể các thành viên PRO Việt Nam là những đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên, khi đã ngồi lại với nhau, chúng tôi cùng chung chí hướng thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì”, bà Chu Kim Thanh, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, cho biết.
Hợp tác là một trong những giá trị cốt lõi của PRO Việt Nam, cũng là tinh thần được ban lãnh đạo liên minh mong muốn lan tỏa tới toàn thể cộng đồng. Đồng hành với PRO Việt Nam suốt 4 năm hoạt động bao gồm những đối tác có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực như ENDA Việt Nam; CL2B; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn; Giấy Đồng Tiến…
Không dừng lại ở đó, PRO Việt Nam mong muốn nhận được sự chung tay hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu con người trên khắp đất nước cùng tham gia vào hành trình thu gom, tái chế bao bì, như lời kêu gọi của doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam, trong buổi lễ thành lập.
Một sự hợp tác tưởng chừng như chẳng thể nào xảy ra cũng đã và đang tiếp tục được hình thành tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền của doanh nhân Phạm Hồng Điệp. Khu công nghiệp sinh thái tiệm cận mô hình tuần hoàn này quy tụ doanh nghiệp đến từ 7 quốc gia, cũng là 7 tập quán, văn hóa kinh doanh khác nhau, nay lại liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi giá trị tuần hoàn trên 3 lĩnh vực bao gồm luyện kim – cơ khí; nhựa; phụ trợ điện.
Mối hợp tác ấy, theo ông Điệp, dựa trên chính những lợi ích to lớn mà các doanh nghiệp nhận được khi trao đổi, mua bán phụ phẩm để tái chế, tái sử dụng, tạo ra lợi nhuận, thay vì tốn tiền tấn để xử lý chất thải.
Cũng có những liên kết, chỉ đơn giản là cùng chung tay giải quyết vấn nạn về môi trường như những thành viên là tổ chức, cá nhân cùng nhau thành lập Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) vào tháng 10/2017.
TS. Quách Thị Xuân, Điều phối viên VZWA, là gương mặt quen thuộc trong các diễn đàn, hội nghị, tọa đàm về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Nụ cười tươi luôn nở trên môi, đối với bà Xuân, các sự kiện không chỉ là nơi để nêu quan điểm, đóng góp tiếng nói, mà còn là những “sân chơi chung”, nơi bà tìm được những người cùng chung tầm nhìn, cùng gánh vác sứ mệnh về một tương lai không còn rác thải dựa trên kinh tế tuần hoàn.
“Những người vất vả, cùng chung tầm nhìn sẽ tìm đến nhau và yêu nhau” là lời nhận xét của ông Vượng về cái bắt tay lịch sử với Tập đoàn Alba châu Á, có lẽ cũng phần nào nói lên tính tất yếu của những kết nối, những “mối lương duyên” bền chặt trên con đường kinh tế tuần hoàn.
Bởi lẽ, hợp tác là chìa khóa của sự thành công, cũng là điểm tựa cho niềm tin, sự sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp sáng kiến, hướng đến mục đích chung không chỉ đơn thuần là lợi nhuận mà còn là giá trị bền vững cả về môi trường và xã hội. Tất cả đang cùng nhau dựng xây một tương lai tươi đẹp cho toàn cộng đồng và xã hội.
“Làm kinh tế tuần hoàn liệu có ra tiền không” là câu hỏi mà hầu hết người “đốt đuốc tìm đường” cho mô hình kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều nhất. Câu hỏi không dễ trả lời, bởi tương lai là thứ không bao giờ đoán định được chính xác.
Tuy nhiên, một tương lai tươi sáng đang dần được định hình một cách rõ nét, với nỗ lực từ phía cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, được tiếp sức bởi những chính sách và khung pháp lý ngày càng rõ ràng và thực chất từ phía Nhà nước.
Năm 2022, một loạt chính sách liên quan đến kinh tế tuần hành được ban hành và đi vào hiệu lực, có thể kể đến như như Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nghị định hướng dẫn luật với cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam đưa ra tư duy đa ngành cùng cơ chế thử nghiệm sandbox…
Tiếp nối những nền tảng ấy, Chương trình hành động quốc gia triển khai kinh tế tuần hoàn và Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang được các bộ, ngành liên quan xây dựng và lấy ý kiến tham vấn cho dự thảo. Tất cả thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đồng hành và dẫn dắt của Nhà nước đối với con đường chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Với những nỗ lực “khép kín vòng lặp” ấy, tin rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ “ra tiền” mà còn là những giá trị bền vững về môi trường và xã hội, những giá trị nhân văn và cao cả.
Thực hiện: Phạm Sơn
Thiết kế: Diệu Thảo