Năm 22 tuổi, Nguyễn Hoàng Trung đồng sáng lập và trở thành Giám đốc điều hành của Lozi – một website/ứng dụng tìm kiếm địa điểm ăn uống. Cuối năm 2015, Trung huy động thành công số vốn đầu tư 7 chữ số từ Golden Gate Ventures và DesignOne Japan.
Chỉ 2 năm sau đó, Nguyễn Hoàng Trung ra mắt Loship - ứng dụng thương mại điện tử và giao đồ ăn thuộc hệ sinh thái Lozi. Cùng thời điểm, nhà sáng lập 25 tuổi được vinh danh Top 30 Under 30 Châu Á của tạp chí danh tiếng Forbes. Loship đồng thời nhận vốn từ một số nhà đầu tư gồm: Quỹ Vietnam Silicon Valley, Golden Gate Ventures, và DT & Investment.
Năm 2019, Loship tiếp tục nhận vốn 8 chữ số (USD) từ Quỹ đầu tư danh tiếng Smilegate Investment. Cũng trong giai đoạn này, Loship được bảo đảm đầu tư từ Tập đoàn Hana, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á.
Quả ngọt đến sớm với người con Quảng Ngãi khiến những nỗ lực khởi nghiệp của Nguyễn Hoàng Trung trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và cộng đồng startup Việt Nam.
Khởi nghiệp với Nguyễn Hoàng Trung không đơn thuần là con đường, mà là khát khao cháy bỏng của vị CEO 28 tuổi muốn đưa Loship trở thành Kỳ Lân tiếp theo của Việt Nam. Trung ví bản thân giống như một “buồng đốt” – luôn mãnh liệt, đầy lửa nhiệt huyết và cháy hết mình trong công việc. Và cũng vì thế, Trung tự nhận mình là “một kẻ độc tài”, tham vọng, không bao giờ chấp nhận từ “nhưng…”.
Ở tuổi 28, lại là một CEO trẻ tuổi, Trung có nghĩ rằng “một kẻ độc tài” là hơi quá với mình?
Nguyễn Hoàng Trung: Thực sự đúng là tôi rất độc tài (cười). Dù là trước đây hay sau này, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ thỏa hiệp được với sự chậm trễ. Nhất là khi tuyển dụng, tôi luôn hỏi ứng viên rằng, nếu tôi cần gọi điện công việc cho bạn lúc nửa đêm, bạn sẽ hành động thế nào? Dù câu trả lời tôi nhận được là gì, chỉ cần có chữ “nhưng” sau đó là bạn ấy mặc định đã rớt.
Tôi cho rằng, để tạo ra một công ty vĩ đại, không nên có “sự tắc nghẽn” trong giải quyết công việc. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa đêm nào tôi cũng sẽ gọi cho nhân viên của mình. Bản chất là trên con đường khởi nghiệp luôn có sự bất ngờ xảy ra. Khi công ty cần, bạn lại không có mặt, thì chúng ta rất khó đi đường dài với nhau.
Trung làm như vậy có phải là quá tàn nhẫn với nhân viên của mình? Có khi nào, họ sẽ khó tìm thấy hạnh phúc ở một startup như Loship?
Nguyễn Hoàng Trung: Hạnh phúc là một khái niệm rất thú vị ở Loship. Tại đây, hạnh phúc không phải mức lương cao, không phải là tiền bạc, mà là người ta sẽ tìm thấy những niềm vui nhỏ nhoi trên con đường bước tới thành công.
Tôi tin rằng, chỉ khi trải qua những tột cùng cảm xúc trong công việc, đó mới là hạnh phúc. Với một nhân viên, không quan trọng là làm công, làm thuê hay làm chủ, mà là tìm thấy nơi mình thuộc về, một công việc phù hợp với mình, khai phá được hết tiềm năng bản thân.
Trong đó, cách duy nhất để các nhân viên, đồng nghiệp vượt qua được giới hạn bản thân, thì người CEO - chính là Nguyễn Hoàng Trung sẽ là tận cùng của giới hạn đó (cười). Điều này giải thích tại sao, tôi luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao, những bài toán khó cho các cộng sự. Và nó cũng chính là điều thôi thúc, là động lực thúc đẩy những con người ở Loship tốt lên mỗi ngày.
Trung nói như thể bản thân là một “buồng đốt” vậy? Mà buồng đốt thì kiểu gì cũng có những lúc rơi vào trạng thái hết xăng?
Nguyễn Hoàng Trung: Tôi có thể khẳng định rằng, người Loship chưa bao giờ hết xăng, vì chúng tôi “bơm xăng” liên tục. Đấy là nói vui, còn trên thực tế, không phải cỗ máy nào cũng có thể chạy bền bỉ qua nhiều năm tháng.
Khi một cộng sự nào đó gặp vấn đề, tôi sẽ nói với họ rằng, hãy sắp xếp sự ưu tiên của bạn. Vì xoay quanh một con người luôn tồn tại những giá trị khác nhau như: gia đình, tình cảm, sự nghiệp và sức khỏe. Mỗi thời điểm, sự ưu tiên của mỗi người sẽ thay đổi. Chỉ khi biết được thời điểm này bạn cần tập trung ưu tiên cho công việc gì, thì khi đó bạn vẫn sẽ thấy ổn - vì bạn đã dành năng lượng của mình cho đúng việc.
Còn khi thực sự hết xăng ư? Tôi sẽ là người đầu tiên xung phong động viên, giúp đỡ và thậm chí là đi nhậu cùng họ.
Cá nhân Nguyễn Hoàng Trung thì sao? 6 năm qua khởi nghiệp luôn chạy như một “buồng đốt” phải không?
Nguyễn Hoàng Trung: Không hẳn vậy. Cá nhân tôi tin rằng, chúng ta chỉ có thể thực sự cháy hết mình cho đến khi nhìn thấy rõ mục tiêu và đích đến.
Còn ở vạch xuất phát, có thời điểm tôi suy nghĩ mọi thứ khá mơ hồ. Giống như các tấm gương khởi nghiệp thành công trên thế giới, thời điểm năm 2014, tôi lập ra Lozi với mong muốn giải quyết duy nhất một vấn đề là: muốn ăn nhưng không biết ăn món gì?
Giai đoạn đó Pinterest và Instagram lên ngôi, vậy là tôi và các cộng sự làm ra một website/ứng dụng có giao diện tương tự, nhằm giải quyết bài toán tìm món ăn. Giờ đây nhìn lại, tôi nghĩ rằng đó là một lựa chọn khá ngây thơ, nhưng chúng tôi may mắn là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nên đã có những nhà đầu tư đồng ý rót vốn cho Lozi thời điểm ấy.
Điểm mạnh nhất của tôi là luôn làm đến cùng, thậm chí bạn có thể hiểu là “bỏ hết trứng vào một rổ”. Thực tế, có những người vừa làm, vừa học, vừa khởi nghiệp, còn cá nhân Nguyễn Hoàng Trung thì không lựa chọn một cuộc sống như vậy. Bởi nếu đã thực sự quyết tâm, thì tôi sẽ chỉ tập trung vào một thứ.
Thứ đó là Lozi, hay Loship? Thực tế là sau khi ra mắt Loship, Trung đã ra mắt rất nhiều các dịch vụ theo sau?
Nguyễn Hoàng Trung: Tôi nghĩ đó thực sự là một bước ngoặt. Suốt một thời gian dài, tôi và các cộng sự chưa từng nghĩ tới mô hình thương mại điện tử và giao vận như bây giờ, mà chỉ tập trung vào việc cải thiện, nâng cấp Lozi cho thật tốt.
Năm 2017, trong một lần leo núi cùng công ty, tôi đã có cơ hội “lùi lại” để nhìn nhận mọi thứ. Tôi nhận ra rằng, đúng là Lozi cần chuyển mình, mô hình của Lozi không thực sự đem lại hiệu quả như cách mà chúng tôi mong muốn. Nhưng sự chuyển mình này, bằng cách này hay cách khác, phải liên quan tới lĩnh vực tìm kiếm đồ ăn mà chúng tôi đang theo đuổi.
Phải khẳng định, Loship là tay chơi tham gia thị trường giao đồ ăn muộn hơn so với các đối thủ. Nhưng nhờ đó, chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm trong việc cạnh tranh với họ.
Kinh nghiệm đầu tiên, nếu là người đi sau, cái gì đối thủ đã làm tốt thì mình cần học hỏi và làm theo. Chính xác Trung gọi là copy - đây là điều không phải nhà sáng lập nào cũng dám thẳng thắn nhìn nhận. Vì nếu không làm vậy, rất khó để rút ngắn khoảng cách với đối thủ.
Kinh nghiệm thứ hai, đã làm gì thì phải làm cái tốt nhất. Khách hàng sẽ chọn một ứng dụng vì một lý do nhất định, nếu khách hàng chọn bạn vì nhiều lý do, chắc chắn bạn đang lạc lối.
Từ đâu Nguyễn Hoàng Trung và các cộng sự biến Loship từ một ứng dụng thuần giao đồ ăn thành nền tảng thương mại điện tử đa dịch vụ như hiện nay? Phải chăng là từ một sự “lạc lối” nào đó?
Nguyễn Hoàng Trung: Thời điểm Loship ra mắt, chưa ai trong số chúng tôi nghĩ đến một nền tảng thương mại điện tử đa dịch vụ. Thực sự là rất xa vời.
Chỉ tới khi tôi nhìn vào một anh tài xế, anh ấy vốn chỉ giao đồ ăn, nhưng anh ấy hoàn toàn có thể giao cục xà phòng, giao kí thịt sạch, hay giao một bộ đồ đã được giặt ủi. Bản chất ở đây là cùng hành động giao hàng, anh tài xế hoàn toàn có thể làm nhiều việc hơn.
Từ đó, Loship đã liên tục thử nghiệm thêm nhiều dịch vụ. Và quan trọng là tôi chưa bao giờ quan tâm các đối thủ làm gì. Tôi vẫn thường nói các cộng sự là đừng chăm chăm đọc tin trên Facebook hay mạng xã hội, vì nếu cứ nhìn vào nó, thì chúng ta sẽ mãi chỉ sống trong ánh hào quang của người khác.
Câu chuyện là tất cả các ứng dụng hiện nay đều làm việc xung quanh người tài xế, đây là điều rất dễ nhận ra. Cùng một phương thức, nhưng quan trọng là công ty của bạn đang lấy điểm gì là yếu tố cốt lõi. Đó mới là điều đáng quan tâm.
Theo Nguyễn Hoàng Trung, Loship lấy điểm gì là cốt lõi?
Nguyễn Hoàng Trung: Chắc chắn đó không phải là công nghệ. Với Trung, công nghệ chỉ là một phần của cuộc chơi này, dù nhiều công ty thích mang danh “công nghệ”. Thẳng thắn mà nói, khoảng cách về công nghệ không khó để có thể san bằng.
Ở Loship, người tài xế mới thực sự là điểm cốt lõi. Bởi không phải tôi, hay bất kì nhân viên nào của Loship sẽ tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày. Mà đó phải là người tài xế.
Bài toán đặt ra là khi mọi dịch vụ mới ra đời đều dùng khuyến mãi để chăm sóc tài xế. Vậy Loship sẽ dùng gì? Không phải là tiền, vì tiền luôn hữu hạn. Tôi cho rằng, quan trọng là Loship đem tới cho người tài xế sự thoải mái, vui vẻ, và hạnh phúc, một nơi mà họ có cảm giác thuộc về.
Tại đây, tôi với cương vị là CEO sẽ trực tiếp chăm sóc các tài xế. Vì thế mà họ đều biết tên tôi, biết tôi là ai, và có thể trò chuyện cùng tôi mỗi khi cần. Thú vị phải không?
Có thể hiểu giữa anh và các cộng sự sẽ không có khoảng cách?
Nguyễn Hoàng Trung: Đúng vậy, ở Loship sẽ không cho phép có phòng riêng, dù là ở cương vị nào. Ngay văn phòng này, chúng tôi chỉ có các phòng chức năng.
Bản thân tôi thích đọc về người nổi tiếng, nên các phòng chức năng đều có tên của những người mà tôi ngưỡng mộ. Như phòng Steve Jobs sẽ là phòng họp, có nghĩa khi bạn bước vào đây, bạn sẽ phải tranh luận đến cùng, tới khi ra vấn đề thì thôi. Tesla và Edison là hai nhà phát minh vĩ đại được đặt tên cho hai phòng thảo luận, trình bày ý tưởng ở Loship.
Một phòng khác là Rockefeller - tôi ngưỡng mộ cách vị vĩ nhân này tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người dân nước Mỹ. Nói đi rồi nói lại, cốt lõi của mỗi công ty vẫn là con người, và ở Loship không ai khác là người tài xế.
Loship không phải là công ty đầu tiên tại Việt Nam tuyên bố như vậy. Mong anh có thể làm rõ sự khác biệt ở đây?
Nguyễn Hoàng Trung: Cá nhân tôi có một niềm tin (có thể đúng, có thể sai) rằng, Loship đã và đang trở thành “nơi thuộc về” của rất nhiều tài xế. Nơi thuộc về sẽ không phải nhà, hay quán cà phê, mà là điểm đến mỗi khi cảm thấy chán chường, mệt mỏi. Ở đây, chúng tôi không coi tài xế là đối tác giao hàng, chúng tôi gọi họ là “chiến binh Loship”.
Đã là chiến binh Loship, chắc chắn sẽ được chăm sóc hết mình. Ví dụ, chúng tôi có chương trình “trạm dừng Loship” là trạm sạc điện thoại miễn phí, trạm nghỉ chân uống nước miễn phí, và cả trạm rửa xe miễn phí.
Hiện tại, chúng tôi cũng đang phát triển các chương trình hỗ trợ chiến binh Loship vay vốn. Trong những trường hợp khi con cái ốm đau, bệnh tật, hay cần tiền đóng học nhưng lại khó vay qua ngân hàng, thì chúng tôi hợp tác với các công ty tài chính, cầm cố như F88 để hỗ trợ một phần chi phí.
Một nền tảng như Loship ngoài chủ thể là người tài xế, còn bao gồm cả người dùng. Với đối tượng này, anh đang chăm sóc họ thế nào?
Nguyễn Hoàng Trung: Tôi cảm thấy may mắn khi quá khứ đã dạy cho tôi rất nhiều bài học. Trước kia khi tập trung vào Lozi, cá nhân tôi rất bảo thủ. Khi đó, vì người dùng yêu quý Lozi, nên họ đã chủ động đóng góp rất nhiều ý kiến, rằng tại sao Lozi chưa có tính năng này, hãy phát triển cái này, hoặc cải thiện cái kia. Nhưng bản thân tôi khi đó lại không để tâm quá nhiều. Tư duy của một CEO trẻ - tin rằng mình là trung tâm vũ trụ, và mọi thứ khác phải xoay quanh mình. Có nghĩa tôi luôn đúng.
Sau này khi phát triển Loship, tôi nhận ra khách hàng mới thực sự là trung tâm. Do đó, khi triển khai, áp dụng hay giải quyết bất kì vấn đề nào, tôi đặt ra nguyên tắc và không bao giờ thỏa hiệp: Luôn ám ảnh bởi khách hàng, và khách hàng luôn đúng. Nếu một công ty có được văn hóa ám ảnh bởi khách hàng, đó sẽ là công ty rất mạnh.
Mong anh giải thích rõ hơn, thế nào là văn hóa ám ảnh bởi khách hàng?
Nguyễn Hoàng Trung: Tôi sẽ lấy một câu chuyện xảy ra gần đây làm ví dụ điển hình cho văn hóa này tại Loship. Gần đây Loship có nhận được một đơn giặt ủi, mà trị giá bộ đồ lên tới 1,3 triệu đồng. Tài xế sau khi nhận đơn đã hoàn toàn biến mất. Tôi cho rằng, mọi chuyện sẽ rất dễ giải quyết nếu Loship phủi tay nói: tài xế chỉ đối tác của chúng tôi, vì họ không kí hợp đồng với chúng tôi, nên chúng tôi chỉ có thể liên hệ giúp bạn.
Tuy nhiên, khi đã có được văn hóa ám ảnh bởi khách hàng, chúng tôi hiểu, đây không phải câu chuyện để đem ra mặc cả và tranh chấp đúng sai. Vì về sau cùng, khách hàng luôn là người đúng. Chúng tôi đã hỏi khách hàng bộ đồ đó bao nhiêu tiền, và vui vẻ gửi đền bù cho họ 100% giá trị.
Mấu chốt ở đây là bạn sẽ chỉ biết được văn hóa doanh nghiệp thật sự như thế nào khi có mâu thuẫn xảy ra, nhất là những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Khách hàng sẽ nói ra điều khó nghe, nhưng công ty sẽ luôn sẵn sàng đền bù cho khách với bất kì giá nào. Điều này mới phản ánh đúng nghĩa văn hóa vì khách hàng.
Cách xử lý ở đây được Loship gọi là “Yes Policy” - mọi điều khách hàng nói luôn đúng.
Việc triển khai văn hóa khách hàng luôn đúng, theo anh là dễ hay khó?
Nguyễn Hoàng Trung: Tôi cho là sẽ dễ, nếu doanh nghiệp biết cách áp dụng văn hóa này vào công việc thực tiễn. Chẳng hạn, trên ứng dụng Loship luôn có phần người dùng đóng góp những tính năng mong muốn gửi tới đội ngũ phát triển. Chỉ cần là một đóng góp bất kì, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi sẽ phản hồi tới khách hàng ngay lập tức và đảm bảo CEO là tôi sẽ luôn theo dõi các phản hồi này.
Để làm được điều đó, Loship có một hòm mail ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp từ khách hàng. Chúng tôi đảm bảo rằng, mọi email đều được trả lời trong 30 phút. Cá nhân tôi sẽ kiểm tra hòm mail này bất chợt, và số email chưa đọc phải luôn bằng 0 - có nghĩa là mọi phản hồi phải được tiếp nhận hoặc đã xử lí hết.
Đích đến của văn hóa này là thúc đẩy Loship làm được nhiều thứ hơn cho khách hàng, vượt qua phạm trù về con người, hay công nghệ. Bởi khi tôn thờ điều gì đó là đúng, thì chúng ta sẽ vượt qua những giới hạn thông thường mà các công ty đều gặp.
Như anh chia sẻ, thông qua văn hóa khách hàng luôn đúng, Loship đã làm được “nhiều thứ hơn”. Vậy cụ thể là làm gì, thưa anh?
Nguyễn Hoàng Trung: Đầu tiên là tôi đang điều hành một công ty quy mô 150 người. Do đó, tôi sẽ không thể có đủ thời gian để giao tiếp với người thứ 49, 67 hay 113... Điều này là quá khó. Nếu không thể giao tiếp, tôi sẽ càng khó để chỉ cho họ thế nào là chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, để một công ty phát triển, sẽ liên tục cần những thay đổi nhỏ, chứ không phải là một thay đổi lớn cho tất cả, rồi sau đó chúng ta sẽ không biết tiếp theo làm gì.
Văn hóa khách hàng luôn đúng giúp Loship liên tục lắng nghe và thay đổi. Theo một cách nào đó, phản hồi từ khách hàng sẽ được rải đều cho các nhóm nhân sự. Từ đây, từng nhóm cho tới từng cá nhân sẽ buộc phải thay đổi.
Thực tế là không doanh nghiệp nào có thể ngồi tự nghĩ ra việc để thay đổi. Mà nó phải xuất phát từ khách hàng. Đó mới thực sự là nhu cầu cần giải quyết. Bởi khi liên tục thay đổi, cải thiện, thì sản phẩm, dịch vụ sẽ dần được hoàn thiện hơn.
Cá nhân tôi luôn tâm niệm, mọi thứ vĩ đại đều xuất phát từ những điều nhỏ bé. Khi doanh nghiệp học cách lắng nghe những điều nhỏ bé, sự sáng tạo sẽ được sinh ra. Sự sáng tạo của CEO hay bất kì nhân sự nào cũng sẽ là hữu hạn, trong khi sự sáng tạo xuất phát từ nhu cầu của khách hàng là vô hạn. Nhờ tận dụng điều đó, Loship sẽ luôn được làm mới mình.
Với cương vị là một Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, anh có cho rằng chăm sóc khách hàng cũng là một phương pháp để cạnh tranh trên thị trường?
Nguyễn Hoàng Trung: Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Bởi bản chất của sự cạnh tranh không phải là giảm giá, hay khuyến mãi. Mà là cách bạn chăm sóc và giữ chân khách hàng thế nào.
Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng để có thể cạnh tranh thì cần nhiều tiền để “đốt”. Tôi tin chắc tiền là một yếu tố hữu hạn. Với quy mô thị trường hiện nay, rất khó để một công ty Việt Nam “đốt” được tiền. Do đó, nếu chấp nhận thực trạng chúng ta là một startup, càng không có nhiều tiền để đốt, thì chúng ta sẽ biết mình phải làm điều gì, tập trung vào đâu để giành chiến thắng. Lời khuyên của tôi gửi tới các startup trẻ là đừng nên mạo hiểm những gì mình chưa biết.
Nếu không “đốt tiền”, anh có cho rằng Loship sẽ chạm được tới vạch đích?
Nguyễn Hoàng Trung: Tôi có niềm tin, tiền sẽ không phải yếu tố quyết định bạn sẽ chạm được tới vạch đích hay không. Bởi mỗi người, mỗi doanh nghiệp sẽ có những xuất phát điểm khác nhau. Quan trọng là đúng người, đúng phương pháp và đúng thời điểm.
Vạch đích mà tôi đặt ra cho Loship là trở thành công ty giao đồ ăn số một Việt Nam. Xa hơn, Loship sẽ là một công ty Kỳ Lân. Thực tế là trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang thiếu các Kỳ Lân như vậy. Đất nước chúng ta có quá nhiều nhân tài, nhưng lại đang thiếu đi những nguồn cảm hứng.
Cá nhân tôi không cần những cuốn sách dạy làm giàu, nhưng lại cần những câu chuyện truyền cảm hứng. Gần đây, tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà sáng lập ByteDance - chủ sở hữu TikTok, đó là không thành lập công ty để ông lớn Tencent mua lại, mà ByteDance được lập ra để trở thành công ty lớn hơn cả Tencent.
Như đã nói, tôi là một kẻ độc tài, nên sẽ không muốn đứng dưới người khác. Tham vọng của tôi dành cho Loship là trở thành một công ty vĩ đại ở Việt Nam. Hiện tôi rất tự hào về đội ngũ của mình, cái duy nhất chúng tôi cần là thời gian để chứng minh. Và tin chắc rằng, trong dòng chảy kinh tế Việt Nam nhiều năm sau nữa, sẽ luôn có một chỗ đứng dành cho Loship.
Xin chân thành cảm ơn anh!
The Founders' Journey - Hành trình khởi nghiệp
12/08/2020
Việt Hưng