Gần đây, trên các diễn đàn quan trọng trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh “nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tôi nghĩ, có lẽ đây là tuyên ngôn hành động của người đứng đầu đất nước.
Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao (350km/giờ) trên trục Bắc - Nam.
Nếu đại dự án có quy mô gần 70 tỷ USD này có thể hoàn thành như dự kiến (năm 2035) và hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, thì lại khiến tôi có cảm giác đây sẽ là một “biểu tượng” cho “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc.
Khi nhà lãnh đạo quốc gia nuôi dưỡng khát vọng vươn mình, ngọn lửa ấy chắc chắn sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Doanh khí từ đó được tiếp sức bởi quốc khí và từ đó dân trívà doanh trí cũng sẽ được nâng tầm.
Một quốc gia có tầm nhìn xa sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp cũng vươn xa. Ngược lại, doanh nghiệp khó có thể chinh phục thị trường toàn cầu nếu quốc gia thiếu chí hướng và khát vọng vươn mình.
Trong bối cảnh đó, dân tộc Việt Nam và nền kinh thương Việt Nam cũng cần có một nền văn hóa kinh thương mới, tương xứng với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phú cường và văn minh khiến thế giới nể trọng. Nền năn hóa kinh thương này đóng vai trò nền tảng, tác động mạnh mẽ đến văn hóa riêng của từng doanh nhân và doanh nghiệp.
Văn hóa kinh thương 2045 sẽ được cấu thành bởi một thế hệ doanh nhân mới và một nền quản trị mới - nền quản trị mang trong mình khát vọng dân tộc và chuẩn mực toàn cầu, tinh thần Việt Nam và tinh hoa thế giới.
Kiến tạo văn hóa kinh thương
Nếu như ngày xưa, thương nhân bị coi là tầng lớp hạ đẳng thì đến đầu thế kỷ 20, vai trò của phát triển doanh thương đối với sự phú cường của quốc gia đã bắt đầu được các nhà nho yêu nước và trí thức Tây học nhìn nhận. Họ đã nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội về giới kinh thương và làm cho xã hội thấy rằng, thương nhân hay doanh nhân là một nghề rất quan trọng và nếu làm ăn đàng hoàng thì vẫn là một nghề rất cao quý.
Một thế hệ doanh nhân tiền 1.0 đã xuất hiện và đặt nền móng cho nền kinh thương Việt Nam với những cái tên nổi bật như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Lương Văn Bền. Các nhà tư bản dân tộc đã khẳng định “văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt”.
Sau một quãng thời gian “trầm” của nền kinh thương nước nhà sau năm 1945, đến năm 1990 với sự ra đời của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, một thế hệ doanh nhân 2.0 xuất hiện mà không ít trong số đó đã phát triển thành các tập đoàn lớn mạnh sau này.
Đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1999 như một cuộc cách mạng trong lịch sử kinh thương Việt Nam khi lần đầu tiên luật hóa và hợp thức hóa tư tưởng cốt lõi về quyền tự do kinh doanh của người dân, thế hệ doanh nhân 3.0 ra đời, tạo tiền đề cho sự bùng nổ về số lượng và quy mô doanh nghiệp.
Chỉ từ khoảng 30 nghìn doanh nghiệp thời điểm đó, đến nay, Việt Nam đã có gần 1 triệu doanh nghiệp. Hình ảnh người doanh nhân đã trưởng thành hơn và đẹp hơn trong mắt xã hội. Không chỉ kinh doanh để kiếm tiền, họ còn nghĩ rộng và xa hơn thế với tâm niệm “kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình”.
Ngày nay, doanh nhân đã trở thành một nghề “thời thượng”. Hình ảnh doanh nhân được tôn vinh và có hẳn một ngày doanh nhân (ngày 13/10) kể từ năm 2004 theo quyết định được ký bởi Thủ tướng Phan Văn Khải. Tư tưởng kinh doanh phụng sự làm nên các doanh nhân đúng nghĩa.
Sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, hướng đến Việt Nam 2045, thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam sẽ cùng nhau kiến tạo nền kinh thương mới. Thế hệ doanh nhân mới này không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc, một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình.
Con người “Tam tính” & “Tam doanh”
Như tôi đã đề cập trong cuốn sách “Quản trị bằng văn hóa”, doanh nhân bao gồm hai cấu phần là “doanh” và “nhân”. Phần “doanh” chính là năng lực kinh doanh với “Tam doanh”: Doanh khí, Doanh đức và Doanh tài. Phần “nhân” chính là năng lực văn hóa với “Tam tính”: Nhân tính, Quốc tính và Cá tính.
Nhân tính là khả năng tự nhận thức về chính mình và thế giới mình đang sống; là cảm thức về nhân quyền, nhân bản, nhân văn; là sự thấm sâu những giá trị có tính phổ quát và trường tồn, những giá trị được nhân loại tiến bộ cùng chia sẻ như “tự do, bình đẳng, bác ái” hay “chân, thiện, mỹ”.
Để hình thành nhân tính, con người cần ba thứ. Một là cái đầu sáng để biết mình là ai; có khả năng minh định đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà. Hai là trái tim nóng để biết rung cảm trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, phẫn nộ trước cái ác, đầy yêu thương và lòng trắc ẩn. Ba là bụng rộng để có thể bao dung và vị tha.
Quốc tính được cấu thành bởi trách nhiệm công dân và hồn cốt dân tộc. Đó là cảm thức về gốc gác, cội nguồn quê hương bản quán; là nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc; là cái neo văn hóa của người Việt trong chốn năm châu. Quốc tính cần được sàng lọc bởi nhân tính.
Đáng chú ý, quốc tính trong giáo dục cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng nhân tính để tạo mỹ tục thay vì hủ tục. Một quốc tính cho dù ăn sâu bén rễ lâu và sâu đến đâu nhưng đi ngược lại với nhân tính thì sẽ không bao giờ là điều đáng để giữ gìn.
Cá tính là con người độc lập, tự do; là đạo sống, giá trị sống, cách sống và thái độ sống; là phẩm giá, đức tin và tính cách của riêng mình; là chân ga giúp người doanh nhân chinh phục đèo cao và là chân thắng giúp ngăn mình khỏi vực sâu cuộc đời. Cá tính giúp phân biệt mình với người khác. Cá tính cũng cần được xây dựng trên nền tảng của nhân tính để không trở thành “quái tính” và được vun bồi bởi quốc tính.
“Tam doanh” bắt đầu từ doanh khí – lý tưởng và sự can trường của doanh nhân và giới doanh nhân. Làm gì cũng phải có chí khí, có khát vọng vượt lên chính mình và làm điều có ý nghĩa, đặc biệt là trong lĩnh vực đầy thách thức như kinh doanh.
Khi đồng hành cùng “khát vọng 2045”, cái chí của doanh nhân cần nằm ở việc kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Khi ấy, người doanh nhân và đội ngũ sẽ có đức tin, lý tưởng, sự dấn thân cho những mục đích cao đẹp và sức mạnh to lớn để vượt qua mọi gian nan, thử thách. Doanh khí ngút trời của giới doanh nhân được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi quốc khí hào hùng của quốc gia, và cũng đồng thời là nhân tố góp phần kiến tạo nên quốc khí.
Cần lưu ý, doanh khí mạnh mẽ mà thiếu doanh đức sẽ rất nguy hại cho bản thân, cộng đồng và xã hội bởi nó là gốc rễ của văn hóa một nền kinh thương. Đức là đạo đức của người doanh nhân. Nếu động cơ, mục đích và cách thức làm kinh doanh của một người đều tốt lành, nhân bản và nghĩ đến lợi ích cho tất cả các bên thì đó chính là doanh đức của người doanh nhân và giới doanh nhân.
Bên cạnh việc cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần “hàng Việt Nam chất lượng cao”, các doanh nhân cần đặc biệt giương cao ngọn cờ “hàng Việt đáng tin” mọi lúc mọi nơi thông qua việc tạo các sản phẩm dịch vụ đúng với những gì đã nói, dù có chất lượng cao hay chưa cao. Có như vậy, doanh nghiệp mới tạo được lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin ở quy mô toàn cầu.
Khi đã có doanh khí và doanh đức, người doanh nhân cần nỗ lực trang bị doanh tài, bao gồm tài năng kinh doanh và năng lực lãnh đạo. Tài năng kinh doanh sẽ giúp đưa ra chiến lược đột phá cho doanh nghiệp, bắt đầu từ việc thấu hiểu các vấn đề của xã hội, đưa ra giải pháp và đóng gói thành sản phẩm, dịch vụ.
Cách tốt nhất để nâng cao năng lực lãnh đạo là nâng cao năng lực để làm tốt những công việc mà nhà lãnh đạo phải làm mà cụ thể là hoạch định chiến lược (tìm đường) và kiến tạo đội ngũ (dụng nhân) để hiện thực hóa chiến lược đó. Để đưa ra một chiến lược đúng đắn, nhà lãnh đạo nhất thiết phải có tầm nhìn xa về tương lai cho bản thân và doanh nghiệp.
Một nhà lãnh đạo tầm vóc mà các doanh nhân đang hướng đến là người không chỉ có tài năng và nhân cách mà còn có khát vọng lớn lao, sứ mệnh cao cả, chiến lược khả thi, đội ngũ tài năng và giá trị bền vững. Họ là những người có cống hiến lớn, có tầm nhìn vượt thời và có di sản tốt lành để lại cho nhiều đời sau. Họ cũng là những người nhìn thấu cuộc đời và biết dẫn dắt mọi người đi tới tầm nhìn tốt lành.
Còn với việc dụng nhân, như tôi đã từng bàn trong cuốn sách “Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”, công việc của nhà lãnh đạo đích thực không phải trở thành người hùng mà là tạo ra người hùng, không phải duy trì đám đông mà là kiến tạo đội ngũ để cùng nhau đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung.
Một doanh nhân từng nói vui rằng lãnh đạo là con đường lạnh lẽo, nhưng tôi cho rằng, với một nhà lãnh đạo chân chính thì dẫu có những khoảnh khắc cô đơn khó tránh khỏi, đó vẫn là con đường ấm áp vì luôn có những người đi cùng. Người tài phù hợp có thể dễ dàng rời bỏ một ông sếp, một nhà cai trị nhưng khó mà rời bỏ một nhà lãnh đạo.
Khát vọng “Thực học vì Doanh trí”
Để chuyển sang một văn hóa kinh thương mới, trước hết, nền kinh thương Việt Nam cần suy ngẫm về 10 điểm hạn chế của những người làm kinh doanh Việt Nam mà cụ Lương Văn Can đã nêu lên gần một thế kỷ trước có còn đúng với doanh nhân, doanh nghiệp thời nay hay không để tìm đường “chữa bệnh”.
Các căn bệnh này bao gồm: không có thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học; không biết tiết kiệm; kém đường giao tiếp và khinh nội hóa.
Đồng thời, chúng ta cần xem liệu có căn bệnh mới nào xuất hiện hay không. Ta cần tìm hiểu thế giới đang nghĩ gì về đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; và trong tương lai ta muốn họ nghĩ như thế nào. Quan trọng hơn cả, ta cần trả lời được câu hỏi “Việt Nam nói chung và giới doanh nhân Việt Nam nói riêng mong muốn một văn hóa kinh thương như thế nào, thế hệ doanh nhân mới ra sao, nền quản trị mới như thế nào.
Để tạo ra một thế hệ doanh nhân mới với tam tính và tam doanh cũng như một nền quản trị mới, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao doanh trí của từng cá nhân doanh nhân và của cả nền kinh thương thông qua thực học. Khi doanh nhân phát triển doanh trí của mình với đủ tam tính và tam doanh thì sẽ có được năng lực lãnh đạo, tài năng kinh doanh, chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc.
So với trước đây, Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về doanh trí và doanh khí. Nếu trước đây, người Việt hiếm khi giữ vai trò CEO trong các tập đoàn đa quốc gia, thì nay điều này đã thay đổi, với nhiều người Việt nắm giữ vị trí cao trong các tập đoàn toàn cầu. Nếu như ngày xưa các doanh nghiệp được lập ra thì chỉ dừng ở một mục đích duy nhất là ‘kiếm cơm’ thì sau này càng phát triển, họ càng trăn trở về những đóng góp cho xã hội, cho đất nước, thậm chí cho thế giới.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cũng cần mang trong mình tinh thần kiến tạo và lòng tự tôn dân tộc. Việc hiểu rõ bản sắc văn hóa kinh thương mà chính bản thân mỗi doanh nhân cũng đang góp phần kiến tạo để áp dụng vào chiến lược kinh doanh với tư duy kiến tạo sẽ giúp doanh nhân kết hợp hài hòa giữa việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, để từ đó tìm được điểm cân bằng giữa văn hóa và kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cơn bão công nghệ.
Bài: TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE
Ảnh: Hoàng Anh, Trần Tâm
Xuất bản: 13/10/2024
Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817