Các doanh nghiệp đã trải qua năm 2023 nhiều khó khăn và dự báo sẽ kéo dài qua năm 2024. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thế giới đang gặp bất ổn về chính trị nên thị trường xuất khẩu có nhiều trở ngại. Thị trường trong nước hiện nay cầu tương đối yếu, nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp xuất khẩu vẫn trong tình trạng duy trì hoạt động, chưa tăng sản xuất. Trong bối cảnh thị trường trong nước và xuất khẩu khó khăn như vậy đòi hỏi doanh nghiệp cần cơ cấu lại, cắt giảm chi phí. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung tìm thị trường mới như Ấn Độ thay vì chỉ tập trung vào Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Đông Bắc Á.
Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần có chiến lược giải phóng được nguồn lực đất đai, trong đó quan trọng nhất là xác định được nhanh giá đất, có giải pháp kéo giá đất xuống để giải phóng nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để kích cầu nội địa, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… thì cứu cánh rất quan trọng hiện nay là đầu tư công. Khi kích hoạt đầu tư công sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đấu thầu, triển khai dự án đồng thời kéo theo sự phục hồi của những ngành, nghề liên quan.
Chủ các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc chuyển đổi xanh bởi vì đây là xu hướng tất yếu. Khi thị trường khó khăn như hiện nay, những tiêu chuẩn xanh trở thành hàng rào kỹ thuật được các nước thiết lập, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng. Đa số doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ nên họ có nhu cầu chọn những giải pháp phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ, nhân lực để vận hành được. Nhà nước cần sớm hình thành sàn giao dịch chứng chỉ carbon để những doanh nghiệp có nhu cầu có nơi để giao dịch và chứng chỉ này được thị trường nhập khẩu chấp nhận.