Con đường nào đã đưa ông trở thành lãnh đạo khu vực ASEAN của một công ty kiến trúc quốc tế như Baumschlager Eberle Architekten?
KTS. Cung Thành Đạt: Nhìn lại quãng thời gian dài tới 16 năm gắn bó với Baumschlager Eberle Architekten, không thể phủ nhận rằng đó là một cơ duyên gặp gỡ kỳ lạ.
Tôi may mắn được theo học và làm việc với Chủ tịch Baumschlager Eberle Architekten (BEA), Giáo sư Dietmar Eberle, từ những ngày đầu tiên mới bước chân vào nghề. Khi đó, tôi mới chỉ là một chàng trai hơn 20 tuổi “chân ướt chân ráo” đến Thụy Sỹ học và bất ngờ được chọn vào công ty học việc.
Nhớ lại những ngày tháng ban đầu đầy khó khăn, có lẽ thứ tôi có nhiều nhất trong hành trang của mình sang Thụy Sỹ là tình yêu, sự đam mê mãnh liệt với nghề kiến trúc và khát khao cháy bỏng được khẳng định mình.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm trợ lý. Khi có chứng chỉ kiến trúc sư, tôi được bổ nhiệm lên dần các vị trí quản lý, giám đốc văn phòng và hiện nay là tổng giám đốc khu vực.
Trong văn phòng kiến trúc, cách mà nó vận hành cũng như cơ cấu quản lý của xã hội. Muốn trở thành quản lý, người nhân viên phải trải qua hết các vị trí, cấp bậc từ thấp đến cao. Đi cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ và hiệu quả công việc tốt, được tập đoàn đánh giá, công nhận.
Ở Baumschlager Eberle, những ngày làm việc hai mươi mấy tiếng đồng hồ đối với tôi là hết sức bình thường. Trong văn phòng làm việc có cả phòng ngủ, phòng vệ sinh, chỉ cần mở cửa sổ là thấy nhà mình cách một vài con phố, nhưng thậm chí là không muốn về nhà.
Có lẽ, bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi khi tôi lúc đó chỉ có mỗi… 60 kg (cười)!
Có những thời gian tôi và đồng nghiệp làm việc hơn 20 tiếng mỗi ngày, không ai yêu cầu cả nhưng tình yêu quá lớn với kiến trúc tôi tự nguyện. Tôi làm tất cả mọi việc với một sự đam mê mạnh mẽ và nhiệt thành nhất.
Ngoài tình yêu với kiến trúc, điều gì đã thôi thúc ông kiên trì và bền bỉ như vậy?
KTS. Cung Thành Đạt: Ở thời điểm đó, tôi ý thức được rằng mình không được phép bỏ lỡ cơ hội!
Các kiến trúc sư của Baumschlager Eberle Architekten, đặc biệt là những kiến trúc sư bản địa người Thụy Sĩ có lòng tự kiêu rất lớn. Khi bị phật ý, họ sẵn sàng nghỉ việc. Nhưng tôi thì khác!
Tôi luôn hình dung rằng cánh cửa đằng sau mình lúc nào cũng có một hàng dài người xếp hàng chờ mình kiệt sức, chán nản để vào thay thế.
Bên cạnh đó, tôi được làm việc với kiến trúc sư hàng đầu thế giới, vừa là thầy của tôi ở trường đại học, vừa là chủ tịch của doanh nghiệp. Tôi vừa được học về kiến thức ở trường, vừa được thực hành ở công ty. Đó là cơ hội quá tuyệt vời mà không dễ gì có được. Chính vì vậy mà tôi rất trân trọng.
Cũng như tính cách chung của người châu Á, tôi luôn có “sức chịu đựng kinh khủng”, động lực to lớn và niềm tin sắt đá, vượt qua mọi khó khăn. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ nhiều đến việc mình có thể thăng tiến trong công ty mà chỉ đơn giản là tôi đam mê nghề này và thấy có cơ hội là tôi tập trung vào mục đích đi học.
Nhưng từ thực tập sinh, đến người làm thuê, công ty thấy tôi làm tốt, họ trao cơ hội cho tôi được thử sức mình ở cương vị quản lý. Rồi làm tốt nữa, doanh thu tăng, công ty mời tôi làm giám đốc tại Việt Nam và sau đó là tổng giám đốc khu vực.
Hầu như tại tất cả mọi văn phòng khu vực của các công ty đa quốc gia, giám đốc và tổng giám đốc sẽ đều là người nước ngoài. Gần như trong cả tập đoàn chỉ có mình tôi là người bản địa làm tổng giám đốc khu vực.
Khẳng định được bản thân trong công ty nước ngoài đã khó, ông còn là một kiến trúc sư giữ cương vị tổng giám đốc khu vực của một công ty kiến trúc nổi tiếng toàn cầu, có lẽ những khó khăn, thách thức mà ông đã trải qua là không nhỏ?
KTS. Cung Thành Đạt: Trước hết có lẽ là sức nặng, danh tiếng của tập đoàn quá lớn. Nhiều năm liền, Baumschlager Eberle Architekten đạt top 3 châu Âu và top 12 thế giới. Là người đại diện của BEA tại Việt Nam tôi cũng mang theo thách thức làm sao dẫn dắt công ty trở thành công ty kiến trúc thuộc top đầu của Việt Nam.
Điều này không hề dễ dàng vì tại thị trường Việt Nam, một số công ty kiến trúc đa quốc gia họ đã vào từ khá sớm và cũng có thương hiệu, kinh nghiệm. Tuy nhiên với sự bền trí trong vòng 10 năm có mặt tại Việt Nam BEA đã đạt 7 năm liên tiếp TOP TEN Architect do BCI trao tặng.
Thứ hai, tôi là kiến trúc sư, tôi không được đào tạo để trở thành CEO. Thách thức lớn nhất của các kiến trúc sư làm CEO là tự coi mình là nghệ sĩ, tự cho mình quyền vận hành văn phòng theo ý muốn chủ quan. Các kiến trúc sư làm CEO đôi khi hay bị cảm xúc chi phối, “vì tôi thích dự án này nên tôi dành nhiều thời gian cho nó”.
Điều này dẫn đến hiệu quả tổng thể của công việc không được đảm bảo. Trong khi đó, cần phải hiểu rằng, thực chất, công ty kiến trúc cũng là công ty sản xuất. Chúng tôi sản xuất ra bản vẽ. Vì vậy, văn phòng kiến trúc phải áp dụng quy trình sản xuất chặt chẽ thì mới tồn tại bền vững được.
Hiểu được điều này, với tôi, việc luôn trau dồi thêm kiến thức để trở thành một CEO tốt là điều tối quan trọng. Tất nhiên, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía tập đoàn với các khoá học, đào tạo cho CEO về quản lý.
Còn những khác biệt về văn hoá thì sao? Làm việc trong môi trường quốc tế khi còn rất trẻ, lúc đầu chắc hẳn ông đã gặp phải không ít áp lực?
KTS. Cung Thành Đạt: Đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi là người châu Á, người Việt Nam, sự khác biệt về văn hoá so với những nước phương Tây là rất lớn.
Ở Baumschlager Eberle có tới 40 quốc tịch, ở cương vị người quản lý, tôi lại càng rơi vào thế khó hơn khi “một ông châu Á lại là sếp các ông Tây”, họ đều có tuổi đời, tuổi nghề và kinh nghiệm nhiều hơn mình. Để những những người đó họ tôn trọng và công nhận mình là không hề đơn giản, cần thời gian làm việc để mọi người thực sự hiểu nhau.
Rất may mắn là chủ tịch tập đoàn là người có tầm nhìn. Tôi đã được trao cơ hội để thử sức và thể hiện năng lực của mình.
Ông đã nói rất nhiều đến từ “may mắn”, nhưng chắc chắn là không chỉ có vậy! Bằng cách nào ông đã vượt qua được tất cả những khó khăn, thử thách đó?
KTS. Cung Thành Đạt: Cho đến tận bây giờ, những kiến trúc sư trong tập đoàn vẫn nhớ như in câu chuyện từ những ngày đầu khi tôi còn làm trợ lý cho Chủ tịch – Giáo sư Dietmar Eberle. Hôm đó, tất cả mọi người đều nói chuyện về một nhân vật nổi tiếng nhưng tôi lại không hề biết là ai. Cảm giác lúc đó thực sự không nói lên lời khi thấy lỗ hổng kiến thức của mình còn rất lớn.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, tôi đã bằng mọi cách để biết được thông tin về nhân vật này. Tôi lục tung cả thư viện tìm tài liệu để nghiên cứu ngay lập tức. Từ đó, người ta đã gọi tôi là "Mr. Fast" và biệt danh đó đã đi theo tôi đến tận bây giờ.
Khi thành lập văn phòng công ty kiến trúc tại Việt Nam, công ty mẹ ở Thuỵ Sĩ đã vạch ra kế hoạch đầu tư dài hạn. Chúng tôi có 7 năm để hoàn thiện tất cả mọi thứ trước khi phải tự chủ về tài chính. Thế nhưng, chỉ sau 3 năm, văn phòng của tôi đã có thể tự sống bằng năng lực và nguồn khách hàng riêng. Lại một lần nữa, chúng tôi đã tìm cách tồn tại rất nhanh.
Với tinh thần không ngừng học hỏi, mọi thách thức đều biến thành cơ hội.Vấn đề là chúng ta có thực sự đam mê và đủ nhiệt huyết để quyết tâm làm và làm cho bằng được hay không!
Baumschlager Eberle Architekten thiết kế rất nhiều các hạng mục đa dạng và quy mô lớn như Sân bay thủ đô Viene, trụ sở WHO,… nhưng tại thị trường Việt BEA lại được biết đến là một đơn vị thiết kế hàng đầu về bất động sản nghỉ dưỡng sang trọng. Ông có thể chia sẻ về điều này?
KTS. Cung Thành Đạt: Không phải ở Việt Nam BEA mới được biết đến là một trong những đơn vị hàng đầu về thiết kế bất động sản nghỉ dưỡng mà với kinh nghiệm hơn 50 năm, và 18 Văn phòng trên thế giới chúng tôi đã thiết kế thành công nhiều công trình bất động sản nghỉ dưỡng như Khách sạn Sangri-La – Thủ đô Vienna, Khách sạn Cube Savignin – Davos Thụy Sĩ, Khách sạn Loipersdorf, Martinspark tại Áo.
Còn tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang thực hiện nhiêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp cho các tập đoàn hàng đầu Việt Nam với những thương hiệu quốc tế tiêu biểu như Movenpick Waverly Resort Phú Quốc, The Coastal Hill Quy Nhơn, Pullman Quảng Bình, Dusit Tư Hoa Palace, Eastin Hotel& Residences Hanoi, Novotel Suit Quy Nhơn, Pullman Quy Nhơn, Movenpick Hạ Long, La Queenara Hội An, Crystal Holidays Marina Phú Yên, OceanGate Nha Trang…
Ngoài lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, với sự đa dạng của thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn sát cánh cùng chủ đầu tư nghiên cứu dự đoán đưa ra những mô hình thiết kế dự án của tương lai theo tiêu chí kinh doanh bền vững kiến tạo cộng đồng.
BEA là đơn vị thiết kế đầu tiên trên thế giới phát minh ra thiết kế và cách xây dựng các tòa nhà mang tên 22 26 No heating No cooling không cần năng lượng sưởi cũng như làm mát tòa nhà.
Các nước vùng nói tiếng Đức như Áo, Thụy Sĩ, Đức chính phủ phát triển hàng loạt các công trình trên và coi đây là tương lai của các tòa nhà Châu Âu để đảm bảo an ninh năng lượng của khối Cộng đồng chung Châu Âu.
Chúng tôi cũng xây dựng những tòa nhà theo hướng "Open Building': Tòa nhà mở chỉ bao gồm lõi và kết cấu sàn, phù hơp với nhiều công năng.
Là người bản địa làm tổng giám đốc khu vực của một tập đoàn kiến trúc đa quốc gia, ông có ấp ủ điều gì của riêng mình cho kiến trúc Việt Nam?
KTS. Cung Thành Đạt: Tôi là người Việt và tôi yêu, hiểu văn hoá người Việt. Chính vì thế, tôi muốn đưa vào các thiết kế bản địa câu chuyện về hồn Việt trong đó.
Đơn cử như tại dự án Eastin Hotel & Residences Hanoi nằm tại phố Duy Tân, nơi có làng Vòng nổi tiếng lâu đời về sản phẩm cốm của Hà Nội. Các kiến trúc sư đã lấy cảm hứng từ các làng nghề truyền thống của Hà Nội như khảm đồng, mĩ nghệ, gốm, dát vàng…. để tạo nên câu chuyện về nội thất cho dự án Eastin.
Trải nghiệm của khách hàng là “key” trong thiết kế của chúng tôi. Khách du lịch đến với khách sạn có thể cảm nhận được nét tinh tế và lịch sử lâu đời của các làng nghề Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Đó là những bức bình phong, hoa văn….mô phỏng quy trình làm cốm của làng Vòng. Ở tiền sảnh là những chi tiết chạm trổ về làng đồng Ngũ Xã trên cửa chính của khách sạn. Khu backdrop và thang lên được các nghệ nhân sơn son thếp vàng được làm bằng tay với ngàn hàng giờ làm việc. Đèn được các thợ thuỷ tinh chế tác riêng cho dự án. Bảng chỉ dẫn và các đồ trang trí của dự án được các nghệ nhân làng sơn mài Hạ Thái, tạo ra các sản phẩm đầy tính nghệ thuật và địa phương của dự án.
Nội thất khách sạn như một câu chuyện kể, quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài nước hiểu hơn về một Hà nội tinh hoa, tinh xảo, thổi hồn lịch sử vào từng sản phẩm dưới bàn tay của các nghệ nhân.
Ở bất cứ một công trình thiết kế nào, phong cách kiến trúc có thể hiện đại, phù hợp với thương hiệu nhưng phải kế thừa được tính bản địa. Điều này không chỉ giúp lưu giữ lại các nét đẹp trong văn hoá, kiến trúc Việt Nam mà còn đem lại lợi ích thấy rõ cho chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án và khách hàng.
Yếu tố bản địa nếu làm tốt chính là giúp dự án cao cấp thêm, trong khi hồn cốt trong văn hoá Việt vẫn được giữ trọn. Đó chính là lý do khiến tôi luôn tâm huyết với việc lưu giữ nét đẹp trong kiến trúc Việt, cái “hồn Việt” trong mỗi dự án thiết kế của mình.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
Thực hiện: Phương Linh
Thiết kế: BE