Đối với chị Nguyễn Thu Hồng, CEO Công ty Thực phẩm Cam Ranh (Carafoods), kinh tế tuần hoàn là một mô hình thịnh vượng, đem lại sự hạnh phúc, đủ đầy từ sâu thẳm bên trong mỗi con người.
Mô hình kinh tế tuần hoàn thường được công chúng hình dung qua các giải pháp sản xuất, kinh doanh tiết kiệm tài nguyên và hạn chế chất thải ra môi trường.
Tuy nhiên, đối với chị Nguyễn Thu Hồng, CEO Công ty Thực phẩm Cam Ranh (Carafoods), một đơn vị triển khai thành công giải pháp kinh tế tuần hoàn, những yếu tố kể trên chỉ là điều kiện cần.
Còn điều kiện đủ, theo chị Hồng, là tạo ra một vòng tuần hoàn an yên trong mỗi con người ở doanh nghiệp. Tức là, những nhân sự làm trong một doanh nghiệp thực hành kinh tế tuần hoàn cần giữ được một sức khỏe tròn đầy, một cái tâm bình an và một tinh thần phụng sự cho thiên nhiên, cho cộng đồng.
Làm được điều đó, mô hình kinh tế tuần hoàn không kiếm ra tiền mà sẽ “hấp dẫn được dòng tiền bình an”, như lời kể của chị Hồng, qua câu chuyện với TheLEADER.
Carafoods từng là câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thế hệ trẻ khi chị quyết tâm quay về Việt Nam sau chuyến du học Nhật Bản để sản xuất chả cá sạch, áp dụng công nghệ cao. Hiện tại, sau gần chục năm, mô hình kinh doanh và sản phẩm của Carafoods có gì thay đổi?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Trước đây, chúng tôi thành công trong việc sản xuất chả cá sạch bằng công nghệ Nhật Bản, vừa bán được giá cao, vừa giải quyết đầu ra cho nông sản của bà con. Đầu ra ở đây không chỉ là cá mà còn nhiều loại khác, ví dụ như trái thanh long cũng được Carafoods nghiên cứu kết hợp thành công với chả cá.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến tác động nặng nề lên chuỗi tiêu thụ nông sản. Lúc đó, lượng cá tươi đầu vào không đủ để đáp ứng quy mô nhà máy nên chúng tôi bắt buộc phải chuyển đổi mô hình.
Mô hình mới của Carafoods, vẫn dựa trên nền tảng cũ là biến những thứ thông thường trở thành sản phẩm tốt, có giá trị cao và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Giống như cái tên “cara”, phát âm gần giống carat là đơn vị đo khối lượng của kim cương, đá quý, tôi muốn tạo ra kim cương đá quý từ cục than thông thường.
Carafoods chuyển hướng sang sản xuất enzyme từ trái cây. Enzyme là một loại men protein có lợi cho sức khỏe, giúp ích cho tiêu hóa và hỗ trợ thải độc ra khỏi cơ thể. Enzyme có mặt ở nhiều loại thực phẩm tươi sống nhưng thường khó giữ lại được sau quá trình chế biến.
Trái cây đầu tiên được Carafoods nghiên cứu sản xuất enzyme là xoài, một giống trái ngon của Việt Nam. Bà con trồng xoài phải đối diện với rủi ro vì xoài rất nhanh chín, nếu khâu tiêu thụ tắc, không bán nhanh thì chỉ có nước vứt đi. Đúng đợt đại dịch, xoài khó bán, nông dân kêu giải cứu, chúng tôi ứng dụng luôn.
Tiếp đó là một số loại enzyme khác như thanh long, dứa, enzyme từ thảo dược… Mặt khác, Carafoods cũng nghiên cứu một số sản phẩm để tận dụng tối đa những phần của trái cây, bao gồm vỏ, hạt, bã chứ không bỏ đi cái nào cả. Những phần đó được Carafoods dùng làm mứt, xốt chấm hải sản, nước ngâm rau củ, dung dịch tẩy rửa hữu cơ…
Tận dụng tối đa các phần của trái cây để sản xuất ra nhiều sản phẩm có ích là cách Carafoods ứng dụng kinh tế tuần hoàn?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Bên cạnh việc tận dụng mọi phần của trái cây, chúng tôi còn áp dụng nhiều giải pháp giảm phát thải và tiết kiệm tài nguyên khác. Ví dụ như tại nhà máy của Carafoods không có điều hòa mà chúng tôi dành ra 4 nghìn m2, tức là 2/3 diện tích nhà máy, để trồng rừng.
Cây xanh giúp điều hòa không khí, bớt tiền điện bật điều hòa, vừa có thể hấp thu khí thải, trước tiên là tạo không khí trong lành cho đội ngũ nhân viên, sau này có thể sử dụng để loại bỏ dấu chân carbon cho sản phẩm khi xuất khẩu, thậm chí là tạo tín chỉ carbon khi có cơ chế.
Không chỉ nhà máy, chúng tôi đang tiến hành cải tạo văn phòng làm việc thành văn phòng xanh, với hệ thống cây cối thay thế cho điều hòa như vậy.
Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn không chỉ là việc giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên. Đối với tôi, enzyme là chất tốt cho sức khỏe nên quá trình sản xuất ra enzyme cũng phải thật an lành. An lành từ môi trường cho đến con người.
Ở Carafoods, tôi áp dụng “quản trị yêu thương”. Carafoods có cơ chế bình đẳng không phân biệt sếp hay nhân viên mà tất cả chúng tôi, từ tôi là CEO hay những anh, chị làm các công việc xếp, gọt trái cây, bảo vệ… đều đến đây để phụng sự, tạo ra những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng.
Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng điều đó lại rất thực tế. Trước đây, tôi từng hỏi một số nhân sự Carafoods là họ sẽ trả lời sao khi con cái của họ hỏi “ba, mẹ đang làm vị trí gì trong nhà máy”. Nhiều người bảo là “chẳng biết giải thích thế nào với con” vì công việc chỉ là cắt gọt hay xếp hoa quả thôi.
Tôi mới nói với họ rằng chúng tôi đang phụng sự xã hội, đang mỗi người một tay một chân để vừa giải quyết đầu ra cho người nông dân, cùng tạo ra sản phẩm an lành, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Tự thân mỗi người đều cần phải cảm thấy mình có giá trị, đều trân quý, tự tin với công việc của mình.
Bên cạnh đó, Carafoods cố gắng tối đa để tạo ra môi trường giúp nhân sự cảm thấy bình yên và hạnh phúc. Tỷ dụ như mỗi sáng chúng tôi có 30 phút cho nhân viên thiền tĩnh tâm để có một tâm thế bình lặng, nhẹ nhõm, thoải mái nhất. 30 phút đó tính vào giờ làm việc, vẫn được tính lương như thường và còn có thêm tiền thưởng hàng tháng cho việc này. Đây là mấu chốt để mọi người học cách có được tâm an lành mỗi ngày.
Thật ra, trước đây tôi cũng từng áp dụng thử một số phong cách quản trị khác như thiết lập các quy định, quy chế nhưng không được hiệu quả. Nhờ quá trình học thiền, học về Phật pháp, tôi thử áp dụng phương cách quản trị bằng sự yêu thương và thấy được giá trị nó đem lại.
Nghe thì có vẻ không liên quan gì nhưng tôi nghĩ đó chính là bản chất của kinh tế tuần hoàn. Nếu những nhân sự không sở hữu một cái tâm lặng, bớt bon chen, bớt ưu phiền, kinh tế tuần hoàn sẽ chỉ được triển khai một cách hình thức, lấy lệ và sẽ sớm quay trở về mô hình tuyến tính thôi.
Có vẻ như quan niệm của chị về kinh tế tuần hoàn tương đối khác biệt?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Như tôi đã nói, kinh tế tuần hoàn thường được nhìn dưới góc độ là một mô hình kinh doanh nhằm tiết giảm sử dụng tài nguyên, hạn chế phát thải, tức là tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực.
Tuy nhiên, đối với tôi, kinh tế tuần hoàn được hiểu rộng hơn như vậy. Tuần hoàn không chỉ ở vật chất mà còn nhằm tạo ra sự tuần hoàn ở tâm mỗi con người, với tư duy bình đẳng, tình yêu thương, lòng tôn trọng, sự hạnh phúc. Có như vậy mới giúp biến một mô hình kinh tế tuần hoàn trở thành phương thức kinh doanh và phát triển xã hội mới, hướng đến tương lai bền vững, hài hòa.
Cụ thể, kinh tế tuần hoàn khuyến khích tư duy bình đẳng, nơi mọi người được coi trọng, có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định và được chia sẻ lợi ích. Kinh tế tuần hoàn cũng đảm bảo đặt hạnh phúc con người lên trên, làm sao để các quyết định kinh doanh không chỉ hướng đến lợi nhuận và nhằm đảm bảo sự hài lòng của con người.
Ở trong một mô hình kinh tế tuần hoàn, con người cũng được sống lành mạnh, tích cực, cùng nhau sẻ chia, cùng nhau phát triển. Kết hợp các yếu tố này, kinh tế tuần hoàn sẽ là mô hình của sự thịnh vượng và phát triển bền vững.
Chị nói rằng kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh đem lại sự thịnh vượng. Vậy sự thịnh vượng mà Carafoods nhận được từ mô hình kinh tế tuần hoàn là như thế nào, thưa chị?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Thịnh vượng thường được dùng để chỉ sự giàu có, đủ đầy. Đối với tôi, sự giàu có, đủ đầy ấy không chỉ ở trên phương diện tiền bạc mà còn trên nhiều phương diện khác.
Sự thịnh vượng đầu tiên mà kinh tế tuần hoàn đem lại cho tôi là có một con đường để đi lâu dài, không bị “cụt” như kinh tế tuyến tính. Ví dụ như với mỗi một loại trái cây, chúng tôi lại nghiên cứu làm sao để tận dụng tối đa những phần của chúng chứ không vứt đi phần nào cả.
Thứ hai là chúng tôi sở hữu đa dạng các dòng sản phẩm. Hiện nay, Carafoods đang bán trên các kênh phát trực tuyến (livestream). Mỗi phiên livestream, chúng tôi tăng tương tác, duy trì kết nối với khách hàng thông qua những sản phẩm tặng kèm, chính là các dòng sản phẩm như nước tẩy rửa hữu cơ, mặt nạ hữu cơ do Carafoods sản xuất.
Điều này vừa tạo cho khách hàng thêm giá trị, vừa giúp chúng tôi có thể nhận được những đánh giá đáng quý từ khách hàng, phục vụ cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng cho sản phẩm, để đến khi tung ra thị trường sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.
Thứ ba là sự thịnh vượng về môi trường và sức khỏe. Nhà máy xanh, không khí trong lành giúp ích rất nhiều cho sức khỏe và môi trường sống. Thật ra đây cũng là tiền nữa, bởi tiết kiệm chi phí máy lạnh, sau này khi xuất khẩu còn có thể tiết kiệm chi phí về thuế carbon.
Thứ tư, thịnh vượng về con người. Carafoods kiến tạo môi trường nơi mọi người đến làm việc đều cảm thấy hạnh phúc, từ đó trung thành với doanh nghiệp. Nhân sự của chúng tôi rất yêu nhà máy, yêu công ty, sẵn sàng ở lại gắn bó lâu dài.
Ở nơi làm việc của Carafoods, hoàn toàn không có sự nghi kị, ganh đua, lo lắng hay các hiện tượng ganh ghét, nói xấu nhau. “Không khí lành” ở Carafoods giúp nhân sự hiểu và tin rằng đến đây làm tám tiếng mỗi ngày thì phải là tám tiếng an yên. Chính điều này cũng giúp chúng tôi thu hút được thêm nhiều người cùng tần số đến để cùng phụng sự và cống hiến.
Cuối cùng là sự thịnh vượng về đạo đức. Ai cũng biết đến luật nhân quả, ta gieo “nhân” nào sẽ gặt “quả” tương ứng. Đơn giản như việc mình tiết kiệm tài nguyên là mình đã “gieo cái nhân giàu có” rồi.
Hiểu được những giá trị thịnh vượng ấy, mọi người sẽ hiểu những quyết định như dành 2/3 diện tích nhà máy để trồng cây hay quản trị không phân biệt sếp với nhân viên của tôi là những quyết định hoàn toàn đúng đắn. Vì nó tạo ra sự bình an và sẽ thu hút dòng tiền bình an.
Chúng tôi không kiếm tiền, chúng tôi hấp dẫn dòng tiền bình an đến với mình.
Những chia sẻ của chị giống như một triết gia hơn là một nhà khoa học. Vậy, là một nhà khoa học, chị có những lợi thế gì khi theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Xuất phát điểm của tôi là nhà khoa học, có ba năm học tập, nghiên cứu chuyên ngành hóa sinh biển tại Đại học Tokyo, Nhật Bản và công tác tại Viện Hải dương học Nha Trang sau khi về nước.
Thật ra nhà khoa học có rất nhiều lợi thế, bởi mô hình kinh tế tuần hoàn dựa rất nhiều vào nền tảng khoa học và công nghệ. Đặc biệt, đức tính cần, kiệm, liêm, chính rất cần thiết cho một nhà khoa học, cũng phù hợp với con đường kinh tế tuần hoàn.
Vì vậy, nếu đưa ra lời khuyên nào cho doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn, tôi sẽ khuyên là nên đồng hành với các nhà khoa học.
Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào cũng thành công. Có rất nhiều người từng nghiên cứu sản xuất enzyme nhưng không phải ai cũng làm được như Carafoods. Sự thành công của chúng tôi, nhờ vào một số yếu tố.
Thứ nhất là tính đơn giản. Làm khoa học, giỏi sáng tạo nhưng những thứ sáng tạo ra phải được đơn giản hóa sao cho mọi người cũng làm được thì mới có thể mở rộng quy mô và thương mại hóa. Thứ hai là tính kế thừa, tức là học hỏi, vận dụng những cái nghiên cứu, công nghệ đã được phát triển trên thế giới.
Tiếp đó, tôi đem những kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới kết hợp với yếu tố văn hóa Việt Nam. Việt Nam mình nổi tiếng với những món lên men như các loại mắm hay dưa cà muối, đó chính là chất liệu quan trọng mình có thể tham khảo cho quá trình ủ enzyme.
Đó là công thức cơ bản cho sự ra đời dòng sản phẩm enzyme của Carafoods. Tuy nhiên, đó vẫn là chưa đủ.
Quan niệm về sự bình an, hạnh phúc khi quản trị doanh nghiệp của tôi thật ra không nằm ngoài yếu tố khoa học. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Emoto, tác giả cuốn sách Thông điệp của nước, những yếu tố tưởng chừng như siêu hình như năng lượng, tần số âm nhạc rất quan trọng và có tác động rất lớn.
Chắc công chúng đều biết đến câu chuyện bò Kobe đắt nhất thế giới của Nhật Bản, có thịt rất ngon vì được chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng và được nghe nhạc thư giãn. Cái này cũng đúng với enzyme.
Trước đây, có một lần chúng tôi ủ enzyme trùng vào thời điểm đang phải quay TVC quảng cáo, lại đang lau dọn nhà máy. Quá nhiều tạp âm, mẻ enzyme đó chua lè, không thể nào uống được.
Sau, tôi rút kinh nghiệm, ủ enzyme trong môi trường không chỉ thông thoáng mà còn phải bình yên, tức là không ồn ào mà bật những bài nhạc nhẹ nhàng, tần số cao. Có như vậy, chất lượng enzyme mới được đảm bảo.
Vậy khi triển khai kinh tế tuần hoàn, chị gặp phải những khó khăn như thế nào?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Phương châm sống bình an nên tôi chẳng cảm thấy “stress” (căng thẳng) bao giờ, thấy cái gì đến cũng chỉ là thách thức. Vài thách thức như Việt Nam chưa có sản phẩm enzyme nên mình phải chứng minh hiệu quả của nó, hoặc Việt Nam không có tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn, mình lại phải chứng minh mô hình của mình là kinh tế tuần hoàn.
Thật ra trước đây tôi cũng rất hoang mang. Tôi nghiên cứu các phương pháp quản trị của nhiều anh chị lớn và thử áp dụng nhưng quả thật không dễ một chút nào. Sau này mới tìm ra được phương cách quản trị phù hợp với mình, xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp riêng cho công ty của mình.
Nhiều người nói kinh tế tuần hoàn cần nhiều tiền đầu tư lắm nhưng thật ra tôi thấy nếu mình đi đúng đường, chọn đúng công nghệ, giải pháp, quy trình thì cũng không tốn cho lắm.
Chị đặt mục tiêu thế nào cho Carafoods trong tương lai?
Chị Nguyễn Thu Hồng: Chúng tôi đặt mục tiêu là công ty tiên phong trong ứng dụng kinh tế tuần hoàn để giải quyết đầu ra nông sản cho bà con, tạo ra dòng sản phẩm an lành và tốt cho sức khỏe.
Mục tiêu cụ thể thì khoảng 5 năm nữa sẽ trở thành doanh nghiệp triệu đô. Tôi đang mở rộng thêm một số hoạt động để nhanh đạt được quy mô đó, ví dụ như loại hình du lịch chữa lành, du lịch thải độc chẳng hạn.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chia sẻ, lan rộng mô hình của Carafoods, có thể là đưa các bạn học sinh, sinh viên đến để tham quan, trải nghiệm.
Carafoods muốn trở thành điển hình của doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Vài năm trước, Carafoods đã đạt giải Nhất khu Vực Châu Á Thái Bình Dương vế ý tưởng kinh doanh bền vững toàn cầu trong hạng mục kinh tế xanh của Climate Launchpad. Tôi mong sẽ còn tiến xa hơn thế để giới thiệu hình ảnh nền kinh tế xanh của Việt Nam ra thế giới.
Xin chân thành cảm ơn chị!
Thực hiện: Phạm Sơn