Với những ngành đặc thù như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại Việt Nam, chuyển đổi số và tự động hóa là những hoạt động không hề đơn giản, khi có mối liên hệ mật thiết với cùng lúc nhiều yếu tố trong doanh nghiệp, từ con người, vận hành, công nghệ, cho tới cả chi phí.
THỜI ĐẠI NGÂN HÀNG Ở KHẮP MỌI NƠI
Tài chính - ngân hàng được xem là một ngành nghề đặc thù và lâu đời trên thế giới, với tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Chính vì tính đặc thù nên việc chuyển đổi trong ngành tài chính - ngân hàng không hề đơn giản do những rào cản về quy trình, bảo mật.
Đặt trong bối cảnh làn sóng công nghệ 4.0 đang bùng nổ, buộc các doanh nghiệp ở tất cả ngành nghề đều phải chuyển mình và chuyển đổi số, thì bài toán dành cho các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng ngày càng cấp thiết.
Tại Việt Nam, theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về kết quả chuyển đổi số ngành ngân hàng, tháng 1/2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ 2023, một số nghiệp vụ cơ bản trong ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn 100%.
"Chúng tôi gọi đây là thời đại ngân hàng 4.0, có nghĩa ngân hàng sẽ có mặt ở mọi nơi. Dù là bạn đi chợ, đi mua sắm, hay đi cà phê thì đều cần đến các sản phẩm của ngân hàng. Đây vừa là điểm hay, nhưng cũng vừa là thách thức", ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc khối công nghệ và chuyển đổi số ngân hàng OCB chia sẻ.
Theo ông Thành, để đáp ứng được nhu cầu ở "mọi nơi" của người dùng, các ngân hàng đều phải giải bài toán chuyển đổi số, với những lợi ích như tối ưu chi phí, hạn chế rủi ro, cải thiện trải nghiệm khách hàng và cuối cùng là xây dựng năng lực cạnh tranh về dài hạn.
Lãnh đạo OCB cho biết, nhận thức sớm về bài toán chuyển đổi số nên ngân hàng này đã khởi động hành trình số hóa và đầu tư vào công nghệ từ giai đoạn năm 2014.
Đến nay OCB không chỉ số hóa được các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống, mà còn phát triển thành công ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam là LioBank, với nhiều dịch vụ hoàn toàn tự động trên môi trường internet.
Tuy nhiên, bài toán chuyển đổi số trong ngân hàng không chỉ xoay quanh câu chuyện về công nghệ. Ông Trần Thái Bình - Giám đốc khối ngân hàng số Sacombank cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất còn đến từ con người và tư duy làm việc số.
Theo ông Bình, chuyển đổi số là một quá trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi các tổ chức tài chính - ngân hàng phải liên tục thay đổi, nâng cấp và phát triển ứng dụng để đáp ứng xu hướng mới, tạo sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu dịch vụ mới của khách hàng.
Việc thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, cũng như hạn chế về năng lực hỗ trợ của nhà cung cấp giải pháp nước ngoài khiến nhiều tổ chức tài chính lệ thuộc vào một nền tảng duy nhất, dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng quy mô, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
NGUỒN NHÂN LỰC SỐ TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH
Cùng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ông Trần Lê Quốc Sơn - Phó tổng giám đốc công nghệ tại Prudential Việt Nam đánh giá, chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm cũng "đặc thù" không kém ngành ngân hàng.
Theo ông Sơn, nếu các ngân hàng đều đang đặt ra chiến lược lấy người dùng làm trọng tâm, thì với ngành bảo hiểm cũng tương tự. Tuy nhiên, vì bảo hiểm là ngành làm việc trực tiếp với con người, nên chiến lược này đòi hỏi được đầu tư và chuyển đổi tổng thể cả doanh nghiệp.
Trong đó, chìa khóa để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp bảo hiểm được lãnh đạo Prudential chỉ ra, đó là tự động hóa các quy trình, kéo theo việc doanh nghiệp cần thích ứng và thay đổi cách làm việc khi có sự tham gia của công nghệ.
Đồng tình với chia sẻ của ông Sơn, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của FPT akaBot - thuộc công ty FPT IS đánh giá, tự động hóa bằng robot (RPA) đang giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động trong việc kiến tạo nguồn nhân lực số, giúp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Điểm chung của ngành này là các quy trình, thủ tục cần chặt chẽ, có tính lặp đi lặp lại cao, nên tự động hóa sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp.
"Một trong những đối tác tiêu biểu của akaBot là ngân hàng TPBank. Trong khoảng 2 năm triển khai tự động hóa, akaBot và TPBank đã triển khai 400 robot tự động hóa, tương đương khoảng 400 quy trình, áp dụng với 16 khối nghiệp vụ. Qua đó, giúp TPBank giảm được 80% thời gian vận hành và tiết kiệm tới 40% chi phí", bà Thành nhấn mạnh.
Hay tại một ngân hàng đối tác khác, bài toán đặt ra với akaBot là cần tự động hóa đến gần 1.500 quy trình và đã giải quyết được hơn 30% trong số này.
Các nhân sự của ngân hàng thay vì phải thực hiện những công việc lặp đi lặp lại nay đã có cơ hội xử lý các nghiệp vụ sáng tạo và đóng góp vào định hướng, chiến lược doanh nghiệp như tổng hợp, báo cáo và đề xuất phương án.
Theo bà Thành, thách thức lớn nhất với các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là vừa phải tái thiết kế các quy trình làm việc cũ, đồng thời phải triển khai các công nghệ mới.
"Việc cùng lúc triển khai như vậy đòi hỏi các tổ chức phải có đầy đủ dữ liệu để nhà quản trị có thể đưa ra quyết định chính xác, nên ưu tiên tự động hóa quy trình nào trước, quy trình nào sau. Chưa kể, việc triển khai cùng lúc cũng dễ xảy ra hiện tượng đứt gãy, gián đoạn", nữ lãnh đạo akaBot nói.
Thách thức được bà Thành nhắc tới cũng là câu chuyện thực tế diễn ra tại Sacombank cách đây 2 năm. Ông Trần Thái Bình thừa nhận, ngân hàng từng gặp thách thức trong việc lựa chọn ra quy trình để tự động hóa.
"Chúng tôi khi đó từng có rất nhiều câu hỏi, như ưu tiên quy trình nào? Làm sao để tối ưu hóa quy trình trước khi đưa lên nền tảng số? Nếu quy trình hiện tại đã tối ưu rồi, thì làm thế nào để tối ưu hơn nữa? Giai đoạn này chúng tôi vừa học, vừa làm, và may mắn có sự đồng hành của akaBot để giải quyết bài toán tự động hóa", ông Bình chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sacombank, bản chất của các tổ chức ngân hàng là có nhiều thủ tục, với nhiều ràng buộc về pháp lý, bảo mật, nên chỉ một quy trình sẽ bao gồm rất nhiều bước.
Từ khi áp dụng tự động hóa, ngân hàng đã có thể rút ngắn những quy trình vốn cần đến 28 phút để thực hiện, xuống chỉ còn 7 phút trên ứng dụng di động.
HƯỚNG TỚI VẬN HÀNH XUẤT SẮC KHI LINH HOẠT CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ
Bên cạnh yếu tố con người, quy trình và công nghệ, thì chi phí triển khai và duy trì cũng đang là thách thức của các tổ chức trong ngành này.
Theo một báo cáo của Boston Consulting Group, 79% doanh nghiệp từng gặp vấn về chi phí gia hạn giấy phép (License Fee) và vận hành, khi các chi phí này đã liên tục tăng dần theo thời gian.
Có thể xem đây là một nghịch lý trong ngành công nghệ, khi đáng ra các tổ chức, doanh nghiệp phải tiết kiệm được nhiều hơn thông qua chuyển đổi số, thì thực tế các chi phí này lại ngày một gia tăng.
Đây cũng là một thực trạng đã được ghi nhận tại Việt Nam, khi tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 11 ngân hàng ghi nhận CIR (tỷ lệ chi phí trên doanh thu) giảm so với cùng kỳ.
Tỷ lệ CIR cũng đang có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Có 13 ngân hàng ghi nhận CIR dưới 40%, 11 ngân hàng có CIR từ 40-50% và 5 ngân hàng có CIR trên 50%.
Do đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính và công ty bảo hiểm vẫn đang đứng trước thách thức chuyển đổi nền tảng, hoặc giải pháp công nghệ phù hợp - làm thế nào để tối ưu chi phí đầu tư, tăng cường và đẩy nhanh tỷ suất hoàn vốn, đảm bảo giữ vững lợi thế cạnh tranh cũng như vận hành không gián đoạn.
Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi nền tảng công nghệ cũng dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Trong nghiên cứu của Blueprint năm 2023, dựa trên 500 doanh nghiệp được khảo sát, 58% cho biết họ đang xem xét, đang trong quá trình hoặc đã chuyển các sản phẩm tự động hóa bằng robot ảo (RPA) của mình sang nền tảng RPA mới.
Nghiên cứu này cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm trong việc tìm kiếm các nền tảng công nghệ thay thế tốt và hiệu quả hơn về mặt chi phí cho công nghệ truyền thống mà họ đã sử dụng từ đầu.
Bà Nguyễn Minh Nguyên Thành cho rằng: "2 năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến việc đo lường hiệu quả tự động hóa kĩ lưỡng, không chỉ để đánh giá ROI và quy mô quy trình, mà còn để đưa ra quyết định có nên chuyển đổi nền tảng tự động hóa".
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức rằng quá trình chuyển đổi sẽ gây gián đoạn vận hành hoặc gặp các lỗi tương thích trong hệ thống. Do đó, bài toán chuyển đổi nền tảng tự động hóa cần được akaBot tiếp cận và giải quyết bằng giải pháp riêng.
Có thể hình dung, đây là bộ công cụ và dịch vụ giúp chuyển dịch toàn bộ, hoặc một phần các quy trình tự động hóa hiện có của doanh nghiệp (phần lớn từ các nền tảng RPA quốc tế) sang nền tảng của Việt Nam với lợi thế cạnh tranh về chi phí và nhân sự hỗ trợ.
Đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa gián đoạn vận hành cho các doanh nghiệp, đơn vị tự động hóa đến từ FPT tập trung để xây dựng khung chuyển đổi với 3 yếu tố: thời gian chuyển đổi nhanh chóng, tiêu chuẩn hóa tài liệu triển khai và thiết lập chuỗi hướng dẫn vận hành nền tảng mới dành cho các cán bộ, phòng ban nghiệp vụ.
Chẳng hạn, akaBot đã giúp một doanh nghiệp tại Nhật Bản tiết kiệm tới 13 triệu USD chi phí License nhờ chuyển đổi nền tảng tự động hóa.
Trước đó, doanh nghiệp này thường trả cho nền tảng tự động hóa cũ số tiền 3,6 triệu USD License mỗi năm, chưa kể tính hạn chế trong việc cá nhân hóa quy trình và gia tăng quy mô tự động hóa toàn doanh nghiệp.
Khi chuyển đổi sang akaBot với hợp đồng 5 năm, doanh nghiệp Nhật đã tự động hóa tới 1.200 quy trình, tiết kiệm hơn 1,3 triệu USD chi phí vận hành, cũng như chi phí giấy phép.
Hay một doanh nghiệp sản xuất tại Đức với hơn 2.000 nhân sự chỉ mất 6 tuần để chuyển đổi nền tảng tự động hóa sang akaBot, trong bối cảnh chi phí giấy phép của nền tảng cũ tăng, và các quy trình cũ không còn phù hợp với quy mô doanh nghiệp.
"6 tuần để giúp doanh nghiệp chuyển đổi nền tảng tự động hóa như hiện nay chưa phải con số cuối cùng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư vào bộ công cụ và dịch vụ chuyển đổi để có thể làm tốt hơn, giảm thời gian triển khai xuống chỉ còn 4 tuần, đồng thời đảm bảo hiệu quả và khả năng tương thích cao nhất", bà Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trần Thái Bình cho biết, Sacombank cũng đã thực hiện chuyển đổi một phần quy trình từ nền tảng tự động hóa nước ngoài sang akaBot, để tối ưu và linh hoạt hơn trong chiến lược chuyển đổi số.
Được tổ chức lần đầu vào 2023 ở cả Việt Nam và Malaysia, chuỗi sự kiện C-Talk là nơi quy tụ các lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, quản trị và chuyển đổi số, cùng nhau thảo luận chuyên sâu về câu chuyện số hóa thành công, cũng như phương thức ứng dụng các giải pháp công nghệ và xu hướng chuyển đổi số mới nhất.
Tiếp nối nội dung vận hành xuất sắc trong ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, sự kiện C-Talk tới diễn ra vào 27/06 tại TP. HCM sẽ xoay quanh chủ đề được quan tâm nhất trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất: "Tối ưu nguồn lực - Tái thiết chuỗi cung ứng thời đại số".
100% người tham dự sự kiện đều thuộc cấp quản lý, trưởng phòng hoặc giám đốc khối, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp - những cá nhân có cái nhìn chuyên sâu và bao quát nhất trong việc tối ưu quy trình chuyển đổi số, tự động hóa trong doanh nghiệp.