- Phạm Sơn thực hiện -


Năm 2022 đặt dấu mốc quan trọng cho sự khởi động của kinh tế tuần hoàn, với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam chính thức được phê duyệt. Tuy nhiên, để thực sự đưa nền kinh tế bước vào quá trình chuyển đổi tuần hoàn, nhiều yếu tố cần được chuẩn bị.

Bước khởi động đó được đánh dấu bằng việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, với một điều riêng về kinh tế tuần hoàn. Tiếp theo đó, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam chính thức được phê duyệt và ban hành vào tháng 6, đưa ra cách tiếp cận mang tính đa ngành thay vì chỉ gói gọn ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thực tế, kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng liên tục được nhắc đến trong những cuộc đối thoại chính sách kinh tế - xã hội tầm quốc gia. Điều này khẳng định chắc chắn một điều là kinh tế tuần hoàn được lựa chọn làm hướng đi mới cho nền kinh tế.

Không cần tranh luận về lợi ích của kinh tế tuần hoàn. Định hướng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đang dần trở nên rõ ràng. Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta cần chuẩn bị những gì để quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đạt được hiệu quả tối ưu?

Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào giáo dục

Trong buổi trò chuyện gần đây với TheLEADER, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), tiết lộ, một trong những nội dung được ICED đề xuất với chính quyền huyện Côn Đảo để thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn là tuyên truyền, đào tạo về kinh tế tuần hoàn cho người dân, cũng như lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chương trình giáo dục, đào tạo cho học sinh.

Cần chuẩn bị những gì cho bước chuyển đổi kinh tế tuần hoàn?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn

Lý giải về nội dung này, ông Quân cho biết, một trong những thách thức lớn nhất khi triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là khái niệm kinh tế tuần hoàn vẫn còn quá mới, do đó nhiều bên liên quan vẫn chưa thấu hiểu được hết những nội hàm của kinh tế tuần hoàn.

Chính vì vậy, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt, mới chỉ dừng lại ở mức khẩu hiệu. Mặt khác, chuyển đổi sang một mô hình mới là kinh tế tuần hoàn cũng đòi hỏi đội ngũ nhân lực có năng lực, kỹ năng và tư duy cũng phải tuần hoàn.

Thách thức này đặt ra yêu cầu của ngành giáo dục, không chỉ ở cấp đại học, sau đại học mà phải từ bậc tiểu học. “Để có được nhận thức đúng đắn về kinh tế tuần hoàn thì chúng ta phải đào tạo cho cả một thế hệ, lồng ghép vào chương trình giáo dục từ bậc tiểu học, chứ không phải chỉ một vài môn trên đại học là giải quyết được”, Viện trưởng ICED nhấn mạnh.

Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi đội ngũ nhân lực có năng lực, kỹ năng và tư duy cũng phải tuần hoàn.

Bên cạnh đó, việc đưa kinh tế tuần hoàn vào giáo dục cũng là bước chuẩn bị tốt cho những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Những đổi mới sáng tạo này có thể không nhất thiết phải là công nghệ mới đột phá mà chỉ là các giải pháp thiết thực, sát sườn với thực tế xã hội như phương án thu gom rác, phương án tổ chức hợp tác xã tuần hoàn… Dù rất đơn giản nhưng nếu không có giáo dục để thay đổi tư duy, nhận thức thì khó có thể thực hiện được.

Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), liên minh giữa những "ông lớn" hàng đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh với mục tiêu thiết lập kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì, đưa ra quan điểm, giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng nhận thức, từ đó thay đổi hành vi người tiêu dùng – mắt xích tiên quyết để xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Cần chuẩn bị những gì cho bước chuyển đổi kinh tế tuần hoàn? 1
Sách cùng học về 3R được PRO Việt Nam tài trợ phát hành để giáo dục về kinh tế tuần hoàn cho phụ huynh và học sinh từ bậc tiểu học.

Một yếu tố phải kể đến là giáo dục thay đổi nhận thức từ phía người tiêu dùng từ sớm giúp Việt Nam tạo ra một thế hệ tiêu dùng xanh mới. Thế hệ tiêu dùng này đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi của doanh nghiệp, thông qua việc hưởng ứng, ủng hộ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có trách nhiệm, đồng thời “tẩy chay” sản phẩm, dịch vụ thiếu bền vững.

Hoàn thiện khung pháp lý

Cuối năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức được Quốc hội phê duyệt, trong đó có riêng 1 điều về kinh tế tuần hoàn (Điều 142). Đây được xem là dấu mốc lớn khi kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được Việt Nam đưa vào luật. Cùng với đó, kinh tế tuần hoàn cũng được lồng ghép vào nhiều quy định khác trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cần chuẩn bị những gì cho bước chuyển đổi kinh tế tuần hoàn? 2
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Chủ tịch VietCycle.

Việc luật hóa kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía đội ngũ chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Chủ tịch VietCycle nhiều lần nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 là “những viên gạch đầu tiên” để xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiện đại, một ngành đặc biệt quan trọng đối với kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn có bản chất là một mô hình kinh doanh, do đó triết lý của nền kinh tế tuần hoàn có thể được ứng dụng trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực, không chỉ dừng lại ở phạm vi ngành tài nguyên và môi trường.

Chính vì lý do đó, nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm, cần phải xây dựng một luật riêng về kinh tế tuần hoàn.

“Các bộ, ngành cần phải nghiên cứu và đưa ra một bộ luật, xây dựng một quy trình riêng cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Vì kinh tế tuần hoàn là vấn đề đa ngành và là tương lai của nền kinh tế”, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nói với TheLEADER.

Kinh tế tuần hoàn là vấn đề đa ngành và là tương lai của nền kinh tế!

Ông Nguyễn Quang Vinh

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)

Với vai trò là một doanh nhân nỗ lực đưa mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành sản xuất, ông Vượng cũng chia sẻ với phóng viên về “ước mơ có một luật riêng về kinh tế tuần hoàn”.

Theo vị đại diện của ngành tái chế, hệ thống văn bản pháp lý về kinh tế tuần hoàn hiện nay dù vẫn chưa đủ để huy động sức mạnh của cả đất nước nhằm xây dựng kinh tế tuần hoàn. Nhiều nghị định, nghị quyết, đề án, chiến lược về kinh tế tuần hoàn đã được ban hành nhưng chủ yếu được thực thi ở các bộ. Tuy nhiên, các bộ chỉ có hữu hạn nguồn lực về cả tài chính và con người nên không đủ sức mạnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

Thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong khung pháp luật hiện hành khi xây dựng kinh tế tuần hoàn. Lấy đơn cử như việc doanh nghiệp sử dụng đất đá thải từ mỏ than để san lấp công trình, dù đang tận dụng nguồn tài nguyên đáng lẽ bị thải bỏ ra môi trường nhưng doanh nghiệp vừa phải gánh toàn bộ chi phí, vừa phải chịu thêm thuế bảo vệ môi trường.

Theo một số chuyên gia, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh được xây dựng lâu nay vẫn dựa trên triết lý của kinh tế tuyến tính, do đó chưa thể đồng nhất được với hoạt động hướng đến tính tuần hoàn của doanh nghiệp. Đáng nói là những quy định ấy rải rác ở rất nhiều luật, nghị định, thông tư, đặt doanh nghiệp vào thế khó khi phải rà soát lại để chắc chắn hoạt động chuyển đổi tuần hoàn của mình không vi phạm quy định pháp luật.

Cần chuẩn bị những gì cho bước chuyển đổi kinh tế tuần hoàn? 4
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)

Thực tiễn đó cũng là một trong những lý do cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn có một bộ luật riêng về kinh tế tuần hoàn. “Đối với kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp phải tự tìm ra giải pháp và mô hình sao cho phù hợp với nhu cầu, quy mô của mình. Vì vậy cần có luật riêng về kinh tế tuần hoàn để tạo ra môi trường pháp lý cho doanh nghiệp”, ông Vinh nói.

Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích

Kinh tế tuần hoàn hứa hẹn sẽ là một mô hình tạo ra đa giá trị. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, những giá trị này cần phải được chuyển hóa thành lợi ích thiết thực để tạo động lực cho các bên liên quan cùng tham gia.

Một số công cụ hướng đến xây dựng kinh tế tuần hoàn đã, đang và sẽ được áp dụng tại Việt Nam có thể kể đến như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); giao dịch tín chỉ carbon.

Đây là những công cụ mang tính thị trường, đặt trách nhiệm tài chính lên những hoạt động gây ô nhiễm rồi dùng nguồn tài chính thu được hỗ trợ cho các dự án, các doanh nghiệp bền vững. Tác động trực tiếp vào lợi nhuận tạo ra động lực giúp doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và thực chất hơn những hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, lợi ích thu được từ kinh tế tuần hoàn cần phải được chia sẻ đều cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực phi chính thức và nhóm người yếu thế.

Nhìn nhận đúng vai trò của đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế

Khu vực thu gom, tái chế rác thải phi chính thức, bao gồm những người hành nghề đồng nát, ve chai và các làng nghề tái chế từ lâu đã đóng vai trò rất quan trọng trong bức tranh kinh tế tuần hoàn sơ khai của Việt Nam, tuy nhiên lại là khu vực chịu tổn thương do hoạt động tự phát, không nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.

Sự tồn tại của khu vực phi chính thức có thể đe dọa đến khả năng thực thi EPR, tuy nhiên không thể loại bỏ vai trò của khu vực này ra khỏi bức tranh kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần phải có một cơ chế để những người trong khu vực này cùng tham gia vào hỗ trợ thực thi EPR, đồng thời nhận được sự chia sẻ lợi ích.

Cần chuẩn bị những gì cho bước chuyển đổi kinh tế tuần hoàn? 6
Nông dân được hướng dẫn canh tác cà phê bền vững trong dự án Nescafé Plan của Nestlé. Ảnh: VGP

Bên cạnh khu vực thu gom, tái chế rác thải phi chính thức, lao động phổ thông tại các lĩnh vực khác cũng là mắt xích quan trọng để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Đơn cử như đối với những doanh nghiệp sử dụng nông sản làm đầu vào cho sản xuất, muốn tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng thì điều kiện tiên quyết là phải đào tạo, hướng dẫn người nông dân chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng tuần hoàn.

Để người nông dân sẵn sàng chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp tuần hoàn, doanh nghiệp phải tạo ra lợi ích từ chính sự chuyển đổi đó, có thể là hướng dẫn về kỹ thuật để canh tác tuần hoàn giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, hoặc đơn giản hơn là thu mua lại nông sản tuần hoàn với giá cao.

Với một nền kinh tế được vận hành suốt nhiều năm nay dựa trên triết lý của kinh tế tuyến tính, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt. Theo dõi những bước chuyển đổi, những đề xuất chính sách và những câu chuyện về kinh tế tuần hoàn đã được TheLEADER phản ánh tại Vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp.