Trong bối cảnh các động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đều suy giảm mạnh, chuyên gia cho rằng cơ hội phát triển của Việt Nam là các chính sách điều hành gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước như hạ lãi suất điều hành, xóa bỏ các rào cản pháp lý/quy định và cho phép nối lại các dự án bất động sản, chính sách thị thực mới nhằm hút khách quốc tế...


Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) nửa đầu năm nay ước tính tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê. Đây là mức thấp thứ hai trong 13 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm đầu Covid-19.

Trong đó, GDP quý I tăng 3,32% và quý II tăng 4,14%. Mức tăng trưởng kinh tế quý II thấp hơn rất nhiều so với kịch bản mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra vào đầu tháng 4/2023.

Theo đó, bộ đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Thứ nhất, để GDP cả năm đạt 6%, tăng trưởng các quý II, III và IV lần lượt là 6,7%; 6,5% và 7,1%. Thứ hai, để đạt mục tiêu GDP 6,5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, tăng trưởng các quý II, III và IV lần lượt là 6,7%; 7,5% và 7,9%.

Có thể thấy, với mức tăng 4,14% mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay là một thách thức rất lớn, áp lực lớn dồn vào 2 quý cuối năm khi tăng trưởng phải đạt trên 8% mỗi quý.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2023 tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, rất nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ sự lo lắng về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay. “Áp lực”, “sức ép”, “khó khăn”… là những cụm từ được nhắc đến rất nhiều.

Nhìn xa hơn, nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% hoặc thấp hơn sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết.

Các động lực dẫn đắt tăng trưởng kinh tế đều suy giảm mạnh. Cơ hội cho Việt Nam là các chính sách điều hành gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước. Nhiều ngành có điều kiện tăng cường xuất nhập khẩu trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư, và FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VERP cho biết trong buổi công bố báo cáo cách đây 1 tuần.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 1

Tổ chức quốc tế cập nhập gần đây nhất dự báo về kinh tế Việt Nam ngày 28/6, giới chuyên gia thuộc Công ty Maybank Research Pte Ltd có văn phòng tại Singapore dự báo tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam có thể ở mức 5%, tuy nhiên duy trì mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 4,0% và 2024 ở mức 6%, thông tin theo TTXVN.

Theo ngân hàng này, tăng trưởng của Việt Nam được dẫn dắt bởi lĩnh vực dịch vụ. Ngành sản xuất dự kiến sẽ vẫn yếu do nhu cầu bên ngoài yếu.

Tuy nhiên, tăng trưởng lĩnh vực xây dựng có thể sẽ vững chắc hơn nhờ tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc xóa bỏ các rào cản pháp lý/quy định và cho phép nối lại các dự án bất động sản.

Đồng thời, sự sụt giảm xuất khẩu sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2023 do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng sẽ có sự cải thiện nhẹ trong quý cuối năm. Tiêu dùng trong nước có thể giảm trong những tháng tới trong bối cảnh thị trường lao động yếu.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các nhà phát triển bất động sản, sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính với lượng lớn trái phiếu đáo hạn, nhu cầu thị trường vốn giảm và nhu cầu mua nhà yếu.

Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ sẽ giúp giảm bớt áp lực tái cấp vốn và giảm rủi ro "hạ cánh cứng" nhưng khó có thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng tài chính.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm nay phát triển ổn định, Tổng cục Thống kê nhận định. Nông sản đang là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm nay.

Nông nghiệp

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 2

Vụ lúa đông xuân (thường gieo cấp từ cuối tháng 10 và thu hoạch vào tháng 4 năm sau) là vụ lúa chính trong năm, chiếm hơn 40% diện tích gieo trồng lúa cả năm, năng suất cao nhất trong các mùa vụ và sản lượng đạt từ 45-47% tổng sản lượng lúa sản xuất trong năm.

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2023 tiếp tục giảm 39,8 nghìn ha so với năm trước chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Do thời tiết thuận lợi cùng với mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng nên năng suất lúa đông xuân năm nay đạt khá. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước tăng 1,6 tạ/ha so với năm trước. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng mạnh nhất gồm Thừa Thiên – Huế (tăng 21 tạ/ha); Quảng Trị; Phú Yên…

Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay tăng so với vụ đông xuân năm trước. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm trước là: Kiên Giang tăng 70,1 nghìn tấn; Long An tăng 69,9 nghìn tấn; Thừa Thiên - Huế tăng 57,6 nghìn tấn; Quảng Trị tăng 53,6 nghìn tấn; Vĩnh Phúc tăng 29,1 nghìn tấn.

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2023, các địa phương trên cả nước đã xuống giống cho vụ lúa hè thu.

Triển vọng xuất khẩu gạo trong năm nay được nhận định là tích cực, khi giá gạo Việt Nam đang đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá thị trường thế giới đang có nhu cầu cao, hợp đồng đã ký đủ, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cả năm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, giúp Việt Nam tiêu thụ gạo thuận lợi.

Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo đã tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này chỉ đứng sau mặt hàng rau quả (xuất khẩu tăng 64,2%).

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ nay đến cuối năm cục sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo. Mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối năm nay lên 60%, trong đó 25% gạo mang nhãn hiệu Việt Nam. Xuất khẩu gạo cả năm đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao.

Cơ hội cho gạo Việt năm nay từ thị trường châu Phi cũng rất tiềm năng. Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), châu Phi dự kiến nhập khẩu gần 18 triệu tấn gạo.

Trong thời gian tới, nguồn cung cấp gạo chính của châu lục này vẫn sẽ tập trung vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam hiện xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600.000 tấn. Trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Ai Cập…

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nhiều quốc gia có nguy cơ khô hạn trong nửa cuối năm do hiện tượng EI Nino. Để đảm bảo an ninh lương thực, nhiều nước đang tăng cường thu mua gạo dự trữ.

Ấn Độ (Có thị phần gần 27% thương mại gạo toàn cầu) năm trước đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.

Bên cạnh đó là sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng mạnh gấp 2 lần trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023, bỏ xa các thị trường khác như Myanmar, Ấn Độ hay Thái Lan.

Lâm nghiệp

Sau thời gian tăng trưởng đột phá, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm nông, lâm, thủy sản, mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên, bắt đầu từ năm ngoái, ngành gỗ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong giai đoạn 2017 - 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục ‘bùng nổ’, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm hơn 16,3%. Tuy nhiên, đến năm 2022, đà tăng đã giảm mạnh. Theo phản ánh của các chủ tịch hiệp hội gỗ, từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gỗ Việt đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Xuất khẩu nửa đầu năm nay giảm mạnh gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 3

Trong báo cáo ngành gỗ, VnDirect nhận định nhu cầu với ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phục hồi cho đến năm 2024.

Theo dự báo năm 2023, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia sẽ có nhiều tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ, nhất là thị trường Mỹ có thị phần chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt.

Lạm phát gia tăng tại các thị trường chính khiến cho người dân ở đây có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ giảm, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản tăng nhẹ trong nửa đầu năm nay với thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản lại giảm mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước, đà giảm chỉ đứng sau mặt hàng gỗ. Tình trạng này chủ yếu cũng do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt giảm mạnh.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản nhận định thị trường tiêu thụ khó phục hồi, nếu có thì sẽ chậm; đến nay chưa có tín hiệu khả quan từ các thị trường xuất khẩu lớn.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 4

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết ở một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, thì vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng tồn kho.

Năm 2022, những thị trường này đã nhập khẩu ồ ạt, chưa kịp tiêu thụ đã gặp ngay cú sốc lạm phát, nên hàng tồn nhiều, giá bán hạ. Bên cạnh đó, cơn lốc hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ gần như lấn át sản phẩm của Việt Nam tại những quốc gia này, nhất là mặt hàng tôm – sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Do vậy, tín hiệu thị trường không mấy khả quan trong ngắn hạn, VASEP nhận định.

Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị sụt giảm nhu cầu vì lạm phát, nhưng không giảm sâu như hai thị trường trên. Nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này điểm sáng lạc quan, đó là vị trí thủ lĩnh của hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.

Với thị trường Trung Quốc, sau nửa năm, sự hồi phục của thị trường này vẫn ì ạch, thậm chí xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang đây bị sụt giảm gần 30%. Tuy nhiên, nửa cuối năm, có thể diễn biến của thị trường này sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.

Theo VASEP, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là, chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao, sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, và lại một lần nữa thủy sản Việt lại mất vị thế trước các nước khác.

Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp nửa đầu năm nay đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 13 năm qua. Trong đó, quý I giảm 0,75% và quý II tăng 1,56%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp nửa đầu năm nay cũng tăng nhẹ 0,8%.

Điều này dẫn tới tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân nửa đầu năm nay là 83,1%, trong khi bình quân nửa đầu năm 2022 là 78%.

Điều này cho thấy, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 5

Tại địa phương, IIP nửa đầu năm nay tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.

Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Đơn cử như Trà Vinh tăng 22,3%; Bắc Giang tăng 15,7%; Phú Thọ tăng 15,3%; Thái Bình tăng 13,8%...

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm mạnh nhất như Quảng Nam và Sơn La giảm gần 30%; Hà Giang giảm 28%; Lai châu giảm 27%...

Một chỉ báo khác cũng thể hiện bức tranh ‘u ám’ ngành công nghiệp là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam. Báo cáo mới nhất vào đầu tháng 6 cho thấy được S&P Global công bố mới đây cho thấy ngành công nghiệp Việt Nam tiếp tục suy giảm với chỉ số PMI tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm.

Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh đã giảm 5 lần trong nửa đầu năm nay, và lần giảm tháng 5 là mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay, khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định ngành sản xuất của Việt Nam hiện có vẻ như đang đi qua một giai đoạn trì trệ, khi các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới.

Các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian một năm tới, mặc dù tâm ký kinh doanh giảm khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm trong những tháng gần đây.

Các nhà sản xuất đã bắt đầu hạ giá bán hàng để cố gắng kích thích nhu cầu, và áp lực chi phí giảm đã giúp họ giảm giá dễ dàng hơn. Trên thực tế, giá cả đầu vào đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần ba năm, vị chuyên gia cho biết thêm.

Đăng ký doanh nghiệp

Hoạt động khởi sự kinh doanh nửa đầu năm nay không mấy khả quan khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 6

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), nguyên nhân là do những ảnh hưởng bởi lạm phát và tình hình khủng hoảng kinh tế, chính trị biến động phức tạp, thảm họa thiên nhiên trên thế giới đã tạo ra những tác động không nhỏ cho nền kinh tế nước ta nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 7

Theo báo cáo mới công bố của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhu cầu vốn của khu vực doanh nghiệp đang xuống rất thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm, trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.

Một số nhóm ngành nghề có sự sụt giảm cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới.

Trong đó, đáng chú ý là các ngành gồm kinh doanh bất động sản (giảm 59% về số doanh nghiệp gia nhập thị trường và giảm 54% về số vốn đăng ký); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 14% số doanh nghiệp và giảm 59% về số vốn đăng ký); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 10,5% về số doanh nghiệp và 59% số vốn); công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 8,6% về số doanh nghiệp gia nhập thị trường và giảm 2,8% về số vốn đăng ký)...

Đây đều là những lĩnh vực thường có các doanh nghiệp với quy mô vốn đăng ký lớn, có ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 8
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kế về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý II/2023, có 27,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý trước đó; 36,7% doanh nghiệp cho rằng ổng định và 35,8% doanh nghiệp gặp khó.

So với khảo sát vào quý I/2023, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó đã thấp hơn hơn gần 3%.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 9
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý II năm 2023.

Dự kiến quý III/2023, 34,3% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,3% doanh nghiệp ổn định và 27,4% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Con số này cho thấy niềm tin kinh doanh đang giảm khi cuộc khảo sát trước có 44,1% doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 74,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 73% và 71%.

Về khối lượng sản xuất, trong quý III/2023, 34,3% doanh nghiệp dự báo sẽ tăng (cuộc khảo sát trước đó cho quý II là 43%), 39,8% sẽ giảm và 25,9% ổn định. Về đơn đặt hàng, 32,2% doanh nghiệp dự kiến tăng so với quý II; 26,3% giảm và 41,5% ổn định. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, 26,7% doanh nghiệp dự kiến tăng; 27% giảm; 46,2% ổn định.

Hoạt động dịch vụ

Hoạt động dịch vụ đang đóng góp tới 79% tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay. Con số này cho thấy khu vực dịch vụ đang là trụ cột của nền kinh tế.

Cụ thể, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm nay tiếp tục sôi động khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đóng góp tích cực của ngành du lịch khi doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 66%.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 10

Doanh thu du lịch lữ hành nửa đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong các hoạt động thương mại và dịch vụ, do trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 11

Đáng chú ý, một số địa phương ghi nhận mức tăng trưởng khủng như Đà Nẵng tăng 174%; Hà Nội tăng 106,9%; Hải Phòng tăng 93,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 78,5%; Quảng Ninh tăng 51,7%; Khánh Hòa tăng 33,6%; Cần Thơ tăng 19,9%; Lâm Đồng tăng 12,8%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ghi nhận mức tăng trưởng thứ 2. Nổi bật nhất ở một số địa phương như Khánh Hòa tăng 51%; Đà Nẵng tăng 39,1%; Cần Thơ tăng 37,5%; Quảng Ninh tăng 36,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 36,2%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 10,5%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tới gần 79% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khi năm nay ghi nhận tăng trưởng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận mức tăng 2 con số ở các địa phương gồm Bình Dương tăng 15,6%; Quảng Ninh tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 12,3%.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 12

Ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới, khi Trung Quốc chính thức mở du lịch với Việt Nam (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch) kỳ vọng tạo bước đột phá mới.

Đặc biệt là khi chính sách thị thực mới vừa được Quốc hội thông qua. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu thu hút được lượng khách Trung Quốc quay trở lại Việt Nam có xu hướng ở lại dài ngày hơn, tiêu dùng nhiều hơn, thì du lịch hoàn toàn có thể là động lực tăng trưởng lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, từ đó giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn năm nay.

Được biết, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, tổng thu dự kiến khoảng 650.000 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư

Theo Ngân hàng Thế giới, mức cam kết FDI trên toàn thế giới đều giảm kể từ năm 2022 đến nay do cuộc xung đột Nga - Ukraine và những yếu tố bất định trên toàn cầu. Do đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới để thu hút FDI ngày càng gia tăng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam tiếp tục ‘ảm đạm’ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, khác với quý I, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tích cực hơn trong quý II khi đã xuất hiện trở lại các dự án tỷ đô như thương vụ SMBC mua 15% vốn của VPBank trị giá khoảng hơn 1,5 tỷ USD, hay gần đây nhất là ngày 26/6, UBND TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Dự án LG Innotek Hải Phòng, với vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 2,051 tỷ USD.

Kèm theo đó là số dự án FDI mới tăng vọt tới gần 72% về số lượng và 31% về tổng vốn đăng ký mới. Mặc dù phần lớn là các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ, nhưng theo như trao đổi của Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Hà Nội, ông Nakajima Takeo với báo chí vào tháng 3, xu hướng đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản sẽ gia tăng. Tuy vốn đầu tư không lớn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, vẫn sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, nắm giữ thị phần không nhỏ. Do vậy, Việt Nam vẫn nên quan tâm và có chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút các doanh nghiệp này, nhằm cải thiện ngành công nghiệp trong nước.

Ngoài ra, Chuyên gia HSBC cho biết bước sang năm 2023, quan sát cho thấy một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á đã thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia vào nhiều lĩnh vực như bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics… Các doanh nghiệp này đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào Việt Nam.

Theo HSBC, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn FDI trong năm 2023, phần nào bù đắp cho những khó khăn trong thương mại hiện tại. Không chỉ những "ông lớn" trong ngành công nghệ truyền thống như Samsung và LG tiếp tục kế hoạch mở rộng mà cả những nhà đầu tư mới như Apple cũng đã thêm dây chuyền sản xuất ở Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 13

Trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam suy giảm, nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư nhà nước cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công hiện còn chậm.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm nay mới đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương, 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Có 39/52 Bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Trong khi đó, kế hoạch vốn Quốc hội giao năm nay trên 711,7 nghìn tỷ đồng và Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân trên 95% số này. Điều này cho thấy áp lực giải ngân vốn đầu công trong các tháng tới là rất lớn.

Xuất nhập khẩu hàng hóa

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 14

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu năm nay giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần sụt giảm đầu tiên trong giai đoạn 2011 – 2023.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 15

Về xuất khẩu, nửa đầu năm nay có 27 mặt hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép.

So với cùng kỳ năm trước, nửa đầu năm nay chỉ có 7 mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu gồm rau quả (tăng 64,2%); gạo; phương tiện vận tải và phụ tùng; giấy và các sản phẩm từ giấy; hạt điều; sản phẩm hóa chất; cà phê.

Trong khi đó, 5 mặt hàng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu mạnh nhất gồm gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; xơ, sợi dệt các loại; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ; hóa chất.

Về nhập khẩu, từ đầu năm đến nay có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 84% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD gồm điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 16

Xét về tốc độ, 7 mặt hàng duy nhất tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu gồm khí đốt hóa lỏng (15,2%); dầu thô; sản phẩm từ kim loại thường khác; ô tô nhập nguyên chiếc; rau quả; thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện.

Nhận định về tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương mới đây đánh giá, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng tăng trở lại chưa nhiều.

Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.

Đơn cử như Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, hiện những các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 17

Lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do:

Thứ nhất, chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 (tác động làm CPI tăng 0,49 điểm phần trăm);

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 18

Thứ hai, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,24 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao;

Thứ ba, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng (tác động làm CPI tăng 0,17 điểm phần trăm) và chỉ số giá vé máy bay tăng 65,72%; giá vé tàu hỏa tăng 32,34%; giá vé ô tô khách tăng 11,12%;

Thứ 4, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết (tác động làm CPI tăng 0,77 điểm phần trăm) và giá gạo trong nước tăng 2,39% theo giá gạo xuất khẩu (tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm);

Thứ 5, giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 04/5/2023 (tác động làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm).

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm như giá dầu hỏa giảm 9%, giá xăng dầu giảm 18,27% (tác động làm CPI chung giảm 0,66 điểm phần trăm); giá gas trong nước giảm 9,99% theo giá thế giới (tác động làm CPI giảm 0,15 điểm phần trăm).

Lao động, việc làm

Tìm điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu 2023 19

Chỉ số ngành công nghiệp trong nửa năm nay thấp kỷ lục đã cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đây cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động nhất. Điều này dẫn tới sự biến động mạnh trên thị trường lao động. Trước tình trạng thiếu đơn hàng, khó khăn dòng vốn, nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã không thể duy trì được lực lượng lao động, thời gian làm việc, tăng cao của người lao động.

Theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.

Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Trả lời đại biểu Quốc hội về dự báo tình hình lao động và việc làm của nước ta trong thời gian tới tại phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, việc dự báo thị trường lao động trong thời gian tới phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, có thể tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều, nhất là những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu.

Nhu cầu sử dụng lao động sẽ có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất kinh doanh tùy theo diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế. 

Ngọc Anh thực hiện