Trong bối cảnh phục hồi chậm và bất ổn của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đặc biệt là thị trường vốn còn chịu những tác động không nhỏ từ các chính sách kiểm soát lạm phát và tín dụng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết và đại chúng đang phải đối mặt với khủng hoảng về cân đối dòng tiền cũng như mất niềm tin của các nhà đầu tư. Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với các thách thức đòi hỏi một chiến lược phát triển ổn định và bền vững với vai trò ngày càng được kỳ vọng của hội đồng quản trị (HĐQT).
Doanh nghiệp sẽ cần một HĐQT thực sự hiệu quả cả về cơ cấu tổ chức và về chất lượng chuyên môn, bao gồm các thành viên độc lập, thành viên không điều hành ít nhất đáp ứng các yêu cầu tối thiểu theo quy định và thông lệ với các kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức để có được các thành viên HĐQT, bao gồm thành viên độc lập phù hợp như: chưa có các hướng dẫn chuyên môn về năng lực và chuẩn mực đạo đức, ứng xử bên cạnh các điều kiện cơ bản theo quy định đối với thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT; nhận thức của các chủ sở hữu/cổ đông đối với vai trò, trách nhiệm và yêu cầu năng lực của thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT còn mơ hồ và chưa thực tế; tâm thế và sự e ngại của các cá nhân thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT còn thể hiện việc thiếu chuyên nghiệp và tính chịu trách nhiệm trong thực thi vai trò và bổn phận của mình; thiếu vắng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ, ủng hộ về chuyên môn cũng như pháp lý cho các thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT.
Cùng với những thay đổi tích cực trong các quy định và khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty đối với các doanh nghiệp đại chúng và niêm yết, các bên hữu quan (bao gồm các nhà đầu tư tổ chức, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế…) cũng đang có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tăng cường quản trị công ty ở Việt Nam. Đặc biệt các quy định và thông lệ về môi trường – xã hội – quản trị (ESG) đang dần được tích hợp và thúc đẩy, từ bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD 2023 đến các quy định và khuyến khích về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, từ các cam kết Net Zero của Chính phủ cho đến các sáng kiến và yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính đối với các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp cụ thể, bao gồm việc tập trung và thu hút các nguồn vốn, tín dụng “xanh”.
Các nội dung và định hướng ESG, phát triển bền vững đang được tích hợp vào chương trình nghị sự của các HĐQT. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cải thiện chất lượng quản trị công ty đang được đặt lên hàng đầu với việc nhấn mạnh về các nguyên tắc bao gồm: hiệu quả và trách nhiệm của HĐQT, bảo vệ quyền cổ đông, bảo vệ công bằng giữa các cổ đông, đảm bảo vai trò của các bên hữu quan, công bố thông tin và minh bạch, phát triển bền vững và bền bỉ - trong đó trọng trách của HĐQT phải được đặt ở vị trí trung tâm để thực thi các nguyên tắc này. Bản thân các thành viên HĐQT, không phân biệt thành viên điều hành hay không điều hành, thành viên độc lập hay không độc lập đều cần phát huy tối đa các năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết về quản trị công ty cũng như các phẩm chất liêm chính, hành xử chuyên nghiệp theo các nguyên tắc và thông lệ tốt nhất chứ không chỉ mang tính tuân thủ các quy định theo luật hoặc điều lệ công ty. Tất cả thành viên HĐQT phải đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu và đảm bảo công bằng và minh bạch cho tất cả cổ đông, đa số và thiểu số.