Bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Thơi đã nặng trĩu quả. Tiết trời tháng 9, cam vẫn còn xanh, ông Thị dự tính chỉ vài tháng nữa khi đến mùa thu hoạch, vườn cam trên diện tích 1 ha của ông có thể thu về khoảng 30 tấn quả, giá trị thu về 600 triệu đồng.
Bà Thơi mới chuyển sang trồng cam từ năm 2014, khi cây cà phê trên Mai Sơn gặp khó khăn do tác động của khí hậu, sương muối. Nhờ trồng một cách khoa học, mỗi gốc cam cách xa nhau 5m, bố trí đủ không gian và ánh sáng để cây sinh trưởng, cộng thêm chất lượng đất tốt, chỉ sau 2 năm, khu vườn của ông đã có thu hoạch.
Trồng cam được, bà Thơi mạnh dạn mở rộng khu vườn lên thêm 3 ha nữa, bên trong ngoài cam còn có bưởi, chanh dây và nhiều loại cây ăn quả khác.
Cách đó chỉ vài trăm mét, nhà ông Hoàng Văn Chất cũng đang hái trái ngọt từ khu vườn cây ăn quả. Cùng vì sương muối, năm 2014, ông Chất chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cà phê sang trồng cây ăn quả có múi.
Đến nay, gia đình ông đã trồng được khoảng 4.000 cây trên diện tích 4 ha, chủ yếu trồng các giống cam phổ biến, năng suất cao như V1, V2, C36.. Ngoài ra, các hộ cũng đang thử nghiệm một số giống mới mang tính thăm dò như cam Mỹ, cam ruột đỏ... Năm ngoái, vườn cây của ông thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Đang trên đà phát triển, song bà Thơi và ông Chất vẫn canh cánh một nỗi lo muôn thuở của người nông dân. Đó là được mùa mất giá.
Hiện nay, huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La có 10.000 ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là xoài và nhãn, diện tích trồng cam của huyện mới vào khoảng 300 ha. Theo ông Nghiêm Quang Trung, Phó Phòng Nông nghiệp huyện, do diện tích cam mới đầu tư khoảng 3-4 năm là chủ yếu nên sản lượng chưa cao như các khu vực trồng cam 7-10 năm của các địa phương khác.
Mặc dù vậy, nếu tính toàn khu vực miền Bắc, diện tích trồng cam, bưởi, quýt và các loại cây có múi nói chung đang tăng nhanh chóng. Cam vốn là loại cây ưa đất vườn, đồi thấp, nay đất ruộng, đồi cao cũng được người dân cải tạo đưa vào gieo trồng. Nguyên nhân nằm ở giá trị kinh tế mà các loại cây ăn trái mang lại. So với trồng lúa và hoa màu truyền thống, trồng cam đang mang lại thu nhập cao gấp gần 2 lần. Tuy nhiên, không ai đảm bảo mức lợi nhuận này có thể được duy trì trong vài năm tới.
Anh Hồ Sỹ Nghĩa, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, người có hơn 12 năm công tác tại Sơn La chia sẻ, với phong trào trồng cây ăn trái ồ ạt như hiện nay, nhiều loại cây ăn quả đang có nguy cơ “vỡ trận” vì sản xuất vượt qua nhu cầu thị trường.
Đứng trước bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, người nông dân không phải không có sáng kiến. Chẳng hạn như vườn cam nhà bà Thơi, ngoài việc bán cho thương lái, bà còn tận dụng biến vườn cây thành điểm du lịch sinh thái. Khách tới thăm vườn theo nhóm từ những trường học, cơ quan, tour du lịch,… được thoải mái tự hái cam trong vườn nhà bà. Mỗi cân cam tự hái, bà để đồng giá 22.000 đồng/kg, rẻ hơn giá thị trường khoảng 8.000 đồng. Qua đó, lượng tiêu thụ tăng đáng kể.
Song, để tìm đầu ra cho hàng ngàn ha trồng cây ăn quả tại tỉnh Sơn La, sáng kiến của riêng người nông dân là chưa đủ, mà còn cần tới vai trò của các cấp lãnh đạo.
Năm 2017, một phương án được đưa ra khi UBND tỉnh Sơn La phê duyệt dự án Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông (Vân Hồ) của tập đoàn TH. Năm 2018, Dự án chính thức khởi công giai đoạn 1, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, công suất chế biến của nhà máy dự kiến đạt 300 tấn rau quả mỗi ngày. Đây là công suất nằm trong top đầu các nhà máy chế biến quả trên cả nước.
Trong giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ năm 2020 và kéo dài đến năm 2025 nhà máy sẽ bán các sản phẩm thô chưa đóng chai. Nước ép từ quả sẽ được đóng gói tiệt trùng vào dạng túi 20kg và dạng thùng 220 lít, được bảo quản lạnh đông ở nhiệt độ -18 độ C. Các sản phẩm sẽ được bán trong nước và xuất khẩu cho các nhà máy làm nguyên liệu chế biến nước ép trái cây.
Sự xuất hiện của nhà máy chế biến hoa quả tại Sơn La mang một ý nghĩa quan trọng. Đó là tạo điểm tựa cho người nông dân có thêm đầu ra. Trong quá khứ, nông sản của Việt Nam thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, chủ yếu là do người nông dân không có biện pháp xử lý sau thu hoạch. Nông sản đến vụ không thể bảo quản lâu ngày, không có nguồn tiêu thụ chỉ còn đổ bỏ hoặc chấp nhận bán cho thương lái với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một nhà máy chế biến công suất lớn, vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết
Ông Lương Quốc Hoàn, Tổng giám đốc nhà máy Vân Hồ chia sẻ, sau 2 năm triển khai, nhà máy Vân Hồ đã hoàn thiện tới những công đoạn cuối cùng và sẵn sàng đi vào hoạt động. Hai dây chuyền đầu tiên sẽ xử lý nhãn và cam.
Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ; vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu. Bên cạnh đó, nhà máy cũng mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; Vân Hội – Yên Bái.
Sang tới đầu năm 2021, nhà máy sẽ bổ sung thêm dây chuyền chế biến xoài, chanh leo, sơn trà, bên cạnh đó là dây chuyền rau củ thanh trùng.
Áp dụng chiến lược chung của Tập đoàn TH đó là đón đầu về công nghệ, nhà máy áp dụng những các công nghệ mới và hiện đại nhất thế giới trong sản xuất nước quả: Công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP,… Toàn bộ thiết bị của nhà máy được nhập từ Bertuzzi của Ý – nhà chế tạo thiết bị chế biến hoa quả chuyên dụng hàng đầu thế giới.
“Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ của Tập đoàn TH sẽ là hạt nhân để gây dựng tiếp các vùng trồng hoa quả đặc sản, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La vươn xa”, ông Hoàn cho biết.
Cùng với việc giải quyết vấn đề đầu ra cho cây ăn quả, nhà máy Vân Hồ còn góp phần giải quyết việc làm cho 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ông Vũ Anh Tuấn – Giám đốc CTCP chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư nhà máy Vân Hồ cho biết, với công suất xử lý đạt 15.000 ha nguyên liệu, nhà máy Vân Hồ không chỉ đặt mục tiêu trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu. Mục tiêu này sẽ được cụ thể hóa trong giai đoạn 2 của nhà máy, bắt đầu từ năm 2025. Khi đó, nhà máy sẽ sản xuất ra các sản phẩm bán trực tiếp ra thị trường cho người tiêu dùng, thay vì chỉ sản phẩm thô như hiện nay.
Đây là chiến lược chung cho các sản phẩm của tập đoàn TH. Sau khi thành công tại thị trường sữa Việt Nam, sản phẩm sữa tươi TH True Milk của tập đoàn TH hiện đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Gần đây nhất, TH cũng là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sữa tươi tiệt trùng sang thị trường Trung Quốc.
Trong lộ trình xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng sạch và hữu cơ, Tập đoàn TH xác định rõ sản xuất các sản phẩm thực phẩm thiết yếu sạch, hoàn toàn từ thiên nhiên là con đường đi tất yếu. Để làm được điều đó, nguyên liệu đầu vào bắt buộc phải đạt chuẩn. Bên cạnh việc đặt ra các tiêu chí chất lượng cho bà con nông dân, tập đoàn TH còn áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cung cấp giống, cây trồng, công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế cho bà con. Sau đó, các hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các yêu cầu về chất lượng.
Trên địa bàn huyện Vân Hồ, Tập đoàn TH đang khảo sát để triển khai Dự án Phát triển rau, củ, quả và dược liệu Sơn La. Dự án dự kiến trồng các loại cây ăn quả đặc sản và dược liệu với quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng, tạo nguồn nguyên liệu trên diện tích đất hơn 1.000 ha. Dự kiến ngay trong quý 4 này, Tập đoàn TH sẽ tiến hành trồng thử cây mắc ca và các loại thảo dược khác tại đây.
Tầm nhìn của tập đoàn TH mang về nhiều lợi ích cho người nông dân, đúng theo con đường “đặt lợi ích tập đoàn bên trong lợi ích quốc gia” mà TH luôn theo đuổi. Không chỉ có nơi tiêu thụ, người nông dân còn được hướng dẫn trồng trọt bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và cuối cùng là giá thành sản phẩm.
Mặt khác, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH tại một huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh vùng biên, sẽ góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng phên dậu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập tập đoàn TH từng chia sẻ trên lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ, tập đoàn TH tiếp tục đầu tư các dự án nông sản, dược liệu tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên.
Trước đó, tại Nghệ An, tập đoàn TH đã phát triển Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu – sản xuất thức uống thảo dược TH true Herbal. Mô hình phát triển thảo dược, dược liệu dưới tán rừng nhằm góp phần lưu giữ nguồn gen quý bản địa được TH tiếp tục khảo sát tại Sơn La, Hà Giang và một vài tỉnh thành khác.
Trong tương lai, Tập đoàn TH cũng đang nghiên cứu sản xuất các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, đậu nành tại Thái Bình, nước mắm, muối, nước tương, chế biến cá ở Phú Yên với mong muốn mang lại nguồn thực phẩm tươi, sạch cho gian bếp Việt.
Thực hiện: Trần Anh