Có hai điều đặc biệt về Trường Hy vọng – Hope School.
Thứ nhất, đây là trường nuôi dạy hơn 300 trẻ mồ côi trên khắp cả nước sau đại dịch Covid-19 dựa trên ý tưởng của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.
Thứ hai, trường không trực tiếp dạy học mà chỉ làm nhiệm vụ tổ chức nội trú, nuôi dưỡng, tạo môi trường cho các em sinh hoạt cùng bạn bè để có động lực học tập và phấn đấu, còn việc đào tạo được phân bổ về các trường học các cấp của FPT ở khu đô thị FPT City Đà Nẵng.
Anh Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Hope School, cũng là người đặc biệt.
Sau đại dịch, anh lặn lội khắp cả nước, đến hàng nghìn nhà có trẻ mồ côi không may có bố mẹ mất vì Covid-19 để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và đưa trẻ về Hope School.
Cũng không dễ thuyết phục anh Quyền lên truyền thông để nói về những việc mình làm trong hơn hai năm qua. Nhưng giờ đã đến lúc mở lòng trong cuộc trò chuyện đầu xuân với TheLEADER, bởi anh muốn nhân thêm hy vọng, nhân yêu thương cho những trẻ em chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa.
Từ chỗ làm quản lý doanh nghiệp rồi chuyển về một môi trường mang tính giáo dục trong một ngôi trường rất đặc biệt như Hope School, cảm xúc của anh khi nhìn lại chặng đường một năm vừa qua như thế nào? Đâu là điều mà anh thấy vui nhất?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Tôi nghĩ điều vui nhất, ý nghĩa nhất ý nghĩa nhất với tôi trong năm qua là được làm giáo dục đúng nghĩa.
Tại sao lại nói như vậy? Những học trò của Hope School đến từ rất nhiều vùng miền khác nhau, gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, mặt bằng văn hóa cũng khác nhau. Thậm chí, có cả những bạn nói dối, những bạn từng ăn cắp.
Vậy thì khi đến trường, sống và học tập tại Hope School, các bạn có sửa được không? Câu trả lời là sửa được.
Chúng tôi hay đùa với nhau rằng được làm giáo dục và giáo dục ấy không chỉ có yêu thương mà cũng có cả kỷ luật. Thế nhưng kỷ luật ở đây không phải cách mọi người thường thấy là các bạn bị bỏ ra bên cạnh.
Tại Hope School, các thầy cô chấp nhận tất cả học trò, từ khắp mọi miền với mọi tính cách tốt, xấu. Khi đã nhận một đứa trẻ về để dạy thì có như nào mình sẽ dạy như vậy để sửa, để các bạn thành những người như mình mong muốn.
Anh Bình luôn dặn rằng Hope là yêu thương, xuất phát từ yêu thương. Nhưng phải hiểu đúng nghĩa của cụm từ yêu thương.
Yêu thương ở đây là có điều kiện, không mù quáng, có giáo dục, có dạy bảo, hướng dẫn, có định hướng. Có như vậy thì yêu thương mới đến tận cùng được.
Với những điều đặc biệt như vậy, quá trình làm việc với các em nhỏ sẽ gặp những thách thức gì?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Tôi nghĩ là có thách thức nếu mình nhìn nhận theo góc độ là nghĩa vụ, là trách nhiệm.
Thế nhưng khi đã xác định làm giáo dục với giống như dự án Hope và như anh Bình xác định là mang yêu thương để cảm hóa, để giáo dục, để đền đáp thì tôi nghĩ rằng nó sẽ không còn là thách thức nữa.
Với những đứa trẻ, khi chúng được đối đãi với cả tấm lòng thì chúng sẽ cảm nhận được tình yêu thương.
Trước đây anh đã có khoảng thời gian dài làm trong các doanh nghiệp lớn với sự chuyên nghiệp và kỷ luật cao, nhưng khi sang Hope School thì chuyện yêu thương – vấn đề cảm xúc lại được ưu tiên. Phải chăng có sự chuyển đổi trạng thái mang tính đối lập trong chính con người anh?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Hơn chục năm làm việc tại Viettel hay Vingroup thì kỷ luật vẫn là dựa trên con người, đều làm cho con người hoàn thiện hơn, biết tuân thủ hơn, biết tôn trọng nhau hơn và biết lắng nghe nhau hơn.
Với các em nhỏ, liệu rằng kỷ luật có tốt không? Tôi nghĩ là rất tốt. Nhưng thay vì những biện pháp trừng phạt hay biên bản phạt, Hope lại theo hướng tuân thủ, thậm chí tuân thủ nghiêm khắc nhưng lại theo cách rất yêu thương.
Ví dụ, nếu một bạn học sinh tại Hope mà ăn cắp thì chắc chắn sẽ nhận kỷ luật. Nhưng hình phạt có thể là đọc cuốn sách “Không gia đình” 10 lần. Nếu bạn không làm được, thầy cô sẽ ngồi bên cạnh hỗ trợ một, hai lần đầu và sau đó bạn sẽ tự làm. Tại Hope, có những bạn thậm chí còn thuộc cả cuốn đó mà chẳng cần phải nhìn sách.
Hay như cho các bạn ra chăm vườn rau chẳng hạn, hoặc viết tóm tắt các cuốn sách, viết các câu chuyện.
Hope có một bộ luật gọi là Bộ luật Hy vọng, nghĩa là khi học sinh mắc lỗi, bạn ấy sẽ không phải viết biên bản, gọi gia đình đến mà có khi đơn giản chỉ là lên nói chuyện với thầy cô, thậm chí còn được thưởng cho đi xem một bộ phim bên ngoài.
Điều đặc biệt ở bộ luật này là người phạm lỗi không thể đoán được hành động tiếp theo là gì. Sẽ có một hội đồng quyết định hành động đấy, do chính các bạn học sinh trong trường vận hành và thầy cô là người hướng dẫn.
Và qua những hoạt động sau đấy như đi xem phim thì các bạn hiểu được rằng mình được yêu thương, mình không nên phạm lỗi.
Đôi khi, chính cái hành động đấy lại khiến cho học sinh suy nghĩ suốt là tại sao thầy cô lại không phạt mình, không đánh mình, vậy thì mình cần làm gì để xứng đáng với điều ấy.
Dường như Hope School đang hướng đến giáo dục kỹ năng sống nhiều hơn. Vậy, vấn đề dạy các em kiến thức sẽ như thế nào, có khác biệt gì so với các trường thông thường không?
Hoàng Quốc Quyền: Thực ra là không khác. Điều quan trọng là khi có cuộc sống nề nếp, ý thức tốt, tức là cái nền tốt rồi, mọi thứ sẽ tốt theo.
Rất nhiều học sinh mà tôi đón ra có học lực ở mức trung bình. Thế nhưng năm rồi, có tới có 15 bạn đi thi học sinh giỏi cấp thành phố, rồi có bạn học sinh đi thi đấu robot toàn quốc, đứng tốp 30 trong tổng số hơn 251 trường. Có rất nhiều giải thưởng khác nữa mà bọn tôi không bao giờ nghĩ tới.
Khi các bạn có nề nếp tốt, không nói tục, không nói dối, biết yêu thương, đặc biệt biết chấp nhận và biết đi qua những thử thách thì tự mọi thứ khác sẽ tốt nên. Nề nếp tốt đơn giản là các bạn biết phục vụ cá nhân, biết giặt giũ, dọn dẹp, giúp đỡ thầy cô. Tất cả những việc đấy, với chúng tôi, đều là giáo dục.
Ở Hope, chúng tôi xây cho các bạn một nền tảng tốt, rồi từ đó, mọi chuyện khác sẽ tốt lên theo và vẫn đang tin con đường đấy là đúng.
Các bạn tại Hope có những hoàn cảnh rất đặc biệt và thậm chí, thiệt thòi tình cảm so với nhiều bạn đồng trang lứa. Vậy thì Hope đã bù đắp điều đó cho các em như thế nào?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Hiện nay, học sinh tại Hope được chia thành các trung đội, mỗi trung đội thì có ba tiểu đội, các anh lớn sẽ ở với em bé và các bạn sẽ chăm nhau như vậy. Mỗi trung đội thì sẽ có hai thầy cô đi kèm các bạn.
Những mất mát, đau thương của các bạn dù có khác nhau nhưng đều đau thương như nhau, chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ buồn. Nhưng tất cả đứa trẻ đều cần có bạn và cần chơi.
Tại Hope, chúng tôi nghĩ rằng cần xây dựng cho những đứa trẻ tình bạn, tình anh em, xây dựng cho chúng tình yêu thương với nhau trong trung đội, trong tiểu đội đấy để bọn trẻ có thể vượt qua những đau thương, mất mát.
Cái thứ hai là thầy cô luôn luôn nghĩ ra hoạt động để học sinh không có thời gian rảnh rỗi. Ví dụ như làm việc, làm vườn, thể dục, các câu lạc bộ khoa học làm xà bông bán toàn quốc.
Các bạn ấy liên tục được làm việc và thay bằng việc đau thương, các bạn xả vào việc đọc sách, làm những việc có ý nghĩa.
Anh Bình cũng nói rằng hãy biến đau thương phải sức mạnh. Chúng tôi đang biến đau thương thành sức mạnh, là sức mạnh học tập, sức mạnh rèn luyện. Tôi nghĩ rằng chỉ có con đường đó thôi.
Tại Hope, chúng tôi không làm theo cách là ôm ấp, vỗ về, cố gắng trở thành ba mẹ của các bạn. Ba mẹ các bạn là ba mẹ các bạn, thầy cô không có nghĩa vụ thay thế. Thế nhưng, ở lâu các bạn sẽ thấy được cái tình yêu thương của thầy cô và thấy được rằng trường cũng là gia đình thứ hai.
Tên tường là Hope School – Trường Hy vọng, có gì liên quan đến những triết lý giáo dục như anh vừa nói?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Tôi nghĩ rằng trong cuộc đời này, dù lớn dù bé, già hay trẻ, ai cũng có hy vọng về một điều gì đó, có thể là hy vọng về cuộc sống, tương lai của mình, hy vọng về đất nước. Và nếu như khi con người không còn hy vọng, tôi nghĩ rằng cuộc sống rất là khó.
Các bạn nhỏ tại Hope là những người đã đi qua đại dịch và chứng kiến quá nhiều điều đau thương. Có những bạn thấy cảnh ba mất trước mặt, có những bạn chứng kiến mẹ mình mất trên tay. Hay có những bạn thấy ba mẹ khi được xe đưa đi không bao giờ thấy quay lại nữa.
Thế nhưng, cũng có rất nhiều bạn vẫn hy vọng là ba mẹ còn ở đâu đó, có thể còn ở một thế giới nào đấy. Và các bạn vẫn hy vọng là ba mẹ luôn luôn yêu thương mình trên chặng đường tới.
Bởi vậy, chúng tôi muốn gieo hy vọng cho các bạn là luôn luôn được yêu thương.
Các bạn vẫn còn nhỏ nên ngoài trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội, của nhà nước thì tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều các cô các chú, các bác khác sẵn sàng yêu thương các bạn.
Ngoài FPT, ngoài anh Bình sẵn sàng yêu thương các bạn thì cũng có nhiều người khác. Mọi người ai cũng sẵn sàng yêu thương các bạn và các bạn đều có quyền hy vọng như vậy. Thế nhưng, mỗi người lại có cách yêu thương riêng.
Cách đúng đắn mà Hope School đang làm là xây dựng cho các bạn hy vọng, hy vọng vào chính các bạn được tạo một nền tảng tốt thay vì hy vọng vào người khác hay hy vọng được ai đó cho cái gì.
Khi làm trường, anh Bình có nói với chúng tôi là nhất quyết không nhận tiền và bản thân tôi đã từ chối rất nhiều khoản tiền của rất nhiều tổ chức. Tôi nghĩ rằng cho tiền là việc làm dễ nhất.
Điều tôi và Hope School cần và muốn là sự đồng hành, đơn giản là tới kể chuyện cho tụi nhỏ 1 – 2 lần mỗi năm và cứ thế trong năm năm. Đó là một khó khăn mà không phải ai cũng làm được. Nhưng nếu đã chấp nhận yêu thương tụi nhỏ thì bất cứ ai cũng cần phải dành thời gian.
Và tại sao lại phải là khoảng thời gian năm năm? Đơn giản vì nó phù hợp với khoảng thời gian của một học sinh tới khi ra trường. Có thể đứa trẻ ấy được nghe vài lần mà thay đổi quyết định, tìm thấy được hướng đi sau khi ra trường.
Và thậm chí, việc lặp đi lặp lại giúp cho những đứa trẻ biết rằng, năm sau, chúng lại được đón ai và chờ đợi câu chuyện gì ở những người đến với chúng. Đó mới là yêu thương xứng đáng.
Nếu chỉ đưa tiền chia tiền thì không làm cho những đứa trẻ xúc động, hạnh phúc. Thế thì ở đây, chúng tôi không chỉ giáo dục cho những đứa trẻ cách yêu thương mà ngay cả những người sẵn sàng cho đi.
Tôi nhớ khi có một doanh nghiệp Nhật tới gặp và muốn cho tiền để giúp tụi nhỏ, tôi đã từ chối và nói rằng điều trường Hope đang cần, những đứa trẻ đang cần là âm nhạc nếu doanh nghiệp đó hỗ trợ được.
Và sau đấy, mỗi năm tụi nhỏ ở Hope được nghe nhạc từ dàn nhạc giao hưởng Việt Nam – một điều rất khác biệt mà không phải trường học nào ở Việt Nam cũng có.
Nhưng điều vui nhất với tôi là tụi nhỏ được lên sân khấu, thậm chí được hát cùng những nghệ sĩ lớn. Đó là cái được lớn nhất từ giáo dục, khi giúp tụi nhỏ tự tin sẵn sàng đứng trước đám đông. Đó là điều tôi đang nuôi dưỡng.
Anh có ý định gì để lan tỏa cách làm đó đến cộng đồng doanh nghiệp không, để các doanh nhân, doanh nghiệp có thể cùng chung tay trong việc gieo hy vọng cho các em?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Điều đó tùy thuộc vào tấm lòng của mỗi người. Cái cho tôi nghĩ là khó khăn nhất là cho thời gian và nếu yêu thương tụi nhỏ, câu hỏi là mọi người có sẵn sàng cho chúng thời gian hay không, ví dụ như có sẵn sàng cho tụi nhỏ năm năm hay không?
Đấy là một câu hỏi khó và chỉ có mỗi người mới có thể tự trả lời. Còn cho tiền thì như đã nói, đó là cách dễ nhất.
Tôi nhớ mãi năm ngoái, chúng tôi đón mấy đứa nhỏ đi trại hè gần biển và một cậu học trò lớp 7 ấy khi ra khỏi nhà mang theo năm cái chai 1,2 lít. Lúc đó tôi rất tò mò không hiểu cậu mang để làm gì.
Mãi sau, khi huấn luyện xong, cậu được ra biển và hóa ra mang theo chai để đựng nước biển. Tôi có hỏi mang nước biển về để làm gì thì cậu có nói rằng con mang về cho cả trường con nếm vì các bạn chưa ai được ra biển và biết vị nước biển như thế nào. Điều này đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều.
Sau đó, tôi nhận ra rằng thay vì cho tiền, cho quần, cho áo, cho sách vở, mình hãy cho nó hy vọng và câu hỏi tiếp theo là cho nó hy vọng bằng cách nào.
Ví dụ, có những đứa trẻ ở vùng cao được đi tàu hỏa vào Đà Nẵng, vào TP. Hồ Chí Minh, ở khách sạn 3 - 4 sao, thậm chí, được thử những dịch vụ tốt nhất. Hay đơn giản là tới những văn phòng làm việc của các doanh nghiệp cũng giúp chúng có cái nhìn khác hơn về cuộc sống.
Thậm chí còn quay phim cho chúng để về cho cả trường xem và tôi tin rằng đứa trẻ đó sẽ mang cái niềm tự hào ấy để sống những ngày tháng tiếp theo. Tôi cũng tin rằng nếu 10 đứa thì ít nhất sẽ có ba đứa đi ra khỏi cái làng đó được.
Đó là cách nuôi ước mơ và nuôi hy vọng cho tụi nhỏ.
Bản thân anh hy vọng gì ở tụi nhỏ tại Hope School sau khi các em tốt nghiệp?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Không hy vọng gì (cười).
Vì sao?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Vì khi đặt hy vọng mà các bạn không đạt được như vậy thì mình sẽ buồn, nên mình không cần hy vọng gì.
Tôi chỉ mong một điều rằng khi những đứa trẻ lớn lên, chúng làm được 10 lời hứa của Hope và khẩu hiệu của Hope là “Trung thực, kỷ luật, đoàn kết”. Tôi chỉ mong rằng chúng sẽ hiểu được ba chữ đó chứ không mong đền đáp gì.
Tôi có hỏi anh Bình rằng khi bỏ tiền ra làm, anh Bình hay FPT mong muốn điều gì ở các bạn, anh Bình có nói rằng anh muốn chúng làm chủ tịch FPT. Lý do là bởi tụi nhỏ được lớn lên bằng tình yêu thương và FPT xây dựng bạn bè, đồng đội bằng tình yêu thương. Vì vậy, những đứa trẻ sẽ hiểu rõ được giá trị của yêu thương và sẽ làm rất tốt điều đó. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một lý do.
Anh đã từng làm những vị trí cao ở những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu với nhiều bổng lộc, hào quang của sự nghiệp. Vậy khi quyết định ở lại với Hope School, có khi nào anh cảm thấy tiếc nuối hay không?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Không, tôi giàu lắm (cười lớn). Mặc dù tiền không có nhưng rất là giàu. Và vui nhất là tôi được tụi nhỏ dạy quá nhiều điều mới, tôi không đoán định được là ngày mai chúng sẽ cho mình cái gì.
Và như vậy, tôi nghĩ rằng lựa chọn hiện tại rất xứng đáng để mình học. Đặc biệt, làm với tụi nhỏ có một điều rất thú vị là mình không thể nói dối được. Cái đấy là được nhiều hơn mất.
Khi đã hứa với tụi nhỏ điều gì thì cũng nhất quyết phải thực hiện dù to dù bé. Nhưng khi đi làm với doanh nghiệp, với khách hàng, có những điều hứa xong có thể để đấy không chết ai.
Với tụi nhỏ, lời hứa của người lớn là hứa bằng tình thương vì chúng đâu có đòi hỏi nhiều.
Những năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm cũng đủ để kể cho tụi nhỏ, để học với tụi nhỏ, để lớn lên cùng nó và cho những đứa trẻ nhìn thấy các mặt của cuộc sống bằng trải nghiệm của mình.
Tôi thích những đứa trẻ tại Hope được trải nghiệm nhiều hơn. Ở trường tôi không dạy các bạn nhưng có vướng mắc gì thì chúng lại tìm đến mình, ngồi lại nói chuyện và thậm chí, các bạn còn dạy mình.
Tôi hiểu rằng chỉ khi những đứa trẻ tin mình thì mới đến tìm mình, nói cho mình những điều thầm kín. Vậy nên, tôi đang xây dựng niềm tin với chúng mỗi ngày.
Anh có cảm thấy áp lực khi so sánh công việc hiện nay với những bạn bè cùng trang lứa hay những vị trí cao từng đảm nhận hay không?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Không, tôi thấy rất hạnh phúc vì mình được nhiều quá, được học lại rất nhiều điều, học lại sự mềm dẻo của não, học lại sự linh hoạt của trẻ con, học lại ý chí của tụi nó.
Quan trọng nhất là tụi nhỏ cho tôi nhiều hy vọng hơn vào cuộc đời.
Từ lúc bắt đầu dự án đến giờ, tôi đã đi tới hơn 4.000 nhà, nhìn thấy tận cùng bức tranh kinh tế. Tôi nhìn thấy cả về kinh tế, về thể chế, về xã hội, về các mặt trái, về cả sự nghèo đói.
Nhưng cùng với đó là cả sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các địa phương, sự chung tay vào cuộc với những đứa trẻ khó khăn, có hoàn cảnh gia đình đau thương, mất mát vì Covid-19.
Tôi nghĩ rằng nếu đi làm như trước đây thì chẳng bao giờ có thời gian và cơ hội để thấy những điều đó. Giúp đỡ mọi người, giúp tạo ra sự thay đổi biết đâu cũng là một sứ mệnh của mình.
Tại sao anh lại chọn cách tự đi đến từng nơi, từng nhà, thậm chí cả những nơi ngóc ngách nhất, vùng sâu vùng xa?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Khi đưa một đứa trẻ về ở với mình, nếu không thể hiểu được đứa trẻ ấy đến từ đâu, ở nhà như thế nào, quê quán có gì, thậm chí hàng xóm tên gì, mình sẽ rất khó nói chuyện với nó.
Đơn cử, tôi có một bạn đang học lớp 7, đúng ở độ tuổi nổi loạn. Tôi từng kể cho bạn đó là thầy đến nhà con, gặp bác hàng xóm tên A gì đó, gặp người này người kia thân quen với con. Những câu chuyện ấy giúp mình dần kết nối với đứa trẻ.
Hay là tôi có cách khác là rủ đứa trẻ đó về quê chơi để gắn kết hơn. Đó cũng là giáo dục và giáo dục theo cách nhân văn.
Nó cũng như việc người lớn lấy vợ lấy chồng, nếu không về quê nhau thì làm sao biết được họ hàng, hoàn cảnh, làm sao yêu thương được.
Khi tôi đến nhà một học trò thì bao giờ tôi cũng mời tổ dân phố, chính quyền địa phương, hàng xóm, thầy cô chủ nhiệm đến. Thậm chí, tôi còn gặp các bạn của học trò để hiểu hơn về đứa trẻ đó, để đứa trẻ cảm nhận rằng mình thật sự hiểu và yêu thương chúng.
Có những bạn học sinh tôi thậm chí phải đi tới bảy lần thì các bạn mới tin mình.
Đầu xuân mới, anh mong muốn điều gì cho tụi nhỏ, cho ngôi trường và cho chính bản thân mình?
Anh Hoàng Quốc Quyền: Tôi mong là thật nhiều người cùng nhân lên hy vọng, vậy là đủ rồi.
Nhân vừa là gấp lên, vừa là người. Đơn giản như năm tới có nhiều người tới kể chuyện cho tụi nhỏ hơn để nhân lên nhiều hy vọng cho bọn trẻ.
Tôi nghĩ rằng đó là điều chúng tôi mong muốn nhất và tôi cũng chẳng có gì ngoài hy vọng.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị!
Thực hiện: Kiều Mai - Giang Sơn
Thiết kế: Diệu Thảo - Ảnh: NVCC
Xuất bản: 17/2/2024