Tiếng rao đồng nát, ve chai từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống nơi thành thị trên khắp cả nước. Hàng ngàn, hàng vạn các cô, các chị đồng nát, ve chai, suốt hàng chục năm qua vẫn không quản ngại nắng mưa để đi thu mua hoặc nhặt nhạnh phế liệu từ thùng rác, bãi rác dân sinh.
Nhìn nụ cười tươi tắn của bà Lương khi đón nhận những lời chúc tụng, những nhành hoa tươi thắm nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam tại Lễ tôn vinh những “chiến binh xanh” do Công ty VietCycle tổ chức, ít người thấu được những nỗi tủi thân người phụ nữ hơn 50 tuổi ấy từng phải gánh chịu trong suốt hơn nửa cuộc đời.
Khoảng 30 năm về trước, bà Lương bắt đầu hành nghề nhặt ve chai, đồng nát để bán cho các vựa phế liệu để kiếm tiền nuôi con trưởng thành, rồi sau là nuôi người chồng ốm bệnh không còn sức lao động.
Hơn 30 năm vất vả nhặt nhạnh những thứ bị người ta vứt bỏ để gom góp từng đồng là chuỗi ngày đầy tủi thân. Tủi vì vất vả suốt ngày đêm chỉ được vài đồng còm cõi, tủi vì những lời dị nghị, những ánh mắt coi thường từ những kẻ tự cho mình là sạch sẽ, văn minh.
Nỗi tủi thân ấy như một điều gì đó rất ám ảnh, để đến nỗi khi gặp những người nhân viên của VietCycle và Unilever đến với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ, bà Lương đã không khỏi nghi ngờ đây là những tay lừa đảo hay bán hàng đa cấp.
Còn đối với bà Hơn, 25 năm nhặt ve chai phế liệu để nuôi chồng chạy thận, rồi lại nuôi mẹ chồng đau yếu hơn 90 tuổi, là một điều gì đó bất công. Bất công với quãng thời gian tuổi trẻ cùng dựng xây, bảo vệ Tổ quốc của hai vợ chồng bà, bất công cả với cái sức lực ngày một héo mòn của người phụ nữ đã quá tuổi “xưa nay hiếm”.
Âm thầm chịu nỗi bất công suốt hàng chục năm, bà Hơn đã bật khóc khi chạm vào chiếc xe đạp được VietCycle trao tặng. Đến khoảnh khắc đó, bà mới tin rằng thực sự được tặng một chiếc xe, tin rằng có những con người vẫn đang quan tâm và chăm sóc cho bà.
"Không tìm được họ ở đâu cả"
Tiếng rao đồng nát, ve chai từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống nơi thành thị trên khắp cả nước. Hàng ngàn, hàng vạn các cô, các chị đồng nát, ve chai, suốt hàng chục năm qua vẫn không quản ngại nắng mưa để đi thu mua hoặc nhặt nhạnh phế liệu từ thùng rác, bãi rác dân sinh.
Xuất hiện phổ biến như vậy nhưng những người hành nghề đồng nát, ve chai dường như “ẩn mình” trước hệ thống an sinh và cơ quan quản lý nhà nước. Lý giải điều này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, cho biết, người đồng nát ve chai không có tổ chức đại diện để cất lên tiếng nói và bảo vệ quyền lợi.
“Không ai tìm được họ ở đâu cả, họ không được quan tâm, hỗ trợ, không được hưởng an sinh ở mức tối thiểu. Đó chính là lý do người ta dùng cụm từ “phi chính thức” để gọi những người đồng nát, ve chai”, ông Vượng cho biết.
Lực lượng phi chính thức ấy lại đang nắm vai trò then chốt trong công tác quản lý chất thải rắn. Những phế liệu có giá trị tái chế trong số hàng triệu tấn chất thải phát sinh mỗi ngày sẽ kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp, lò đốt rác hay “mắc kẹt” ngoài tự nhiên nếu như không có bàn tay thu gom của các chị, các cô đồng nát.
Chính vì vậy, sự “vô hình” của những người đồng nát, ve chai trong các hệ thống an sinh tiềm ẩn nguy cơ về những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đó là khủng hoảng về quản lý chất thải, khủng hoảng an sinh xã hội và khủng hoảng về sức khỏe con người.
Đối với một nhà tái chế hơn 20 năm kinh nghiệm, ông Vượng và đội ngũ VietCycle coi lực lượng thu gom đồng nát, ve chai như những người nhà, người đồng nghiệp, có sự gắn bó lâu dài và mật thiết.
Và cũng với trách nhiệm của một nhà tái chế, VietCycle hiểu được rằng cần phải làm điều gì đó để giúp những “người hùng thầm lặng” ấy không còn “vô hình”, để họ được hưởng an sinh xã hội, được bảo vệ và được hưởng những quyền lợi xứng đáng với những gì họ đang cống hiến.
Từ trăn trở đó, Dự án Hồi sinh rác thải nhựa được VietCycle khởi động vào năm 2021, với sự đồng hành của Unilever Việt Nam và một số đối tác. Dự án hỗ trợ người thu gom ve chai thông qua việc hỗ trợ về trang thiết bị, hướng dẫn phân loại phế liệu, tuyên truyền về an toàn lao động cũng như dành tặng những phần quả nhỏ như áo phản quang, xà phòng, dầu gội…
Tính đến hết năm 2022, chương trình Hồi sinh rác thải nhựa đã tiếp cận được gần 3 nghìn lao động hành nghề đồng nát, ve chai, thiết lập 145 điểm, 18 trạm thu gom, thu gom được hơn 16 nghìn tấn phế liệu nhựa.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập được cộng đồng khoảng 13 nghìn người thu gom phế liệu, thu gom khoảng 80 nghìn tấn rác thải nhựa, thu gom tái chế khoảng 80 nghìn tấn nhựa mỗi năm, qua đó giảm từ 150 - 450 tấn phát thải carbon ra môi trường.
Tự hào là những chiến binh xanh
Có đến hơn 30 năm làm nghề thu gom phế liệu, chị Phú lặn lội hơn 1 ngàn cây số từ TP.HCM ra Hà Nội để dự lễ tôn vinh của VietCycle. Từ khóa chị Phú nhắc tới khi nhận được hỗ trợ từ VietCycle và tham dự lễ tôn vinh là “tự tin”, một giá trị tưởng chừng đã bị vùi lấp suốt nhiều năm lam lũ với rác thải, phế liệu.
Chị Phú cho biết, nghề phế liệu thường không nhận được cái nhìn thiện cảm nên luôn phải sống trong sự tự ti và mặc cảm. Nỗi mặc cảm ấy ảnh hưởng đến cả thế hệ sau, khi không ít đứa trẻ khi đến trường đã không dám giới thiệu về nghề ve chai, phế liệu của cha mẹ mình.
“Tâm huyết của anh Vượng, của VietCycle đã giúp chúng tôi tự tin nói lên nghề của mình là một nghề đem lại lợi ích cho xã hội và là một nghề phước báu”, chị Phú bày tỏ.
Đó cũng chính là một trong những giá trị trân quý nhất mà Dự án Hồi sinh rác thải nhựa của VietCycle đem lại cho người hành nghề ve chai, đồng nát. Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Unilever Việt Nam, cho biết, sự hỗ trợ về tinh thần giúp cho những “chiến binh” thầm lặng ấy trút đi phần nào gánh nặng công việc vốn đã rất nhọc nhằm, giúp họ tự tin hơn với công việc đáng trân quý của mình.
Bởi lẽ, với những đóng góp thiết thực cho môi trường và xã hội, với sự cần mẫn, lam lũ lo cho gia đình, chăm chút cho tương lai của thế hệ sau, những người đồng nát, ve chai xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Nhìn những người phụ nữ lam lũ nở nụ cười thật tươi khi đón nhận những nhành hoa, những lời chúc nhân ngày lễ của phái đẹp, có lẽ ông Vượng là người vui hơn cả. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi trăn trở, vẫn còn đó một chặng đường dài để ông Vượng, bà Nhi cùng những nhân sự VietCycle và Unilever Việt Nam thực hiện hóa mục tiêu “chính thức hóa” lực lượng đồng nát, ve chai.
“Chúng tôi đang xây dựng một khái niệm mới, thay đổi hoàn toàn cái nhìn của xã hội về nghề đồng nát, ve chai. Chúng tôi gọi họ đúng với ý nghĩa của nghề này, đó là chiến binh xanh. Từ nay, chúng ta hãy gọi họ là những chiến binh xanh”, Chủ tịch VietCycle nhắn gửi.