Dường như chẳng có gì nhiều để nói về Ninh Thuận. Có chăng, đó là vùng đất khí hậu khắc nghiệt, quanh năm đối mặt với hạn hán, chỉ có cây bụi và xương rồng mà những người nông dân khắc khổ lang thang dưới nắng gắt chăn cừu, chăn dê. Đâu đó thấp thoáng bóng tháp cổ Po Klong Giarai huyền bí hay những người phụ nữ Chăm mong manh giữa đồi cát trong những tấm bưu thiếp.
Dẫu có lãng mạn hơn khi trở thành niềm cảm hứng cho nhạc sỹ Trần Tiến sáng tác bài hát “Tiếng trống Pananưng” hay là bối cảnh quyến rũ cho bộ phim truyền hình nhiều tập “Dấu chân du mục”, cái tên Ninh Thuận không gợi lên được gì nhiều đối với khách du lịch.
Mặc dù nằm ở trung tâm trong tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Mũi Né, nhưng Ninh Thuận vẫn như vùng đất bị lãng quên. Thậm chí, trong tiềm thức nhiều người, Ninh Thuận như miền xa ngái. Cũng chính vì ý nghĩ đó nên suốt bao nhiêu năm, hết đi Nha Trang rồi Phan Thiết, nhưng tôi vẫn chưa từng một lần quay lại Ninh Thuận sau chuyến đi đầu tiên lướt qua Phan Rang - Tháp Chàm khi từ Đà Lạt xuống Nha Trang đã hơn chục năm trước.
Cũng có lẽ, không có nhiều du khách đặt chân đến Ninh Thuận bởi ai cũng nghĩ Ninh Thuận xa xôi. Từ TP. HCM đi ra cũng mất 7-8 tiếng. Trước đây từ sân bay cũ ở Nha Trang qua cũng mất khoảng 3 tiếng. Nhưng thật không ngờ, đến Ninh Thuận bây giờ lại có thể dễ dàng đến thế. Từ sân bay Cam Ranh về thành phố Phan Rang chỉ 60km, nếu chạy chậm thì chỉ mất già 1 tiếng, tức là cũng chỉ xa hơn một chút so với từ Cam Ranh về Nha Trang.
Hầu như ai cũng ngại đến Ninh Thuận khi chứng kiến cảnh nắng nóng và khô hạn trên ... tivi. Nắng và gió là “đặc sản” của Ninh Thuận. “Gió như phan”, nhưng cứ phải nhấn mạnh “gió như phang” bởi dẻo đất Nam Trung Bộ này có vô số những dãy núi nhô ra biển, tạo thành những phễu đón gió.
Ninh Thuận cũng là nơi có nắng nhiều nhất cả nước, nắng từ sáng tới tối, nắng cháy da. Ngay ở thời điểm này, khi miền Bắc bắt đầu đón những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên thì ở Ninh Thuận vẫn nắng nóng. Ninh Thuận hiện là nơi có nhiều dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời nhiều nhất cả nước, đủ để thấy nắng gió ở Ninh Thuận như thế nào!
Nhưng nắng nóng ở Ninh Thuận khác với cái nắng gay gắt của mùa hè miền Bắc. Nắng to, nhưng chỉ bước vào bóng cây là mát. Nắng to cả ngày nhưng chiều tối lại mát lạnh. Nắng nóng nhưng không nhễ nhại mồ hôi. Nhưng chính thời tiết tưởng chừng như khắc nghiệt ấy lại là môi trường ý tưởng để nghỉ dưỡng và tắm biển.
Ninh Thuận không thiếu những bãi biển đẹp. Thậm chí có người nói rằng, những bãi biển đẹp nhất Việt Nam không nằm ở Nha Trang hay Phú Quốc mà ở Ninh Thuận. Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ cát mịn, nước trong xanh trải dài ngút tầm mắt dọc theo thành phố Phan Rang. Nhưng nếu chỉ có vậy thì có thể đến Nha Trang hay Mũi Né. Biển Ninh Thuận có vẻ đẹp riêng mà ít nơi nào có được.
Xen giữa những núi đá nhô ra biển là những bãi biển nhỏ xinh tuyệt đẹp, mà nếu không có “thổ dân” dẫn đường thì ít ai có thể đặt chân đến. Bãi Kinh, bãi Chà Là, bãi Nước Ngọt, bãi Tràng…, những cái tên ít khi xuất hiện trên bản đồ du lịch phổ thông, nhưng lại là “đặc quyền” của dân phượt ưa khám phá. Men theo những con đường mòn, qua những khu rừng rậm giữa núi non chập chùng, cảm xúc như vỡ oà khi hiện ra trước mắt một thiên đường cát mịn màng, nước xanh màu ngọc bích và được tô điểm bằng những hòn đá cuội khổng lồ xếp chồng lên nhau.
Nếu ưa ồn ào, thích đông đúc, không nên đến Ninh Thuận. Chỉ có những cung đường biển vắng vẻ, một bên là núi đá nhấp nhô bao la, một bên là biển xanh, thi thoảng lại xuất hiện bãi cát trắng sóng tung bọt trắng xoá. Ninh Thuận có rất nhiều cảnh đẹp, thậm chí có nhiều điểm nhấn hơn cả Nha Trang. Đó là vịnh Vĩnh Hy xinh đẹp nép mình dưới vườn quốc gia Núi Chúa, là Mũi Dinh hoang sơ với đồi cát bạt ngàn, là Hang Rái huyền bí dưới ánh bình minh, là cánh đồng nho Thái An trĩu quả và những cánh đồng muối Cà Ná lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ở Việt Nam có ba nơi có đồi cát đẹp, là Mũi Né, Quảng Bình và Ninh Thuận, nhưng đi rồi mới biết đồi cát Mũi Dinh của Ninh Thuận mênh mông và đẹp đến nhường nào.
Một trải nghiệm khó quên khi chúng tôi đến đồi cát bay Mũi Dinh giữa lúc mặt trời đứng bóng. Cả đoàn ngồi trên xe đặc chủng mà người dân gọi là “xe bọ hung”, bánh to khổng lồ và cao lêu nghêu để đi được trên cát. Đồi cát mênh mông, ngút tầm mắt, chạy dài tới biển. Tạo hoá thật kỳ diệu, khi một bên là những đồi cát vàng xậm, một bên là đồi cát trắng phau.
Sau khi thoả sức tạo dáng ở đồi cát vàng, hầu hết mọi người đều mệt lử dưới trời nắng gắt, nên chỉ còn ba người leo tiếp đồi cát trắng. Nắng nóng khiến con đường lên đỉnh như dài thêm. Gió lớn từ biển thổi cát bay rát bắp chân. Càng lên gần đỉnh, đường lên không còn phẳng mà dốc như hai cạnh tam giác, tưởng như chỉ cần nghiêng người sang một bên là bị tụt xuống. Nắng giữa trưa gay gắt, đồi cát càng như dài vô tận, khát khô cổ họng nhưng do chủ quan nên không ai mang theo nước.
Đó chưa phải là lúc nguy hiểm nhất. Khi tới đỉnh đồi, nhìn quãng đường quay lại đã thấy ngán nên hai trong ba thành viên quyết định tụt theo triền cát xuống chân đồi. Nhưng chỉ mới đến nửa chừng, một thành viên đã nhảy dựng đứng. Hoá ra, khi đi men theo mặt đồi cát hướng ra biển, gió mạnh nên mặc dù nắng nóng nên rất mát chân. Nhưng khi trượt xuống phía trong khuất gió thì cát nóng bỏng như rang. Cũng may là một người mang giày nên cởi tất cho người kia đi tạm mới vượt qua được quãng đường nóng bỏng trước khi cả đoàn đi xe đặc chủng đến đón.
Ninh Thuận là xứ sở của cừu và dê nên không thiếu hai món này. Nghe đồn nhà hàng Hoa Thiên Lý phục vụ món sườn cừu nướng, thịt cừu xiên nướng và cừu hầm nho ngon nhất, nhưng tiếc là chưa có cơ hội thưởng thức. May mắn thay, nhờ có dân thổ địa nên chúng tôi đặt được đầu bếp nhà hàng làm tiệc BBQ lửa trại ngay trên bãi biển của một quán bar bỏ hoang ở Ninh Chữ. Không biết có phải đói hay không vì tìm mãi mới thấy quán bar này trong đêm tối nên món cừu đúng là ngon danh bất hư truyền. Chỉ tiếc là rượu vang Ninh Thuận uống không khác gì … bia hơi!
Nhưng, ngon nhất phải là bữa hải sản trên bãi biển Mũi Dinh. Bào ngư hấp gừng, ghẹ luộc, ốc hấp, tôm sốt me, món nào cũng ngon. Nghe đâu thủy sản ở những vùng biển nước trồi như Ninh Thuận là ngon nhất. Nhưng khó ai có thể quên món mực nướng mọi, mực tươi giòn sần sật và ngọt lịm đầu lưỡi. Nhưng cả quán chỉ có đúng ba con mực nên cả đoàn thèm quán mà đành chịu.
Quán tạm bợ và sắp dẹp đi để xây khách sạn nhưng có lẽ hải sản ở đây càng ngon hơn vì ăn trong khung cảnh tuyệt mỹ: gió hiu hiu, bãi cát mịn, nước xanh ngắt, sóng dịu nhẹ, ngăn cách bởi một bên là những hòn đá cuội khổng lồ xếp chồng lên nhau như một ngọn núi nhỏ, một bên là dãy núi nhô ra biển sóng đập tung bọt trắng xoá.
Ăn xong cả đoàn ngủ lăn ra ngủ trên võng. Xế chiều, chúng tôi lên xe bằng phương tiện đặc chủng chỉ có ở đây: máy cày bánh to dùng để chạy trên cát, trên mũi gắn lưỡi như máy xúc, phía sau được độ lại lắp hai hàng ghế, nhưng lưỡi xúc cũng là ghế ngồi cho 3-4 người. Thoạt nhìn rất nguy hiểm, nhất là đi trên triền cát, nhưng không hiểu sao, không ai sợ mà còn cảm thấy thích thú!
Bữa ăn ngon không kém là trên nhà bè ở đảo Bình Hưng. Đảo này chỉ cách bờ biển Ninh Thuận 10 phút đi tàu nhưng lại thuộc Khánh Hoà. Nằm trong vịnh Cam Ranh lặng sóng nên Bình Hưng là nơi lý tưởng để dựng nhà bè nuôi tôm hùm. Ở đây có đủ các loại hải sản, nhưng ấn tượng nhất là lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy con cá bống mú nặng tới 140kg, to gấp đôi con cá chúng tôi từng được ăn ở Lăng Cô. Bà chủ bè cho biết con cá này đã nuôi được 9 năm, từ lúc bắt được ở biển chỉ có ... 14kg. Đã có người trả 200 triệu đồng nhưng bà lắc đầu, và còn khẳng định chắc nịch bây giờ có trả 250 triệu bà cũng không bán.
Du lịch Ninh Thuận tụt hậu rất xa so với Nha Trang, Phan Thiết nên tìm chỗ ở là bài toán đau đầu. Cả tỉnh mới có vài khách sạn được gắn sao, như Sài Gòn Ninh Chữ, Aniise Resort, Gà Trống Vàng và Amanoi.
Nhưng đặc biệt ở chỗ, Amanoi là một trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất cả nước, được quản lý bởi tập đoàn khách sạn hạng sang hàng đầu thế giới Aman Resorts. Khu nghỉ dưỡng chỉ có 34 biệt thự trải rộng trên đỉnh Núi Chúa và có tầm nhìn toàn cảnh vịnh Vĩnh Huy tuyệt đẹp. Giá phòng trên 10 triệu đồng/đêm và cao nhất có thể tới 100 triệu đồng.
Không ở thành phố, cũng không có bãi biển, nhưng có lẽ khu du lịch Tanyoli là nơi đáng để thử nhất. Nằm cạnh đồi cát Mũi Dinh, Tanyoli có 5 lều bạt kiểu Mông Cổ, 5 căn nhà gỗ mái cong xinh xắn, giá từ 1,4-2 triệu đồng/đêm. Ở đây, du khách có thể làm thổ dân chăn cừu, cưỡi ngựa, bắn cung, hay check-in giữa vườn hoa vàng rực bên suối.
Vài ba ngày sẽ không đủ để khám phá hết Ninh Thuận. Như vẫn còn gì đó níu chân không muốn về. Đó là đồng cừu An Hoà, đồng muối Cà Ná, làm gốm Bàu Trúc… mà chỉ cần tung vài bức ảnh sống ảo thì sẽ không biết có bao nhiêu người ao ước được đến một lần.
Thực hiện: Giang Sơn - Thiết kế: Khánh Phạm - Ảnh: Duy Hà, Giang Sơn
17/11/2018