Thế giới thực sự đã bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số và công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy sự thay đổi của thế giới với tốc độ nhanh chưa từng có.
Thách thức mà các nhà quản trị đang gặp phải đó là làm sao bắt kịp được cùng lúc hai xu hướng. Một là chúng ta sẽ quản trị thế nào khi những công việc của con người đang ngày càng được “máy hóa”. Hai là khi máy hóa càng nhiều thì vấn đề “nhân hóa” càng quan trọng.
Làm thế nào để nhà quản trị có thể chinh phục được trái tim, trí óc, tình cảm của nhân viên? Làm thế nào để khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của toàn bộ đội ngũ?
Thông thường, người ta luôn nói nhà lãnh đạo cần có tâm và tầm, điều này hoàn toàn đúng, nhưng đặt trong bối cảnh tương lai, một nhà lãnh đạo phải có thêm chữ tình, khi mà yếu tố “máy” càng trở nên phổ biến ở môi trường làm việc. Càng “máy” bao nhiêu, chúng ta càng cần yếu tố “người” bấy nhiêu! Chữ tình mà tôi đề cập liên quan đến việc lãnh đạo doanh nghiệp cần làm gì, lúc nào, ở đâu để truyền được cảm hứng, tạo cơ hội cho tất cả nhân sự cùng phát triển. Bên cạnh đó, chữ tình có thể hiểu là sự nhân ái, khiêm tốn. Bởi thành công của doanh nghiệp ngày hôm nay không đến từ duy nhất nhà lãnh đạo mà là thành công của cả tập thể.
Cuối cùng là tình yêu thương con người, tức là nhà lãnh đạo phải đặt được mình ở “lòng người” để giúp mọi người vượt qua được những khó khăn, thách thức. Chắc chắn, khi một nhà lãnh đạo có “tình” thì mọi người đều sẽ cảm được. Bởi đây không phải cái “tình” chung mà là cái “tình” rất cụ thể hướng đến những người mà nhà lãnh đạo làm việc cùng. Tình yêu thương này của một nhà quản trị nếu được thể hiện đúng cách sẽ luôn tỏa sáng và được cả tập thể ghi nhận, từ đó cấu thành nên một tổ chức năng động, quyết liệt, sẵn sàng cạnh tranh, sẵn sàng vượt khó.