Các bờ kè chống sụt lún và sự phát triển của hạ tầng đường bộ không chỉ đẩy chợ nổi tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến bờ vực biến mất, mà còn đẩy sinh kế của nhiều người dân nơi đây vào ngõ cụt.
------------------------------------
Ngồi trên xe máy, tay ôm bọc hành lý to bằng nửa người, chị Trần Thị Thúy Oanh đưa mắt dõi theo những con phố tấp nập của Sài Gòn. Chị hít một hơi thật sâu, chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống sắp tới tại đây.
Đây không phải lần đầu tiên chị đến Sài Gòn, cũng không phải lần đầu chị mưu sinh ở thành phố này. Những năm 2009 - 2010, chị đã từng làm công việc chăm sóc người già cho một gia đình suốt ba năm.
Thu nhập ổn định nhưng sau đó (2012 - 2013), chị vẫn quyết tâm trở lại quê hương Ngã Bảy (Hậu Giang) vì “lo cho đứa con trai ở nhà, sợ nó không có người chỉ bảo lại hư mất. Gia đình mướn chị nài nỉ lắm, nhưng chị vẫn quyết tâm về quê, bán nước, làm cần xé (giỏ) sống qua ngày".
Ngược dòng chảy lịch sử, khu vực Ngã Bảy từng là chợ nổi sôi động bậc nhất của ĐBSCL và cả khu vực những năm đầu của thập kỷ 90. Chị Oanh, thời đó chưa tròn 20 tuổi, lăn lộn đánh hàng từ chợ đi các tỉnh lân cận, cũng đủ để nuôi sáu người em.
Năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy được di dời sang vị trí mới. Tình hình kinh doanh sau vài năm kể từ đó cũng ngày càng ảm đạm, lại thêm áp lực từ chồng không muốn vợ đi sớm về khuya, chị Oanh quyết định lên Sài Gòn.
Quyết định bỏ quê lên thành phố của chị lần này cũng không khác gì thời điểm 10 năm trước - vì mục tiêu kiếm sống. “Chị làm gì cũng được, giúp việc, coi trẻ nhỏ hay lao động chân tay cũng được, miễn là có tiền. Ở quê giờ mần không ra”, chị tâm sự.
Nhiều cư dân muốn bám trụ chợ nổi như chị Oanh cũng đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì sự tiêu biến của loại hình chợ này trong hai thập kỉ trở lại đây.
Không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa giao thương đặc trưng của miền sông nước, các chợ nổi tại ĐBSCL - nằm tại các tuyến đường thủy chính - còn là sinh kế chủ yếu của rất nhiều người dân.
Phát triển giao thông đường thủy nội địa đã được Bộ Giao thông vận tải lấy làm trọng tâm trong định hướng phát triển vận tải vùng ĐBSCL tới 2030. Chuyển sang vận tải hàng hóa bằng nội địa cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, theo Ngân hàng Thế giới.
Tuy vậy, sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian qua cùng với định hướng bảo tồn chợ nổi đặt nặng gìn giữ giá trị văn hóa đã và đang khiến các chợ nổi ở ĐBSCL dần biến mất.
MẤT DẤU CHỢ NỔI MIỀN TÂY
Sự ảm đạm, thậm chí tiêu vong của một số chợ nổi trước đó do sự phát triển của hạ tầng xung quanh, cụ thể là hệ thống bờ kè với mục đích chống sạt lở bờ sông, dường như đang tái hiện tại chợ nổi Cái Răng – chợ nổi lớn nhất còn sót lại của miền Tây.
Thống kê mới nhất từ UBND quận Cái Răng cho biết, chợ nổi Cái Răng hiện có khoảng 200 ghe tàu hoạt động thường xuyên, sụt giảm mạnh so với con số khoảng 500 ghe vào năm 2016. Mức giảm đáng kể nhất được ghi nhận vào khoảng thời gian thi công dự án bờ kè sông Cần Thơ.
Ở những chợ nổi vang danh một thời khác như chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Ngã Bảy, số ghe tàu thường xuyên hoạt động không còn vượt quá hai bàn tay. Thi thoảng, chỉ thấy đôi ba tàu du lịch đưa một vài người khách đi dọc con sông.
Ấy vậy mà vào thời điểm sung túc đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chợ nổi Ngã Bảy mỗi ngày đón tới 800 ghe, tàu đến giao thương, theo soạn giả Nhâm Hùng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu văn hóa miền Tây.
Sức lan tỏa của chợ nổi này lấn ra tới gần nửa sông, chạy dài hơn 1km, dọc theo bảy ngã sông. Ước tính hoạt động của chợ nổi Ngã Bảy trải rộng ra tới 500 - 700 ha mặt nước, bằng khoảng 30 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại.
Thế nhưng, sự náo nhiệt và sôi động của khu chợ sầm uất thời ấy giờ chỉ còn trong ký ức của những người ở lại.
“Lúc chị còn nhỏ, chợ ở đây đông dữ lắm, ghe thuyền đậu sát cạnh nhau, người có thể bước đi từ bờ này qua bờ bên kia”, chị Oanh – người phụ nữ trong gia đình đã bốn đời ở chợ nổi Ngã Bảy cho biết. “Ngày xưa dễ kiếm tiền lắm vì quá trời đông đúc, ngày thì buôn bán hoa quả, tối thì bán chè, hủ tiếu, xôi”.
17 tuổi, chị Oanh một mình buôn hàng từ chợ nổi Ngã Bảy mang về Sóc Trăng bán, đi cùng là 500 - 600 ký hoa quả.
“Lúc đó buôn bán dễ, lại có sức khỏe nên ham lắm. Mỗi tuần là chị sắm được một chỉ vàng, giá cỡ 200 – 300 ngàn. Chị nhớ có thời điểm, chỉ bẻ một cây xoài đi bán cũng lời được tới 6 chỉ vàng. Giờ thì cả tháng mần không được một chỉ”, chị Oanh kể.
Sự đông đúc của chợ nổi giúp người dân có thêm thu nhập nhưng cũng là mối nguy hiểm về giao thông đường thủy. Những khu vực tụ họp của nhiều nhánh sông thường hay vướng phải nước xoáy, các phương tiện neo đậu gây ách tắc trên diện rộng. Không chỉ vậy, vào mùa nước nổi, nước chảy xiết hay gây ra tai nạn đụng tàu, chìm ghe.
Bởi vậy, năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy đã được di dời tới vị trí mới cách nơi cũ 3km. Tuy nhiên, kể từ đó, chợ ngày càng đìu hiu, suy tàn.
SỨC ÉP TỪ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Theo nhiều người dân ở chợ nổi Ngã Bảy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ảm đạm là sự phát triển của giao thông trên bộ giúp việc di chuyển, chở hàng trên bờ thuận tiện hơn rất nhiều. Đơn cử, đường nam sông Hậu dẫn tới Bạc Liêu, Phụng Hiệp và thậm chí tới Cà Mau, khiến nhiều người đã lựa chọn vận chuyển bằng xe tải.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của bờ kè tại khu vực xung quanh đã trực tiếp đẩy chợ nổi Ngã Bảy tới sự lụi tàn.
“Làm bờ kè thì đỡ sạt lún, trông khang trang, sạch sẽ, nhưng thương hồ không có chỗ lên xuống. Giờ làm gì còn chợ nổi, chìm hết rồi”, một người phụ nữ bán hàng ăn tại khu vực Ngã Bảy cho biết khi du khách hỏi lối xuống thuê ghe đi chợ nổi.
Không chỉ có chợ nổi Ngã Bảy, nhiều chợ nổi khác tại khu vực ĐBSCL cũng cùng chung số phận khi các phương tiện giao thông đường bộ ngày càng phổ biến hơn.
Theo thông tin tại cuộc họp giữa năm ngoái của UBND huyện Cái Bè, số lượng xuồng ghe buôn bán trên chợ nổi truyền thống ngày càng giảm sút.
Nguyên nhân là do hiện nay, các thương lái đến trực tiếp thỏa thuận giá cả với nhà vườn và tự chuyên chở đi bằng phương tiện đường bộ. Do đó, việc kinh doanh buôn bán của thương hồ trên chợ nổi tiếp tục khó khăn, dẫn tới các thương hồ có điều kiện đã chuyển nghề.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ mua bán nông sản thất thường do bị các tiểu thương ép giá, không có đầu ra khiến chợ nổi ngày càng thưa thớt và thương hồ bỏ chợ.
Tại chợ nổi Cái Răng – một trong những chợ nổi cuối cùng còn sót lại của miền Tây, tình hình buôn bán cũng không mấy khả quan.
Bà Bảy bán bún tại đây cho biết, trung bình mỗi ngày trước đây bà có thể bán 120 bát, cao điểm có thể lên tới hơn 150 bát, chủ yếu phục vụ cho các thương hồ. Thế nhưng, lượng khách cứ sụt giảm dần. Kể từ sau Covid-19 tới nay, bà chỉ bán được khoảng 50 bát mỗi ngày.
“Ngày xưa nhiều ghe to tới đây buôn bán, ghe thuyền san sát không thấy mặt nước,” bà Bảy nhớ lại.
Một vị nữ giám đốc một khu nghỉ dưỡng lớn tại Cần Thơ – người có kinh nghiệm hơn 20 năm khai thác du lịch tại chợ nổi Cái Răng – chia sẻ giấu tên rằng, trước kia khu vực miền Tây chỉ có đường mòn, phương tiện vận chuyển nông sản, hoa quả chủ yếu là ghe thuyền. Điều này dẫn tới nhu cầu buôn bán, trao đổi của người dân, hình thành lên chợ nổi.
Hiện tại, giao thông nông thôn được đầu tư phát triển, xe tải 500kg tới 1 tấn có thể vào tận vườn và thu mua nông sản. Điều này một mặt mang lại sự tiện lợi cho người dân, giúp nhiều người dân tiêu thụ nông sản tốt hơn, nhưng mặt khác, cũng khiến nhu cầu giao thương trên chợ nổi giảm dần.
Việc làm bờ kè thời gian qua cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc suy giảm ghe thuyền trên chợ nổi khi các thương hồ gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa lên xuống, bà cho biết.
“Chợ nổi Cái Răng mà biến mất thì chúng tôi cũng chưa biết sẽ làm du lịch như thế nào”, bà lo lắng, bởi đây là một trong những địa điểm chủ đạo thu hút khách du lịch đến với miền Tây.
Với nhiều người sinh sống, buôn bán trên chợ nổi Cái Răng, sinh kế của họ cũng sẽ đi vào ngõ cụt nếu chợ nổi này biến mất.
“Bảy bán dưới ghe này tới khi nào hết sức khỏe thì nghỉ chứ không lên bờ đâu. Ế ẩm lắm. Mình ở dưới ghe riết quen rồi. Ở trên bờ tự làm tự chạy không được đâu. Ở dưới sông này mình quay qua quay lại được”, bà Bảy chia sẻ.
Mặc dù đã có một căn nhà chòi cấp 4 trên bờ nhờ tiền đền bù lúc làm bờ kè, sinh kế của gia đình bà Bảy vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào chợ nổi.
Chị Đặng Thị Diệu, người sinh sống và buôn bán ở chợ nổi Cái Răng đã hơn hai thập kỷ, cũng chẳng biết đi đâu để tìm sinh kế tốt hơn.
Hơn 20 năm trước, chị và chồng rời quê Phong Điền lên vùng chợ nổi đông đúc nhất lúc ấy làm ăn. Sau từng ấy thời gian, quê hương với chị giờ đây cũng không khác mấy nơi xa lạ, chẳng thể tìm về lúc khó khăn. “Giờ về quê cũng không biết mần gì, trồng cây trái thì chị cũng chẳng biết vì trước giờ đã quen buôn bán”.
Gia đình chẳng có thu nhập ổn định nên đứa con gái đầu của chị bỏ học khi hết cấp ba, đi làm sớm kiếm tiền phụ ba mẹ.
HƯỚNG ĐI NÀO CHO CHỢ NỔI?
Tại khu vực bên cạnh bến cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy, các hoạt động giải tỏa, đền bù cho người dân tiếp tục diễn ra, phục vụ cho dự án làm bờ kè dọc bờ sông. Một lần nữa, sinh kế của người dân có nguy cơ sụt giảm hoặc thậm chí biến mất.
Chị Duyên ở Ngã Bảy, Hậu Giang cho biết, sau khi chợ giải tán, hai vợ chồng chị chuyển qua làm cần xé – một trong những nghề truyền thống của khu vực này. Thế nhưng, lượng đơn cứ sụt giảm dần từ Covid-19 tới nay.
Loay hoay mãi, chị quyết định làm giỏ theo đơn đặt hàng của đại lý nhưng cũng không khá hơn là bao. “Mỗi ngày chị mần được 10 - 12 giỏ, mỗi cái được trả công 11.000 đồng”, chị Duyên cho biết.
Nhà chị ở ven sông, nằm trong khu vực giải tỏa, được đền bù và di chuyển sang khu tái định cư khang trang, rộng rãi hơn. Nhưng với chị Duyên và nhiều gia đình khác, tương lai ấy lại nghiêng nhiều về gam màu tối.
“Họ (chính quyền và nhà đầu tư) gọi lên hỏi ý kiến rồi mà cũng chưa biết đâu vào đâu. Ở đây còn sống được chứ lên tái định cư chết ngắc vì biết làm gì. Ở đâu mà có quy hoạch thì dân không thể nào sung sướng được”, chị nói.
“Họ đưa mình đi đến mấy chỗ mình đâu có làm ăn được, vừa mất nhà mà vừa không có việc làm nữa, thất nghiệp luôn. Mấy ông đi quy hoạch tới đâu là dân khổ tới đó”, chị Duyên bày tỏ.
Thành phố Ngã Bảy đã đặt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, chị Duyên cho biết, các hoạt động tại khu vực chợ nổi Ngã Bảy hiện nay không có là bao.
Tại chợ nổi Cái Răng, sau khi có những phản hồi về khu vực bờ kè quá cao, không có lối lên xuống cho thương hồ vận chuyển hàng hóa, khu vực này đã được xây dựng bến thủy, cầu tàu, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa chợ và trên bờ.
“Trước đây trong giai đoạn làm bờ kè, một số ghe, thuyền đã chuyển sang Đồng Tháp, nhưng hiện đã có một số tàu về”, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ (CISED), cho biết.
Tuy nhiên, đây chỉ một trong rất nhiều giải pháp cần phải thực hiện để có thể duy trì sự sống của chợ nổi.
Theo ông Tùng, việc níu kéo chợ nổi Cái Răng có những khó khăn khách quan. Trước đây, khu vực này là tự phát nhưng dần dần, số lượng ghe thuyền của thương hồ nhiều hơn cùng sự xuất hiện của các đoàn khách du lịch đã phát sinh nhiều vấn đề cần được quản lý.
Cùng với đó, về phía người dân, rất nhiều hộ gia đình đã sinh sống ở chợ nổi hàng chục năm, hình thành thói quen và sinh kế gắn liền với đường bờ sông, bờ kè, dẫn tới việc di dời cần thời gian và cần đảm bảo điều kiện sống tương đương.
Ông Tùng cho biết thêm, theo chia sẻ từ các thương hồ, nguyên lý cơ bản tại chợ nổi là ghe dưới sông sẽ thường đi kèm với vựa – nơi bán hàng trên bờ. Doanh thu của vựa đó chiếm tới 70 – 80% trong tổng thu của ghe thuyền.
Bờ kè xuất hiện đồng nghĩa với việc người dân không chỉ mất đi chỗ kết nối “trên bến dưới thuyền” mà còn mất luôn phần đất của vựa, buộc các thương hồ phải đi tìm chỗ khác.
“Giờ câu chuyện chỗ lên xuống đã xong thì cần phải tìm chỗ cho vựa làm sao thuận lợi đi lại cho các thương hồ”, ông Tùng đề xuất.
Tại dự thảo đề cương đề án về bảo tồn, phát huy văn hóa chợ nổi Cái Răng tới năm 2030 được giao xây dựng, CISED đề xuất một số phương án dự kiến dựa trên mô hình quản lý của Thái Lan và chỉnh sửa phù hợp với Việt Nam.
Đơn cử, CISED khuyến nghị kêu gọi đầu tư tại khu vực nhà kho, có những khu vực kinh doanh thương mại dịch vụ, trưng bày các sản phẩm OCOP, nông sản, khu vực biểu diễn nghệ thuật và khu vực vựa của thương hồ.
Bên cạnh đó, tổ chức mô hình quản lý chợ nổi và mời gọi đầu tư khai thác quản lý từ khu vực bến tàu du lịch đến chợ nổi.
Theo vị nữ giám đốc khu nghỉ dưỡng lớn tại Cần Thơ, các giải pháp hiện nay đang quá tập trung vào vấn đề văn hóa mà quên mất điều quan trọng nhất là giữ được thương hồ và sinh kế của họ.
“Cần hỏi xem họ đến đó làm gì, có những bất lợi gì như con cái không được đi học, xăng dầu có vấn đề gì, buôn bán có được hay không”, bà phân tích.
Theo bà, không nên xen kẽ hoạt động buôn bán và du lịch trên chợ nổi vì sẽ gây ra sự bất tiện, phiền toái cho thương hồ.
Vị này đề xuất muốn làm chợ nổi du lịch, nên chọn một con kênh ở gần chợ nổi Cái Răng hiện nay, có các kiot bán đồ ăn, bán đồ lưu niệm hai bên sông. Du khách sau tham quan chợ nổi thật có thể tới chợ nổi du lịch để thưởng thức đặc sản, hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống.
Không chỉ là bài toán văn hóa, chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi khác nói chung cũng như giao thông đường thủy tại ĐBSCL không chỉ mang nét văn hóa đặc trưng của khu vực, mà còn là nơi đảm bảo sinh kế cho nhiều người dân sinh sống tại đây và các thương hồ tới buôn bán.
Giữ chợ nổi giờ đây không dừng lại ở bài toán gìn giữ văn hóa, mà quan trọng hơn, duy trì cuộc sống của rất nhiều người, ông Tùng nhấn mạnh.
Vị này cho biết, mặc dù hiện nay hệ thống giao thông đường bộ tại miền Tây được đầu tư, nâng cấp, đường thủy vẫn là lối huyết mạch. Bên cạnh chi phí rẻ hơn, đặc điểm địa lý ĐBSCL với kênh rạch chằng chịt cũng phù hợp với việc vận chuyển bằng đường thủy.
Không chỉ vậy, canh tác nông nghiệp cũng phải bám vào các khu vực gần sông để nhận phù sa, lấy nước nên các tuyến giao thông cũng dựa vào đó mà hình thành.
Sự tan rã của các chợ nổi tại ĐBSCL đẩy sinh kế của nhiều gia đình vào bế tắc, gia tăng số người phải sống phụ thuộc vào các công việc thời vụ bấp bênh.
Không chỉ vậy, mất việc làm vốn có hàng chục năm qua sẽ buộc nhiều người lựa chọn tiếp tục ra đi như chị Oanh, gia tăng áp lực lên dòng di cứ vốn đã lớn đổ lên TP.HCM và một số tỉnh công nghiệp lân cận.
Một số người khác thì thậm chí chấp nhận vay tiền để có thể đi lao động tại nước ngoài như gia đình chị Diệu. Chị cho biết, chồng và đứa con gái đầu tính đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.
“Giờ lên Sài Gòn không quen biết, không biết làm gì, công việc cũng không dễ kiếm như trước đây mà chi phí ăn ở tốn kém”, chị giải thích.
Gần đây có công ty môi giới đến giới thiệu chương trình đi Hàn với mức phí 45 triệu đồng/người, nhưng thu nhập mỗi ngày có thể kiếm từ 800 – 1 triệu đồng và thời gian đi khoảng nửa năm. Chị tính ráng đi vay mượn đóng trước rồi sau này kiếm được về sẽ trả lại.
“Họ nói không cần học tiếng, nếu sang sẽ cho ở, cho gạo để ăn, còn thức ăn thì mình tự mua. Nhưng lo lắm, sang đó xa xôi, tiếng không biết, nhỡ mất cả tiền lẫn người thì chị biết sống sao”, chị Diệu bồn chồn.
Với chị Diệu, bà Bảy và nhiều người dân khác ở chợ nổi Cái Răng, sự ảm đạm của khu vực này sẽ dẫn đến viễn cảnh giống như cái kết mà nhiều chợ nổi khác tại ĐBSCL đã trải qua: sinh kế vốn có biến mất.
Nếu may mắn còn sức khỏe, những con người ấy có thể lựa chọn những công việc khác, nhưng sự thay đổi ấy sẽ tiếp tục là nét vẽ bấp bênh kéo dài của nhịp ghe thuyền theo dòng nước vốn gắn chặt vào cuộc đời họ.
*Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews
Bài, ảnh: Kiều Mai
Thiết kế: Diệu Thảo
Ngày: 06/08/2024